Cái chết là nỗi sợ hãi lớn nhất nhưng nó cũng chính là biển báo nhắc nhở cho chúng ta biết trân trọng cuộc sống hiện tại. Nhiều triết gia và các tôn giáo đã có một cách gọi khái quát hơn về phạm trù này: sự chết. Cách khái quát này nhằm đưa con người vượt khỏi những giới hạn của tâm trí vốn đầy nỗi sợ để vươn tới một cuộc sống nhiều tình thương và chia sẻ hơn.
Họ chỉ cởi bỏ 'bộ quần áo'
Khi đã là một nỗi ám ảnh lớn nhất thì lẽ dĩ nhiên, con người trong suốt hàng ngàn năm qua luôn thôi thúc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Chết có phải là chấm hết?” hoặc: “Liệu có đời sống sau cái chết không?”… Không thể thống kê có bao nhiêu tác giả đã viết về chủ đề này, bao hàm cả khoa học lẫn tâm linh. Một trong những cuốn sách về chủ đề này có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam chính là cuốn Trở về từ cõi sáng của tác giả Nguyên Phong. Cuốn sách mang theo những quan niệm của cả phương Đông và phương Tây, cũng như của cả khoa học và tâm linh.
Dựa trên những nghiên cứu trải nghiệm cận tử của y khoa cùng với những lý giải đầy thần bí trong cuốn Tử thư Tây Tạng, tác giả Nguyên Phong đã giúp cho chúng ta tiếp cận nhiều góc nhìn về cái chết và sự sống để mỗi người lại có những nghĩ suy đáng giá về sinh mệnh, số phận và ý nghĩa của cuộc đời.
Trở về từ cõi sáng chia sẻ rằng bạn là một linh hồn bất tử, bạn đã từng sống trong nhiều thế kỷ. Trước khi mặc bộ quần áo này, bộ quần áo mà hiện nay bạn gọi là xác thân, bạn đã từng mặc những bộ quần áo khác và bạn sẽ còn mặc nhiều bộ quần áo khác nữa trong tương lai, khi bộ quần áo hiện tại đã tan thành tro bụi.
Điều bạn cho là một đời, thật ra chỉ là một ngày nhỏ trong một kiếp sống kéo dài vĩnh viễn thiên thu và điều này cũng xảy ra cho người bạn yêu thương. Tóm lại, người bạn yêu thương không hề chết, không hề mất đi, mà chỉ cởi bỏ bộ áo của họ mà thôi.
Hiện nay có nhiều quan niệm về đời sống sau khi chết. Một số dựa trên những tin tưởng có từ thời Trung Cổ, như sự trừng phạt đời đời kiếp kiếp trong cảnh địa ngục chẳng hạn. Dĩ nhiên, ngày nay không mấy ai còn tin như vậy nữa nhưng vào thời đó nó đã được một số giáo sĩ lợi dụng triệt để. Vì quyền lợi riêng, họ đã biến cải những giáo lý đầy nhân từ, bác ái của đấng tối cao thành một thứ “pháp luật” khắt khe để đe dọa những người hiền lành, dốt nát.
Tuy nhiên, thời kỳ tin tưởng một cách mù quáng đó đã qua rồi. Chúng ta đang sống ở thời kỳ khoa học và không chấp nhận những ý tưởng vu vơ, hoàn toàn trái với lý thuyết khoa học cũng như trái ngược với những lời dạy bảo đầy bác ái, nhân từ và sáng suốt của Đấng Cứu Thế. Chúng ta là những linh hồn đang sống trong cõi vật chất và chỉ biết đến những sự kiện liên quan đến cõi vật chất này mà thôi.
Tất cả mọi sự hiểu biết của chúng ta đều dựa trên những giác quan của thể xác. Nhưng các giác quan này thì bất toàn. Thí dụ như chúng ta có thể thấy được những vật thuộc thể lỏng hay thể rắn nhưng lại không thể thấy được thể hơi mặc dù chúng ta biết rằng thể hơi hiện hữu. Hiển nhiên, nếu có những thể khác thanh nhẹ hơn thể hơi thì làm sao chúng ta có thể thấy được? Tóm lại, vì giác quan của chúng ta bất toàn mà chúng ta không thấy được một số dữ kiện, tuy nhiên chúng ta không thể kết luận vì không thấy được mà chúng không hiện hữu. Người phương Đông đã ý thức được điều này từ lâu qua các công phu tu luyện đặc biệt mà nhiều người cho là phi thường.
Thật ra, nguyên lý của nó rất giản dị. Người nào biết rèn luyện tinh thần, biết cách phát triển những khả năng tinh thần, phát triển các “giác quan” của tinh thần thì họ sẽ có các quyền năng về tinh thần. Nếu bạn biết rằng thể tinh thần cũng giống như thể vật chất (thể xác), đều có những giác quan riêng biệt thì bạn sẽ hiểu điều tôi nói. Nếu thể xác có thị giác thì thể tinh thần cũng có một thị giác tương tự. Nhưng đây là một thứ thị giác đặc biệt, có thể nhìn thấy những cái mà nhãn quan của thể xác không nhìn thấy được. Người Tây Tạng gọi quyền năng này là thần nhãn hay con mắt thứ ba (third eyes).
Bên kia cửa tử là ở đâu?
Chính nhờ khai mở được các giác quan đặc biệt này mà các danh sư Tây Tạng đã nghiên cứu về đời sống ở cõi giới bên kia, cõi giới mà chúng ta thường gọi là “cõi chết” hay “bên kia cửa tử”. Họ xác định rằng chết không phải là sự chấm dứt của kiếp sống mà chỉ là một bước, đi từ giai đoạn sống này qua giai đoạn sống khác. Xác thân phục vụ tinh thần và là một phương tiện liên lạc (communicate) với cõi trần. Nếu không có xác thân thì phần tinh thần không thể liên lạc với cõi trần được, Vì thế, dĩ nhiên không thể ảnh hưởng hoặc thọ lãnh ảnh hưởng của nó.
Cõi trần là một trường học hết sức quan trọng để linh hồn học hỏi và những điều học hỏi được đều lưu trữ trong ký ức tâm linh, một thứ ký ức vô giới hạn. Chỉ riêng ở cõi trần, người ta mới có thể thực sự học hỏi và áp dụng hay thực hành những điều đã học. Ở những cõi giới khác, vì sự cấu tạo của nguyên tử quá thanh, quá nhẹ nên việc học hỏi chỉ có tính cách lý thuyết chứ không thể thực hành được.
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều người trong chúng ta đã tìm về những tín niệm tinh thần để có thêm sức mạnh đi qua giai đoạn đầy khó khăn, mất mát này. Tác giả Nguyên Phong chia sẻ: “Điều chúng ta cần biết là những người mà ta cho rằng đã chết, thực ra không hề chết, không hề xa lìa chúng ta. Vì một lý do mơ hồ mà người ta tin rằng chết là chấm dứt, là chia ly, sau đó linh hồn hoặc được lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục, rồi ở đó vĩnh viễn.
Tác động của Thượng Đế chắc chắn vô cùng huyền diệu, nhiều khi chúng ta không thể hiểu được nhưng không bao giờ trái ngược với các định luật thiên nhiên. Khi một người cởi bộ áo choàng ra thì họ vẫn đứng ở chỗ cũ chứ nào có thể biến mất được. Hình dáng của họ thay đổi phần nào nhưng chắc chắn họ không thể phút chốc biến ra người khác được. Vì thể xác đã bỏ lại, nên bạn không còn thấy người đó nữa mà chỉ thấy cái thể xác bất động nằm đó thôi. Nhưng điều này không có nghĩa là người bạn yêu thương đã đi xa rồi”.
Khoa học đã chứng minh rằng mắt của chúng ta chỉ đáp ứng được với một số rung động tối thiểu trong vũ trụ. Nếu sử dụng các dụng cụ tinh vi hơn, người ta có thể nhìn thấy như tia hồng ngoại, tia tử ngoại… Nếu bạn tin rằng các giác quan của thể xác đã giúp bạn cảm nhận được những vật chất cấu tạo bằng nguyên tử của cõi hồng trần thì các giác quan của thể tinh thần cũng sẽ giúp bạn cảm nhận được các nguyên tử cấu tạo bởi cõi đó.
Nhờ xúc giác, chúng ta có thể sờ mó các vật chất của cõi trần, thì một thứ xúc giác đặc biệt của thể tinh thần cũng có thể giúp chúng ta sờ mó được các vật chất cấu tạo bởi nguyên tử ở cõi này. Bạn đừng nghĩ rằng cõi tinh thần đó nằm ở đâu xa xôi, thực ra nó và cõi trần này ở cùng một chỗ, chiếm cùng một vị trí trong không gian và thời gian, nhưng vì cấu tạo bởi các nguyên tử khác nhau nên người ta không cảm nhận được nó đó thôi. Quy tắc của điều mà khoa học gọi là “chiều không gian” (dimension) hiển nhiên đã vén lên một phần của bí mật này.
Tóm lại, người mà bạn tưởng đã đi xa rồi, thật ra vẫn ở bên cạnh bạn và có thể đứng sát kề vai với bạn nữa kia. Dĩ nhiên, bạn còn mặc một tấm áo choàng dày, còn người kia thì đã cởi bỏ chiếc áo đó rồi, do đó bạn không còn nhìn thấy người ấy nữa, nhưng người ấy vẫn nhìn thấy bạn, vì sự rung động của các nguyên tử của cõi kia thanh nhẹ hơn nên có thể nhìn thấy được nhiều hơn. Và cuối cùng, hành trình mà bạn đang nhìn thấy ở cuộc sống này chỉ là một phần rất nhỏ trong cả chặng đường dài mà linh hồn bất tử của bạn sẽ đi.
Nguyễn Hậu