Tự kỷ hiểu thế nào cho đúng?

18/04/2019 08:33
Tự kỷ hiểu thế nào cho đúng?

Tự kỷ không phải là “nguyên nhân” để những người thân có trẻ tự kỷ bị né tránh và đối xử khác biệt nữa. Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách “Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ” sẽ giúp bạn có cái nhìn thiện cảm hơn nếu sống bên cạnh một người “tự kỷ”.

Tự kỷ hiện nay đã không còn là “hiếm gặp” và không phải là “nguyên nhân” để những người thân có trẻ tự kỷ bị né tránh và đối xử khác biệt nữa. Tự kỷ đã, đang được cộng đồng chung tay cùng nhau chia sẻ nhiều câu chuyện hình ảnh có thật về sự hồn nhiên trong sáng của những em bé thiếu may mắn này.

Những bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách “Thấu hiểu và hỗ trở trẻ tự kỷ” sẽ giúp bạn có cái nhìn thiện cảm hơn nếu sống bên cạnh một người “tự kỷ”.

Định nghĩa về bệnh tự kỷ

Bệnh tự kỷ là một trong năm tiểu loại của nhóm bệnh Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Developmental Disorders - PDD). Đây là căn bệnh được phỏng đoán là có nguyên nhân từ những hoạt động bất thường của hệ thần kinh của người bệnh, làm cho khả năng phát triển trên các mặt ngôn ngữ, hành vi, và cách ứng xử của cá nhân ấy bị giới hạn, cùn mòn, hoặc sai lệch.

Trẻ bộc lộ dấu hiệu tự kỷ khi nào

Tự kỷ là căn bệnh có mầm mống xuất phát ngay từ khi trẻ mới sinh ra, nhưng phải đến ít nhất từ 6 tháng trở lên mới có thể phát hiện được một vài dấu hiệu bệnh nơi trẻ; chẳng hạn nét mặt trẻ đờ đẫn, thờ ơ, không lanh lợi, không có nụ cười bình thường, không có phản ứng thích thú khi được mẹ nâng niu, bồng bế... Tuy nhiên, cho đến khoảng 36 tháng tuổi thì việc chẩn đoán mới thật sự thích hợp vì lúc đó những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tự kỷ sẽ lan tỏa và lộ rõ trên các mặt ngôn ngữ, hành vi và trong các phản ứng về mặt tương tác xã hội của đứa trẻ.

Bệnh tự kỷ có thể có nhiều mức độ khác nhau, từ rất nhẹ đến rất nặng, nhưng thống kê trên nhiều quốc gia cho thấy, đa số trẻ bị bệnh này thường ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, bệnh tự kỷ được xếp vào loại bệnh mãn đời, có nghĩa là nó không bao giờ biến mất, mặc dù sự chữa trị thích hợp và đúng đắn vẫn có thể mang lại nhiều kết quả khả quan đối với những trường hợp bệnh tương đối không quá nặng.

Tự kỷ có tự khỏi không

Theo thời gian, nhiều trẻ tự kỷ khi đến tuổi vị thành niên thường có nhiều dấu hiệu tiến bộ về ngôn ngữ cũng như một số khả năng trong đối đáp và giao tiếp. Tuy nhiên, với những triệu chứng sai lệch và suy giảm của tập quán, hành vi và những cử chỉ rập khuôn, lặp đi lặp lại thì khả năng phục hồi là rất hiếm. Thực tế là có một số trẻ tự kỷ có thể sống một đời sống tự lập và có khả năng lập gia đình khi đã đến tuổi thành niên. Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 2% trẻ tự kỷ đã tương đối bình phục và có thể làm được những việc như những người bình thường.

Điều đáng chú ý là trong số các trẻ em bị bệnh tự kỷ lại có em đặc biệt có chỉ số thông minh rất cao và có những khả năng vượt trội trên nhiều phương diện thuộc về trí nhớ, toán học và nghệ thuật. Trên thực tế, đã có những trẻ tự kỷ trở thành thần đồng trong một số lãnh vực. Một số trẻ tự kỷ được ghi nhận là có trí nhớ ngoại hạng. Chúng có thể nhớ thuộc lòng nhiều bài hát xưa cũ, nhớ chính xác những ngày tháng của nhiều biến cố lịch sử, nhớ rõ ngày giờ các chương trình tivi trong tháng qua, hoặc có thể đọc lại vanh vách từng chữ trong một bài báo mới vừa đọc qua một lần, nhưng về ý nghĩa và nội dung bài báo thì chúng lại không hiểu được.

Một số trẻ tự kỷ khác lại cũng rất giỏi về toán học, âm nhạc, hội họa, v.v. Có giai thoại nói rằng nhà bác học thiên tài Albert Einstein cũng là người đã mang một số chứng tật của bệnh tự kỷ trong suốt cuộc đời ông.

Nguyên nhân của bệnh tự kỷ

Trong những thập niên vừa qua đã có nhiều cuộc nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân của bệnh tự kỷ. Một cách tổng quát, có thể chia các cuộc nghiên cứu ra làm 3 nhóm khác nhau: một nhóm theo quan điểm văn hóa xã hội, một nhóm theo quan điểm tâm sinh và một nhóm theo quan điểm sinh học. Các lý thuyết gia theo quan điểm văn hóa xã hội cho tình trạng căng thẳng, sức ép, sự rối loạn và chệch hướng của đời sống trong môi trường gia đình và ngoài xã hội là nguyên nhân chính gây ra bệnh tự kỷ cho trẻ em.

Chính nhà tâm lý Kanner, người đã đặt tên cho bệnh tự kỷ, cũng nói rằng ông quan sát thấy phần lớn những trẻ tự kỷ đều có cha mẹ là những cá nhân có những cá tính đặc biệt như lạnh lùng, khép kín, không thích thay đổi, khả năng giao tiếp vụng về, thích cô đơn… mà ông gọi là những cha mẹ tủ lạnh.

Trong khi đó, một số người khác trong nhóm quan điểm văn hóa xã hội lại nhận định rằng chính những sức ép gây ra bởi tính nhiễu nhương và hỗn độn của môi trường sinh hoạt xã hội mới là nguyên nhân gây ra càng ngày càng nhiều những đứa trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về sau cho thấy quan điểm văn hóa xã hội không đứng vững vì đã không tìm ra được con số thống kê cụ thể nào để bảo vệ lập trường của mình.

Các lý thuyết gia theo trường phái tâm sinh lại lý luận rằng nguyên nhân chính của bệnh tự kỷ là do rối loạn chức năng tâm lý thần kinh. Học phái này nhận thấy rằng trẻ tự kỷ thường bị rối loạn khả năng nhận thức và tri giác, có nghĩa là tự bẩm sinh đứa trẻ tự kỷ đã bị mất đi cái khả năng gọi là phương thức tư duy. Đây là khả năng tự nhiên và bẩm sinh của mọi đứa trẻ để giúp cho chúng dần dần biết học và hiểu được quan điểm hay ý định của người khác, để biết được người khác đang hoặc sẽ làm gì.

Khi khả năng này không có thì trẻ tự kỷ sẽ gặp khó khăn trong các sinh hoạt giao tiếp, đối đáp, không thể hiểu lời nói và những ám hiệu, ra dấu từ người khác, cũng như không biết chơi những trò chơi đòi hỏi sự giả vờ hay tưởng tượng. Trường phái tâm sinh tin rằng tình trạng này đương nhiên phải có liên hệ trực tiếp với những tổn thương nào đó về mặt sinh lý thể chất của đứa trẻ từ khi đang còn trong bào thai.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu với cha mẹ và thân nhân của các trẻ tự kỷ, yếu tố di truyền rõ ràng chịu trách nhiệm phần nào đối với bệnh tự kỷ. Kiểm tra trong số các trẻ sinh đôi cho thấy nếu cặp sinh đôi dị hợp tử (hai trứng) thì có 9% cùng bị các triệu chứng tự kỷ, nếu cặp sinh đôi đồng hợp tử (cùng trứng) thì khả năng lên đến 64% cả hai đều mắc bệnh. Nhưng trong anh chị em cùng cha mẹ với nhau thì con số chỉ khoảng 3%, có nghĩa là anh chị em cùng một gia đình thường khó bị cùng một loại bệnh hơn so với những cặp sinh đôi. Điều này cho thấy mức độ liên hệ huyết thống thường tỷ lệ thuận với các yếu tố di truyền.

Trích sách Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ

Nếu bạn đã từng nhìn thấy một đứa trẻ tự kỷ bạn sẽ hiểu vì sao Bố Mẹ người thân của các em luôn phải đấu tranh dằn vặt và nỗ lực không ngừng trong việc giúp con hòa nhập cuộc sống. Tâm sự của một người mẹ có hai con trai tự kỷ là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt, trái tim chị đã từng vỡ òa khi con biết cười, biết khóc đúng lúc.

Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ - sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về “bệnh” cần được nhận nhiều yêu thương hơn là xa lánh này. Chúng ta sẽ cảm thấy mình may mắn khi có được những đứa trẻ lành lặn. Và sẽ không bao giờ chúng ta so sánh, tị nạnh chỉ vì vài số đo cân nặng, vài sợi tóc, vài cái răng mọc chậm, hay vài bộ quần áo đẹp với những đứa trẻ con nhà khác. Chỉ cần con mình khỏe mạnh, bình thường thì đó đã là phước lớn trời cho rồi. Hy vọng những ai đang được hưởng điều quý báu đó, hoặc chưa biết mình đang được hưởng ân phước đó, sau khi đọc xong câu chuyện này, cuốn sách này, sẽ dành chút thời gian suy ngẫm về sự may mắn của mình mà biết hài lòng hơn với cuộc sống.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024