rong sách mới, Hà Chương cho biết nỗ lực sống cuộc đời đầy đủ như người bình thường. Anh đi xe đạp, học văn hóa, tìm tòi chơi hơn 10 loại nhạc cụ, "ngắm" hoa "thưởng" sao, luyện thể thao... kết hôn và có một gia đình hạnh phúc. Điều anh muốn truyền tải nhất là: Người khuyết tật hoàn toàn có thể hòa nhập cộng đồng, xứng đáng được công nhận thay vì thương hại.
Theo Hà Chương, nếu không thể ngắm hoa bằng mắt, anh vẫn có thể dùng xúc giác và các giác quan khác để cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên: "Miết cánh tay lên cánh hoa rồi ngửi mùi hương, liền biết là vạn thọ hay cúc. Sờ lên mặt hoa hướng dương liền biết hướng mặt trời để đón nắng để từ đó đoán thời gian. Chương dùng sợi dây chuối khô do mẹ tước sẵn dài một mét, để tự đi được một cây số đến nghe đoàn cải lương từ Sài Gòn về hát. Chương chỉ cần đếm đủ một ngàn sợi chuối sẽ đến nơi mình cần đến".
"Cái khó ló cái khôn" đúng với Hà Chương khi anh tập tành đi xe đạp, định hướng đường đi bằng cách chở một người bạn sáng mắt phía sau, Chương đạp xe còn bạn của anh điều phối rẽ trái, phải, bóp thắng... Có những lần cả hai lọt xuống ruộng, máu me bê bết chỉ vì người sau lưng mải ngắm một con diều.
Chắc sẽ có nhiều cha mẹ không dám tập cho con khiếm thị của mình đi xe đạp vì sợ con ngã, đau. Nhưng Hà Chương cho biết: "Tôi không nhìn thấy chiếc xe đạp. Tôi càng không nhìn thấy hành trình sẽ đi. Nhưng, tôi biết mình phải tiến về phía trước trên chiếc xe của mình, còn mọi chuyện khác tính sau". Mẹ của anh trải lòng sau nhiều lần chứng khiến anh "đo đất": "Con khóc một, mẹ khóc tới mười nhưng con cần được vấp ngã" (trích tự truyện Nhắm mắt nhìn sao).
Người khiếm thị đã mang số phận đầy gánh nặng, khi người đó muốn theo đuổi con đường nghệ thuật, gánh nặng được nhân đôi, bởi muôn đời "cơm áo không đùa với khách thơ". Tự truyện có đoạn kể Hà Chương sống trong giai đoạn cô độc, khó khăn, hát lay lắt ở các tụ điểm, quán cà phê... mưu sinh. Có lúc, anh phải bán đàn để nuôi miệng ăn vì không muốn nhận giúp đỡ từ người khác nữa. Tách bạch giữa "miếng cơm" và chất thơ đời nghệ sĩ, anh khát khao vươn lên, đồng thời giữ lòng tự trọng. "Đối với tôi, sự thúc ép của đồng tiền, miếng cơm manh áo quả là một áp lực, nhưng nó không khiến tôi thấy buồn lòng, xót xa bằng sự cay nghiệt, kỳ thị người đời dành cho mình", anh cho biết.
Hà Chương sinh năm 1982 tại Quảng Ngãi. Năm hai tuổi, anh mất hoàn toàn thị lực. Từ bé, anh nỗ lực tập chơi các nhạc cụ guitar, đàn bầu... Năm 2004, anh đỗ thủ khoa hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Hà Nội), chuyên ngành đàn bầu. Năm 2006, anh thi vượt rào thành công lên hệ đại học của học viện. Năm 2010, Hà Chương tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành đàn bầu.
Về sau, anh lập nghiệp ở TP HCM. Nhạc sĩ có thể chơi hơn 10 loại nhạc cũ, sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó, bài Nắng hát từng vào chung kết Bài hát Việt 2010. Anh từng vào top 3 chung kết Vietnam’s Got Talent 2014, biểu diễn trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam...
Hà Chương từng đoạt các giải thưởng như: năm 1995 - 2003: 9 huy chương vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu tài năng trẻ Đà Nẵng và toàn quốc, năm 2008: giải ba độc tấu đàn bầu cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc, giải B sáng tác ca khúc (không có giải A) của Liên hiệp Các hội văn họcnghệ thuật Việt Nam với bài hát Vì sao em không thể. Anh phát hành hơn 10 album - single và MV, từng lưu diễn tại Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar...
'Ngày mai đời sẽ khác' - Hà Chương sáng tác và trình bày. Video: Youtube.
Nguyên Nguyên