Sài Gòn - Định danh bằng một chữ 'tình'

28/04/2019 10:43
Sài Gòn - Định danh bằng một chữ 'tình'

Một người yêu Sài Gòn này tới mức nó định danh chị, trở thành phong cách cố định và nằm trong mọi phát ngôn của chị. Lắm khi, nó khiến bạn bè đồng nghiệp xót giùm chị, nhiều khi muốn khuyên chị “yêu có chừng mực thôi” để đỡ khổ..."

Người ta nói về tôi đó, như một cách mà những người dẫn chương trình thường thích dắt khán giả đi vòng vo, đoán non đoán già về một nhân vật khách mời long trọng nào đó để khi bắt qua ống kính cận cảnh chân dung kia, nhà tổ chức tưởng tượng cảnh người ta vỗ đùi chách chách: “Biết ngay mà!” mãn nguyện như khi đoán trúng cung bậc một nốt xề mùi mẫn.

Mà người ta đoán trúng thiệt, vì nó đã trở thành định danh, như anh bạn đồng nghiệp người miền Bắc kia đã nói.

Không hiểu sao, lời giới thiệu có màu mè xưng tụng thân ái kia lại làm tôi rầu suốt quãng đường về sau buổi ghi hình.

Cái thứ mà tôi ngỡ rằng nghiễm nhiên đã trở nên sự lạ.

Giống như cái cách người ta dùng danh từ “cá tính” để biến thành một thứ tính từ mới, để chỉ sự dị biệt, nổi bật nào đó, mà thường là ngoài hình thức hơn là bản chất nội dung.

“Cá tính” là tính cách cá nhân của mỗi con người, ai mà không có chớ? Phải giữa một xã hội của những cá thể đồng hóa nhạt nhòa lắm, nó mới nghiễm nhiên thành sự lạ, thành tính từ định danh.

Còn với một miền đất nuôi đất ở, hay nói giản dị hơn, với Sài Gòn, ai là dân ở đây không nghiễm nhiên yêu nó?

Không lẽ sự ấy, nay đã là điều xa lạ dị kỳ?

Nếu ở được thì thương cũng dễ

Cũng có lẽ anh bạn đồng nghiệp người Bắc mới vô sau này, nên vẫn điều nghiên cái tình yêu kia như một “sự lạ” chỉ chia sẻ giữa nội gia quần thể dân Sài Gòn. Với anh, tình yêu nọ chỉ dừng lại ở một sự hài lòng, thoải mái để an vị đất này. Theo cái cách anh nói là “ở được, sống được”, giống cái cách dân Sài Gòn đánh giá một người là “chơi được”.

Anh yêu và sống với Sài Gòn như cái cách người ta thản nhiên bước vô cuộc gá nghĩa vợ chồng khi tới tuổi tiện duyên, rồi cứ vậy bình tĩnh mà hạnh phúc.

Giữa những cặp hôn nhân “ở được” như vậy, thì cái sự nồng nhiệt kia, với mảnh đất đã nghiễm nhiên thuộc về ấy, quả là sự lạ.

Hay cũng bởi chính tôi không hề là người sinh ra ở Sài Gòn, nên tôi không có được cái cách yêu thương quyến luyến giản dị điềm nhiên của dân Sài Gòn chánh hiệu. Họ ít nói, ít phân tích tình cảm của chính mình. Họ không phân bua và cũng chẳng la làng khoa trương cái mối tình bình thản ấy.

Ảnh: Andy Lê

Họ chỉ đơn giản ở lại bên mình phố, làm công chuyện của mình thật tốt, đều đặn, quanh năm. Rồi có dịp giả sử đi đổi gió, du lịch, chỉ giỏi lắm dăm ba hôm lại cuống cuồng đòi về. Phi cơ vừa mở cửa, cái mùi khói bụi ô nhiễm, cái nắng nhiệt đới hầm hập từ đường băng phà lên, và những tiếng cười nói sang sảng của đám dân lao động, tiếng dân nhậu giữa trưa trời đứng bóng hò la hết cỡ dọc hai bên đường về lại khiến người ta an tâm thở phào khoan khoái.

Họ nói bởi về đây mới thấy “dễ sống”. Như cái cách mà dân Sài Gòn khoe ý trung nhân của mình là “dễ thương”.

Cứ dễ là được, bất thiết cầu kỳ.

Ai hay hỏi tôi có phải dân “Sài Gòn ruột” không mà yêu dữ vậy, thường thì người hỏi không phải sống ở đất này, hoặc chỉ mới chuyển tới dăm ba năm mới hỏi như vậy. Bởi ở Sài Gòn, người ta không có khái niệm “Sài Gòn gốc”. Sống được, chơi được, đã là dân Sài Gòn, còn chuyện trước đó chẳng mấy ai quan tâm.

Trong khi đó, dân “Sài Gòn ruột” lại thường tưởng tôi là... Việt kiều. Cái hồi chưa làm truyền hình, việc bị mấy bác tài xế hay mấy chị tiểu thương trong chợ u ơ nói tiếng Mỹ với tôi đã là chuyện thường xuyên. Có lần cắc cớ hỏi tại sao không đoán được tôi dân Sài Gòn, bác tài trỏ vô kiếng chiếu hậu “Bị vì cô bận áo dài kỹ tánh quá, giống mấy người đi xa từ hồi còn nếp ăn bận cầu kỳ. Mà mấy người đó đi xa nên mới nhớ dữ, nhắc hoài, không hiểu tưởng người ta làm kiểng”.

Tội nghiệp người ở xa, bởi trong mắt dân Sài Gòn cố thủ, cái sự yêu thương nhung nhớ cuồng nhiệt gửi gắm về qua những cuốn băng hải ngoại thời kỳ đầu thập niên 1990 thiệt là khó hiểu.
Có lẽ với họ, ắt phải đi xa, phải mất mát thiếu thốn, mới có thể thốt lên rằng yêu quá, nhớ quá, Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi!

Cứ như thể phải mất rồi mới yêu, thì là hợp lẽ.

Yêu kiểu... tình bolero

Tôi không hẳn yêu đất này chỉ bởi những gì đã mất, bởi tôi không phải Việt kiều, mà có lẽ nó giống hơn với những cặp đôi thời chiến, yêu nhau say đắm vong thân bởi lẽ không biết được chuyện sống chết nay mai, khiến người ta yêu thương dữ dội hơn những cuộc tình thời bình (mà có khi, thời bình yêu nhau thì xác suất chia tay vì chán còn cao hơn chuyện sinh ly tử biệt!).

Chắc bởi vậy mà sau này, người trẻ thời bình khó mà hiểu nổi cái sự cường điệu trong những tác phẩm yêu đương ủy mị viết trong cuộc chiến, yêu tới “đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi”.

Giới nhạc sĩ ngày nay có phục dựng được tiết tấu giai điệu, chớ cái tinh thần sầu bi lệ thắm ấy thời nay hóa ra sáo rỗng, thành ra khiên cưỡng “làm kiểng” như cách nói của bác tài taxi nọ, nói một cách khác là “sến”. Sến không bởi lẽ cực đoan trong cảm xúc, mà “sến” bởi cái lối cường điệu vô tri vô cảm, làm kiểng làm màu, như lớp sơn xanh đỏ của nhánh hồng nhánh huệ, hay mấy bức sơn thủy thô lậu trét trên mấy cái mành trúc có thời rất thịnh kiểu nội thất nhà quê. Ngó vui mắt, kêu leng keng, chớ không khiến người ta lặng người mà ngắm.

Không ai hẹn ai, nhưng dẫu xuôi về khu Đa Kao, Phú Nhuận, ai cũng ráng né con đường Tôn Đức Thắng như một vết thương hở toang hoác đớn đau. Đau cho thành phố, đau cho người trót mang lòng si tình thành phố.

Nhạc vàng thời chiến, hay theo cách nói bây giờ, kêu đại là bolero đó, nó thấm thía ghê gớm, phải ai đã từng yêu kẻ sắp lìa xa để nấc lên “phút gần gụi này thôi, khuya nay anh đi rồi...”. Vậy chắc có thể mô tả nôm na cái kiểu tôi yêu Sài Gòn, là cái kiểu tình hết sức... bolero.

Yêu mà không có nhiều lúc say sưa hân hoan như được hẹn. Cái tình nó cứ có màu sầu sầu sến sến, đủ hắt hiu lẫn hãi sợ, nó khiến buồn lây.

Đúng thiệt là tôi yêu Sài Gòn kiểu nồng nhiệt và khoa trương, ồn ào và hối hả, như cái cách nhân tình vồ vập không bởi cái khát khao thiếu đói nhục cảm, mà bởi cái dự cảm biệt ly “vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay”.

Yêu bởi dự cảm của điều sẽ đến, hơn là bởi sự đã rồi.

Tôi sợ mất tiêu Sài Gòn, sợ nếu không kịp nhắc nhớ chuyện ký ức, chuyện kỷ niệm, những chuyện Sài Gòn hồi nẳm, người ta sẽ quên, tệ hơn nữa, chính Sài Gòn sẽ quên.

Yêu như thể sắp mất nhau nay mai. Cái tình đó nó dữ dội và dày vò dữ lắm.

Yêu kiểu đó, không phải bởi yêu thật nhiều, người ta sẽ chẳng dám yêu, bởi hao mòn và buồn dữ lắm.

Như những kẻ si tình

Trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam, cũng có không ít những thành phố được yêu cuồng nhiệt như vậy, bởi chính cư dân của nó. Frank Sinatra có thể đang gõ gót giày ngạo mạn trên đỉnh thượng lưu Mã Nhật Tân vẫn hát vang tụng ca Nữu Ước “I want to be a part of it: New York! New York!”, hay Edith Piaf say sưa kể chuyện:

“Du ciel d’été
L’accordéon
D’un marinier
L’espoir fleurit
Au ciel de Paris”

như cái cách mà Y Vân say sưa lặp đi lặp lại vừa hân hoan vừa âu yếm “Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”

Cái tên riêng trở thành điệp từ say sưa lặp đi lặp lại “Gần nhau xa nhau mấy đỗi, hỡi quê hương xứ sương rơi, Đà Lạt ơi? Đà Lạt ơi?”

Những thị thành có thứ tố chất cá biệt, không chỉ là đất mưu sinh của dân thập phương tứ xứ, vốn luôn đeo mang dự cảm biệt ly, mà còn quyến rũ bởi chính tính đa hợp trong văn hóa bản địa, làm thành một thứ quê hương không bao giờ khiến người ta chê chán bởi luôn có một cái gì đó khiến người ta luôn cảm thấy “thuộc về”, nhưng cũng đủ phức tạp khiến người ta luôn bị hút tới.

Ở những thành phố đó, dễ nhận biết bởi ngay trong lòng nó vẫn luôn hình thành những cộng đồng bất kể thành phần trí thức hay lao động, người ta gắn kết bởi những câu chuyện xoay quanh cuộc tình với phố thị đó. Những tác phẩm và các vụ đàm luận vẫn dấy lên từ đây, mạnh mẽ hơn hết vào những thời kì mà thành phố nọ đứng trước nhu cầu kháng cự văn hóa.

Có thể bắt gặp trên đường, nơi bến xe đò liên tỉnh, nghênh đón dân tứ xứ là những câu bắt đầu bằng “Sài Gòn mà...”.

Thậm chí nó đi cùng một cái xua tay sau một hành động nghĩa hiệp, không giấu nổi một chút kiêu hãnh ngấm ngầm nhưng bình dị đúng màu kiến nghĩa bất vi “Ơn nghĩa mẹ gì, Sài Gòn mà...”.

Và cũng ở đây, mỗi chiều cuối một ngày giữa tuần, hay những buổi sáng Chúa nhựt, khi mà giáo dân tụ tập về ngôi thánh đường Chánh tòa Đức Bà, thì con dân tín đồ Sài Gòn cũng tụ tập quanh quảng trường, từ bên khu cà phê thượng lưu Hàn Thuyên dân Việt kiều ngồi trong những tòa nhà kiến trúc Pháp, rôm rả câu chuyện hương xa hương xưa. Đám tân thị dân trẻ thì túm tụm thành nhóm trên những tờ giấy báo trải trong công viên bập bùng mấy cây guitar thùng, mơ mộng chuyện lập nghiệp tập tành làm dân Sài Gòn. Hội văn hữu trí thức thì gặp gỡ bên khu đường sách, hay một buổi ra mắt sách chủ đề thành thị, từ tản văn, khảo cứu, tới đam mỹ làm kiểng hai tiếng Sài Gòn cho ăn khách.

Những câu chuyện về Sài Gòn xưa, Sài Gòn bây giờ, chuyện thời sự, văn chương… lại là câu chuyện đổi trao từ sáng tới quá ngọ mới vãn tuồng.

Ra mắt từ tháng 11.2018, gánh hát Phụng Hoàng Ban đã có nhiều đêm diễn tự tình, đầy cảm xúc với định dạng diễn ca kịch trích lục những sử liệu, giai thoại về Sài Gòn, ký ức văn nghệ Nam bộ tại sân khấu Kim Ngân (144, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng là cách mà Trác Thúy Miêu - người khởi lập gánh hát, chấp bút các kịch bản và dẫn chuyện đêm diễn, lựa chọn để bước qua nỗi sợ: “Tôi sợ mất tiêu Sài Gòn, sợ nếu không kịp nhắc nhớ chuyện ký ức, chuyện kỷ niệm, những chuyện Sài Gòn hồi nẳm, người ta sẽ quên, tệ hơn nữa, chính Sài Gòn sẽ quên….”. Ảnh: P.H.B

Mấy hổm rày người ta nói nhiều về vụ dự án thôn tính san bằng Khu Hòa Bình Đà Lạt. Một cuộc xót xa lây lan đi trên bàn cà phê, cái cách một thị dân lịch lãm thuở xưa ngậm ngùi ngả nón trước một cỗ quan tài được khiêng qua bên đường, trước những thuộc tính thị thành cứ lần lượt bị san bằng dưới chiếc xe lu vinh danh phát triển.

Vậy thôi, rồi ra về, không ai hẹn ai, nhưng dẫu xuôi về khu Đa Kao, Phú Nhuận, ai cũng ráng né con đường Tôn Đức Thắng như một vết thương hở toang hoác đớn đau.

Đau cho thành phố, đau cho người trót mang lòng si tình thành phố.

Lũ chúng tôi, hóa ra chỉ là ba mớ trí thức salon, như gã nhân tình nghèo, chân thành si mê nhưng bất lực trắng tay. Mà Sài Gòn như ả điếm hết thời, mà trong mắt nhìn của kẻ mê đắm còn thiết tha hào quang nữ chúa phòng trà, nên lòng ngưỡng mộ tôn thờ càng thêm phần tha thiết xót xa.

Gặp phải xui, nhìn ý trung nhân trao đời hoa nhằm tay vũ phu vô phúc, thì cũng ngậm ngùi viết bậy một bài thơ si tình, rồi gỡ nón quay lưng không nhìn, chớ có biết làm chi hơn.

Mấy quý ông quý bà hải ngoại bên kia đường, nơi các quán cà phê thượng lưu thì có phần hằn học hơn, nhưng rồi ai cũng về xứ mới của người nấy, mang theo hoài cảm cho một Sài Gòn nào đó mà dân Sài Gòn bây giờ đã lãng quên, hoặc chưa bao giờ nhìn thấy.

Chỉ có đám trẻ, chúng cuồng nhiệt lao ra đại lộ Tôn Đức Thắng ôm ghì mấy gốc cây, chúng phân phát những bông hồng đặt lên những thân cây đỏ như máu bị cưa sát gốc. Chúng cám ơn một miền hoa lệ xí hụt mà chúng không may đã đặt chân tới vào ngày tàn tạ cả lệ lẫn hoa.

Chỉ có đám người trẻ kia, chúng lập những hội nhóm điện tử, những fanpage kể chuyện đời nay, chuyện ông bảo vệ làm mất xe được dân góp tiền đền chủ xe, gom sao nghe đâu dư gần trăm triệu bạc, lại mang hết đi cho người nghèo. Chúng kể chuyện ngày nay chẳng ai để ai chết đói giữa lòng Sài Gòn bao giờ, ngay cả con mèo con chó đi lạc cũng chuyền tin nhau kiếm cho bằng được người tốt nhận nuôi.

Chỉ có bọn người trẻ, dăm bảy bữa ăn cơm Sài Gòn, lãnh công xá Sài Gòn, đang tự tìm cách riêng của họ, để cũng như tôi, yêu thương mê đắm và hồn nhiên. Yêu không cầu hơn thua cao thấp, yêu bất luận xuất xứ nhân thân, yêu khỏi ai hô hào thi đua phấn đấu.

Nó nghiễm nhiên và bình thản, hay nồng nhiệt và khoa trương, thì cũng là mỗi người mỗi cách.

Tôi chỉ là một trong số đó, theo cách riêng của mình mà thôi.

Mà một khi đã yêu, ai biết sống chết nay mai, nên si tình và say sưa dữ lắm, nên vội vàng hối hả nhiều lắm, kẻo không kịp nay mai.

Mà cũng có thể bởi nhan sắc và ái tình luôn có chung một thuộc tính của dự cảm bởi điều hữu hạn. Chỉ biết rằng khi những khái niệm vật chất muôn đời là hữu hạn, như nhan sắc và thanh xuân vậy, thì cái tình si nọ lại càng vong thân mãnh liệt hơn.

Ai biết được nụ hôn trong lần hẹn đầu ngày mới yêu, với nụ hôn trước giờ ly biệt, đâu mới là lần thiết tha nồng nàn nhất?

Trác Thúy Miêu/Người Đô Thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 04/12/2024