"Bậc cha mẹ quan tâm đến con cái, vợ chồng quan tâm nhau, anh em quan tâm nhau, ai ai cũng quan tâm đến nhau cả. Mọi người đang quan tâm đến nhau rất nhiều, ấy vậy mà thế giới này chẳng khác nào địa ngục. Hẳn phải có một sai lầm hết sức cơ bản nào đấy đang xảy ra", Osho ghi trong "Từ bi".
Trong cuốn sách, Osho nhắc nhiều đến những "ảo ảnh" tình thương khác nhau, điểm chung đều nẳm ở sự hiện diện của những động cơ, khát khao, đam mê cá nhân ẩn sâu dưới mỗi tiếng yêu thương ta dành cho người khác.
Chẳng hạn, ẩn sâu dưới những tình cảm lứa đôi thông thường, theo Osho, là sự si mê và mong muốn "dùng người khác để làm phương tiện để đạt cái mình muốn". Thứ tình cảm quyến luyến này "thường gây nên bao cay đắng dù rất hấp dẫn, đầy thử thách, hứng thú và có thể khiến người ta chết đi nếu phải từ bỏ", gây nên "một chiến trường thấm đẫm sự mâu thuẫn, xúc phạm và thống trị".
Tương tự, cha mẹ hết lòng yêu thương con, nhưng đôi khi, tận cùng trong tình yêu đó là những ước muốn cá nhân của cha mẹ. Đứa trẻ đón nhận tình yêu đó chẳng khác nào nhận lấy về mình những chén thuốc độc. "Trẻ con không thể nào tha thứ được cho bố mẹ của chúng vì sự quan tâm có tính toán của họ", Osho ghi, "Họ lớn lên trong sự quan tâm có tính đổi chác, mua bán của cha mẹ".
Còn có một thứ tình yêu giả tạo nơi lòng tốt. Ta đối xử tốt với người xa lạ, làm từ thiện, cho ai đó lời khuyên…, nhưng lắm lúc những hành động đó đều xuất phát từ khao khát muốn cái tôi được củng cố mà thôi. Như Osho thẳng thừng: "Khi bạn đối xử tốt với một ai đó, bạn cảm thấy mình là người tốt, là kẻ đáng khen".
Osho có đang quá quyết liệt, cực đoan, đòi hỏi quá nhiều ở tình yêu? Nhưng có lẽ mỗi người sẽ nghĩ khác đi nếu thử nhìn sâu vào những bất hạnh, uẩn ức trong mỗi xã hội, gia đình, và ngay trong chính mình. Tận sâu trong lòng, chúng ta phải chịu đựng vết thương lớn nhất vì sự thiếu vắng tình yêu.
Trong cuốn sách, bên cạnh những tình cảm cá nhân, Osho còn bàn về những ảo ảnh tình thương dưới quy mô rộng lớn hơn: xã hội và nhân loại.
"Tất cả những "kẻ phụng sự cho nhân loại" đều là trò lừa bịp, bởi họ dùng lòng từ bi để che đậy khát khao của mình đằng sau đó...
"Người ta không ngừng nói về việc phụng sự cho nhân loại, về tình anh em, về tôn giáo, về Thượng đế, về chân lý… thế nhưng tất cả những lời nói đẹp đẽ đó đều chỉ tạo ra thêm nhiều cuộc chiến tranh, thêm máu đổ, nhà tan và bao con người bị thiêu sống", Osho nói.
Rốt cuộc, thế nào là yêu thương đích thực? Làm sao tôi có thể mang đến những người quanh mình tình thương tốt lành chứ không phải đầy rẫy những đắng cay?
Trong cuốn sách, Osho dùng từ "compassion" - từ bi, để nói về điều mà ông gọi "là hiện thân của loại tình yêu thuần khiết nhất", một thứ tình thương cao hơn hết thảy những gì ta thường gọi, "một thứ tình thương mát lành, là sự chia sẻ niềm vui của bản thân đến với vạn vật", một "dạng năng lượng cao nhất của loài người".
Nhiều phẩm chất khác nhau của "Từ bi" được Osho diễn giải trong cuốn sách. Ông cho rằng, điều cốt lõi nhất, là biết nhìn vào chân giá trị của con người, biết chấp nhận những khiếm khuyết mà không đòi hỏi ai phải thay đổi, không phán xét, không trừng phạt. Tình yêu thương ấy khiến con người nhận ra "chẳng ai phải tuyệt vọng, chẳng ai là kẻ vô giá trị".
Từ đó, tác giả cho rằng tình yêu thương thuần khiết phải là điều mỗi người tự dành cho chính mình trước khi trao cho ai khác. "Chúng ta chán ghét bản thân nhưng lại muốn yêu một ai đó, và đây là điều không thể, bởi bài học về tình yêu thương phải được thực hành ngay từ chính bản thân".
Ngoài ra, trong "Từ bi", Osho đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của thiền định. Theo ông, lòng từ bi không thể rèn luyện mà có, mà nhất thiết phải đến thông qua thiền định. "Để hiểu được thế nào là từ bi, bạn nhất thiết phải hiểu được thế nào là thiền định. Khi đó, lòng từ bi tự khắc sẽ đến với bạn như là một kết quả tất yếu".
Hành trình đọc "Từ bi" giúp người đọc soi rọi nghiêm khắc vào bản thân, nhìn lại những vết thương vi tế trong lòng lẫn mọi sự quan tâm mình đã trao đi. Sâu xa hơn, việc hiểu được từ bi và biết trao đi tình thương đích thực cho kẻ khác lẫn chính mìnhh giúp mỗi người sống đúng bản chất của mình, hướng tới một cuộc đời trọn vẹn.
"Tiền bạc, danh vọng và quyền lực không thể giúp bạn làm điều đó mà chỉ có duy nhất tình yêu thương mà thôi. Khi bạn sống bằng tất cả yêu thương, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô biên vì chạm đến được sự muôn màu của cuộc sống", Osho kết luận.