Mở cửa sổ, cửa chính để giúp không khí trong nhà lưu thông hơn - Ảnh: Internet
Loại bỏ nguồn ô nhiễm
Bác sĩ Payel Gupta, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Trung tâm y tế SUNY Downstate, Brooklyn (Mỹ) và người phát ngôn của Hiệp hội Phổi Mỹ, phát biểu trên Forbes rằng: "Điều này bao gồm sử dụng những cách thức loại bỏ sâu bệnh, nấm mốc trên sàn nhà, giảm thiểu tối đa lượng mạt bụi, vệ sinh vải, thảm... tối thiểu 1 lần/1 tuần. Đồng thời ưu tiên sử dụng những hóa chất tẩy rửa tự nhiên, không độc hại hay các mùi thơm hóa học".
Hạn chế nguồn thải CO2
CO2 là khí sinh ra từ lò sưởi, máy phát điện, bếp củi, bình nước nóng,... Những thiết bị này nếu như không được sử dụng đúng cách sẽ sinh ra CO2 và khiến bạn có nguy cơ ngộ độc cao hơn. Điều này cũng cần khuyến cáo với những gia đình có người bị tiền sử hen suyễn hay các bệnh phổi khác.
Ngoài ra, bạn nên mua các thiết bị được chứng nhận là an toàn và kiểm tra định kì hàng năm.
Không để độ ẩm trong nhà quá cao
Độ ẩm cao là nguyên nhân sinh ra nấm mốc, nhất là những khu vực như nhà bếp hay nhà vệ sinh. Biện pháp là sử dụng quạt thông gió ngay sau khi tắm hoặc trong khi nấu ăn để loại bỏ bớt độ ẩm ở các khu vực này.
Các biện pháp thông gió
Thông gió bằng quạt, hệ thống lọc hay máy hút mùi,... là cần thiết để đẩy đi khí ô nhiễm và "hút" không khí sạch vào bên trong nhà. Đây cũng là một nguyên tắc làm sạch không khí không thể thiếu.
Vào mùa đông người ta thường ít mở cửa sổ hơn. Tuy nhiên đây là thói quen không tốt. Kể cả khi trời lạnh bạn cũng nên thỉnh thoảng mở cửa sổ hay cửa chính ra và bật quạt để đón không khí "tươi" ở bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu ở các khu vực đông đúc hay ô nhiễm thì không nên mở cửa vào thời gian cao điểm.
Dọn dẹp sạch sẽ lông của vật nuôi
Một số người gặp vấn đề dị ứng với lông của vật nuôi như chó, mèo, chim... Đồng thời tế bào da chết của chúng của là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà. Do vậy, để làm sạch không khí bạn nên có các biện pháp chăm sóc và thu gom lông vật nuôi cẩn thận.
Hút bụi thường xuyên
Hút bụi thường xuyên là cách đơn giản để bạn loại bỏ bụi bẩn trong nhà. Những bụi bẩn này nếu không bị loại bỏ sẽ ảnh hưởng tới sự hô hấp của bạn, về lâu dài sẽ làm suy giảm sức khỏe của bạn.
Tránh nấm mốc
Nấm mốc thường xuất hiện ở những nơi như phòng tắm, tầng gác, tầng hầm hay trên gỗ và thảm. Nấm mốc là tác nhân gây ra các triệu chứng khiến bạn dị ứng, ngứa ngáy.
Vì thế, bạn nên giữ cho độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh bị nấm mốc. Những nơi thường xuyên sử dụng nước như nhà tắm, bồn rửa chén không nên để đọng nước. Phòng tắm nên được mở cửa thường xuyên để trở nên khô thoáng.
Đối với bồn rửa chén, khi có chén bẩn nên rửa ngay, tránh để qua đêm, sẽ gây mùi khó chịu.
Không hút thuốc trong nhà
Có thể bạn chưa biết, khói thuốc có khả năng bám giữ không chỉ trên quần áo mà còn ở rèm cửa, ghế sofa, bàn ghế, ga giường,... điều này vô tình khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm hơn. Do đó bạn không nên hút thuốc ở trong nhà và nếu có thể thì nên bỏ thuốc để giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi.
Lọc không khí bằng cây xanh
Cây xanh có tác dụng lọc không khí cực kỳ tốt. Việc để các chậu cây xanh trong nhà sẽ giúp cân bằng độ ẩm, ngoài ra nó còn có tác dụng lọc bỏ các chất độc hại trong nhà như benzen từ khói thuốc lá, formaldehye có trong thảm trải. Nên chọn những loại cây lá xanh và không có hoa.
Thu Thủy (t/h)