Shoun là một bậc thầy của trường phái Thiền tông Tào Động của Nhật Bản. Cả cuộc đời, Shoun không ngại làm những việc bị cho là "khác người", thế nhưng mỗi việc làm của ông đều là một bài học cho những thế hệ sau noi theo.
Bị cười nhạo vì… ra chợ mua cá
Khi Shoun còn là một học trò theo học Phật giáo, bố ông không may qua đời, để lại người vợ đã cao tuổi. Không thể để mẹ ở nhà một mình, Shoun đã mang mẹ đi cùng.
Vì không thể đưa mẹ vào ở cùng với mình và các nhà sư khác trong các tu viện, nên ông đã dựng một căn nhà nhỏ rồi chăm sóc cho mẹ ở đó. Ông chép các bài kinh thuê và nhận được chút tiền ít ỏi, đủ để trang trải cuộc sống cho 2 mẹ con.
Có lần, Shoun ra chợ mua cá về cho mẹ ăn, khiến người khác tưởng rằng ông mua cá cho mình, liền chế giễu ông, nhưng Shoun không bận tâm.
Về sau, khi biết được chân tướng của sự việc, những người đã chỉ trích ông cảm thấy rất xấu hổ, cảm thấy bản thân thật nông cạn.
Tuy nhiên, trước đó, thấy người khác cười nhạo con mình khiến mẹ của ông rất đau lòng. Cuối cùng, bà bảo Shoun: "Mẹ cũng sẽ trở thành sư. Mẹ cũng có thể ăn chay". Sau đó, bà đã đi tu thật và cả 2 mẹ con đã được học cùng nhau.
Bị nghi ngờ có quan hệ với phụ nữ
Shoun rất thích âm nhạc và chơi đàn hạc rất giỏi. Mẹ ông cũng biết chơi nhạc cụ này. Vào những đêm trăng tròn, 2 mẹ con thường cùng nhau chơi đàn rất vui vẻ.
Một buổi tối như vậy, có một cô gái trẻ đi qua nhà họ và nghe thấy tiếng nhạc du dương vô cùng lay động lòng người, bèn ghé vào hỏi. Sau đó, vì ngưỡng mộ tài năng của Shoun, cô gái đã mời ông tối hôm sau đến nhà mình để chơi đàn. Shoun vui vẻ nhận lời.
Thiền sư Shoun không bận tâm trước những lời dị nghị xoay quanh việc ông tới nhà một cô gái trẻ vào buổi tối. (Ảnh minh họa: Internet)
Vài ngày sau, khi gặp lại cô gái trên phố, Shoun đã dừng lại, cảm ơn sự hiếu khách của gia đình cô tối hôm trước. Chứng kiến điều này, nhiều người đã cười nhạo Shoun vì đã tới nhà của một cô gái. Trước tình thế này, Shoun không giải thích, cũng chẳng mấy bận tâm.
Ông cho rằng, chính vì ông và cô gái kia hoàn toàn quang minh chính đại, chẳng có gì cần giấu giếm, mới có thể đường hoàng chào nhau trên phố như vậy.
Những kẻ thích soi mói cứ mãi suy đoán về mối quan hệ của Shoun và cô gái, còn ông và cô gái thì sớm cũng đã quên đi cuộc hội ngộ này. Vì vậy theo Shoun, những kẻ gièm pha chỉ đang tự làm khổ mình mà thôi.
Luôn là người con có hiếu với mẹ
Một lần, Shoun có bài thuyết giảng ở một ngôi chùa xa. Vài tháng sau đó ông mới trở về và hay tin dữ là mẹ ông đã qua đời. Bạn bè, người thân không biết ông ở đâu để tìm tới báo tin, nên đám tang vẫn được diễn ra mà không có mặt ông.
Khi ông trở về đúng ngày tang lễ, Shoun đã bước tới quan tài của mẹ, đập đập vào quan tài và nói: "Mẹ ơi, con trai mẹ đã về rồi đây".
(Ảnh minh họa: Internet)
Sau đó, chính ông đã giả làm mẹ của mình để trả lời con trai: "Mẹ rất vui vì con đã trở về", rồi lại tự trả lời mình: "Vâng, con cũng rất vui". Cuối cùng, ông nói rằng nghi thức đã xong, mọi người có thể mang mẹ ông đi chôn rồi.
Lối ứng xử bình tĩnh, nhẹ nhàng mà sâu sắc của ông khiến những người có mặt một lần nữa phải kinh ngạc.
Shoun cho rằng, bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của người mà ta yêu quý không cần phải hoành tráng, phô trương, chỉ cần mình biết, mình hiểu là được.
Và lời từ biệt trước lúc ra đi
Khi Shoun có tuổi, đã đến lúc ông biết mình sắp ra đi. Một buổi sáng, ông cho gọi các môn đồ của mình vào ngồi xung quanh, nói rằng đến trưa ông sẽ từ giã cõi đời này, nên dặn dò họ những việc cần phải làm.
Trước khi chết, ông vẫn không quên nghĩ đến mẹ mình. Ông thắp hương trước di ảnh của bà và của người thầy mà ông kính trọng rồi viết một bài thơ.
Trong 56 năm tôi đã sống hết mình
Tôi chọn cho mình lối đi riêng trong thế giới này.
Giờ cơn mưa đã tạnh, mây đã tan
Bầu trời xanh và trăng rất tròn
Sau đó, các môn đồ tập hợp xung quanh ông, đọc kinh, và Shoun đã ra đi thanh thản trong những câu kinh cầu phúc ấy.
(Ảnh minh họa: Internet)
Lời bình: Sống trong một xã hội đầy rẫy thị phi, đàm tiếu, đôi khi những lời chỉ trích giống như những mũi dao nhọn, có thể giết chết người khác. Những kẻ ác khẩu ắt sẽ phải gánh nghiệp, nhưng nạn nhân của những lời chỉ trích ấy cũng cần phải học tập phong thái điềm tĩnh và tự chủ như bậc thầy thiền sư Nhật Bản Shoun.
Gặp người không hiểu chuyện, gièm pha nói xấu ta: Không ưu phiền, không bận tâm, không giải thích, vì có giải thích thì họ cũng sẽ cố tình không hiểu mà thôi.
Đứng trước những biến cố lớn của cuộc đời: Không dao động, không hốt hoảng, không đáp trả một cách tiêu cực.
Chúng ta không kiểm soát được những lời nói ác ý của người khác, nhưng có thể kiểm soát phản ứng và hành động của chính mình, "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" như thiền sư Shoun mới là điều ta nên làm.
Theo Atmabodha - Trí thức trẻ