Minh Vũ đã là nhân viên kỹ thuật cho 1 tập đoàn phần mềm được 2 năm thì nghỉ việc với lý do rất chung chung là "cảm thấy nhàm chán với công việc không có sự sáng tạo". Vì không phải là một nhân viên quá xuất sắc nên sếp cũng đồng ý cho anh nghỉ việc.
Sau gần 1 năm làm freelancer ở nhà, Minh Vũ muốn đi làm lại và anh bắt đầu rải CV ứng tuyển khắp nơi. Một công ty mới mở đã chú ý đến CV của Minh Vũ và nhận vào làm việc sau màn phỏng vấn mà Minh Vũ đã "chém gió phần phật" về khả năng của bản thân: "Đã từng làm việc A, việc B, có kĩ năng hoàn hảo về việc C, và có đủ các tố chất để trở thành một nhà lãnh đạo…".
Giữ vị trí leader của một nhóm, Minh Vũ từ một nhân viên bước lên thành sếp. Anh tự hào và hãnh diện vô cùng, ngày ngày đăng status để khoe khoang vị trí mới của mình hòng làm đồng nghiệp cũ và sếp cũ phải "nhột" vì đã không nhìn nhận ra khả năng "tiềm ẩn" của anh sau 5 năm làm việc tại công ty cũ.
Thay vì cố gắng để hòa nhập với đồng nghiệp ở môi trường mới và làm quen với vị trí mới thì Minh Vũ lại ngày ngày "sống ảo" trên facebook và mặc kệ cho nhân viên mỗi người làm một phách, hoàn toàn thiếu sự kết nối. Anh cũng không có ý tưởng nào mới mẻ hay đột phá gì cho công việc mà suốt ngày chỉ chăm chăm lướt facbook, nhắc nhở mọi người làm việc rồi chờ đến 17h30 chiều tan sở là… lượn ngay tức khắc.
Hết một tháng thử việc, thấy công việc bị bê trễ và thấy Minh Vũ không tài năng như lời mà anh đã "chém" khi phỏng vấn, sếp gọi anh vào phòng nhắc nhở. Thay vì lắng nghe và tiếp thu, Minh Vũ cãi nhau tay đôi với sếp. Anh sừng sổ lên cho rằng sếp quá ngạo mạn, không biết vị trí của công ty nhỏ này đang ở đâu mà giao cho anh công việc quá sức, quá tầm, quá trách nhiệm của một quản lý.
"Tôi tốt nghiệp bằng giỏi của đại học danh tiếng trong nước, có bằng thạc sĩ quốc tế, từng làm việc ở tập đoàn lớn của Việt Nam. Tôi tự tin vào năng lực của bản thân, tin sự nhạy bén, thông minh của tôi có thể giải quyết tất cả công việc. Vậy tại sao công ty lại không hài lòng về tôi?
Vị giám đốc nghe xong, chỉ thở dài: "Cậu không kém nhưng cậu chưa từng nỗ lực, chỉn chu làm việc cho bất cứ thứ gì. Thứ hại chết cậu chính là thứ ảo giác tưởng là mình giỏi. Chưa có thành tựu đã muốn ngồi trên ngai vàng, chẳng phải quá hài hước sao?"
Sống cùng với "hành tinh" của Minh Vũ là Anh Thư. Xuất thân từ một trường "đỉnh" và may mắn xin được học bổng ngắn hạn để học ở Châu Mỹ 1 tháng, Anh Thư luôn huênh hoang với bạn bè cùng lớp về trải nghiệm của mình khi được đi "du học" trời Tây mở mang kiến thức. Bạn bè cùng lớp thay vì ghen tị với cô nàng như mong mỏi của cô thì mọi người tỏ ra không hề quan tâm đến tài năng của Thư chút nào vì ai cũng biết cô vào trường học là "nhà có cơ" cả!
Nhoắng cái ra trường mỗi đứa một nơi, thi thoảng có lướt news feed thấy Thư có khoe ảnh đang làm ở công ty này công việc kia rất oách. Rồi mỗi ngày lại thấy cô đăng đàn chửi xéo đồng nghiệp rồi than thở bị o ép, bị cô lập vì… giỏi.
Hôm họp lớp gặp lại bạn bè, như nắng hạn gặp mưa cô lao đến kể lể than thở là cô vừa chửi vào mặt sếp vì sếp "quá ngu nhưng thích tỏ ra nguy hiểm". Một tràng "văn chửi sếp" được Thư tuôn ra khiến bạn bè á khẩu, tròn mắt vì thái độ "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" của Thư.
"Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển. Cách ứng xử của Minh Vũ hay Anh Thư rõ là đã tự tìm đường khó cho mình rồi. Bạn chém gió, bốc phét giỏi tới đâu đi chăng nữa, không sớm thì muộn sẽ bị lòi đuôi chuột ra thôi. Sống không bằng thực lực, chẳng lẽ bạn định mặc cho mình một tấm áo quá rộng cả đời ư?
Anh bạn tôi làm chủ một công ty lớn từng than thở với:
Rất nhiều bạn trẻ tới xin việc, khi được phỏng vấn đều đưa ra một công thức khá giống nhau:
Em muốn mức lương khởi điểm trên 10m
Làm việc không quá căng thẳng
Làm việc tại một môi trường có nhiều sự giúp đỡ hỗ trợ, không quá áp lực
Có cơ hội đi làm việc tại nước ngoài
Được làm ngay tại dự án thật, và vị trí tương ứng.
Và anh ấy đã hỏi ngược lại những bạn trẻ ấy
Các bạn muốn lương 10 triệu, vậy các bạn có biết để đạt được mức lương đó thì bạn cần đáp ứng những nhu cầu gì từ nhà tuyển dụng không?
Làm việc không căng thẳng, không áp lực, nhàn thì lương bạn sẽ không cao, bạn có chấp nhận được không?
Các bạn muốn được làm việc ở nước ngoài, đi Tây đi Tàu hay dạo gần đây là đi Nhật. Vậy khả năng ngoại ngữ bạn như thế nào? Có thực sự giỏi để bạn có thể làm việc tự tin ở nước ngoài không? Và bạn có biết làm việc ở nước ngoài nó sẽ như thế nào không?
Thậm chí có những bạn tỏ ra tham vọng hơn: "Tôi chỉ muốn làm sếp thay vì nhân viên sai vặt, lương thàng nghìn đô", vì các bạn tự tin việc mình có trong tay tấm bằng loại Khá, Giỏi của trường đại học danh tiếng. "Các doanh nghiệp trong nước đừng mơ "có cửa",chỉ những tập đoàn đa quốc gia mới là môi trường lý tưởng để tôi thỏa sức", vì các bạn nghĩ mình là những đấng sáng thế. Đoạn vị sếp này thở dài: "Đây đích thị là biểu hiện trầm trọng của căn bệnh nhiều người trẻ mắc phải hiện nay: Ảo tưởng sức mạnh."
Trong một diễn đàn về khởi nghiệp, một chuyên gia có tiếng trong cộng đồng startup từng nhận xét rằng: "Startup Việt Nam thiếu kiến thức, lười, và quá ảo tưởng". Nhiều người trẻ thường thoải mái tuôn ra những phát ngôn đao to búa lớn về lối sống, triết lí kinh doanh của bản thân nhưng khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, chỉ có khoảng 60% đối tượng thật sự thành công và làm chủ sự nghiệp của mình.
Tâm lý "ảo tưởng sức mạnh" thường bộc lộ rất rõ ở những bạn trẻ có năng lực hoặc bằng cấp (tự nhận thấy rằng) nổi trội hơn đại đa số thí sinh ứng tuyển còn lại. Đạt được học vị cao chưa chắc đã đem lại cho bạn sự thành đạt trong cuộc đời. Kiến thức bạn học được trên giảng đường chỉ khái quát một phần những gì bạn sắp trải nghiệm.
Nếu không đủ khiêm tốn nhận ra sự giới hạn trong năng lực bản thân, bạn sẽ rất dễ vấp phải những cú ngã khi chạm trán "chướng ngại vật" vượt quá tầm kiểm soát của mình.
Tâm lý học gọi hiệu ứng "ảo tưởng sức mạnh" này là Dunning – Kruger. Hiệu ứng này bộc lộ qua những khía cạnh sau:
- Cho rằng bằng giỏi đồng nghĩa với không lo thất nghiệp:
Hầu hết nhà tuyển dụng đều quan tâm đến thái độ, tinh thần cầu tiến và độ nhanh nhạy nắm bắt vấn đề của một thí sinh hơn là bảng điểm của họ. Thế nhưng, rất nhiều sinh viên mới ra trường thường ngộ nhận rằng, với thành tích xuất sắc ở đại học, đặc biệt là những ngôi trường danh tiếng, chuyện có việc làm chỉ là sớm hay muộn. Đây hoàn toàn là một nhìn nhận sai lầm cần từ bỏ.
- Chỉ nộp đơn vào công ty lớn hoặc tập đoàn có tiếng tăm
Không phải người trẻ nào cũng đủ năng lực và thật sự phù hợp với môi trường toàn cầu hoặc văn hóa đa quốc gia ở những tập đoàn lớn. Thay vì chạy đua theo làn sóng ứng tuyển tập đoàn "đa quốc gia" để lấy cái tiếng, bạn nên tập trung nhận được "cái miếng" từ những nhìn nhận thực tế vào giá trị của bản thân mình. Bạn có đủ điều kiện ứng tuyển? Bạn có thật sự phù hợp với văn hóa nơi đây? Bạn có tìm hiểu kĩ về quy trình và chức vụ? Bạn có yêu thích công việc này hay chỉ đơn thuần muốn có danh hiệu ở một công ty lớn?
- Nhảy việc không ngừng hoặc liên tục đòi tăng lương
Bạn không hài lòng mức lương hiện tại và yêu cầu một khoản khác phù hợp với năng lực của bản thân. Nếu không chấp nhận, bạn sẵn sàng rời bỏ công ty để tìm kiếm một bến đỗ mới đáp ứng được các nguyện vọng của mình. Thay vì chê lương thấp, công việc nhàm chán, hãy thử thay đổi cách làm việc và chứng tỏ với nhà tuyển dụng bạn xứng đáng có được một mức lương tốt hơn hoặc vị trí cao hơn trong công ty.
Trên thế gian này, có những người có chút học vấn nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Đó chính là chứng ảo tưởng sức mạnh tai hại. Phàm, những người làm việc lớn, những bậc cao nhân xưa nay, càng làm việc, càng sống lâu dài, họ càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân mình, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Đặc biệt các bạn trẻ hãy học cách khiêm tốn và nhìn nhận mọi vấn đề theo một hướng khách hàng thay vì giữ góc nhìn chủ quan hạn hẹp.
Hãy cố gắng trau dồi kiến thức và các kĩ năng mới của bản thân mỗi ngày. Đừng bao giờ tự cho rằng mình đã biết hết tất cả. Những gì bạn biết có thể chỉ bằng 1% so với những gì người khác học được.
Hãy bắt đầu từ những công ty vừa và nhỏ trước, để bạn làm quen với công việc và môi trường làm việc. Đừng vội bay vào những tập đoàn lớn nếu như bạn không đủ bản lĩnh và kinh nghiệm.
Áp lực công việc hoặc áp lực cạnh tranh rất dễ khiến bạn nản lòng và hoài nghi về bản thân nhiều hơn. Khi đã tích lũy được một vốn kinh nghiệm thực tế, bạn có thể thử sức ở các công ty lớn, tuy nhiên bạn phải biết mình thật sự phù hợp với cái gì.
Con đường phía trước của bạn vẫn còn rất dài, đừng vội vàng bay nhảy ở những tầm cao để rồi thất vọng về chính bản thân mình. Quá trình học hỏi của bạn chỉ mới bắt đầu. Hãy luôn biết lượng sức mình, biết vị trí của mình ở đâu thì bạn rất dễ dàng lập mục tiêu để tiến xa hơn một cách thực tế thay vì ảo tưởng nhưng mãi dậm chân tại chỗ
Một chút tri thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất. Một người chỉ có tâm khiêm tốn học tập, không bao giờ tự mãn, thì mới có thể bước đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Theo Trí Thức Trẻ