Bài xẩm kết hợp giữa điệu xẩm tàu điện và điệu xẩm chợ, như câu chuyện kể xót xa về sự chịu đựng của một bé gái mới 8 tuổi trước những trận đòn roi và lời nhiếc móc của mẹ ghẻ, sự làm ngơ của người cha…
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, tác giả bài xẩm cho biết, khi đọc những bài báo cùng thông tin đưa liên tiếp về diễn biến vụ việc khiến anh cũng như các thành viên trong nhóm xẩm bị ám ảnh và xót thương bé V. A.
"Để một bé gái bơ vơ ngay trong gia đình mình, ngay trong lòng những người thân là một tội ác cần phải nghiêm trị làm gương", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.
Bài xẩm được nhạc sĩ Nguyễn Quang Long hoàn thành chỉ trong vòng 2 tiếng. Anh cũng là người góp giọng trong bài xẩm cùng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, bên cạnh tiếng đàn nhị của nghệ sĩ Nguyễn Hải Đăng, nghệ sĩ Phạm Đình Dũng. Ngoài ra, nghệ sĩ Hữu Thắng đảm nhiệm bộ gõ, kỹ thuật dựng, nhà sản xuất âm nhạc Kiên Ninh phụ trách phần thu âm.
Toàn bộ các nghệ sĩ đều tự nguyện tham gia sản xuất bài xẩm với sự đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau thương mà bé gái phải chịu đựng.
"Những thành viên trong nhóm xẩm hầu hết đều đã làm bố, làm mẹ. Chúng tôi cũng như những bậc cha mẹ khác luôn thấy những đứa trẻ như những thiên thần được tạo hóa ban tặng. Yêu các con còn không hết. Chúng tôi thấy đau buồn và xót thương em bé trong vụ việc này", nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ, bài xẩm vừa là những điều mà nhóm Xẩm Hà Thành và cá nhân anh muốn bày tỏ, góp thêm một tiếng nói chống nạn bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay.
Theo anh, đề cập tới những vấn đề xã hội vừa là chức năng vừa là thế mạnh của xẩm. Trước bài xẩm này, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã viết những bài xẩm có đề tài xã hội, do nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện, như: Tiễu trừ cướp biển (2014), Xẩm trà đá (2015), Xẩm Cá chết (2016), Tiêu diệt Corona(2020).