Osho Sáng tạo - Bạn không biết gì cả và sự ngu ngơ luôn tỏa ánh hào quang

16/06/2019 08:00
Osho Sáng tạo - Bạn không biết gì cả và sự ngu ngơ luôn tỏa ánh hào quang

Trong trạng thái không biết gì cả, bạn sẽ trở nên cởi mở hơn và luôn sẵn sàng để khám phá cái mới.

Học hỏi là một quá trình

Người có kiến thức sẽ không bao giờ chịu học hỏi, bởi anh ta nghĩ mình đã biết rồi. Người đó lúc nào cũng coi trọng kiến thức của mình. Song, mớ kiến thức ấy chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc nó là nguồn nuôi dưỡng cho cái tôi.

Socrates từng nói: “Tôi chỉ biết có một điều, đó là tôi không biết gì cả”. Đây chính là bước khởi đầu của quá trình học hỏi, quá trình trui rèn bản thân. Khi bạn không biết điều gì hết, bên trong bạn sẽ trỗi dậy niềm khao khát được tìm hiểu, được khám phá. Lúc bạn bắt đầu học hỏi, một yếu tố nữa chắc chắn đi theo: bất cứ điều gì bạn học được phải được buông bỏ, nếu không nó sẽ trở thành kiến thức, mà kiến thức thì sẽ cản trở việc tiếp nhận, học hỏi sau này.

Người có tinh thần học thật sự sẽ không bao giờ tích lũy kiến thức. Mỗi khoảnh khắc qua đi, anh ta buông bỏ những gì mình đã biết được và lại trở nên ngây thơ, chất phác. Sự ngu ngơ luôn tỏa ánh hào quang, một trong những trải nghiệm đẹp nhất của sự tồn tại. Ở trong trạng thái không biết gì cả, bạn sẽ trở nên cởi mở hơn. Quanh bạn không còn rào cản nào nữa và bạn luôn sẵn sàng để khám phá cái mới.

Tuy nhiên, mọi người đã hiểu sai ý nghĩa của từ “discipline”, theo nghĩa là “kỷ luật”. Nào là phải kỷ luật trong cuộc sống, phải làm việc này, không được làm việc kia. Hàng ngàn cái nên và không nên áp đặt lên con người. Sống giữa hàng ngàn cái nên và không nên đó, chúng ta không tài nào sáng tạo được. Chúng ta giống như tù nhân; muốn đi đâu hay làm gì cũng đều phải vượt qua hàng rào kiểm soát.

Người sáng tạo phải gạt bỏ những cái nên và không nên

Anh ta cần sự tự do và không gian rộng lớn. Anh ta cần cả bầu trời và mọi vì sao. Chỉ có như thế thì sự ngẫu hứng sâu thẳm trong anh mới bắt đầu trỗi dậy.

Hãy nhớ rằng, tôi chẳng đưa ra một kỷ luật nào cho bạn, tôi chỉ đơn giản giúp bạn hiểu rõ hơn về việc làm thế nào để luôn học hỏi mà không phải trở thành một con người đầy bồ kiến thức. Kỷ luật, với ý nghĩa là những định hướng cho việc trui rèn bản thân, phải xuất phát từ trái tim. Bởi khi ai đó đề ra kỷ luật cho bạn, chúng sẽ không bao giờ thích hợp với bạn, giống như bạn mặc quần áo mượn vậy. Chúng sẽ quá chật hoặc quá rộng, và lúc nào bạn cũng cảm thấy mình thật ngốc nghếch trong bộ quần áo đó.

Kỷ luật là một hiện tượng mang tính cá nhân. Khi bạn vay mượn nó, bạn sẽ bắt đầu sống theo các nguyên tắc đã được lập sẵn, hay còn gọi là những nguyên tắc “chết”. Trong khi đó cuộc sống thì không bao giờ chết, nó thay đổi từng giây từng phút. Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng.

Heraclitus nói đúng, rằng không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, không ngừng quan sát các tình huống, sắc thái khác nhau và đáp ứng tùy theo từng khoảnh khắc chứ không phải dựa theo những câu trả lời sẵn có do người khác đưa cho.

Hãy sống và tận hưởng cuộc sống

Cả thế giới đang trở nên điên loạn do những nguyên tắc được định đặt sẵn! Chúng đã lỗi thời và lẽ ra phải bị chôn vùi từ rất lâu. Bạn đang mang theo mình những cái xác chết bốc mùi. Và bạn đang sống kiểu gì vậy khi để những cái xác chết đó chất ngổn ngang quanh mình?

Tôi đã chia sẻ với bạn về ý nghĩa, cũng như sự tự do và trách nhiệm của khoảnh khắc hiện tại. Một điều gì đó đúng cho khoảnh khắc này có thể sẽ sai trong khoảnh khắc tiếp theo. Đừng cố đồng nhất, bằng không bạn sẽ chết. Hãy sống và tận hưởng cuộc sống với tất cả những điều bất nhất của nó. Sống trọn mọi khoảnh khắc mà không lấn cấn gì đến quá khứ hay tương lai, khi đó sự đáp ứng của bạn đối với cuộc sống sẽ là trọn vẹn. Trong sự trọn vẹn luôn có sẵn cái đẹp lẫn sự sáng tạo. Mọi điều bạn làm đều sẽ toát lên vẻ đẹp riêng.

Theo Osho Sáng tạo Bừng cháy sức mạnh bên trong


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024