Trong sự nghiệp của ông Larry King - nhà báo chuyên thực hiện các cuộc phỏng vấn trên sóng phát thanh và truyền hình, ông đã phỏng vấn được những nhân vật rất khó tính, vốn ít khi nhận trả lời phỏng vấn.
Chẳng hạn như nam ca sĩ Frank Sinatra (1915-1998), một trong những nghệ sĩ được hâm mộ nhất và cũng bí ẩn nhất trong nền công nghiệp giải trí của Mỹ, Sinatra hầu như không nhận trả lời phỏng vấn của bất cứ tờ báo hay nhà đài nào. Khi phía đài phát thanh nơi ông Larry King làm việc gửi lời mời, Frank Sinatra thoạt tiên cũng không hồi đáp.
Dù vậy, nhà đài vẫn thông báo tới thính giả về việc Sinatra sẽ xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn, tới sát giờ, cả ê-kíp nín thở chờ đợi đầy căng thẳng, lo âu, họ gần như đã tin chắc rằng Sinatra sẽ không xuất hiện.
Nhưng nhờ một cơ duyên may mắn nào đó, đúng giờ hẹn, Sinatra có mặt tại đài phát thanh và thích thú thực hiện một cuộc phỏng vấn kéo dài 3 tiếng đồng hồ, từ đó, nảy nở một tình bạn giữa King và Sinatra.
Ông King là một trong rất ít những nhà báo mà Sinatra từng đồng ý thực hiện phỏng vấn, cuộc phỏng vấn cuối cùng mà Sinatra thực hiện cũng là với King, trong chương trình "Larry King Live" hồi năm 1988.
Sau rất nhiều năm tháng quen biết và cùng thực hiện những cuộc phỏng vấn ăn ý, Sinatra từng viết một lá thư ngắn cho King, trong đó ông viết: "Điều mà anh làm được trong những cuộc phỏng vấn chính là khiến cho chiếc máy quay dường như biến mất".
King nổi tiếng với phong cách phỏng vấn vui vẻ, dễ chịu, rất thân thiện, như thể trò chuyện trong đời thường, nhưng cũng không kém phần sâu sắc và có sức nặng. Ở ông toát ra sự chân thành, ấm áp, sự tò mò thích thú dành cho vị khách mà ông đang phỏng vấn, King rất biết cách để người ta cảm thấy thoải mái, rồi khơi gợi nên những đề tài và câu chuyện hấp dẫn.
Chia sẻ về bí quyết phỏng vấn của mình với tạp chí Esquire hồi năm 2007, ông King từng nói: "Một khi tâm trí đã bị kích thích bởi sự tò mò, không gì có thể ngừng nó lại trong cuộc tìm hiểu. Trong đó, câu hỏi 'Tại sao?' là một câu hỏi tuyệt vời đối với một người chuyên phỏng vấn talkshow, bởi thường người ta không bao giờ có thể chỉ trả lời trong một từ".
Trong sự nghiệp của mình, King phỏng vấn rất nhiều nhân vật, từ người lao động, ngôi sao giải trí cho tới chính khách danh tiếng.
Không gian mà ông thực hiện các cuộc phỏng vấn cũng rất đa dạng, có khi là trong studio chuyên nghiệp, cũng có khi là phòng khách tại nhà của nhân vật, nhưng ông luôn biết cách khiến con người hoạt ngôn nhất của nhân vật xuất hiện, khiến họ muốn nói và thích nói nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn...
Dù đối tượng phỏng vấn là ai, không gian phỏng vấn ở đâu, ông King luôn thực hiện được những cuộc trò chuyện tuyệt vời.
Trong đời sống riêng tư, ông King tự nhận mình là một người đàn ông tuyệt vời trong chuyện hẹn hò, nhưng là một người chồng tồi trong hôn nhân, ông chia sẻ rằng một trong những nguyên nhân chính khiến các mối quan hệ tình cảm và hôn nhân của ông đổ vỡ chính là bởi ông luôn có nhu cầu... gặp gỡ các người đẹp.
Ông thừa nhận những điểm yếu của mình nhưng dám tự tin khẳng định mình là một người đàn ông biết tán tỉnh và rất khó cưỡng lại, chia sẻ với Esquire, ông King từng tiết lộ: "Sự hài hước chính là một nhân tố kích thích tuyệt vời nhất trong mọi mối quan hệ tình cảm.
"Tôi chắc chắn là một người đàn ông bình thường, xét về ngoài hình không có gì nổi trội, nhưng tôi đã có được những người phụ nữ rất tuyệt vời trong cuộc đời mình, đó là bởi tôi luôn biết cách khiến họ cười".
Thành phố biển Miami, bang Florida, Mỹ, là nơi ông King khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực phát thanh.
Nhớ về cuộc sống của mình trong những năm tháng tuổi trẻ thành công tại bang Florida, ông King từng viết trong hồi ký: "Không có nơi nào như Miami hồi thập niên 1960. Nơi có những cây cọ và biển xanh. Chẳng có gì chắc chắn, chẳng có gì để níu giữ. Mọi thứ thoải mái và phóng khoáng, mọi người bắt cặp với nhau rất nhanh và dễ dàng. Miami là thiên đường tình ái tuyệt vời nhất mà tôi biết ".
Ngay khi mới bắt đầu lên sóng phát thanh ở tuổi 23, ông King đã gây sốt với thính giả nữ. Chỉ hai tuần sau khi ông lần đầu xuất hiện, đã có thính giả nữ gọi điện tới chương trình mà ông đang dẫn để bày tỏ tình cảm. Nói về nhà báo Larry King, chắc chắn người ta sẽ nói về sự nghiệp đình đám và tình trường rình rang.
Ông Larry King từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Tôi thích cảm giác yêu đương. Tôi lớn lên trong một thế hệ mà nếu ta yêu, ta sẽ cưới, không có chuyện sống chung trước hôn nhân.
"Vì vậy, chỉ sau khi tôi cưới, tôi mới bắt đầu sống chung với người mà tôi yêu. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc hôn nhân thất bại của tôi. Bởi trước khi cưới, tôi chưa sống chung với bất cứ ai. Tôi thậm chí không ngủ qua đêm tại nhà bạn gái".
Dù thừa nhận là thích gặp gỡ các người đẹp ngay cả khi đã là người đàn ông có gia đình, ông King khẳng định: "Tôi không bao giờ lừa dối những người vợ của mình. Dù vậy, tôi luôn dành ưu tiên trước nhất cho sự nghiệp. Tôi từng nói đùa rằng nếu nhà đài mà tôi cộng tác gọi điện tới vì có việc khẩn cấp, vợ tôi cũng gọi điện tới vì có việc khẩn cấp, tôi sẽ hồi đáp nhà đài trước".
Ông King thừa nhận rằng, "điểm yếu" của ông là... những người phụ nữ có mái tóc vàng và đôi chân dài. Nhưng ngoài ra, ông King cũng là người mê cá cược, ông rất thích cá cược tại các cuộc đua ngựa.
Sở thích cá cược cộng thêm việc chi tiêu quá đà từng khiến ông phải chi tiêu nhiều và có lúc rơi vào cảnh nợ nần, vướng vào những bê bối đời tư, khiến ông rơi vào một giai đoạn suy sụp trong công việc, bị các nhà đài cắt hợp đồng. Đó là cú ngã đầu tiên trong sự nghiệp của ông, xảy đến hồi đầu thập niên 1970.
Phải mất tới 4 năm, King mới có thể bắt đầu được đón nhận trở lại và trao cho những cơ hội mới. Nhưng ngay cả khi có công việc trở lại, ông vẫn không thể nhanh chóng chi trả hết những khoản nợ cũ và đến năm 1978, buộc phải tuyên bố phá sản. Trong suốt những thăng trầm trong công việc ấy, King vẫn tiếp tục... hẹn hò, yêu đương, kết hôn, ly hôn.
Dù cuộc sống riêng có những bất ổn, nhưng chính giai đoạn này lại là lúc sự nghiệp của Larry King thăng hoa nhất. Ông trở thành nhà báo nổi tiếng trên khắp nước Mỹ, các chương trình do ông dẫn dắt luôn thu hút lượng theo dõi cao nhất.
King cho rằng bí quyết thành công của ông trong vai trò một nhà báo chuyên thực hiện các cuộc phỏng vấn chính là bởi ông không thích nhiều lời, cũng không cố tỏ ra mình thông tuệ, và đặc biệt, ông vô cùng hứng thú trong việc tìm hiểu về con người.
Ông không hề chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc phỏng vấn, không có định hướng cụ thể nào trước khi phỏng vấn, ông cũng không đọc những cuốn sách, không thu thập những tài liệu, hay xem phim, nghe nhạc liên quan tới nhân vật mà ông phỏng vấn:
"Tôi cần phải thật tò mò về nhân vật, làm sao tôi duy trì được sự tò mò về họ nếu tôi đã tìm hiểu trước khá nhiều về họ? Chính việc không biết gì nhiều về nhân vật khiến tôi có nhiều câu hỏi thực sự thể hiện sự tò mò về đối phương, thay vì phỏng vấn như thể kiểm chứng lại những thông tin đã biết về họ".
King quan niệm rằng mỗi người đều có một câu chuyện, đó là điều mà ông đã quan niệm ngay từ khi thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên trong sự nghiệp của mình hồi năm 1959 với ca sĩ - nhạc sĩ Bobby Darin.
Khác với những người dẫn khác thích đưa ra những câu hỏi thách đố, sắc nhọn, thậm chí làm khó nhân vật, ông King là một người phỏng vấn dễ ưa, dễ chịu, điều đó khiến ông rất được khách mời và khán giả yêu mến, bởi họ cảm nhận được ở ông sự ấm áp, dù vậy, một số chuyên gia đã từng đánh giá rằng phong cách phỏng vấn của King "quá mềm".
Đáp lại điều này, ông nói: "Tất cả những gì tôi cố gắng thực hiện là đưa ra được những câu hỏi tốt nhất mà tôi có thể nghĩ ra ở thời điểm đó, tôi lắng nghe câu trả lời của nhân vật và rồi tiếp tục mạch chuyện dựa trên câu trả lời ấy, tôi không bao giờ để mình bị mất dấu trong trước những thông tin mà họ đưa ra. Tôi không thích tấn công ai, đó không phải là phong cách của tôi".
Năm 1987, ông King từng bị lên cơn đau tim, sau đó, ông đã phải từ bỏ nhiều niềm vui của mình trong đời sống thường nhật, như thịt đỏ, thuốc lá, cà phê... Riêng cà phê, dù đã cố gắng giảm tới mức tối thiểu, ông vẫn phải uống ít nhất 3 tách mỗi ngày: "Tôi sẽ luôn nhớ cái ngày mà tôi bị lên cơn đau tim".
Sau biến cố sức khỏe ấy, ông lập nên Quỹ Tim mạch Larry King, hỗ trợ chi trả chi phí điều trị bệnh tim cho những người gặp khó khăn kinh tế.
Trong sự nghiệp của mình, ông King đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực báo chí, trong một lần nhận giải hồi năm 1982, ông nói: "Tôi biết tôi được gọi là nhà báo và tôi rất vui khi được gọi như vậy, nhưng kỳ thực tôi không nghĩ những gì tôi làm khi lên sóng là nghề báo.
"Tôi nghĩ về công việc của mình là một dạng cung cấp thông tin có tính chất giải trí cho khán giả. Tôi nghĩ nếu xét về nghề báo, thì tôi là người chuyên xuất hiện ở những trang sau. Cách tôi đề cập đến các vấn đề và cách đặt câu hỏi cũng khác, bởi tôi đi trong một vùng nằm giữa dòng tin tức và tính giải trí".
King đã gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe qua năm tháng. Năm 1999, ông từng phải điều trị ung thư tiền liệt tuyến. Năm 2017, ông phát hiện bị ung thư phổi nhưng đã được điều trị thành công. Hồi tháng 3/2020, ông bị một cơn đột quỵ và rơi vào hôn mê trong vài tuần, sau đó, ông đã gặp phải một số ảnh hưởng về trí nhớ.
Sau này, ông từng thừa nhận rằng mình đã nảy sinh ý định tự tử trong giai đoạn khó khăn ấy: "Nỗi sợ lớn nhất của tôi chính là chết mà không đủ tỉnh táo để biết những điều đang xảy tới với mình. Tôi đã có một cuộc hành trình dài vất vả trong vấn đề sức khỏe. Bác sĩ điều trị cho tôi nhận xét rằng tôi có một tinh thần kiên cường hiếm thấy.
"Trải qua các biến cố sức khỏe, dần dần tôi cảm thấy bớt sợ chết. Tôi đã sống đến một độ tuổi mà bản thân phải học cách chấp nhận những vấn đề sức khỏe xảy tới với mình theo đúng quy luật tự nhiên. Tôi chỉ muốn tiếp tục làm việc cho tới phút cuối cùng. Tôi muốn chết ở nơi làm việc, nghỉ hưu vĩnh viễn tại đó".
Bích Ngọc
Theo New York Post/Today