Đạo diễn được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes (Pháp), tối 27.5 với The Pot au Feu, phim khắc họa câu chuyện thi vị và triết lý về ẩm thực và tình yêu. Sau ba thập niên đoạt giải Caméra d'Or (Camera Vàng) ở Cannes với Mùi đu đủ xanh (1993), đạo diễn tiếp tục làm nên chiến thắng lịch sử tại sự kiện điện ảnh danh giá.
Với Trần Anh Hùng, đam mê điện ảnh được nuôi dưỡng bằng tình yêu Việt Nam, dù anh xa quê từ nhỏ. Theo gia đình di cư sang Pháp, anh lớn lên cùng dòng hồi tưởng của bố mẹ về quê hương. Đạo diễn từng cho biết, dù người thân chỉ kể quanh đi quẩn lại vài mẩu chuyện, anh chưa bao giờ thấy chán. Trưởng thành hơn, anh thích đọc về Việt Nam, tìm hiểu văn hóa quê nhà qua những trang sách.
Sau này, bước vào nghiệp làm phim, đạo diễn theo đuổi những đề tài đậm tính Việt. Năm 1987, chuẩn bị cho bài tốt nghiệp trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière, anh chọn thể loại phim ngắn với Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong), kịch bản lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục. Khi gặp Trần Nữ Yên Khê - vợ đạo diễn hiện tại, nét đẹp Á Đông của cô tiếp tục đánh thức trong anh khát khao được kể chuyện về Việt Nam qua những thước phim. Anh ấp ủ góc nhìn mới về quê hương, khác những gì các nhà làm phim Pháp, Mỹ thực hiện nhiều năm trước đó.
Dấu ấn đầu tiên trong nghề của Trần Anh Hùng là Mùi đu đủ xanh. Ra mắt tại Cannes, câu chuyện về Mùi - cô gái đi ở đợ từ nhỏ và nghệ sĩ dương cầm Khuyến - chinh phục giới phê bình lẫn người mộ điệu bởi những khung hình giàu chất thơ. Ngay từ tác phẩm đầu tay, đạo diễn tạo dấu ấn với phong cách làm phim lãng đãng. Xuyên suốt tác phẩm, Trần Anh Hùng chủ yếu sử dụng tiết tấu chậm rãi, khắc họa chân dung Mùi thuở còn nhỏ đến độ tuổi thiếu nữ vào 10 năm sau.
Trong những tình huống kịch tính - như bà chủ nhà bị chồng lấy hết tiền bạc, hay mâu thuẫn tình tay ba, đạo diễn không đẩy thành cao trào mà xử lý nhẹ nhàng. Ở khía cạnh hiện thực, phim gợi nhiều suy tưởng về thân phận phụ nữ Việt, từ những nhân vật với tính cách nhẫn nại, chịu hy sinh như Mùi, bà chủ nhà, bà mẹ chồng.
Trailer "Mùi đu đủ xanh" (1993) - Video: YouTube Unseen Movies
Tác phẩm cũng ghi điểm bởi lối làm phim duy mỹ, hướng người xem cảm nhận về thiên nhiên. Đạo diễn đặc tả vẻ đẹp cuộc sống xung quanh ở những điều bình dị, như cách cô bé Mùi tròn xoe mắt ngắm giọt nhựa đu đủ trắng sữa nhỏ xuống tán lá xanh, hay thích thú nhìn những hạt mầm, đàn kiến. Đạo diễn hoạt hình người Pháp - Benoît Philippon cho biết khi xem phim Trần Anh Hùng, cảnh đẹp tinh khiết trong tác phẩm quyến rũ ông, thôi thúc nhà làm phim này đến Việt Nam du lịch.
Sau Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng tiếp tục gây tiếng vang với tác phẩm Cyclo (Xích lô) - với sự góp mặt của ngôi sao Hong Kong Lương Triều Vỹ. Khác phim đầu tay, Cyclo (1996) khai thác chất trần trụi của cuộc sống dân lao động nghèo, bị đưa đẩy vào thế giới ngầm thời kỳ hậu đổi mới. Dù phản ánh câu chuyện nhiều góc cạnh, đạo diễn trung thành với những hình ảnh giàu trữ tình.
Thừa hưởng phong cách từ hai phim trước, Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) tiếp tục bộ ba (trilogy) về Việt Nam, xoay quanh một gia đình Hà Nội gồm bốn chị em, Những ẩn ức trong tình yêu, đời sống vợ chồng được đan xen bằng các khung hình giàu thẩm mỹ về cảnh thiên nhiên, ẩm thực địa phương.
30 năm làm phim, Trần Anh Hùng giữ quan điểm sáng tạo nghệ thuật để thỏa mãn cái tôi. Trước những ý kiến cho rằng hình ảnh Hà Nội trong Mùa hè chiều thẳng đứng không giống hiện thực, có phần xa lạ với khán giả, anh từng khẳng định không miêu tả Hà Nội mà kể lại cảm giác về thành phố này trong anh. Những thước phim về quê hương dựa trên kiến thức của anh về văn hóa Việt, trộn lẫn thẩm mỹ của một người đã sống ở phương Tây nhiều năm. "Hiện thực của tôi là sự pha trộn phức tạp, qua lăng kính của nhiều nghệ sĩ mà tôi biết, tôi lựa chọn tiếp xúc. Là mùi, là màu, là chất mà tôi nhìn thấy ở Việt Nam", anh từng cho biết.
Dù trung thành với phong cách làm phim duy mỹ, với Trần Anh Hùng, trong ngôn ngữ điện ảnh, những hình ảnh trau chuốt cần phù hợp với cảm xúc, câu chuyện và nhân vật. Tác phẩm mới nhất - The Pot Au Feu - minh chứng quan điểm của anh khi thể hiện nét đẹp trong ẩm thực pha trộn vẻ đẹp của tình yêu. Trong phim, hai nhân vật chính như hòa quyện với nhau, thể hiện hạnh phúc đôi lứa qua những cuộc trò chuyện về ẩm thực.
Nhân vật chính Dodin (Benoît Magimel) và cô đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche) yêu nhau bằng sự bình đẳng, nể phục và tôn trọng nhau. Dodin không kiêu ngạo, hiểu rõ anh chẳng là gì nếu thiếu đi Eugénie trong bếp. Mối quan hệ đôi nhân vật gợi nhớ đến mối tình của Trần Anh Hùng và nàng thơ - diễn viên Trần Nữ Yên Khê, người thường xuyên đóng chính trong phim của anh. Khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc, anh cũng dành tặng bạn đời lời tri ân, gọi chị là "người đầu bếp" cùng anh sát cánh hơn 30 năm làm nghề.
Không phải lúc nào tác phẩm của Trần Anh Hùng cũng nhận phản hồi tích cực. Khi Mùa hè chiều thẳng đứng ra mắt, nhiều nhà phê bình trong nước cho rằng phim chú trọng đến những hình ảnh đẹp mà chưa quan tâm về nội dung. Năm 2010, tác phẩm Rừng Na Uy - Trần Anh Hùng chuyển thể tiểu thuyết Haruki Murakami - nhận được đề cử Sư Tử Vàng ở LHP Venice, song gây phản ứng trái chiều từ người xem. Nhiều ý kiến cho rằng cách cắt dựng cảnh, tiết tấu chậm, không theo trật tự của đạo diễn khiến phim khó hiểu, nhất là với những người chưa đọc truyện.
Nhiều năm qua, Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê ấp ủ truyền tình yêu điện ảnh với các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam. Họ tham gia giảng dạy các khóa học thuộc khuôn khổ chương trình Gặp gỡ mùa thu - sự kiện điện ảnh quốc tế thường niên. Đạo diễn Huỳnh Công Nhớ - đoạt giải ban giám khảo Liên hoan phim Singapore 2022 - từng được Trần Anh Hùng phát hiện tài năng điện ảnh. "Anh thường truyền đạt kiến thức điện ảnh với giọng điệu chân thành, gần gũi và đầy nhiệt huyết của một nhà làm phim. Học tập và cộng tác cùng anh, chúng tôi có cơ hội bước vào một nơi có thể khám phá ra ngôn ngữ điện ảnh của bản thân", Công Nhớ nói.