Người cha từ tâm của những bé đáng thương
Một buổi chiều, theo chân của đoàn thiện nguyện về xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi bất ngờ thấy trước mặt hàng trăm ngôi mộ nhỏ, nơi chôn những thai nhi bị từ chối sự sống. Đây là khu đất trong đó đặt san sát nhau những ngôi mộ nhỏ không một tấm bia đề tên tuổi, địa chỉ, bởi chỉ là "ngôi nhà chung" của những sinh linh bé bỏng chưa chào đời bị tước quyền sống, được mang về từ những bệnh viện, những cổng chùa, có khi còn do cha mẹ chúng mang lại gửi chôn cất.
Nằm giữa khu đất là bức tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, cạnh bên có tấm bảng ghi chút "tiểu sử" những đứa bé đáng thương, ngày giờ chôn cất. Những sinh linh ở đây đều được đặt tên chung là Vô Ưu, và để phân biệt, mỗi ngôi mộ được đặt theo con số, như Vô Ưu 1, Vô Ưu 2, Vô Ưu 3...
Người lập ra nghĩa trang này là chú Chín Xuân (tên thật Huỳnh Văn Xuân), 72 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Mỗi ngày ông chạy xe hàng chục cây số để đưa về những xác thai nhi bị cha mẹ vứt bỏ, mang về nghĩa trang tụng kinh, niệm phật rồi chôn cất. Chú Chín Xuân tâm sự: “Năm 2016, sau khi biết đến một khu nghĩa trang chôn cất hàng ngàn thai nhi bị bỏ rơi, từ đó tôi mong muốn về lập ra khu tương tự ở miền Tây. Sau đó cơ duyên được chùa Chánh Thiên Cơ hiến đất nên tôi đã bắt tay vào việc tạo ra khu nghĩa trang này”.
Theo chú Chín, ban đầu khi vừa mới thành lập khu nghĩa trang chú gặp khá nhiều khó khăn về kinh phí. Một thời gian sau, có nhiều người tốt đến thăm và gửi tiền để chú Chín tiếp tục thực hiện công việc thiện lành của mình. Ở nơi đây, không phải chỉ có những bé bị chết do nạo phá thai mà còn có nhiều hoàn cảnh khác. Chẳng hạn ngôi mộ lớn nhất nơi đây là nơi yên nghỉ của thai đã 9 tháng trong bụng mẹ. Bé là đứa con đầu tiên của một gia đình nghèo, sau khi có thai vẫn không có điều kiện đi khám mà cũng chẳng chuẩn bị gì. Đến ngày sinh mới phát hiện bé bị dây rốn quấn cổ, chết trong bụng mẹ.
Hiện nơi đây có tổng cộng 418 ngôi mộ thai nhi từ 2 - 9 tháng. Chú Chín kể: “Có một buổi tối, lúc đó chưa có đèn như bây giờ, tôi đang ngồi làm mộ, cảm thấy phía sau lưng bị nặng vai, tôi nghi chắc tụi nó rồi. Không phải tụi nó lại nhát mình mà chắc chúng ngồi coi tôi đang làm cái gì. Tôi mới nói bây giờ tụi bây tránh ra nghe, tao mà chạy là không ai làm cho tụi bây nữa nghe. Sau đó cảm giác như nhẹ người lại, tôi nói đây không phải mê tín nhưng mà thật sự có chuyện này”.
Ngoài chôn cất thai nhi, chú Chín còn chôn cả những người nghèo khổ, người neo đơn không nơi nương tựa. Chú Chín nhận chôn cất họ nhưng chỉ nêu điều kiện: “Tôi không nhận tiền từ người gửi cốt, ở đây tôi vẫn cúng kiếng cho họ đàng hoàng, nhưng với điều kiện người thân phải lui tới thường xuyên để cúng lạy, để họ biết được người thân của họ ở chỗ nào, bởi nơi đây mộ không có hình ảnh, không có tên tuổi gì hết”.
Người phụ việc tận tâm
Phụ với chú Chín Xuân, người túc trực chăm sóc khu nghĩa trang này là anh Nguyễn Thanh Tú. Khi nghĩa trang tồn tại được vài năm, anh Tú đến nói với chú Chín xin được chăm sóc từng nấm mộ những đứa trẻ bất hạnh. Trước đó, anh từng làm nghề giết mổ gia súc gia cầm. Chú Chín Xuân kể: “Trước đó, ai mướn gì nó cũng cắt mổ hết. Heo, chó, gà, vịt hay bất kể con gì cũng được, cứ hễ ai mướn là làm, thật sự là nhà nghèo nên phải làm chuyện đó để có tiền trang trải cho cuộc sống, lo cho gia đình”.
Sau khi gặp chú Chín, được chú khuyên nhủ, anh đã không làm công việc đó nữa, tập trung lo cho khu nghĩa trang. Mỗi ngày anh Tú đều đến thắp nhang cho những đứa bé, đốt đèn, quét dọn, rồi tưới cây... Công việc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày, không chán ngán hay sợ hãi mà ngược lại luôn thanh thản khi chăm sóc những ngôi mộ. Anh Tú bảo: “Tôi luôn cảm thấy vui vẻ và thanh tịnh khi ở nơi đây và luôn xem những sinh linh này như con của mình”.
Ngoài việc chăm sóc khu mộ, anh Tú còn làm việc thiện nguyện mà không phải ai cũng dám làm: vớt xác người chết trôi. Từ khi làm công việc này đến nay, anh đã vớt được mấy trăm xác chết để công an điều tra và liên lạc với người thân của họ. Nhiều gia đình cũng như cộng đồng rất biết ơn và nể phục anh.