Trong thời đại Internet của chúng ta, chuyện đạo văn không còn làm ai ngạc nhiên, người ta sao chép lẫn nhau, không coi đó là tội lỗi. Nhiều văn bản thuộc các thể loại khác nhau có thể dễ dàng tìm thấy trên không gian ảo. Nhưng, hóa ra, trước đây việc lấy trộm ý tưởng của người khác trong các tác phẩm văn học cũng đã khá phổ biến, đặc biệt nhiều nhà văn được coi là vĩ đại cũng phạm phải tội này. Xin giới thiệu một số vụ nổi tiếng.
Bảy tráng sĩ hay bảy chú lùn
Năm 1833, khi viết "Truyện cổ tích về nàng công chúa và bảy tráng sĩ", thi hào Nga Aleksandr Pushkin bị cáo buộc đã lấy trộm cốt truyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" của anh em Grimm, viết năm 1812 (trước đó 21 năm).
Quả thật, hai tác phẩm này rất giống nhau: mụ dì ghẻ độc ác ra lệnh đem cô con gái riêng của chồng vào rừng rậm, hy vọng rằng nàng sẽ bị thú dữ ăn thịt, nhưng bảy chú lùn hay bảy tráng sĩ đã tìm thấy nàng. Khi biết công chúa hay nàng Bạch Tuyết vẫn còn sống, mụ dì ghẻ độc ác đã đầu độc nàng, nhưng nàng không chết mà chỉ ngủ mê và hoàng tử đẹp trai hay hoàng tử Elisey đã cứu sống nàng.
Hai truyện cổ tích cũng có những nét khác nhau, nhưng không đáng kể: ở Pushkin, mụ dì ghẻ độc ác chết vì giận dữ; ở truyện của anh em Grimm, mụ bị giết; ở Pushkin, hoàng tử Elisey hô gió gọi trăng để tìm người yêu của mình; còn ở anh em Grimm, hoàng tử tìm thấy nàng tình cờ và đem lòng yêu ngay lập tức. Hiện nay, rất khó nói, hơn nữa là chứng minh, rằng Pushkin đã đọc truyện cổ tích của nhà văn Đức hay không?
Buratino hay Pinocchio
Những bạn trẻ Liên Xô (cũ) trưởng thành từ truyện cổ tích "Buratino" sẽ rất sốc khi biết rằng tác phẩm của văn hòa Nga Aleksey Tolstoy không phải là bản gốc. Ông vay mượn cốt truyện do nhà văn kiêm nhà báo Ý Carlo Collodi sáng tác theo yêu cầu của Tổng biên tập Báo Thiếu niên.
Câu chuyện về chú người gỗ khiến độc giả nhí thích thú đến mức tác giả không thể kết thúc - chỉ cần ông thông báo rằng đây là chương cuối là tòa soạn nhận được hàng đống thư yêu cầu đăng tiếp. Cuối cùng, để chia tay với nhân vật của mình, Collodi đã dùng một mẹo - Pinocchio biến thành một cậu bé gương mẫu và điều chủ yếu là không phải bằng gỗ mà là người thật, thế là độc giả mất hết hứng thú đối với cậu. Dù sao, năm 1883, lần đầu tiên truyện cổ tích này được xuất bản thành sách riêng và được tái bản tới ...500 lần (!)
Ở Nga, cuốn "Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio" lần đầu tiên được xuất bản năm 1906. Năm 1934, Aleksey Tolstoy dịch truyện cổ tích này ra tiếng Nga, đồng thời thay đổi tính cách các nhân vật và cốt truyện. Phải thừa nhận rằng hai tác phẩm thực sự khác nhau: Ví dụ, trong truyện cổ tích của Collodi, nhiều cảnh tàn ác (Pinocchio giết chết dế mèn, trong khi Buratino chỉ ném chiếc giày vào nó), ngay cả các nhân vật cũng hoàn toàn không phải là anh em sinh đôi. So với Buratino vui nhộn, Pinocchio là một kẻ vô công rồi nghề, lang thang, độc ác.
Đất nước Oz hay thành phố Ngọc lục bảo
Truyện cổ tích "Phù thủy xứ Oz" của nhà văn Mỹ Lyman Frank Baum, được ông kể cho bọn trẻ con hàng xóm và bốn đứa con của ông tụ tập trong phòng làm việc của ông. Khi một thính giả nào đó hỏi đất nước phù thủy ở đâu, Baum nghĩ ngợi một lát, rồi đưa mắt nhìn căn phòng và thấy trên một hộp các tông có đề hai chữ: "O-Z". Thế là tên gọi của đất nước bí ẩn đã được tìm thấy; tổng cộng ông đã viết 15 câu chuyện với tên gọi chung "Phù thủy xứ Oz".
Ở Liên Xô cũ, truyện cổ tích "Phù thủy thành phố Ngọc lục bảo" lần đầu tiên được công bố năm 1939, tác giả của nó là ông Aleksandr Volkov, giảng viên toán Trường Đại học kim loại màu và vàng Moskva. Aleksandr học tiếng Anh theo truyện cổ tích của Baum, và cứ mỗi lần đọc xong một chương mới, ông đều kể lại cho các con mình nghe, sau đó chúng khuyên bố viết một câu chuyện mới trên cơ sở câu chuyện ông kể.
Công bằng mà nói, Volkov đã thay đối khá nhiều câu chuyện của Baum: ông đổi thị trấn Kansas thành thảo nguyên Kansas, thay tên nhân các vật: Dorothy biến thành Elli, còn Bù nhìn thành Ông ba bị, đặt tên cho các mụ phù thủy, biến sư tử nhút nhát thành hổ răng nhọn, hơn nữa, phong cách kể chuyện cũng sinh động hơn so với Baum. Tuy nhiên, không thể gọi truyện cổ tích của Volkov là nguyên bản được.
Bác sĩ Aybolit hay bác sĩ Dolittle
Nhà văn Korney Chukovsky không bao giờ giấu giếm rằng ông mượn nhân vật bác sĩ Aybolit của nhà văn Anh Hugh Lofting. Trong lần xuất bản thứ nhất, trên bìa sách có ghi là phóng tác truyện cổ tích Anh và đề tên tác giả. Quả thật, bác sĩ của Lofting tên là Dolittle, ông rất hiền lành và chữa bệnh cho loài vật. Nhà văn viết không phải một, mà là 13 tác phẩm về ông, đưa nhân vật đi chu du không phải trên Trái Đất, mà là Mặt Trăng.
Tuy nhiên, Chukovsky bổ sung vào truyện cổ tích một nhân vật mà Lofting không có - đó là ông Barmaley nổi tiếng. Nhân vật này xuất hiện sau cuộc dạo chơi của tác giả với bạn ông, họa sĩ Mstislav Dobuzhinsky ở Leningrad. Họ lạc đến phố Barmaley và mãi không biết Barmaley là ai: Là vị tướng, thầy thuốc cung đình, quan đại thần hay có thể là tình nhân của nữ hoàng Ekatetina đệ nhị? Họa sĩ Dobuzhinsky phỏng đoán rằng ông ta là một tên cướp biển nổi tiếng, cầm dao găm đứng ở góc phố, với chòm râu mép rậm vểnh cong lên. Ngay lúc đó, họa sĩ đã lấy bút vẽ phác chân dung ông ta, Chukovsky thích bức vẽ đến mức truyện cổ tích "Bác sĩ Aybolit" lần đầu tiên được xuất bản với những bức vẽ của Dobuzhinsky.
Mít Đặc hay Murzilka?
Các nhân vật trong các cuốn "Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn", "Mít Đặc ở thành phố Mặt Trời" và "Mít Đặc trên Mặt Trăng" lần đầu tiên xuất hiện trong các tác phẩm của nữ văn sĩ Nga trước cách mạng Anna Khvolson "Vương quốc của trẻ thơ". Hồi nhỏ, Nosov rất thích đọc cuốn sách này, và bởi vì ở Liên Xô cũ, cuốn sách này không được xuất bản lần nào, nên khi đã trở thành nhà văn, ông quyết định viết lại, bổ sung một số chi tiết của mình.
Những đứa trẻ con biến thành yêu tinh, còn cư dân thành phố Mặt Trời biến thành những người lùn. Nhân vật chính của Khvolson tên là Murzilka, Nosov gọi nó là Mit Đặc. Cả hai đều là những nhân vật ngộ nghĩnh, nhưng Murzilka là nhân vật phản diện, còn Mít Đặc, mặc dù có những nhược điểm, là nhân vật tích cực.
Sự giống nhau của hai tác phẩm chỉ có vậy, vì thế thật khó nói "Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn" là cuốn sách đạo văn trong nghĩa đen của từ này, hơn nữa, Anna Khvolson cũng không thể kỳ vọng vào bản quyền của mình, lần đầu tiên các nhân vật của truyện cổ tích này xuất hiện trong các truyện tranh của họa sĩ Canada, còn Khvolson viết lời Nga cho nó mà thôi.
Thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe cũng từng bị tố đạo văn. |
Pháp sư hay Faust?
Thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe cũng bị tố đạo văn trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông "Faust". Trong bức thư gửi Karl Marx, Friedrich Elgels viết rằng Goethe vay mượn ý tưởng và cốt truyện của nhà viết kịch, nhà thơ Tây Ban Nha Pedro Calderòn de la Barc trong tác phẩm "Phép thuật phù thủy".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn học nhận xét rằng mô típ "bán linh hồn cho quỷ" là một trong những mô típ "trôi nổi", có thể tìm thấy trong các truyền thuyết, thần thoại và truyện cổ tích mọi thời đại, các tác giả không bị coi là vi phạm bản quyền, vì vậy ai cũng có thể vay mượn được. Hơn nữa, tác phẩm của Goethe cũng như "Truyện cổ tích về nàng công chúa và bảy tráng sĩ" của Pushkin được sáng tác bằng thơ, khiến nó không giống với những tác phẩm họ mượn ý tưởng và cốt truyện.
Alexandre Dumas
Ngay cả Alexandre Dumas-bố cũng bị buộc tội đạo văn, rằng ông đã vay mượn một số tác phẩm văn học của người khác.Trước hết nói về bản thảo của bác sĩ hải quân Mainar mà Dumas đã biên tập và cho xuất bản dưới dạng tiếu thuyết "Săn cá mập" và ký tên mình.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn, tiểu thuyết "Ba chàng lính ngự lâm" cũng bị coi là đạo văn. Cốt truyện và các nhân vật chính, kể cả những người bạn - lính ngự lâm, Milady và hồng y de Richelieu đều được Dumas lấy từ cuốn sách "Những hồi ức của ngài d'Artagnan" của nhà văn và nhà báo Pháp Gatien de Courtilz de Sandras, người đã từng phục vụ đến cấp bậc đại úy trong đại đội ngự lâm quân, sau đó bị giam ở ngục Bastille vì cuốn sách có những tình tiết giật gân nói về cuộc sống của gia đình hoàng tộc. Từ ngục Bastille, Courtilz chạy trốn sang Hà Lan, và tại đây ông đã viết "Những hồi ức của ngài d'Artagnan" mà Dumas vớ được.
Mặc dù nhiều lần bị tố đạo văn, nhưng Dumas đã điềm nhiên phản bác lại những ý kiến này bằng một lập luận: "Tất cả những gì tồn tại trên thế giới này đều là đạo văn - ông nói - thậm chí Thượng đế cũng tạo ra Adam và Eva theo khuôn mẫu và hình dạng của mình".
Bị tố đạo văn còn có Shakespeare, Voltaire, Stendhal, Emile Zola, Alphongse Daudet, Honore de Balzac, Henry Longfelow, Mikhail Sholokhov, Joanne Rowling, Dan Brown, James Hadley Chase, Boris Akunin và nhiều người khác. Liên quan tới cơ sở pháp lý trong lĩnh vực quyền tác giả thì ở một số nước hiện nay, "việc vay mượn" cốt truyện hoặc ý tưởng không hẳn đã bị coi là đạo văn. Tác giả chỉ bị buộc tội đạo văn nếu như anh ta chép trên 50% nguyên bản.
Tất nhiên, chắc chắn dư luận (và luật pháp) nhiều nước không chấp nhận điều này.
Trần Hậu/VNCA