Uất Liễu Tử tên là Liêu (chỉ biết tên mà không rõ họ thật), người Đại Lương nước Ngụy thời Chiến Quốc. Được coi là lý luận gia quân sự lừng danh của Trung Hoa cổ đại nhưng không có nhiều bản văn ghi chép về ông. Chỉ biết rằng năm 237 TCN, ông sang nước Tần du thuyết, được Tần Vương tin dùng phong làm Quốc úy, vì vậy mà gọi là Úy Liêu. Sử sách còn chép tên ông thành Uất Liễu. Vị quân sư này lập đại công khi phò tá Tần Vương diệt sáu nước nhất thống thiên hạ để lần đầu tiên trong lịch sử toàn Trung Hoa quy về một mối.
Năm 238 TCN, Tần Vương Doanh Chính thâu tóm hết quyền hành, loại bỏ mọi thế lực chống đối, kể cả Thừa tướng Lã Bất Vi, để định sách lược "gồm thâu lục quốc". Tần Vương biết trọng dụng nhân tài, bất kể là người Tần hay nước khác, miễn là trung thành. Thế nên Lý Tư người Sở, Uất Liễu người Nguỵ, vẫn được Doanh Chính phong tước Trưởng sử và Quốc uý. Hai vị này đã dâng lên Tần Vương những sách lược căn cốt để nhất thống thiên hạ.
Uất Liễu tâu rằng hiện thời quyết sách của sáu nước (Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên và Tề) đều do các hào thần mỗi nước khống chế. Mà tất thảy những hào thần ấy ai cũng chỉ mưu lợi riêng, chẳng nghĩ lo tới sự hưng vong của quốc gia. Nếu nước Tần dùng lợi ích lôi kéo cám dỗ thì họ sẽ chịu sự sai khiến của Tần. Tần Vương theo lời, cho người đem vàng bạc châu báu đi ngay các nước du thuyết. Sau hơn một năm, Tần đã mua chuộc được nhiều hào thần lục quốc, nắm khá rõ những điều cơ mật về chính trị và quân sự của họ. Uất Liễu hẳn là một trong những nhà tiên phong trong sử sách biết vận dụng Quyền lực Kinh tế.
Kế sách này của Uất Liễu là căn bản giúp Tần Vương Doanh Chính chinh phục cả 6 nước chư hầu cuối thời Chiến Quốc chỉ trong vòng chưa đầy năm (từ năm 230 đến năm 221 TCN). Uất Liễu góp công quá lớn để tạo nên một nhà Tần của Thủy Hoàng đế bao trùm toàn cõi Trung Hoa. Dù chỉ tồn tại 16 năm ngắn ngủi, không như mong muốn "vạn thế" của Tần Thủy Hoàng, nhưng nhà Tần lại là nền tảng cho mọi triều đại sau này của phong kiến Trung Hoa.
Có giai thoại rằng Uất Liễu rất giỏi thuật xem tướng, khi diện kiến Tần Vương ông đã có lời nhận xét: "Tướng mạo của Doanh Chính mũi cao, mắt dài, ngực chim ác, tiếng sói thì là người hà khắc, ít khi ban ơn cho ai. Khi có việc cần thì chịu nhún nhường, lúc xong việc sẽ khinh bỏ. Bây giờ còn trong lúc mưu đồ nên còn chịu khuất với ta, mai sau đắc chí thì cả thiên hạ đều bị tội, chẳng phải chỉ có mình ta".
Quả thật, sau khi nước Tần thống nhất thiên hạ rồi, Uất Liễu cảm thấy một Tần Thủy Hoàng khác hẳn Doanh Chính xưa kia: đầy ngạo mạn và cai trị hà khắc. Tin rằng nguyên khí của nhà Tần rồi sẽ dần suy vong, nếu ở lâu tất mang họa nên Uất Liễu vội dẫn gia quyến bỏ trốn. Quần thần cứ lầm tưởng là do Tần Thủy Hoàng không phong đất nên Uất Liễu mới thất vọng mà bỏ đi.
Sống mai danh ẩn tích đến cuối đời, Uất Liễu để lại cho hậu thế một trước tác là quyển Binh thư Uất Liễu Tử gồm 23 thiên. Ông kế thừa các tiền nhân như Khương Tử Nha, Ngô Khởi… nên đến lượt mình chủ yếu luận bàn nhiều về việc luyện quân, yếu tố tinh thần tướng sĩ và kỷ luật chiến trường hơn là tác chiến.
"Uất Liễu Tử" thuộc binh pháp số 6 trong 12 binh pháp của cuốn sách "Thập Nhị Binh Thư" được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".
(Đón đọc kỳ sau: Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 7: Binh pháp Khổng Minh)