Vào cuối thời Đông Hán ở Trung Quốc, thái giám lộng quyền, loạn Hoàng Cân (khởi nghĩa Khăn Vàng), vạn sự rối ren. Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt đó, xuất hiện vô số những anh hùng mà sử sách và các trang tiểu thuyết không ngớt miêu tả.
Giữa thời đại xuất hiện anh hùng đông đảo như vậy, có một người không phải gốc Trung Nguyên, nhưng lại có quan hệ mật thiết với Trung Nguyên. Tài năng của võ tướng này dũng mãnh đến độ được La Quán Trung mô tả chân thực trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đến mức khiến Tào Tháo phải vứt bỏ trường bào và cắt đi bộ râu dài của mình hòng thoát khỏi sự truy sát của ông.
Người đó chính là Mã Siêu - một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán (Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung).
Mã Siêu (176-222), tự Mạnh Khởi, sinh ra ở Phù Phong, Mậu Lăng, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay. Mã Siêu là người Hán lai Khương tộc, là hậu duệ của Mã Viện - một vị tướng nổi tiếng thời đầu Đông Hán, và là con trai cả của tướng Mã Đằng.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Mã Siêu được La Quán Trung "họa" rất đẹp: Võ tướng trẻ tuổi này có khuôn mặt đẹp như ngọc, sức khỏe phi phàm, dũng cảm hơn người. Không chỉ giỏi dùng giáo mà tài bắn tên còn vô song, kết hợp cùng lối đánh thần tốc và tiên phong đi đầu nên Hổ tướng nhà Thục Hán khiến không ít tướng địch sợ hãi tháo chạy.
Mã Siêu từng giao chiến với Hứa Chử (công thần khai quốc nhà Tào Ngụy, tướng thân cận của Tào Tháo) hàng trăm hiệp bất phân thắng bại. Trước khi theo Lưu Bị, trong trận ải Hà Manh, Mã Siêu và Trương Phi đã cùng nhau giao chiến cả ngày lẫn đêm qua 230 hiệp đấu mà vẫn không thể phân định thắng bại. Tài năng võ thuật của Mã Siêu khiến cả Gia Cát Lượng và Lưu Bị không ngớt lời khen ngợi và phải bày kế để thu phục.
Dẫu vậy, vẫn có một võ tướng khiến Mã Siêu phải e sợ. Bởi người này nắm rõ được điểm yếu của Mã Siêu sau khi giao đấu Hứa Chử và Trương Phi. Người mà Mã Siêu dè chừng chính là Triệu Vân - công thần khai quốc nhà Thục Hán, vừa dũng mãnh vừa mưu lược như thần.
Chiến tích lừng lẫy bậc nhất của Triệu Vân chính là 2 lần xông pha cứu được Lưu Thiện (con trai của Lưu Bị) khi còn nhỏ khỏi vòng vây của Tào Tháo và Tôn phu nhân. Về sau Lưu Thiện là vị hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán.
Nhưng chiến tích khiến Triệu Vân được xưng tụng là "Thường thắng tướng quân" này không phải là lý do mà Mã Siêu dè chừng Triệu Vân.
Sau khi đầu quân cho nhà Thục Hán, Lưu Bị dẫn quân đến Miên Trúc chuẩn bị giới thiệu Mã Siêu với mọi người. Không ngờ lãnh chúa Lưu Chương (cai quả Ích Châu) bất ngờ phái quân tấn công nên Triệu Vân chủ động xin đánh.
Sau khi Lưu Bị đồng ý cho Triệu Vân tham chiến, ông ra lệnh cho người của mình tổ chức tiệc chiêu đãi Mã Siêu, vừa thưởng rượu vừa xem Triệu Vân diễu võ. Kết quả là trước khi yến tiệc được bày biện, Triệu Vân đã đánh bại được quân địch, mang thủ cốc của 2 tướng địch về trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, trong đó có Mã Siêu.
Tài năng xuất chúng của Triệu Vân khiến Mã Siêu không khỏi nể phục. Hổ tướng Triệu Vân có thể cưỡi ngựa đi ngàn dặm. Người này dũng cảm khó ai sánh bằng. Mỗi trận đơn đả độc đấu của Triệu Vân với tướng địch đều kết thúc rất nhanh chóng, và đối thủ của người này đều bị đánh bại bởi ngọn giáo bạc uy phong lẫm liệt.
Sử sách ghi lại rằng Mã Siêu tuy võ nghệ cao cường nhưng tốc độ lại không sánh bằng Triệu Vân. Chính hai trận giao đấu của Mã Siêu với Hứa Chử và Trương Phi đã lộ rõ "điểm yếu" của võ tướng này. Cả hai màn đơn đả độc đấu này đều có một điểm chung đó là thời gian giao chiến rất lâu mà không thể phân định thắng bại. Điều này thực sự khác biệt so với Triệu Vân và Hổ tướng nhà Thục Hán nắm rõ điểm yếu này.
Sự nể phục nhanh chóng trở thành sự dè chừng Triệu Vân gấp bội sau khi Mã Siêu biết "thân phận" thật sự của Triệu Vân.
Ở nhà Thục Hán, Triệu Vân được xem là tướng thân tín của Lưu Bị. Mọi lời nói và hành động của Triệu Vân thực chất là thể hiện ý đồ của Lưu Bị.
Việc Lưu Bị đồng ý cho Triệu Vân tả xung hữu đột trước khi yến tiệc chiêu đãi Mã Siêu thực sự bắt đầu ngầm tỏ ý cho Mã Siêu biết rằng nhà Thục Hán có một mãnh tướng có thể trấn át được chính Mã Siêu. Do vậy, đã đi theo phò tá Lưu Bị, cần phải một lòng trung thành.
"Một Lã, hai Triệu, ba Điển Vi, bốn Quan, năm Mã, sáu Trương Phi" là câu nói nổi tiếng của người thời Tam Quốc nhằm tôn vinh 6 võ tướng mạnh nhất thời Tam Quốc, bao gồm: Lã Bố, Triệu Vân, Điển Vi, Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi. Thứ tự này phần nào nói lên thứ bậc "trên trướng" của Triệu Vân đối với Mã Siêu.
Tham khảo: Sohu, 163