Niềm vui đến vào lúc ban đầu nếu không cẩn thận bạn sẽ trả giá đắt vào lúc cuối

28/12/2018 08:00
Niềm vui đến vào lúc ban đầu nếu không cẩn thận bạn sẽ trả giá đắt vào lúc cuối

Nếu mạnh khỏe, bạn xem đây là trạng thái bình thường, bạn cứ tưởng sức trẻ này sẽ kéo dài mãi mãi. Trong đời sống, niềm vui đến vào lúc ban đầu, rồi nếu bạn không cẩn thận bạn sẽ phải trả giá đắt vào lúc cuối.

Để nhìn thấy giới hạn của bạn, hãy nhìn vào bản chất của thân xác: nó rất mong manh, lại phải gồng gánh vô số vấn nạn mà bạn không thể tránh được. Vì vậy, thay vì đồng hóa với thân thể mình, nuông chiều nó, và săn sóc nó quá mức, bạn nên chắc chắn rằng thân thể là thứ cuối cùng và bạn không mất công lùm xùm với nó nữa. Đó là cơ hội.

Rủi thay, ảo giác bịp lừa có khuynh hướng cướp mất của chúng ta thời điểm nắm bắt cơ hội này. Hầu hết người trẻ đều bị trói chặt trong ảo mộng và bùa mê thuốc lú của tuổi trẻ, sức khỏe. Nếu bạn mạnh khỏe, bạn xem đây là trạng thái bình thường của đời sống; nếu bạn còn trẻ, bạn cứ tưởng sức trẻ này sẽ kéo dài mãi mãi. Trừ khi bạn cố ý hình dung bản chất thật của thân xác, còn đâu bạn dễ dàng quên rằng những hành động của mình đều để lại hậu quả, và hóa ra bạn toàn làm những điều ngớ ngẩn. Trong đời sống, niềm vui đến vào lúc ban đầu, rồi nếu bạn không cẩn thận bạn sẽ phải trả giá đắt vào lúc cuối.

Hơn nữa, mọi thứ đẹp đẽ – cho dù là bông hoa, thân thể hay tu viện – sẽ phai mờ và cuối cùng trở nên bẩn thỉu và đáng kinh. Bạn có thể thấy những vết nứt trên những tòa nhà tu viện Bodhinyana – nó báo hiệu quy trình xuống cấp bắt đầu, rệu rã, sụp đổ và biến mất.

Vạn vật trên đời đều thế cả. Vợ chồng có thể có một cuộc hôn nhân bền lâu, nhưng thường thì họ sống chung với nhau trong cảnh bực bội, niềm vui đã tắt từ lâu. Khi bạn hiểu rằng bạn có niềm vui vào lúc ban đầu, và rằng bạn phải trả giá sau đó, bạn sẽ có phát Tuệ nibbidā với toàn bộ lãnh địa cảm ứng của các giác quan: ghê tởm thân thể, ghê tởm các mối quan hệ, ghê tởm với những thứ đến rồi đi, ghê tởm luôn việc xây dựng chùa chiền. Tất cả rồi sẽ biến mất.

Thậm chí quả đất vĩ đại rồi cũng có ngày bị mặt trời nuốt mất, sau đó chẳng còn lại gì – không có tài liệu lưu trữ về loài người, không còn Vạn Lý Trường Thành, không còn lăng mộ Taj Mahal, không còn gì. Tất cả mọi thứ đều tan biến – bao gồm cả những giáo huấn của Đức Phật.  Đó chẳng qua là lộ trình của tự nhiên.

Sự sầu khổ, phiền não do cái chết của những người thân trong gia đình là một tín hiệu nhắc nhở mạnh mẽ về bản chất của sự sống. Lần cuối tôi trông thấy mẹ tôi, bà đang phải chịu căn bệnh Alzheimer (một căn bệnh do dây thần kinh bị thắt nút, gây ra mất trí nhớ hoàn toàn, người bệnh hầu như phải sống đời thực vật). Thật ra bà đã bị mang đi xa khỏi tôi từ trước rồi – tôi chỉ còn thấy hình hài của bà, chứ tâm trí bà đã không còn.

Lúc mười mấy tuổi, tôi chứng kiến cha mình qua đời. Tôi bị mẹ đánh thức giữa đêm khuya, báo tin rằng mẹ không thể đánh thức cha dậy được nữa. Tôi lay cha tôi, nhưng đó chỉ là cái xác. Cái xác đó là cha ruột, người cha kính yêu của tôi. Cho dù khi ấy tôi chỉ biết lơ mơ cái chết là gì, nhưng tôi đã có thể buông cho cha ra đi mà không quá hoảng loạn trong Tâm. Tôi may mắn được chứng kiến cái chết cận kề đến vậy.

Tôi nhận ra rằng cha mẹ mình dù gì cũng không phải là sở hữu của mình; họ chỉ là những người chăm sóc mình lúc bắt đầu kiếp đời này. Trong những kiếp đời đã qua của mình, chúng ta có rất nhiều cha mẹ – đây là chỉ là cha mẹ gần nhất, vậy cớ sao chúng ta phải quá quyến luyến họ? Có lẽ nhờ sự hiểu về cái chết này mà tôi không quá gắn chặt với thân xác mình, và việc hành thiền của tôi thường tiến triển khá tốt.

Cha tôi chỉ mới 47 tuổi khi ông mất, điều đó có nghĩa là tôi đã sống lâu hơn cha gần hai chục năm. Cảm nhận theo chiều hướng ấy, tôi còn sống sau một cơn bạo bệnh hiểm nghèo. Khi bạn suy nghĩ theo cách như thế, thực tế về cái chết trở nên rõ ràng, và bạn có một tầm nhìn mới thực tế hơn về cuộc sống. Những người không hình dung như thế này, họ chiếm số đông, thường có khuynh hướng nghĩ cái chết ở xa tít tắp, và họ sẽ đối phó với nó khi nó tới. Mà chính xác những người đó không thể chấp nhận khi cái chết đến.

Tuổi già là thời điểm mà hầu hết mọi người đều nhìn lại và suy ngẫm xem họ đã sống cuộc đời mình như thế nào. Đối với tôi, nhìn lại không phải tất cả đều là phiền não, bởi vì tôi đã trải qua 35 năm tu hành. 35 năm đó tôi sống một đời thanh tịnh, tu luyện Tâm, cảm nhận sự yên bình và niềm hạnh phúc từ việc phụng sự người khác.

Trong tất cả những người trạc tuổi tôi, tôi chắc chắn là mình nằm trong số những người đã chuẩn bị tốt nhất cho tuổi già. Tôi nhìn lại và suy nghĩ: “Đúng, ta đã sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan”. Nhưng giả sử tôi sống cuộc đời của một thương gia có vợ con, chắc hẳn tôi không có được cảm giác yên bình và an toàn giống như tôi đã cảm nhận từ việc không làm gì cả – quả là rất đáng công. Ngay trong giấc mơ của mình, một ngày kia tôi tỉnh giấc và nghĩ: “Ta đang làm cái quái gì trên đời thế này? Ta đã phí phạm thời gian của mình quá lâu”.

Việc mường tượng về tuổi già, bệnh tật và cái chết cho chúng ta thấy một viễn cảnh khác về cuộc đời, đó là lý do tại sao chúng ta nên tu tập hành thiền thường xuyên hơn và sâu hơn. Khi bạn hành thiền trong khi bách bộ, hãy cố niệm câu chú này: “Tôi sẽ chết, chắc chắn; tôi sẽ chết, chắc chắn”. Ngay cả khi bạn đã là một thiền giả lão luyện, đừng đánh giá thấp sức mạnh của thiền ngẫm về sự chết.

Nếu bạn không bước vào được dòng suối chảy tới Niết Bàn, thì sự mường tượng và hành thiền như vậy vẫn có tiềm lực thay đổi quan điểm của bạn về thế giới. Thay vì bị cám dỗ bởi thế giới cảm ứng từ các giác quan, bạn lại phát triển Tuệ nibbidā đối với nó; thay vì cảm thấy gắn bó và khát khao, bạn tự động khước từ nó.

Trích Hạnh phúc đến từ sự biến mất


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024