Không ai biết trước được khi nào mình phải vĩnh biệt thế gian để bước qua thế giới bên kia. Tuy nhiên, với những người nghệ sĩ tài hoa, họ có một tâm hồn rất nhạy cảm. Điều đó dường như vận vào tác phẩm của họ bằng những tiên liệu mà nghiệm lại thấy hoàn toàn có thật. Câu chuyện về những định mệnh kỳ lạ trong tác phẩm âm nhạc vẫn là câu hỏi bí ẩn không có câu trả lời...
Khi viết lên những bản tình ca và đặt tên cho ca khúc của mình, có lẽ những người nhạc sĩ tài hoa như Y Vân, Thanh Bình, Trúc Phương không hề nghĩ rằng những tác phẩm đó lại vận vào cuộc đời mình như là một định mệnh.
Ngay cả khi họ còn sống cũng như lúc vẫy tay từ giã cuộc đời đều diễn ra đúng như những gì họ gởi gắm trong tựa đề và ca từ của bài hát. Dưới đây là vài câu chuyện về những định mệnh kỳ lạ ấy trong âm nhạc.
Nhạc sĩ Trúc Phương ra đi “Nửa đêm ngoài phố”
Nhạc sĩ Trúc Phương
Nhạc sĩ Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Trúc Phương lên Sài Gòn, bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết... và lập nghiệp luôn ở đây. Những sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản Tình thương mái lá, Tình thắm duyên quê viết vào năm 1957, sau đó là Chiều làng em (1958) và Đò chiều (1959). Ông có số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại hải ngoại như: Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa...
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Trúc Phương là Nửa đêm ngoài phố. Ca sĩ Thanh Thúy kể: “Nhạc phẩm 'Nửa đêm ngoài phố'ra đời, tên tuổi Anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, Nửa đêm ngoài phố đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình bày Nửa đêm ngoài phố, từ các sân khấu phòng trà, vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này… Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của Anh mà còn xúc động đến như vậy, nói gì đến Anh, người sáng tác, còn xúc động đến dường nào”.
Trớ trêu thay, ánh hào quang của sự nổi tiếng không đưa đến cho Trúc Phương cuộc sống bình thường như bao người khác. Sau năm 1975, nhạc sĩ Trúc Phương sống nhiều năm không nhà không cửa, làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm sống và lang thang khắp nơi ở Sài Gòn.
“Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng. Khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng 5 giờ chiều, thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch sẽ, người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi”, nhạc sĩ Trúc Phương trả lời phỏng vấn một tờ báo đương thời.
Cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca sĩ hát nhạc của ông, nhưng chắc chắn là ít có người đã biết ông âm thầm từ giã cõi đời trong nghèo nàn cô đơn tại căn phòng trọ tồi tàn, ở con nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995. Tài sản của ông có được lúc đó chỉ là một đôi dép, đúng như những gì ông tâm sự trong bài hát Nửa đêm ngoài phố: “Đời còn nhiều bâng khuâng/ Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này/ Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười /Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi…”.
Nhạc sĩ Y Vân ’60 năm cuộc đời” hay định mệnh được báo trước
Nhạc sĩ Y Vân
Y Vân (1933 - 1992) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ và vẫn được trình diễn bởi những ca sĩ hiện thời.
Ông tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa). Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư - nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ phải dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.
Tư liêu ghi rằng nghệ danh Y Vân được ông đặt để kỷ niệm cho mối tình đầu sâu đậm với một cô gái nhưng không thành. Y Vân có nghĩa là "Yêu Vân", tên cô tiểu thư Tường Vân - người yêu đầu tiên của ông.
Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào lòng công chúng mộ điệu như Lòng Mẹ, Ảo Ảnh, Sài Gòn, Những bước chân âm thầm (phổ thơ Kim Tuấn), Buồn (phổ thơ Tạ Ký). Đặc biệt tác phẩm 60 năm cuộc đời đã trở thành bất tử vì gắn chặt với định mệnh của ông.
Vào ngày 28.11.1992, Nhạc sĩ Y Vân nhắm mắt xuôi tay khi ông vừa bước vào tuổi 60, đúng như ông từng dự đoán: "Em ơi, có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời..."
Nhạc sĩ Thanh Bình một đời “Tình lỡ”
Nhạc sĩ Thanh Bình
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán tại tỉnh Bắc Ninh. Trong những năm từ 1950 đến 1954, ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội rồi sau đó di cư vào miền Nam sinh sống.
Đầu thập niên 1950, khi còn sống ở miền Bắc, ông có viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo với bút danh Thanh Bình. Các thập niên từ 1950 đến 1970, ông có sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng thời kỳ đó.
Ca khúc đầu tay của ông là Những nẻo đường Việt Nam, còn ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Tình lỡ. Từ tựa đề cho đến nội dung của bài hát này đều diễn tả một nỗi buồn sâu thẳm tiếc nuối về một cuộc tình đẹp nhưng đã chia xa.
Bài hát Tình lỡ của Thanh Bình bắt đầu bằng một đoạn rất nghẹn ngào: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…” Ngay sau khi Tình lỡ ra đời, như là một định mệnh đắng cay vận vào đời ông, bài hát càng nổi tiếng bao nhiêu thì cuộc đời của ông càng bất hạnh bấy nhiêu. Vốn là nhạc sĩ hào hoa đẹp trai, được nhiều cô gái thầm yêu trộm nhớ nhưng ông luôn gặp những cuộc tình lận đận không thành.
Di cư vào Nam năm 1954, cho đến năm 1973 ông mới chính thức kết hôn một người phụ nữ rất xinh đẹp. Đôi vợ chồng về sống trong một căn hộ chung cư ở Q.1, Sài Gòn. Ông vô cùng hạnh phúc với những gì mình đang có sau bao năm lận đận trên tình trường, càng hạnh phúc hơn khi vợ chồng ông có một cô con gái đầu lòng. Những tưởng đang cầm trên tay cuộc sống êm đềm bên người vợ đẹp và con ngoan, đột nhiên vợ ông bỏ nhà đi để lại cho ông đứa con nhỏ khi chỉ vừa ba tuổi…
Từ đó đến cuối đời, Thanh Bình sống trong cảnh nghèo túng, cô đơn, bệnh tật. Thấy hoàn cảnh của ông, người cháu gọi bằng cậu ruột đón ông về chăm sóc lúc tuổi già. Cuối năm 2013, ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức một đêm nhạc từ thiện để giúp đỡ ông. Tiền thu được từ đêm ấy cùng với tiền quyên góp là 230 triệu đồng được gửi vào sổ tiết kiệm để ông dùng dần.
Nhạc sĩ Thanh Bình qua đời vào ngày 23 tháng 5 năm 2014. Xót xa hơn khi tang lễ của nhạc sĩ Thanh Bình lại rất lạnh lẽo, chưa đến 20 người đến tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Hình như tất cả những gì liên quan đến cuộc đời của người nhạc sĩ này không ngoài hai chữ “Tình lỡ” và “Chỉ còn hiu hắt cơn sầu, không nguôi...”.
Nhạc sĩ trẻ Phạm Anh Cường và “Mùa hạ cuối”
Nhạc sĩ Phạm Anh Cường
Nhạc sĩ Phạm Anh Cường, (1968 - 2014) là một nhạc sĩ trẻ, anh vốn là người đẹp trai vui tính, đa tài nhưng lại rất lận đận trong tình duyên. Sau nhiều năm sáng tác, Phạm Anh Cường đã có nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích, phần lớn là những ca khúc trữ tình như Tìm lại người xưa, Xuân bơ vơ, Ánh trăng đêm buồn, Ôi quá là yêu, Mưa gọi tên anh... Nhạc của anh được các ca sĩ Giao Linh, Tuấn Vũ, Xuân Phú, Hà Vân… chọn hát. Vào tháng 2.2014, nhạc sĩ Phạm Anh Cường sáng tác bài Mùa Hạ Cuối (phổ thơ của nhà thơ Hồ Tịnh Văn).
Ít ai ngờ đây là sáng tác cuối cùng của anh được công chúng biết đến qua giọng hát của ca sĩ Dương Hồng Loan. Vào ngày 26.6.2014, đúng vào những ngày mùa hạ, nhạc sĩ Phạm Anh Cường đã qua đời sau một tai nạn giao thông.
Tiểu Vũ