Tình yêu là gì? Người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu được nhắc đến trong các bộ phim, trong những câu chuyện kể, trong các ca khúc, các chương trình truyền hình, radio, tạp chí. Thậm chí nhiều người còn làm công việc hỗ trợ người khác hiểu tình yêu là gì. Nhưng tình yêu vẫn là một hiện tượng bí ẩn. Tình yêu là một bông hoa mong manh. Tình yêu cần được bảo vệ, được chăm bón; chỉ có như vậy tình yêu mới trở nên mạnh mẽ. Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Chỉ ở trong môi trường yêu thương thì tình yêu mới phát triển.
Thật tiếc khi phải bắt đầu bằng câu hỏi này. Với những gì diễn ra trong cuộc sống, tưởng chừng như mọi người đều biết câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng trên thực tế, chỉ có rất ít người biết rõ tình yêu là gì. Tình yêu trở thành một trong những trải nghiệm hiếm hoi nhất. Đúng vậy, người ta nói nhiều về tình yêu. Tình yêu được nhắc đến trong các bộ phim, trong những câu chuyện kể, trong các ca khúc, các chương trình truyền hình, radio, tạp chí - một ngành công nghiệp khổng lồ với vô vàn cách định nghĩa về tình yêu. Thậm chí nhiều người còn làm công việc hỗ trợ người khác hiểu tình yêu là gì. Nhưng tình yêu vẫn là một hiện tượng bí ẩn.
Nó gần giống như khi ai đó hỏi “Thức ăn là gì?”. Liệu bạn có bất ngờ khi ai đó đến hỏi bạn câu hỏi trên? Trừ khi người đó bị bỏ đói ngay từ đầu và chưa từng nếm qua mùi vị thức ăn, câu hỏi đó mới được xem là có liên quan. Trường hợp này cũng tương tự như câu hỏi “Tình yêu là gì?”.
Tình yêu là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn, nhưng bạn đã bị bỏ đói. Tâm hồn bạn không nhận được tình yêu, cho nên bạn không biết được mùi vị của nó. Cơ thể nhận thức ăn nên cơ thể được duy trì sự sống; còn tâm hồn chưa nhận được thức ăn nên tâm hồn đã chết, hoặc chưa được sinh ra, hoặc luôn ở ngưỡng cửa của cái chết.
Ngay từ khi chào đời, chúng ta đều được trang bị khả năng yêu và được yêu. Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều chan chứa tình yêu và biết rõ tình yêu là gì. Bạn không cần phải dạy đứa trẻ sơ sinh tình yêu là gì. Nhưng vấn đề nảy sinh bởi vì bố mẹ chúng không biết tình yêu là gì. Đứa trẻ không được chọn người cha, người mẹ xứng đáng với nó - không đứa trẻ nào có được diễm phúc được chọn gia đình cho mình cả. Những người cha người mẹ như vậy chưa bao giờ tồn tại cả. Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra với tình yêu chan chứa, tràn đầy; nhiều hơn mức chúng có thể đón nhận. Một đứa trẻ chào đời chính là kết quả của tình yêu.
Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Tình yêu cần có một môi trường yêu thương để nảy nở - đó là nền tảng cơ bản nhất cần phải ghi nhớ. Chỉ ở trong môi trường yêu thương thì tình yêu mới phát triển; nó cần nhịp đập, sự rung động tương tự xung quanh. Nếu người mẹ yêu thương, người cha yêu thương - không chỉ với đứa trẻ mà họ còn yêu thương nhau, nếu ngôi nhà tràn ngập bầu không khí yêu thương - đứa trẻ sẽ bắt đầu hành xử như một người có tình yêu, và nó sẽ không bao giờ đặt câu hỏi “Tình yêu là gì?”. Ngay từ đầu, đứa trẻ sẽ biết tình yêu là gì và tình yêu đó trở thành nền tảng của nó.
Tôi không thể định nghĩa về tình yêu là gì bởi vì không có định nghĩa chính xác về tình yêu. Nó là một trong những thứ không thể định nghĩa được giống như cái chết, Thượng đế,... Tình yêu không phải một hiện tượng hữu hình để có thể mổ xẻ hay phân tích. Nó chỉ có thể được trải nghiệm và chỉ có trải nghiệm chúng ta mới có thể cảm nhận được tình yêu là gì, hình dung ra sao. Tình yêu không thể nào là thứ phải đạt được, nó phải là thứ phát triển từ sâu bên trong bạn để trở nên chân thật và đáng tin cậy.
Có người hỏi: “Chúng ta bắt đầu hành trình hướng đến tình yêu bằng cách nào đây?”. Một khi bạn đã hỏi như vậy, nghĩa là hành trình này đã bắt đầu; bạn đang ở trong hành trình đó. Bạn phải nhận ra điều này - một cách vô thức, bạn đang ở trong hành trình đó. Đó là lý do vì sao bạn cảm thấy cần phải bắt đầu nó. Nhận diện nó, ý thức về nó, và chính sự nhận biết đó sẽ trở thành sự khởi đầu. Bạn luôn di chuyển đến một nơi nào đó - dù biết hay không, dù sẵn lòng hay không, bạn vẫn đi - một nguồn lực to lớn nào đó sẽ ngay lập tức kích hoạt hoạt động bên trong bạn. Sự tồn tại đang phát triển, nó không ngừng tạo ra điều gì đó bên trong bạn. Do đó, câu hỏi đặt ra không phải là cách bắt đầu hành trình, mà là cách nhận ra nó. Nó ở đó, nhưng bạn lại không hề nhận ra.
Chẳng hạn như, cây cối chết, nhưng chúng không biết điều đó. Chim chóc và các loài vật chết nhưng chúng không biết. Chỉ có con người biết rằng họ phải chết, và thậm chí tuy vậy kiến thức đó cũng rất mơ hồ, không rõ ràng. Điều này cũng giống như với trong cuộc sống, những chú chim đang sống nhưng có lẽ bản thân chúng đôi khi sẽ không thể nhận biết được cái chết sắp đến của mình. Làm sao bạn có thể biết về sự sống nếu như không biết về cái chết? Làm sao bạn biết mình còn sống nếu như không hề hay biết về cái chết? Cả hai sự nhận biết này phải đều được song hành, không thể tách rời. Chim chóc, các loài động vật, cây cối đều đang sống, nhưng chúng không nhận ra rằng mình đang sống.
Con người nhận ra, dù không nhiều, rằng anh ta sẽ chết - nhưng sự nhận biết đó vẫn mập mờ, ẩn sau làn khói dày đặc. Điều này cũng giống như cuộc sống: bạn còn sống, nhưng bạn không hay biết chính xác mình còn sống có nghĩa là gì. Kiến thức đó cũng mơ hồ, không rõ ràng. Khi nói đến nhận biết, Osho muốn nói về việc trở nên tỉnh táo với nguồn năng lượng sống này, nó là gì, điều gì sắp xảy ra. Việc tỉnh táo nhận biết về bản thể của mình là sự khởi đầu của hành trình hướng đến tình yêu. Đến một thời điểm bạn trở nên tỉnh táo đến mức chỉ một phần nhỏ bóng tối quanh bạn thôi cũng là điểm kết thúc của hành trình.
Đừng bao giờ nghĩ rằng tình yêu là bất biến, và như thế sẽ khiến cho đời sống tình yêu của bạn ngày càng đẹp hơn - bởi vì bạn biết rằng hôm nay bạn bên nhau, nhưng ngày mai bạn có thể sẽ phải chia xa. Trong cuộc sống, mọi thứ luôn thay đổi, và đó chính là vẻ đẹp của nó; nó cho bạn ngày càng càng nhiều trải nghiệm, ngày càng nhiều sự tỉnh thức, ngày càng nhiều cơ hội để trưởng thành.
Tình yêu là tôn giáo duy nhất, là điều bí ẩn duy nhất phải được sống, được trải nghiệm, được hiểu. Khi hiểu được tình yêu, bạn sẽ hiểu được tất cả những điều mà những nhà hiền triết từng nói về tình yêu. Việc này không có gì là khó, nó đơn giản như nhịp tim hay nhịp thở của bạn vậy. Nó đến cùng với bạn, không phải do xã hội hay bất cứ ai trao cho bạn. Và đây là điều mà xuyên suốt cuốn sách này muốn nhấn mạnh: tình yêu đến với bạn từ lúc chào đời - dĩ nhiên là giống như nhiều thứ lúc đó, nó vẫn chưa thể phát triển ngay được.
Cuộc sống là một chuỗi những thay đổi không ngừng; mọi thứ đều thay đổi, chuyển động. Không có gì là không thay đổi, không có gì là mãi mãi. Bạn có thể đã bị nhồi nhét suy nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, là bất biến, là thứ sẽ trường tồn mãi mãi với một người. Đây là suy nghĩ sẽ hủy hoại cuộc đời bạn. Bạn sẽ kỳ vọng vào tình yêu lâu bền với một người phụ nữ và ngược lại, cô ấy cũng sẽ kỳ vọng như vậy đối với bạn. Tình yêu trở thành thứ yếu, sự lâu bền trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tình yêu giống như là một đóa hồng mỏng manh mà bạn không thể ép nó sống mãi. Tình yêu thật sự cũng bất định như cuộc sống. Bạn không thể nói rằng bạn sẽ ở đây ngày mai. Bạn thậm chí không thể chắc chắn rằng bạn sẽ tồn tại vào giây phút tiếp theo, vào ngày tiếp theo. Cuộc sống của bạn liên tục thay đổi - từ tuổi thơ đến tuổi trẻ, trung niên, đến tuổi già, đến cái chết, nó cứ không ngừng thay đổi, không ngừng vận động. Một tình yêu thật sự rồi cũng sẽ đổi thay.
Tình yêu không bao giờ khiến ai phải chịu đau khổ. Và nếu bạn cảm thấy bị tổn thương bởi tình yêu, nghĩa là có điều gì đó khác bên trong bạn, không phải phẩm chất yêu thương, đang cảm thấy bị tổn thương. Chừng nào vẫn chưa nhận ra điều này, bạn sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn. Thứ mà bạn gọi là tình yêu có thể ẩn giấu nhiều điều không phải là tình yêu - tâm trí con người vốn rất khôn khéo, xảo quyệt khi lừa dối người khác và tự lừa dối chính mình. Tâm trí phủ lên những thứ xấu xí bằng các lớp nhãn mác xinh đẹp, che đậy vết thương của bạn bằng những bông hoa. Đây là một trong những điều đầu tiên bạn phải đào sâu nếu muốn hiểu tình yêu là gì.
Từ “tình yêu” mà mọi người vẫn thường sử dụng không phải là tình yêu mà là lòng ham muốn. Và lòng ham muốn sẽ gây tổn thương, bởi vì việc khao khát ai đó sẽ như là một vật thể chính là sự xúc phạm. Đó là sự xúc phạm, là sự thô bạo. Khi bạn hướng đến ai đó bằng lòng ham muốn, thì làm sao bạn có thể giả vờ như đó là tình yêu? Thứ mà bề nổi trông như là tình yêu chỉ cần bị cào nhẹ, bạn sẽ thấy ẩn sau chính là lòng ham muốn. Lòng ham muốn là thú tính. Việc nhìn thấy ai đó đầy ham muốn là xúc phạm, là làm nhục, là làm giảm giá trị của người đó xuống thành đồ vật, thành một món hàng. Không ai thích bị sử dụng hay bị lợi dụng. Không ai là món hàng, không ai là phương tiện để bạn đạt được mục đích gì đó.
Đó là sự khác biệt giữa lòng ham muốn và tình yêu. Ham muốn là sử dụng người khác để thỏa mãn dục vọng của bạn. Người khác chỉ bị lợi dụng, và khi đã lợi dụng xong, bạn sẽ ném cô ta/anh ta đi. Người đó không còn hữu ích với bạn nữa; bạn đã lợi dụng xong. Đây là một trong những hành động trái với đạo đức, với lương tâm của con người - sử dụng người khác như một phương tiện.
Tình yêu chính là đối lập với lòng ham muốn: tôn trọng người khác vì lợi ích của chính người đó. Khi bạn yêu một người vì lợi ích của người đó, sẽ không có cảm giác tổn thương; tình yêu đó sẽ càng khiến bạn giàu có. Tình yêu khiến mọi người trở nên giàu có. Thứ hai, tình yêu chỉ chân thật nếu không có cái tôi ẩn phía sau; bằng không, tình yêu sẽ chỉ là hành trình của cái tôi. Đó là cách tinh vi để nắm quyền kiểm soát. Và bạn phải thật tỉnh táo vì sâu bên trong bản chất của con người, sự chiếm hữu đã trở thành một phần ăn sâu vào trong máu thịt của bạn. Nó sẽ không bao giờ xuất hiện trần trụi mà luôn ẩn đi sau những bộ cánh, những lớp trang trí thật đẹp.
Cha mẹ không bao giờ nói rằng con cái là tài sản của họ, họ không bao giờ nói rằng mình muốn kiểm soát con cái, nhưng thực sự đó là điều mà họ đang làm. Cha mẹ nói rằng mình muốn giúp, rằng họ muốn con cái thông minh, khỏe mạnh, hạnh phúc, nhưng - và chữ “nhưng” đó mới là vấn đề - nó phải diễn ra theo ý muốn của họ. Ngay cả niềm hạnh phúc của con cái cũng phải được quyết định theo ý kiến của cha mẹ; con cái phải hạnh phúc theo kỳ vọng của cha mẹ. Con cái phải thông minh nhưng đồng thời cũng phải dễ bảo. Đây là một đòi hỏi không thể thực hiện được! Người thông minh không thể nào là một người dễ bảo; người dễ bảo phải từ bỏ một phần thông minh của mình. Người thông minh chỉ tuân thủ khi nào họ cảm thấy vô cùng đồng ý với bạn. Họ không thể tuân thủ chỉ vì bạn to lớn hơn, mạnh mẽ hơn, uy quyền hơn. Người thông minh không thể phục tùng chỉ vì quyền hành bạn đang có. Trí thông minh là thứ có tính nổi loạn, và không một cha mẹ nào muốn con cái mình nổi loạn cả. Sự nổi loạn sẽ đi ngược lại với khao khát tiềm ẩn của cha mẹ trong việc giành quyền kiểm soát.
Hãy cẩn trọng với những cái tôi tiềm ẩn sâu bên trong mỗi người. Khi sở hữu hay bị sở hữu, bạn sẽ bị tổn thương, bởi vì bằng cách này hay cách khác, người mà bạn tìm cách sở hữu sẽ nổi dậy, sẽ phá hủy mọi nỗ lực kiểm soát, chiến lược của bạn vì không điều gì quan trọng hơn sự tự do. Ngay cả tình yêu cũng trở thành thứ yếu so với sự tự do; tự do là giá trị cao nhất. Bạn có thể hy sinh tình yêu cho tự do, nhưng không thể hy sinh tự do cho tình yêu. Và không may mắn hay đó là những điều mọi người đã làm từ bao nhiêu lâu nay, từ khi mọi người có được ý thức về cảm giác yêu, hy sinh tự do cho tình yêu. Khi đó sẽ có phản kháng, xung đột, và người ta tận dụng mọi cơ hội để làm tổn thương nhau.
Tình yêu dưới dạng thuần khiết nhất đó là sự chia sẻ niềm vui. Nó không đòi hỏi đền đáp gì cả, không có kỳ vọng gì cả. Chính vì lẽ đó, làm sao bạn có thể bị tổn thương được. Khi không có kỳ vọng, bạn sẽ không có cơ hội bị tổn thương. Khi đó, bạn có thể yêu từ cách xa hàng ngàn dặm, không cần phải hiện diện bên nhau. Tình yêu là một hiện tượng tinh thần, còn lòng ham muốn thì thuộc về thể xác.
Cái tôi thuộc về tâm lý, còn tình yêu thuộc về tinh thần. Bạn sẽ phải học bảng chữ cái của tình yêu. Bạn sẽ phải bắt đầu từ đầu, từ con số không; nếu không, bạn sẽ bị tổn thương hết lần này đến lần khác. Và hãy nhớ, không ai chịu trách nhiệm ngoài chính bạn. Và chỉ có bạn mới giúp được chính mình. Sao người khác có thể giúp được bạn? Không ai khác có thể phá bỏ cái tôi của bạn cả. Nếu bạn cứ neo bám vào nó, không ai phá bỏ được; nếu bạn đã đầu tư vào nó, không ai phá hủy được. Tôi chỉ có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình với bạn. Đức Phật chỉ có thể chỉ cho bạn con đường; bạn phải đi, bạn phải tự đi theo con đường đó theo cách của bạn. Không ai có thể dẫn đường bạn, nắm tay bạn.
Hãy nhớ rằng, nỗi sợ không phải là tình yêu, và trong tình yêu không bao giờ có sự sợ hãi. Không có gì để mất vì tình yêu. Vì sao phải e sợ? Tình yêu chỉ cho đi. Yêu không phải là một giao dịch buôn bán, do đó không có vấn đề lỗ lãi. Tình yêu thích được cho đi, giống như những bông hoa luôn tỏa hương thơm. Hãy nhớ, nỗi sợ và tình yêu không bao giờ tồn tại. Điều đó là không thể. Nỗi sợ là sự đối lập của tình yêu. Người ta thường cho rằng ghét mới đối lập với yêu. Đó là suy nghĩ sai lầm, hoàn toàn sai lầm. Nỗi sợ mới đối lập với tình yêu. Khi ghét, người ta chỉ bộc lộ điều đó một lúc, nhưng thực chất vẫn yêu.
Tình yêu không còn nồng thắm nhưng nó vẫn còn ở đó. Sợ mới là cực đối lập của tình yêu, sợ có nghĩa là lúc này toàn bộ năng lượng của tình yêu đã biến mất. Yêu là hướng ra ngoài, can đảm tìm đến người khác, với niềm tin vô bờ rằng mình sẽ được đón nhận - và nó luôn được đón nhận. Còn nỗi sợ sẽ co rút vào bên trong, khép kín, đóng hết các cánh cửa lớn, cửa sổ để mặt trời, gió, mưa không thể nào chạm đến bạn - bạn quá sợ hãi. Bạn đang bước chân vào nấm mồ khi vẫn còn đang sống.
Có vài điều trước hết cần được hiểu. Đầu tiên, đàn ông và đàn bà là hai nửa của nhau, nhưng mặt khác là hai cực đối lập. Hai cực đối lập đó hấp dẫn họ đến với nhau. Khoảng cách càng xa, sức hấp dẫn càng lớn; họ càng khác biệt, sự quyến rũ, vẻ đẹp và sức hấp dẫn càng cao. Nhưng trong đó chứa đựng toàn bộ vấn đề. Khi đến gần nhau, họ muốn gần hơn, họ muốn hòa vào nhau, họ muốn được trở thành một, một thể hài hòa - nhưng toàn bộ sức hấp dẫn của họ phụ thuộc vào đối lập, và sự hòa hợp đó sẽ phụ thuộc vào việc làm tan biến sự đối lập đó. Chừng nào tình yêu chưa thật sự tỉnh thức thì nó sẽ tạo ra nỗi đau, rắc rối lớn.
Tất cả những người đang yêu đều gặp rắc rối. Rắc rối đó không mang tính cá nhân; nó nằm trong chính bản chất của sự việc. Họ không đưa ra được lý do vì sao họ lại có sức hút mãnh liệt với nhau đến vậy. Họ thậm chí không nhận biết được các nguyên nhân cơ bản. Ở từng điểm nhỏ, thái độ của họ khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Mặc dù nói cùng một ngôn ngữ nhưng họ không thể hiểu nhau. Các cặp đôi khi yêu nhau thường không rõ ràng với nhau. Bạn hy vọng người kia sẽ hiểu. Nhưng chẳng có ai hiểu cả! Không có sự giao tiếp, các vấn đề không thể nào được trình bày một cách rõ ràng. Nếu thật sự yêu nhau, hai người sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.
Tình yêu chỉ có thể đạt đến sự thân mật sâu sắc nếu hai nửa thực sự hiểu về nhau. Khi đó, cho dù một ngày nào đó phải chia tay thì cả hai vẫn sẽ hiểu nhau, và đó là món quà tình yêu mà cả hai dành cho nhau. Nếu bạn yêu một người, món quà quý giá duy nhất mà bạn có thể đem trao tặng là sự hiểu biết của mình dành cho người kia.
Review bởi: Ngọc Trâm - Bookademy