Trên hành trình chinh phục những thử thách hay đơn giản là thay đổi bản thân, niềm tin đóng vai trò là hành trang không thể thiếu đối với mỗi người. Dù ở hoàn cảnh nào, xuất phát điểm ra sao, lúc này hay lúc khác thì việc có niềm tin mãnh liệt sẽ giúp bạn vượt qua và thậm chí là gặt hái được những thành công đáng mong đợi.
Theo Anthony Robbins, diễn giả nổi tiếng thế giới, đồng thời là tác giả của cuốn “Đánh thức con người phi thường trong bạn” chia sẻ: “Niềm tin là một mệnh lệnh không thể chối từ đối với hệ thần kinh, và nó có sức mạnh phát huy hay triệt tiêu năng lực hiện tại cũng như trong tương lai của ta. Cho nên nếu muốn định hướng cuộc đời mình, ta phải bắt đầu kiểm soát niềm tin. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần phải hiểu chúng thực sự được hình thành từ đâu và bằng cách nào”
Trên thực tế, niềm tin không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc hay hành động, nó còn có thể biến đổi cả thể chất của chúng ta trong một chừng mực nào đó.
Nghiên cứu của giáo sư Bernie Siegeltại Đại học Yale, về chứng bệnh rối loạn đa nhân cách cho thấy một điều đáng kinh ngạc. Đó là sức mạnh niềm tin ở những người cho rằng họ đã trở thành một người hoàn toàn khác truyền dẫn một mệnh lệnh tới hệ thần kinh để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cấu trúc sinh hóa của cơ thể họ. Màu mắt của bệnh nhân thực sự thay đổi khi nhân cách họ thay đổi, hoặc là có sự xuất hiện và biến mất của một số đặc điểm thể chất.Thậm chí những căn bệnh như đái tháo đường hay cao huyết áp cũng xuất hiện và biến mất dựa trên niềm tin của nhân cách đang thể hiện.
Ngoài ra, nghiên cứu củaTiến sĩ Henry Beecher ở Đại học Harvard đã gây chấn động về kết luận sức mạnh niềm tin có khả năng biến đổi tác động của thuốc đối với cơ thể người.
Theo đó, 100 sinh viên y khoa được yêu cầu tham gia kiểm nghiệm 2 loại thuốc. Một loại được mô tả là thuốc siêu kích thích (viên màu đỏ), còn loại kia là thuốc siêu gây mê (viên màu xanh). Các sinh viên hoàn toàn không biết trước thuốc bên trong đã bị hoán đổi. Cụ thể, viên màu đỏ thực ra là thuốc an thần, còn viên màu xanh là thuốc kích thích. Nhưng một nửa số sinh viên đã có những phản ứng thể lý đúng như suy nghĩ của họ và hoàn toàn trái ngược với phản ứng hóa học mà thuốc lẽ ra sẽ tác động lên cơ thể họ.
Theo Tiến sĩ Beecher, công hiệu của thuốc “không chỉ nằm ở thành phần hóa học của thuốc, mà còn nằm ở niềm tin của bệnh nhân vào tác dụng và hiệu quả của thuốc”.
Đúng vậy! Niềm tin có khả năng khiến chúng ta sinh bệnh hay có thể hồi phục trong phút chốc. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng niềm tin tác động đến cả hệ miễn dịch. Nhưng quan trọng nhất là niềm tin cổ vũ ta quyết tâm hành động, hay làm suy yếu, triệt tiêu nghị lực của ta.
Hầu hết mọi người xem niềm tin như là một “thứ” cụ thể, trong khi thực ra nó là cảm giác chắc chắn về một điều gì đó. Nếu bạn tin rằng mình thông minh, điều bạn thực sự muốn nói là: “Tôi có cảm giác chắc chắn rằng tôi thông minh”. Cảm giác rõ ràng đó cho phép bạn khơi nguồn năng lực, đưa bạn đến những kết quả tốt đẹp. Tự trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều đã có lời giải đáp cho hầu hết mọi điều chúng ta còn băn khoăn, nhưng thường thì do thiếu tin tưởng, thiếu sự chắc chắn nên chúng ta không có khả năng vận dụng sức mạnh nội tại của mình.
Niềm tin mãnh liệt thậm chí còn có thể giúp con người làm được những việc tưởng chừng là “bất khả thi”.
Vậy, làm thế nào để chuyển hóa ý niệm thành niềm tin? Câu trả lời là nhờ những tham chiếu, hoặc những kinh nghiệm từ cuộc sống. Đây chính là những chiếc “neo” giúp cho ý niệm có cơ sở vững chắc và từ đó trở thành niềm tin chắc chắn.
Một minh chứng có thật là trong suốt hàng ngàn năm qua, con người tin chắc rằng không ai có khả năng chạy hết một dặm dưới bốn phút. Tuy nhiên, vào năm 1954, Roger Bannister đã phá vỡ “rào cản” niềm tin kiên cố này. Anh đã đưa mình chạm đến điều “bất khả thi” không chỉ đơn thuần bằng cách tập luyện thể lực mà còn nhờ liên tục “diễn tập” sự kiện vượt qua rào cản bốn phút một dặm trong tâm trí với cảm xúc mãnh liệt đến độ trở thành nguồn tham chiếu “đáng” tin cậy.
Tuy nhiên, điều hết sức tuyệt vời từ cú đột phá của anh là nguồn cảm hứng mà nó để lại. Trong vòng một năm kể từ lúc Roger vượt qua giới hạn đó, đã có 37 người phá vỡ kỷ lục này. Thành công của anh là nguồn tham chiếu mạnh mẽ, đủ để tạo ra cảm giác chắc chắn là họ cũng có khả năng làm điều “không thể”.Vào năm tiếp theo, 300 người khác nữa lần lượt thiết lập nên kỷ lục mới.
Nhiều người thường mang niềm tin hạn hẹp về bản thân do họ đã không thành công trong quá khứ, rồi từ đó tin rằng mình sẽ không thể thành công trong tương lai và điều này vô tình trở thành rào cản. Sự thật là khả năng của con người lớn hơn rất nhiều so với những gì họ từng mơ đến. “Gã khổng lồ” trong bạn đang chờ được đánh thức. Vì vậy, hãy cố gắng gạt bỏ những niềm tin hạn hẹp về bản thân mà thay vào đó tin rằng mình sẽ làm được, nuôi dưỡng nó trong tâm trí đến độ trở thành động lực thúc đẩy bạn hành động.
“Đánh thức con người phi thường trong bạn” là cuốn sách giúp người đọc khám phá giá trị tiềm ẩn của bản thân để tạo nên những kết quả chính mình không ngờ đến. Cuốn sách được viết bởi Athony Robbins – một nhân chứng sống, một người đã tìm được sự phi thường trong chính con người mình.