Tiện ích của Internet không ai phủ nhận, đến độ có một cách ví von là ai có một cái máy vi tính kết nối mạng hay một chiếc điện thoại thông minh sử dụng thẻ sim 3G - 4G là xem như có cả thế giới trong lòng bàn tay. Nhưng bàn tay có cả một bầu trời “thế giới phẳng” này nếu con người không tự kìm chế, kiểm soát được mình thì thật là một thảm họa dẫn tới sự bất cập hơn tiện ích mà thế giới mạng mang lại.
Chính bầu trời mới này, với mạng Internet kết nối mọi người chỉ bằng một cái “nhấp chuột”đã chứng minh tiện ích lớn lao như thế nào và tai họa cũng khó lường như thế nào trong suốt thời gian qua. Thế nên các bậc phụ huynh đã lo sốt vó khi con em mình bỏ học, nhịn ăn bám riết lấy cái máy vi tính để chơi game. Báo chí đã từng đưa tin có thanh niên mê chơi game đến nỗi quên mất ăn uống, thời gian nghỉ ngơi và đã… đột tử. Nếu không chơi game thì lứa tuổi học trò trốn học ngồi lỳ trong các tiệm Internet “chat” với nhau, sống trong thế giới ảo mà lơ mơ, lẫn lộn là thế giới thật.
Hãy lên mạng thử mà xem giới trẻ bây giờ “chat” trong một “bầu trời” hỗn tạp như thế nào: Ngôn ngữ méo mó, biến dạng, hình tượng ảo, giao tiếp chụp giật, lừa dối, thậm chí còn chửi nhau bằng những lời lẽ rất mất văn hóa. Và rồi blog bẩn tung lên những bài viết kích bác, đầy ẩn ý, bôi nhọ lẫn nhau. Và không cứ gì giới trẻ, trên mạng xã hội không thiếu gì người lớn, đủ mọi thành phần, đủ mọi vị trí, đủ mọi lứa tuổi… đã lợi dụng mạng xã hội để thể hiện quyền lực “anh hùng bàn phiếm” với những vấn đề mà họ có ác ý, hoặc bất đồng chính kiến, gây nhiễu thông tin, thậm chí đưa thông tin giả làm dư luận hoang mang, có người thiếu ý thức, thỏa mãn mục đích cá nhân nhưng cũng có người ý thức rõ ràng vẫn cố tình làm điều mà mình biết là sai trái, tác động xấu đến xã hội.
Dẫn chứng về những câu chuyện như vừa nêu có rất nhiều. Người viết bài này xin đề cập câu chuyện mới nhất, đang nóng sốt trên mạng xã hội là dịch SARS-CoV-2 đang bùng phát trên thế giới và ngay ở Việt Nam. Bên cạnh tin chính thống của các cơ quan chức năng, rất nhiều tin giả được tung lên thế giới mạng với mục đích cá nhân, kích động, câu like, câu view… Trong khi cả nước ta, cả xã hội đang căng mình ngăn chặn dịch bệnh, khống chế sự lây lan của loại vi rút nguy hiễm này ở mức thấp nhất có thể, nên rất cần tin tức chính thống, tin tức minh bạch đến với người dân thì không ít người vì nhiều lý do khác nhau đã khai thác tin giả làm hoang mang dư luận với mục đích xấu.
Một dạng gây rối, ô nhiễm khác nghiêm trọng và hiện phổ biến hơn là công kích cá nhân, soi đời tư của một người nào đó mà mình không thích rồi đưa thẳng lên mạng kiểu livestream. Người ta livestream vô tội vạ, coi đây như quyền cá nhân. Không chỉ thế họ còn lập nhóm, fan cuồng tạo ra quyền lực trên thế giới mạng để sẵn sàng tấn công bất cứ ai đụng vào “thần tượng”, đặc biệt là trong giới nghệ sĩ. Còn nữa, những ông trùm truyền thông lập ra những youtuber để chi phối mạng xã hội, tạo một thế lực cạnh tranh thông tin, hỗ trợ kinh doanh bất chính, lũng đoạn cả màn ảnh nhỏ với việc kinh doanh siêu lợi nhuận từ các gameshow nhảm nhí, truyền hình thực tế phản cảm, tác động tiêu cực dến môi trường văn hóa núp dưới cái bóng “Giải trí”, “Hài”…
Như thế để hiểu rằng chúng ta đang sống trong một môi trường ảo và thật (vì thế giới ảo cũng là một dạng môi trường sống). Và cả hai môi trường này đều bị "ô nhiễm" trầm trọng. Môi trường của thế giới thật thì ô nhiễm bởi rác, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp, khói bụi, hơi xăng, thức ăn mất vệ sinh… và nặng nề khó thở bởi vấn nạn kẹt xe, đường ngập, tai nạn giao thông kinh hoàng, lừa đảo, cướp giật…Trong khi đó môi trường thế giới ảo thì bị đè nặng bằng áp lực tinh thần: blog bẩn, phim sex, lừa đảo trên mạng, văn hóa mạng xuống cấp, ngôn ngữ mạng biến dạng không còn ngôn ngữ chuẩn, khiến thế hệ trẻ lệch lạc về cảm thụ thẩm mỹ, băng hoại về đạo đức… đó cũng là một thứ “rác nhập” rất độc hại.
Thiết nghĩ điều này đã tác hại quá nhiều, nên việc chấn chỉnh, cải thiện môi trường trong thế giới mạng thật đã rất cấp thiết thì vấn đề đặt ra cho việc quản lý, thanh lọc môi trường trong thế giới ảo cũng cấp thiết không kém. Những sự kiện gây sốc dư luận và tác hại của một thứ “rác nhập” từ bầu trời ảo không chỉ ở giai đoạn trước mắt mà còn là một thảm họa tiềm ẩn lâu dài cho thế hệ mai sau, đòi hỏi những cơ quan quản lý phải kiên quyết trong việc quản lý mạng, ít ra là trong “bàn tay” của mình để không còn vấn nạn blog bẩn, phim sex, những luận điệu kích động, một thứ văn hóa độc hại theo dạng mạng…
Đồng thời các bậc phụ huynh cũng nên thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý con em tiếp xúc với mạng xã hội và sống trong thế giới ảo. Bởi nếu giới trẻ không được trang bị một thứ “lá chắn” để đủ khả năng gạn đục, khơi trong hằng hà sa số những thứ được tải xuống từ mạng, trong đó tất nhiên có “rác độc hại” trên các lãnh vực thì ranh giới giữa thật và ảo, ảo và thật rất mong manh. Và tất nhiên tiềm ẩn nguy cơ cho giới trẻ nói riêng và cho xã hội nói chung là không thể phủ nhận.