Osho: Thân mật – Bí quyết cởi trói trái tim để tìm về cội nguồn hạnh phúc

04/07/2019 08:00
Osho: Thân mật – Bí quyết cởi trói trái tim để tìm về cội nguồn hạnh phúc

Cuốn sách “Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc” của Osho không chỉ đề cao hạnh phúc thật sự mà còn cổ vũ con người sống thật với bản thân và yêu thương người khác.

Osho (1931-1990) là một đạo sư, bậc thầy tâm linh Ấn Độ. Ông được mọi người biết đến với những cái nhìn độc đáo và có một sức thu hút mãnh liệt về triết học, về các tôn giáo trên thế giới. Tư tưởng của ông chủ yếu tập trung vào các chủ đề thiền định, sự tự do, sự thức tỉnh và thúc đẩy tình yêu. Ông phá bỏ mọi sự rào cản, hướng con người thoát khỏi sự kìm hãm của xã hội.

Cuốn sách mới “Thân mật - Cội nguồn của hạnh phúc” là một tác phẩm mang tính khai mở, thể hiện rất rõ tinh thần của Osho. Trong tác phẩm, Osho chỉ ra mâu thuẫn thường gặp khi đề cập đến những cử chỉ thân mật.

Osho cho rằng “thân mật” có thể hiểu là sự cởi mở với nhau, không có sự e ngại hay bất cứ sự che giấu nào giữa hai người. Nhưng thực tế, người ta không chỉ cố che giấu với người khác, mà còn không thành thật với chính bản thân mình.

Thân mật – Bí quyết cởi trói trái tim để tìm về cội nguồn hạnh phúc
Cuốn sách “Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc” của Osho không chỉ đề cao hạnh phúc thật sự mà còn cổ vũ con người sống thật với bản thân và yêu thương người khác.

Theo quan điểm của Osho, khi đi tìm cái tôi của mình, bạn dũng cảm bước vào quá trình tự nhận biết bản thân. Quá trình này có thể rất khó khăn, khiến bạn chới với, mất phương hướng, nhưng chỉ cần vượt qua được, tâm hồn bạn sẽ được an nhiên và ít bị người khác ảnh hưởng.

Có những người sống cả đời vào niềm tin của người khác, tin và phụ thuộc vào những gì người khác nói. Osho phản bác rằng: “Bất kỳ cái tôi nào được tạo ra từ quan điểm, ý kiến của người khác đều phải để lại sau lưng”. Bạn càng phụ thuộc vào người khác, bạn càng e dè với chính bản thân, dần dần bạn sẽ đánh mất cái tôi vốn có.

Với Osho, bạn cần yêu thương và chấp nhận bản thân trước khi học cách yêu thương, thân thiết với người khác.

Nghịch lý thứ hai mà Osho đưa ra trong “Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc” là con người cần có sự thân mật, nhưng lại e dè, ngại thân mật. Bạn luôn muốn giữ lại những thứ chân thật nhất về mình bên trong “chiếc áo giáp sắt” để tạo cảm giác an toàn và chắc chắn. Thế nhưng bạn lại mong mỏi sự thân mật đến từ người thân, bạn bè, người yêu thương.

Sự mâu thuẫn này cho thấy rằng, con người không đủ dũng cảm và sẵn sàng phơi bày tất cả các khía cạnh của bản thân. Chúng ta không muốn người khác nhìn thấy lỗ trống, vết thương và máu đang rỉ bên trong và đều muốn bảo vệ bản thân không bị tổn thương.

Để giải quyết được vấn đề trên, Osho cho rằng bạn, chứ không phải ai khác, cần là người tiên phong thay đổi. Bạn không thể thay đổi hành vi của người khác ngay lập tức, vì vậy hãy chấp nhận nó một cách vui vẻ và hành động. Hãy thu hết can đảm để bước vào một mối quan hệ bằng sự chân thành, cảm thông và gần gũi.

Bạn sẽ nhận ra điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất cần làm là xác định mục tiêu mối quan hệ giữa đôi bên. Bạn cần phải tỉnh táo để nhận biết rằng đâu là mối quan hệ thân thiết và đâu chỉ là quen biết để tránh lãng phí thời gian không đúng chỗ. 

Dựa trên quan sát những mâu thuẫn này, Osho đưa ra bốn cạm bẫy cản trở sự thân mật giữa các mối quan hệ. Cạm bẫy đầu tiên là thói quen phản ứng dựa trên những trải nghiệm không vui trong quá khứ chứ không hưởng ứng mang tính tích cực. Cái bẫy thứ hai là luôn gắn một mối quan hệ trong trạng thái an toàn nên đánh mất đi sự quyến rũ của mối quan hệ đó. Đấm bóng chính là cạm bẫy tiếp theo: Bạn cứ mãi chạy theo lý tưởng rồi tự dằn vặt, buộc tội mình. Cuối cùng chính là việc đuổi theo những giá trị ảo – những gì không đòi hỏi sự toàn vẹn của bạn mà chỉ mang tính hình thức khiến bạn đánh mất đi giá trị thật.

Osho giải quyết bốn cạm bẫy trên bằng bộ công cụ mang đến sự thay đổi trong chính bản thân bạn. Bạn có thể học cách thiền tập để đi sâu vào nội tâm và chấp nhận thế giới bên trong của mình. Sự chấp nhận, hãy xem nó như một tính cách đặc trưng của bạn. Hãy cứ là mình như bạn vốn thế, mong manh, vị kỷ, đừng phủ nhận gì hết vì bạn chính là tạo hóa của cuộc sống. Sự thân mật chỉ xảy ra giữa những người biết chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác. Và sự chấp nhận đó sẽ giúp cho bạn gần gũi, cởi mở hơn với người khác.

Khép lại cuốn sách, Osho đưa ra danh sách những câu hỏi để đạt đến trạng thái thân mật. Những câu trả lời của ông chứa đựng nhiều giá trị và sự hiểu biết, dành cho bất kỳ những nhà thiền giả hay những người nào muốn tìm hiểu về chủ đề này. Bên cạnh đó, ông cũng cung cấp rất nhiều câu chuyện, ví dụ thực tiễn bằng giọng văn gần gũi, giúp bạn dễ hình dung và dễ ngấm. Ở mỗi chương đều có những trích dẫn đóng khung để bạn đọc nắm được mấu chốt của vấn đề nhanh hơn.

Thông qua tác phẩm “Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc”, Osho muốn truyền tải tư tưởng: Nếu muốn được sống an nhiên, cởi mở và thân mật thì mọi thứ đều phụ thuộc vào chính bản thân bạn, nói chính xác hơn là tinh thần của bạn. Sống đơn giản, an nhiên, yêu thương nhiều hơn, bạn sẽ tạo ra thiên đường. Ngược lại sống trong gò bó, che đậy bản thân khác gì bạn đang sống trong địa ngục,. Và không bao giờ là quá muộn để học cách yêu và được yêu!

Tình Lê

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận