“Từ Bi”: Trên cả trắc ẩn và yêu thương

30/10/2020 08:30
“Từ Bi”: Trên cả trắc ẩn và yêu thương

Từ bi là như thế nào? “Từ bi” thường được hiểu là tha thứ và chấp nhận những khiếm khuyết của người khác.

Thế nhưng, con người thường quá cầu toàn và tự cao; do đó họ thường cho mình là đúng và thường tìm kiếm những giá trị “hoàn hảo”. Họ không dễ gì tha thứ cho những lỗi lầm của người khác và luôn tìm cách hạ bệ những người xung quanh để tôn mình lên. Trong cuốn Từ bi, nhà văn Osho sẽ chỉ ra những điều khiến chúng ta lầm tưởng bấy lâu về cuộc sống. Tôi không nói cuốn sách sẽ khiến mọi người trở nên từ bi, nhưng tôi tin rằng nó có một tầm ảnh hưởng nhất định đến độc giả. 

1. Vài nét về tác giả Osho:

Osho (1931-1990) có tên thật là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Khoảng trong thập kỷ 70, người ta biết đến ông với tên Bhagwan Shree Rajneesh. Tháng 2 năm 1989, ông tự đổi tên là Osho - tiếng Nhật có nghĩa là “đạo sư” của một dòng Thiền. Osho để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ với hàng trăm cuốn sách và vô số các bài thuyết giảng. Ông là một người gây nên rất nhiều tranh cãi trong số những ai quan tâm đến triết học phương Đông. Có thể nói, ông là một trong những người gây phân hóa cùng cực nhất về mặt đạo lý, nhưng cũng là người có sức thu hút mạnh mẽ nhất trong các bài giảng về tôn giáo và triết học. 

2. Từ bi, năng lượng và sự khao khát:

Trong chương này, tác giả đã nhắc đến thuật ngữ “giác ngộ” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khái niệm “giác ngộ” vốn đã có từ lâu đời trong giới tu hành. Nhưng khác với những nhà tu hành trước kia, Đức Phật quan niệm rằng chỉ thiền định thôi thì chưa đủ để có thể “giác ngộ”. Đức Phật cho rằng để đạt được đến cảnh giới giác ngộ, con người cần phải giàu lòng nhân ái, tử tế và thương người trước cả khi thiền định, và đây chính là lý do:

Đơn giản là trước khi giác ngộ nhờ thiền định, nếu đã có sẵn một trái tim nhân hậu và giàu lòng từ bi, chắc chắn ta sẽ có thể giúp những người khác cũng đạt đến cái đẹp, cái thanh cao và niềm vui đích thực như mình

Đức Phật cũng khẳng định, “giác ngộ” không gắn với thói ích kỷ. Nếu con người đã giác ngộ mà không giúp đỡ đồng loại cùng giác ngộ thì không khác nào đang xây nên một bức tường cách ly mình với xã hội. Nhưng số người sẵn lòng chia sẻ và đủ khả năng để chia sẻ chỉ đếm được trên đầu ngón tay - tức là hiếm ai có thể trở thành thầy của cả thiên hạ rộng lớn. Hơn nữa, nếu chỉ có bản thân giác ngộ thì con người sẽ cảm thấy đơn độc và bứt rứt không yên. Họ sẽ thấy bản thân có nghĩa vụ phải kéo đồng loại của mình thoát khỏi cõi u minh. 

Nhưng tại sao ta phải bận tâm đến người khác khi bản thân đã đạt đến sự giác ngộ? Đức Phật muốn dạy chúng ta không nên ích kỷ mà phải biết giúp đỡ nhau cùng giác ngộ, và đó là một sự thay đổi to lớn. Nếu con người chỉ biết yêu thương bản thân và tận hưởng cho riêng mình thì việc giác ngộ chẳng khác nào một sự ngăn cản không cho anh ta tiếp tục những niềm vui đó. Cũng chính vì thế mà trong số hàng trăm người giác ngộ, chỉ có một vài người trở thành bậc thầy. 

[...] Nói cách khác, bạn sẽ luôn sống trong niềm vui thăng hoa vì được nhìn thấy nhiều người xung quanh cũng thăng hoa nhờ giác ngộ. Bạn sẽ không còn là một cái cây nở hoa trơ trọi giữa rừng nữa mà xung quanh bạn sẽ là cả một khu rừng tưng bừng nở hoa. Sự giác ngộ của bạn khi đó sẽ giúp tạo nên một cuộc cách mạng cho thế giới này.

Sự giác ngộ phải là do chính bản thân người thực hiện thừa nhận, bởi chỉ có họ mới hiểu về quá trình giác ngộ của chính mình. Họ đã làm gì, họ đã giúp đỡ ai, họ đã đủ bao dung chưa,... chỉ có chủ nhân của câu nói mới hiểu được. Tuy nhiên, hiếm người dám khẳng định mình đã giác ngộ, nhất là những học giả. Đó không phải do họ không có thực lực mà là vì họ quá cẩn trọng với lời nói của mình.  

Tuy nhiên, hai chữ “giác ngộ” đó phải được thốt ra từ chính những người đã giác ngộ, bởi chỉ có họ mới tạo được niềm tin vì đã là chứng nhân đối với việc này. Khi được những người này thốt ra, tự thân hai chữ đó đã mang trong mình một hơi thở, một sự sống và đi thẳng đến trái tim của người nghe. Còn nếu hai chữ này được một học giả thốt ra thì lại là một vấn đề khác, bởi người đó không chắc chắn về những gì họ đang nói hay đang viết. Nói cách khác, bản thân họ cũng còn nghi ngờ về hai chữ này chẳng khác gì bạn.  

Tác giả đã so sánh lòng từ bi giống như một đóa hoa trong mỗi tâm hồn. Mỗi người trên thế giới đều có một hạt giống từ bi tồn tại sâu thẳm trong tâm hồn. Bạn không thể kiểm soát sự phát triển của đóa hoa ấy, bởi nó chỉ bừng nở khi lòng từ bi đột ngột xuất hiện. Để lòng từ bi xuất hiện thì thiền định là điều cần thiết. Thiền định là cả một quá trình dài trước khi bạn “giác ngộ”, là quá trình chuyển hóa “đam mê” thành “từ bi”: 

Nếu không có thiền, nguồn năng lượng trong bạn chỉ tồn tại dưới dạng thức đam mê; nhưng nếu có thiền, nó sẽ chuyển hóa thành lòng từ bi. Đam mê và từ bi không phải là hai dạng năng lượng khác nhau mà thực chất chúng là một, chỉ là một dạng năng lượng mà thôi. Chính thiền định đã giúp biến đổi năng lượng này từ đam mê thành lòng từ bi. Nếu như đam mê chuyển động lùi, thì từ bi lại tiến lên phía trước; nếu động cơ chính của đam mê là sự khát khao, thì nền tảng của từ bi lại là sự buông bỏ; và nếu đam mê là vì bạn muốn tìm cách quên đi những khổ đau trong cuộc sống thì từ bi lại mang đến cho bạn hạnh phúc thăng hoa đến nỗi bạn chỉ muốn chia sẻ điều đó với mọi người. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy mình giống như một nụ hoa đã nở rộ và hoàn thành sứ mệnh nên không còn phải tìm kiếm bất cứ điều gì hay đi đến bất kỳ nơi đâu nữa.   

Có một điều cần khẳng định về từ bi: Không thể đạt được nó qua rèn luyện. Cách duy nhất để đạt được nó chính là thiền định. Phải thiền định đúng cách thì mới đạt được lòng từ bi. Và tập trung cao độ không mang lại sự giác ngộ về lòng từ bi. 

Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng mọi hình thức thiền định đều đúng, nhưng thực tế không phải vậy, rất có thể cách bạn đang thiền là sai. Ví dụ, những cách thiền chỉ giúp bạn tập trung sâu là sai vì nó sẽ không dẫn đến được kết quả là lòng từ bi. Những cách thiền đó chỉ khiến bạn càng khép kín hơn là mở rộng tâm hồn. Nếu bạn thu nhỏ phạm vi tập trung và chỉ biết đến một điều gì đó, quên đi mọi thứ tồn tại xung quanh thì bạn sẽ càng trở nên căng thẳng. Quả thật như vậy, bản thân ý nghĩa của từ “tập trung” đã ngầm chứa sự căng thẳng trong đó. 

Tác giả cho rằng nếu loại bỏ mọi mối quan tâm khỏi tâm trí và chỉ tập trung vào một điều duy nhất thì con người sẽ bỏ phí những điều thú vị cuộc sống mang lại. Osho có cùng quan điểm với Đức Phật. Bản thân Đấng Giác ngộ không bao giờ muốn loại bỏ mọi ý nghĩ ra khỏi tâm trí của mình để chỉ tập trung vào một thứ. 

Ngài không tìm cách thu hẹp sự nhận thức mà ngược lại, luôn tìm cách phá bỏ mọi rào cản để có thể thức tỉnh và nhận biết mọi việc đang hiện diện. Xung quanh chúng ta lúc nào cũng có vô vàn âm thanh, nhịp điệu sống đang diễn ra. Chẳng hạn như khi tôi đang chia sẻ cùng bạn những điều này thì ngoài kia là bao nhiêu âm thanh – tiếng chim muông, tiếng gió, tiếng tàu xe… Bạn lắng nghe tôi nói, tôi nói với bạn và bên cạnh đó có hàng triệu điều khác đang diễn ra nữa. Thế giới quanh ta thật phong phú và sống động. 

Vậy thiền định thế nào mới là đúng? Osho viết rằng bước đầu tiên của thiền định là thư giãn – không phải là tập trung. Thư giãn là thời điểm cơ thể bạn loại bỏ mọi nỗi lo âu và ngờ vực để trở về với chính mình...

Càng thư giãn, bạn càng cảm thấy tâm hồn mình thêm rộng mở và mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ cảm thấy mình bớt cứng ngắc và linh hoạt hơn, rồi đột nhiên nhận ra sự hiện hữu của chính mình. Thư giãn nghĩa là đưa bản thân bạn vào một trạng thái không làm gì cả, vì nếu bạn tập trung vào một điều gì đó, chắc chắn bạn sẽ tiếp tục bị căng thẳng. [...] Bạn chỉ đơn giản ngồi tận hưởng cảm giác thư giãn, mắt nhắm lại và lắng nghe mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình. Bạn đừng nghĩ rằng mọi thứ âm thanh đó sẽ chi phối việc thiền định của bạn, vì như thế có nghĩa là bạn đang chối bỏ Tạo hóa.   

[...] Hãy chấp nhận, bởi khi bạn chối bỏ bất kỳ điều gì thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo ra căng thẳng cho chính mình. Mọi sự chối bỏ đều tạo ra căng thẳng. Hãy học cách chấp nhận. Chấp nhận chính là cách để bạn được thư giãn. Hãy chấp nhận tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình và để cho chúng được trở thành một tổng thể thống nhất. 

3. Từ bi là một trải nghiệm:

Ngay từ những dòng đầu tiên, Osho đã khẳng định: Lòng tốt và từ bi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Lòng tốt xuất phát từ cái tôi cá nhân và củng cố cho cái tôi của con người. Theo như Osho, lòng tốt đôi lúc chỉ là vẻ bề ngoài, nó không phải lúc nào cũng thể hiện sự tôn trọng với đối phương:

Khi bạn đối xử tốt với ai đó, bạn cảm thấy mình là người tốt, là kẻ đáng khen. Tận sâu bên dưới nghĩa cử đó chính là sự sỉ nhục mà bạn đang dành cho kẻ kia và bạn đang cảm thấy vui với sự sỉ nhục đó. Chính vì thế mà người ta không bao giờ toàn tâm biết ơn kẻ đã giúp đỡ mình, bởi đâu đó vẫn tồn tại chút cảm giác ghen ghét, giận dữ và mầm mống báo oán ở người được bạn giúp. 

Đó là sự khác biệt giữa lòng tốt và từ bi. Từ bi xuất phát từ cái tâm, chứ không phải chỉ thể hiện bên ngoài như lòng tốt. Một người từ bi là người sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi nhận lại, bởi lòng từ bi là tài sản không bao giờ cạn kiệt đối với họ. Trong khi mọi người thường đối xử tử tế với nhau vì tin mình sẽ được “đáp lễ” thì những người từ bi lại chẳng mấy quan tâm. Với họ, làm việc thiện là một thú vui mang lại sự thư giãn - đó không phải là một cuộc đổi chác hay mua bán. 

Trong khi đó, từ bi là phi động cơ. Bạn cho đi chỉ vì bạn có chứ không phải vì kẻ khác cần. Bạn không hề cân nhắc, tính toán khi cho đi. Bạn cho đi vì cuộc sống của bạn đang tràn ngập điều đó. Từ bi mang tính ngẫu nhiên và tự nhiên như hơi thở vậy, còn lòng tốt là một thái độ có sắp đặt, mang tính ngụy trang khéo léo và tính toán. 

Hẳn bạn từng nghe người ta nói rằng: “Những gì mình không muốn thì cũng đừng làm với kẻ khác.” Thực chất, câu nói này đã cho thấy bạn làm việc tốt chỉ vì bạn cũng muốn được kẻ khác đối xử tốt với mình. Đó là một hành động ích kỷ, xuất phát từ cái tôi cá nhân và thật ra chỉ là biết nghĩ cho bản thân. Bạn không hề phụng sự kẻ khác, bạn cũng không yêu thương ai hết mà tất cả chỉ nhằm thu lấy điều tốt đẹp cho chính bạn.  

Ở phần thứ hai của chương Từ bi là một trải nghiệm, Osho đã kể cho người đọc hai câu chuyện về hai nhà sư vĩ đại: Bankei (thế kỷ 17) và Thích Ca Mâu Ni (thế kỷ 6 trước Công nguyên). Thứ nhất là câu chuyện về Bankei. Năm đó, thiền sư Bankei tổ chức một khóa học về thiền tông và tín đồ từ mọi miền Nhật Bản nô nức đến tham gia. Trong số các đệ tử có một anh chàng rất hay ăn cắp, nhưng thiền sư luôn bỏ qua dù các môn đồ của ông có trình báo thế nào đi nữa. Các đệ tử khác rất bất bình, họ thậm chí còn viết trong thư rằng sẽ bỏ đi hết nếu Bankei kiên quyết giữ kẻ ăn cắp lại nơi tu tập. Vì vậy vào một đêm, Bankei đã gọi tất cả đệ tử, bao gồm tên trộm kia đến và giải thích: 

Các huynh đệ thông thái, các huynh đệ biết đâu là đúng đâu là sai. Các huynh đệ có thể tìm đến nơi khác để tu tập nếu muốn, còn con người tội nghiệp này thậm chí còn chưa biết thế nào là đúng hay sai. Thế thì nếu tôi không dạy cho anh ta thì ai sẽ làm điều đó? Nếu mọi người có bỏ đi hết thì tôi vẫn sẽ giữ anh ta lại đây. 

Thiền sư Bankei dường như có thể soi rõ tâm trí của những kẻ đang đứng trước mặt ông. Thay vì sở hữu lòng từ bi, bọn họ - từ giàu đến nghèo - đều đang sở hữu đầu-óc-tiền-bạc. Thế nhưng anh chàng ăn cắp lại khác với những môn đồ khác của Bankei, bởi lẽ anh ta chỉ là một kẻ đáng thương không lối thoát. Sau khi nghe thiền sư nói, anh ta đã hối hận và không bao giờ ăn cắp nữa. Trong khi đó, những môn đồ kia lại lấy lý do để uy hiếp nhà sư - việc làm này không thể hiện tính từ bi của nhà Phật. Họ không đến để thiền, mà họ dường như đến với mong muốn được Phật tổ phù hộ cho việc kiếm tiền. Nếu họ đến để thiền, họ sẽ tìm cách để ngăn anh chàng kia ăn trộm thay vì xua đuổi anh ta và hăm dọa thiền sư. Hơn nữa, Bankei còn hiểu được một điều mà đệ tử của ông không hiểu: Tất cả mọi người trên đời này đều là kẻ cắp và đều có ham muốn chiếm hữu, vấn đề chỉ nằm ở tính hợp pháp mà thôi.

Bạn không chấp nhận kẻ cắp vì hắn lấy tiền của bạn. Nhưng bạn đã kiếm tiền bằng cách nào? Chắc chắn là bạn cũng lấy nó từ ai đó theo một cách khác, bởi chẳng ai ở trên đời này sinh ra đã cầm sẵn tiền trong tay. Tất cả những gì chúng ta sở hữu là do chúng ta tuyên xưng như thế, nhưng thực chất thì chẳng có cái gì thuộc về bất cứ ai cả. Khi đã đạt đến đỉnh cao của thiền, bạn sẽ sống với thái độ đó, rằng chẳng có thứ gì thuộc về ai cả. Khi đó, bạn sẽ không còn bận tâm đến các thứ sở hữu nhiều như trước nữa.  Thế nhưng con người vốn dĩ mang đầu-óc-tiền-bạc, do vậy mà những mâu thuẫn, bè phái mới xảy ra. [...] Họ không thể nào hiểu được tại sao thiền sư lại bỏ qua chuyện đó mà không hiểu rằng ông làm thế vì muốn họ buông bỏ đầu-óc-tiền-bạc cố hữu của mình đi. Quả thật ăn cắp là một việc xấu, nhưng đầu-óc-tiền-bạc cũng chẳng tốt hơn gì mấy. 

Câu chuyện thứ hai là về một tín đồ của Đức Phật, vốn là một kẻ giết người. Khi anh ta đột nhập vào thiền viện, Đức Phật đang đi vắng và các đệ tử bắt được anh ta. Họ mời nhà chiêm tinh Sariputra - một trong những đệ tử giỏi nhất của Đức Phật - đến để kiểm chứng lời nói của anh chàng. Khi nhìn lại tám mươi ngàn kiếp trước của anh chàng, Sariputra chỉ nhìn thấy một tên lưu manh không hơn không kém. Ông ta thấy ghê tởm và cùng các môn đệ khác quẳng anh chàng đáng thương ra khỏi tu viện. May mắn thay, Đức Phật trở về và thu nhận anh ta vào tu viện. Chỉ trong bảy ngày học tập với Đấng Giác ngộ, chàng trai đã đắc đạo trước sự kinh ngạc của bạn bè đồng môn. Sariputra đã hỏi Đức Phật làm cách nào mà một kẻ với tám mươi ngàn kiếp làm lưu manh như anh ta đắc đạo nhanh thế. Đức Phật đáp:

Con nhìn vào quá khứ nhưng lại không nhìn được tương lai của anh ta. Và quá khứ chỉ là quá khứ! Bất cứ khi nào một người quyết định thay đổi thì anh ta sẽ thay đổi được. Giây phút đó rất quan trọng. Và một người đã sống tám mươi ngàn kiếp trong đau khổ thì anh ta sẽ hiểu rất rõ điều đó là như thế nào, vì thế anh ta đã quyết định thay đổi. Quyết định đó mang tính vĩnh hằng và vô tận. Chính vì thế mà chỉ trong bảy ngày anh ta đã đắc đạo. Sariputra, con vẫn chưa đắc đạo. Con là một người tốt và đã từng có những kiếp sống tốt đẹp nên con không cảm nhận được gánh nặng của quá khứ.   

Đức Phật cẩn trọng và sâu sắc hơn các môn đồ của ngài nhiều. Ngài nhìn thấy điều mà không ai thấy ở tên tội phạm muốn theo ngài học tập. Ngài hiểu được chàng trai đó bị ám ảnh bởi quá khứ tội lỗi và mong muốn được giải thoát hơn bất cứ ai. Ngài hiểu chàng trai đó đang lạc lối và cần được dẫn dắt về con đường chính đạo. Đó là lòng từ bi của Đức Phật. Nhờ có lòng từ bi, ngài chấp nhận những khuyết điểm của người khác và truyền thụ kiến thức cho họ mà không tính toán thiệt hơn. Các đệ tử của ngài tuy thiền định đã lâu nhưng lại chưa đạt được đến cảnh giới của từ bi. Họ sẵn sàng tấn công và xua đuổi đồng loại của chính mình thay vì cho người đó cơ hội sửa sai, không khác gì dư luận xã hội sẵn sàng kéo người khác xuống hố bùn đen.     

Có thể thấy Bankei và Đức Phật có cách đối nhân xử thế giống nhau. Trong khi các đệ tử của họ luôn ngạo mạn cho rằng mình mẫu mực và khôn ngoan hơn kẻ khác (kẻ trộm và kẻ giết người) thì hai vị thiền sư lại không quan niệm như vậy. Họ không đặt nặng chuyện đúng sai - do đó họ không khắt khe với khuyết điểm của người khác. Họ không đặt nặng quá khứ của người khác - nhờ đó họ giành được sự tín nhiệm từ mọi người. Họ không ngạo mạn mà luôn khiêm nhường và giản dị - nhờ đó họ được người đời kính trọng. Suy cho cùng, họ hiểu rằng bản thân họ không có quyền hạn phán xét người khác.   

Bí quyết của cuộc đời nằm ở chỗ đừng bao giờ nghĩ rằng mình đúng, cũng đừng bao giờ giả vờ là mình đúng. Đừng bao giờ để bản thân bạn rơi vào cái bẫy suy nghĩ đó. Bên cạnh đó, cũng đừng bao giờ cho rằng ai đó là sai. Bởi đúng sai là hai suy nghĩ luôn tồn tại cùng nhau, và khi nghĩ rằng mình đúng tức là bạn đang cho rằng ai đó là sai. Đừng bao giờ kết án người khác và cũng đừng bao giờ tự khen bản thân bởi nếu không bạn sẽ bị lạc lối. Hãy chấp nhận mọi người như họ vốn có. Suy cho cùng thì bạn là ai mà có quyền quyết định liệu họ sai hay đúng? Nếu họ sai thì đó là gánh nặng họ phải hứng chịu, còn nếu họ đúng thì cuộc đời của bạn sẽ được ban phúc. Còn bạn, bạn không là ai cả nên cũng đừng kết tội người khác. 

4. Thực hành từ bi:

Một trong những yếu tố hình thành nên lòng từ bi chính là tình yêu thương, và điều cản trở từ bi chính là thói ích kỷ. Vậy làm sao để xóa bỏ thói ích kỷ? Tác giả Osho cho rằng thói ích kỷ bắt nguồn từ việc con người chưa biết yêu thương chính bản thân mình. Từ khi còn nhỏ, ai ai cũng được dạy rằng phải biết giúp đỡ mọi người xung quanh mà không yêu cầu báo đáp. Điều này dần hình thành sự giả tạo trong đối nhân xử thế - mọi người cư xử tử tế với nhau một cách miễn cưỡng, nhưng trong lòng thì lại trống rỗng, chẳng có một chút rung cảm hay xót thương. Nói cách khác, sự tử tế phải là điều bạn thực sự mong muốn, phải đến từ sâu thẳm trong tâm hồn bạn. 

Để đạt được sự tử tế chân thành, con người phải học cách yêu thương chính mình. Một người với hai bàn tay trắng thì rất khó chia sẻ được với người khác:  

Điều cơ bản ở đây là bạn cần yêu thương bản thân vô bờ, khi đó tình yêu ấy tự khắc sẽ tuôn trào đến mọi người xung quanh. Tôi không chống lại việc chia sẻ, nhưng tôi hoàn toàn không chấp nhận chủ nghĩa từ thiện. Tôi ủng hộ tinh thần chia sẻ, nhưng trước hết bạn phải có thứ gì đó để chia sẻ với người khác. Khi đó bạn sẽ không cảm thấy mình bị bắt buộc phải chia sẻ với người khác mà ngược lại, bạn phải cảm ơn họ vì đã không từ chối điều bạn cho họ. 

Ta cần lấp đầy tâm hồn mình trước khi nghĩ đến việc chia sẻ với người khác. Có như vậy, khi chia sẻ ta sẽ không còn cảm thấy do dự hay tính toán nữa, bởi ta sẽ không còn lo lắng mình còn sót lại những gì sau khi chia sẻ. 

Chúng ta không nên bảo nhau phải chia sẻ. Nếu bạn đang sống khổ sở, làm sao bạn có thể chia sẻ? Nếu bạn mù lòa, làm sao bạn có thể chỉ đường cho người khác? Do vậy, tôi muốn chúng ta phải sống thật ích kỷ trước để có thể trở thành những con người có đời sống phong phú, tràn trề hạnh phúc, khi đó ta mới có cái để chia sẻ cùng mọi người một cách tích cực. 

Mọi người thường hay nói tình yêu thì phải vô điều kiện và không có sự ép buộc. Thế nhưng điều đó dường như rất khó khăn, bởi mọi người thường yêu quý những người xung quanh bởi giữa họ có một sự ràng buộc nào đó. Ngay từ khi còn bé, mọi đứa trẻ đều đã được dạy dỗ rằng phải biết yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em,... và chúng lớn lên với niềm tin được mặc định ấy. Con người thường tin rằng tình yêu chỉ tồn tại trong những mối quan hệ mật thiết như gia đình, bạn bè hay hôn nhân - những sợi dây kết nối con người với con người. Nhưng nếu tình yêu diễn ra theo mệnh lệnh thì nó đã thiếu chân thực ngay từ ban đầu. 

Đừng bao giờ bảo rằng “Con phải yêu thương mẹ vì mẹ là mẹ của con. Con phải yêu thương mẹ.” Đừng biến tình yêu thành một thứ mệnh lệnh buộc người khác phải thi hành, bằng không con bạn sẽ mãi mãi không biết thế nào là tình yêu đích thực. Hãy yêu thương con trẻ, rồi một ngày chính tình yêu đó sẽ khiến một tình yêu khác nảy mầm. Giữa bạn và con trẻ khi đó sẽ phát sinh một tình cảm yêu thương đồng điệu sâu sắc. Và quan trọng là giai điệu hòa hợp đó tự nảy sinh mà không cần bạn phải có bất kỳ sự cố gắng nào cả. Tất cả những gì bạn làm là thư giãn trong tình yêu thương của mình dành cho con cái và đón nhận lại tình yêu thương của chúng.

Tình yêu thương bản thân và những người thân cận là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi bạn còn phải biết yêu thương nhân loại. Nếu bạn yêu mến Thượng đế, Chúa hay Phật mà căm ghét đồng loại của mình thì bạn chỉ đang chuốc lấy bất hạnh.

Bạn có thể nói “Không” với Thượng đế dưới những tên gọi khác nhau nhưng đừng bao giờ nói “Không” với nhân loại, vì nếu thế thì nhịp cầu nối tiếp giữa bạn với Tạo hóa thiêng liêng, với tình yêu đích thực đã bị cắt đứt. Bạn có thể nói “Không” với đền đài nhưng đừng bao giờ nói “Không” với tình yêu vì đó là ngôi đền đích thực. Mọi đền đài khác đều là những hình ảnh không thật bởi vì chỉ có một đền đài đích thực mà thôi, đó chính là tình yêu. Chỉ cần đừng bao giờ nói “Không” với tình yêu, bạn sẽ tìm thấy sự thánh hoa trong cuộc đời này.   

5. Tình yêu chữa lành mọi vết thương:

Chúng ta thường được nuôi dạy để trở thành một hình mẫu lý tưởng nào đó và điều này hết sức phi thực tế. Theo đuổi một khuôn mẫu lý tưởng vốn là một căn bệnh phù phiếm của nhân loại. 

Tác giả Osho cho rằng tính cầu toàn là một căn bệnh nguy hiểm của xã hội. Tất cả mọi người thường bị người khác nhồi nhét vào đầu những kỳ vọng không tưởng. Điều đó gây ra sức ép rất lớn, bởi lẽ mọi người sẽ dễ đánh mất bản thân để trở thành hình mẫu không phải họ. Thay vì thỏa mãn những kỳ vọng trong tương lai, sống cho hiện tại mới là quan trọng nhất. Trân trọng những gì bản thân đã làm trong cuộc sống hiện tại tức là hiểu rõ và biết quý trọng bản thân.  

Bạn chỉ là một con người bình thường và đang sống trong một thời đại nhất định tại một nơi chốn nhất định với những giới hạn nhất định. Hãy học cách chấp nhận những giới hạn đó. Những người cầu toàn luôn ngấp nghé bờ vực của sự điên loạn. Lúc nào họ cũng bị ám ảnh trong cuộc sống vì cảm thấy tất cả những gì mình làm vẫn chưa đủ tốt. Bạn cần hiểu rằng chẳng có gì là hoàn hảo hay tuyệt đối, và mọi thứ vốn dĩ là như thế.   

Cuộc sống hạnh phúc phải là cuộc sống trọn vẹn, không phải là cuộc sống đầy rẫy áp lực. Thay vì tạo thêm áp lực, hãy bình tĩnh lại để tìm cách giải quyết vấn đề. Nếu đó không phải là những vấn đề mang tính sống còn thì lại càng dễ sử lý. Mỗi người có một cuộc đời của riêng mình mà không ai có thể quyết định thay họ được. Do vậy, dù bạn không phải là một vĩ nhân như Đức Phật hay Chúa Jesus thì bạn vẫn có thể có một cuộc đời trọn vẹn của riêng mình. 

Bạn chỉ có thể là chính bạn mà thôi, vì thế hãy sống cuộc đời mình thật trọn vẹn. Cho dù bạn đang ở đâu và đang làm gì đi nữa thì hãy làm cho thật trọn vẹn. Hãy làm bằng tất cả tâm huyết của mình, như khi bạn đang thiền vậy. Đừng lo nghĩ liệu nó có hoàn hảo hay không bởi nó sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo cả. Chỉ cần bạn làm điều đó một cách trọn vẹn là đủ. Khi đó bạn sẽ cảm nhận được niềm vui trong việc mình làm, cảm thấy hài lòng và như được tái nạp một nguồn năng lượng mới. 

Để xóa bỏ tính cầu toàn, con người cần có lòng từ bi. Từ bi là để yêu thương và chấp nhận khuyết điểm của người khác. Từ bi là sự cho đi mà không đòi hỏi được nhận lại từ đối phương. Trong tình yêu, đôi lúc sẽ có sự đòi hỏi giữa hai bên và cả hai sẽ biết ơn khi được đối phương trao tặng một điều gì đó. Nhưng từ bi thì khác, bởi nó là một khái niệm vượt lên trên cả tình yêu. Một người từ bi sẽ biết ơn khi đối phương chấp nhận món quà của mình mà không từ chối. 

Tương tự như một bông hoa nở rộ thì phải tỏa hương trong gió. Đó là một điều hết sức tự nhiên chứ không hề mang tính mặc cả hay trao đổi. Đến độ to nhất định thì bông hoa bắt buộc phải nở bung ra và tỏa hương đi xa chứ nó không thể cưỡng lại điều hết sức tự nhiên ấy. Trong cuộc đời này, cơn thịnh nộ lớn nhất chính là khi bạn không thể giải tỏa nỗi lòng, không thể chia sẻ và thể hiện bản thân. Người đáng thương nhất là người không có gì để chia sẻ hoặc có thứ gì đó để chia sẻ nhưng lại không có khả năng và không có nghệ thuật để làm điều đó. 

Thiền là tôn giáo duy nhất giúp con người loại bỏ mọi thành kiến, bởi tính chất của nó là phi cầu toàn. Thiền quan niệm rằng vạn vật vận hành theo cách riêng của nó, do vậy ranh giới giữa tốt và xấu vốn dĩ rất mong manh. Thiền loại bỏ tất cả, không gò bò, không ép buộc, không ra lệnh người khác phải làm cái này cái kia. Càng cầu toàn, tâm trí con người càng dễ rơi vào vòng hỗn loạn. Càng cầu toàn, con người càng dễ sa vào vòng tội lỗi. Thế giới vốn dĩ luôn phức tạp như vậy, có xấu, có tốt, và con người vẫn phải chấp nhận nó bởi đây là lẽ tự nhiên không thể thay đổi. 

Hãy luôn hiểu biết, thức tỉnh và nhìn vạn vật theo bản chất vốn có của nó. Tại sao bạn lại không thể chấp nhận vũ trụ này kia chứ? Bởi vì dù bạn có không chấp nhận nó thì cũng sẽ không thể thay đổi nó được. Có rất nhiều thứ chúng ta đã phản đối cả ngàn năm nay, thế mà chúng vẫn tồn tại đấy thôi. Ví dụ, xã hội chưa bao giờ vắng bóng trộm cắp, sát nhân,... Chẳng có gì thay đổi cả, mọi thứ vẫn y hệt như trước nay vẫn thế. Mỗi ngày càng có thêm nhiều nhà tù được xây lên, trong khi đó pháp luật càng lúc càng trở nên phức tạp hơn, và điều đó khiến cho nhiều kẻ cướp cũng như các tay luật sư, quan tòa có thêm việc,... Chẳng nơi đâu có sự thay đổi cả. Hệ thống nhà tù nói chung chẳng có ích lợi gì mà thậm chí còn có hại nữa. Nơi đó trở thành trường đại học cho mọi người học cách phạm tội và trở thành bậc thầy trong bộ môn này. 

6. Lời kết:

Thế giới vốn dĩ không hoàn hảo, vì thế trở nên cầu toàn là một việc vô nghĩa. Cần phải biết chấp nhận những khiếm khuyết của xã hội cũng như của con người - đó là lòng từ bi. Từ bi phải xuất phát từ trong tâm hồn, từ chủ ý mà ra chứ không phải chỉ là hình thức. Chỉ cần ta thật lòng chấp nhận và tha thứ, tâm hồn sẽ tìm được sự thanh thản...    

Thanh An Nguyễn

Hình ảnh: Chu Thị Phương - Bookademy

Nhập mã TIKITDT9 giảm thêm 5% khi mua sách do "Từ Bi" do Tiki Trading phân phối: http://bit.ly/tubi-tk. Thời hạn sử dụng: đến hết ngày 31/10/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024