Họ mèo (Felidae) được chia thành ba chi, gồm Panthera (sư tử, hổ, báo hoa mai, báo gấm...), Acinonyx (báo săn) và Felis (bao gồm tất cả những chi mèo 'nhỏ' khác).
Trong đó, mèo nhà (Felis catus) là một trong những loài tiến hóa nhất trong họ Mèo, cho dù kích thước của chúng cũng thuộc loại nhỏ nhất.
Những thợ săn thiên phú
Một đặc điểm chung của tất cả các loài họ mèo là chúng đã tiến hóa để trở thành động vật săn mồi với giác quan đặc biệt thính nhạy.
Trong đó, thính giác, thị giác và khứu giác của mèo được xem là nhạy bén bậc nhất trong số các loại động vật vú trên cạn.
Các đặc điểm giải phẫu như đầu tròn và cấu trúc xương tương đồng cho thấy có 37 loài thuộc họ mèo, và chúng đều tiến hóa từ một tổ tiên chung sống ở châu Á khoảng từ 10 - 12 triệu năm trước.
Cho đến nay, họ mèo phân bổ ở tất cả các vùng trên Trái Đất, ngoại trừ Bắc Cực, Nam Cực và Australia. Sở dĩ làm được điều này là bởi sự lên/xuống của mực nước biển trong hàng thiên niên kỷ đã cho phép mèo di cư và chiếm lấy các vùng địa lý khác nhau.
Chúng được xem là những thợ săn ăn thịt phát triển ở bậc cao nhất trong số tất cả các loài động vật có vú.
Điều thú vị là ngoài sư tử sống theo đàn, tất cả các loài mèo hoang dã khác đều phát triển thành động vật có lối sống đơn độc, với khả năng săn mồi và tự bảo vệ chính mình.
Cũng loại trừ sư tử, dáng vẻ của mèo đực và mèo cái là khá tương đồng, dù con đực thường lớn hơn một chút.
Mèo có tính lãnh thổ cao, khi chúng có xu hướng phát triển khu vực riêng mình để săn mồi và đánh dấu lãnh thổ chủ yếu thông qua mùi hương.
Chúng phát triển với nhiều màu lông khác nhau và cực kỳ đa dạng, từ màu đơn sắc, cho tới kết hợp nhiều vệt màu, sọc màu, đốm đen... Đây là những đặc điểm thích nghi cho phép mèo ngụy trang và hỗ trợ đắc lực cho lối sống săn mồi của chúng.
Sự tiến hóa và thích nghi của mèo
Bằng chứng về việc mèo sống chung với người được thể hiện rõ ràng từ các ghi chép hóa thạch. Trong đó, lâu đời nhất có lẽ là ở Ai Cập, khoảng 3.600 năm trước.
Tại đây, hộp sọ của mèo được tìm thấy trong khu chôn cất mèo Ai Cập xác định chúng thuộc loài Felis sylvestris lybica (mèo rừng châu Phi). Dẫu vậy, việc thuần hóa mèo dường như đã xảy ra từ khoảng 10.000 năm trước hoặc lâu hơn, với địa điểm là khu vực Trung Đông.
Nhiều bằng chứng xác nhận rằng mèo được tìm thấy bên cạnh xác của chủ nhân ở một ngôi mộ thuộc đảo Síp, khoảng 9.500 năm trước. Như vậy, mèo và con người rõ ràng là đã có một lịch sử gắn bó từ rất lâu đời.
Theo các chuyên gia về sử học, nguyên nhân của sợi dây gắn kết này thực ra chính là bởi loài chuột. Cụ thể, sự phát triển của con người thể hiện ở các kho dự trữ ngũ cốc đã gây ra sự tích tụ và gia tăng đáng kể đối với loài chuột nhà.
Khi ấy, con người đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chống đỡ sự tấn công của loài gặm nhấm. Tuy nhiên, kể từ khi có sự xuất hiện của mèo (vốn dĩ bị thu hút bởi sự gia tăng dân số của chuột), con người đã nhận ra giá trị của chúng, dẫn tới việc thuần hóa mèo.
Mặc dù vậy, thuần hóa mèo không giống với cách mà chó và các động vật khác đã được thuần hóa. Nhìn chung, mèo không trải qua những thay đổi lớn trong quá trình thuần hóa và hình dáng, cũng như hành vi của chúng vẫn rất giống với tổ tiên mèo rừng.
Theo đó, mèo hiện đại vẫn hoàn toàn có khả năng sống sót trong tự nhiên, và trên thực tế đã có nhiều con quay trở lại trạng thái tồn tại trong điều kiện hoang dã.
Quan hệ của người với mèo, từ ban đầu, đã xa cách hơn một chút so với chó, vì chó giúp người săn bắn và đợi người chia sẻ chiến lợi phẩm. Còn việc con người thuần hóa mèo chỉ phần nào đưa chúng rời khỏi đời sống hoang dã mà thôi.
Đặc điểm của mèo hiện đại
Phân tích di truyền đã chứng minh rằng DNA của mèo nhà ngày nay gần giống với DNA của loài Felis sylvestris lybica, một phân họ của Mèo rừng châu Phi.
Chúng có ngoại hình tương tự như mèo mướp nhà, mặc dù bộ lông có phần nhạt hơn. Các cá thể của loài này chủ yếu sống phân tán trên thảo nguyên với những vùng lãnh thổ rộng lớn do con mồi (chủ yếu là loài gặm nhấm) tương đối thưa thớt.
Mèo nhà ngày nay giữ lại một số đặc điểm từ tổ tiên của chúng do từng sống ở sa mạc, bao gồm khả năng sống sót với lượng nước uống rất thấp, cũng như nước tiểu sinh ra rất cô đặc.
Phân của chúng cũng tương đối khô hơn với chó, nhằm giảm thiểu sự mất nước do môi trường sống.
Mèo cũng chịu được nhiệt độ khá cao, dù chúng có bộ lông dày. Đa số chúng không có dấu hiệu khó chịu cho đến lúc nhiệt độ da vượt quá 52 độ C. Trong khi đó, con người bắt đầu cảm thấy khó chịu tại thời điểm nhiệt độ da vượt quá 44,5 độ C.
Do có quan hệ gần gũi với mèo rừng, mèo nhà vẫn giữ được khả năng giao phối với loài này. Ở một số vùng như Scotland và Hungary, điều này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng khi việc mèo nhà giao phối với mèo rừng bản địa, dẫn đến số lượng mèo hoang thuần chủng khác biệt về mặt di truyền ngày càng giảm.
Hình ảnh con mèo trong các nền văn hóa
Tại Ai Cập cổ đại, những nghiên cứu khảo cổ cho thấy rằng mèo đã được nuôi trong các gia đình như một loài vật được nể trọng. Lúc này, mối quan hệ giữa người Ai Cập cổ đại và loài mèo có nhiều ý nghĩa đặc biệt, họ rất đề cao loài mèo, thậm chí tôn thờ mèo với niềm tin rằng mèo là loài vật tượng trưng cho những điều thiêng liêng, ý nghĩa, như sự sinh sôi, nảy nở, sức mạnh quyền lực hay lẽ công bằng.
Trong thần thoại Na Uy, nữ thần Freyja biểu trưng cho tình yêu, cho vẻ đẹp, sự sinh sôi, quyền lực, tiền tài... Nữ thần Freyja thường được khắc họa bên cạnh những chú mèo. Trong đời sống dân gian Na Uy khi xưa, người nông dân muốn tìm kiếm sự bảo trợ cho mùa màng của mình thường để những chảo sữa trên cánh đồng. Họ xem đó như một cách để mời gọi những chú mèo phụng sự nữ thần Freyja tới cánh đồng của mình, giúp bảo vệ cho cánh đồng khỏi bị loài chuột phá hoại.
Tại Nga, mèo được xem là một biểu tượng của may mắn. Khi một gia đình chuyển tới nhà mới mà gia đình đó có nuôi mèo, họ sẽ để mèo bước vào nhà đầu tiên, rồi các thành viên trong nhà mới bước theo sau. Điều này được cho là giúp đưa lại may mắn cho gia chủ trong quá trình sinh sống trong ngôi nhà mới.
Tại Nhật Bản, mèo cộc đuôi được xem như biểu tượng của triển vọng tốt đẹp và tương lai hứa hẹn. Hình tượng "maneki neko" (chú mèo vẫy tay) biểu trưng cho sự may mắn, phát đạt. Hình tượng "maneki neko" thường được đặc tả bằng hình ảnh chú mèo cộc đuôi ngồi trên hai chân sau, một chân trước giơ lên cao.
Trong cộng đồng người Hồi giáo, mèo là loài động vật được coi trọng và bảo vệ, họ luôn đối xử với mèo tốt nhất có thể với niềm tin rằng mèo là loài vật hiện diện ở cả hai thế giới: khi con người còn sống và khi đã qua đời, vì vậy, không ai muốn "đắc tội" với mèo để rồi phải chịu sự phán xét khi nằm xuống. Nhìn chung, cộng đồng người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới đều tin rằng việc đối xử tốt với mèo là một trong những việc thiện nên làm trong đời.
Tại Việt Nam, mèo là một trong mười hai con giáp, là linh vật đại diện cho năm Mão. Trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, người ta cùng có chung quan niệm về việc mèo có nhiều "mạng", dù quan niệm về số lượng "mạng" mà mèo có trong các nền văn hóa khác nhau là khác nhau, nhưng quan niệm này đều xuất phát từ sự quan sát loài mèo và nhận thấy rằng mèo có sự mềm dẻo, linh hoạt, nhanh nhẹn khiến chúng có thể thoát ra khỏi những tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.