Người thông minh - Trò tung đồng xu thật ngớ ngẩn, nhưng quy luật đơn giản này là biểu tượng sâu sắc của sự công bằng

21/04/2020 08:00
Người thông minh - Trò tung đồng xu thật ngớ ngẩn, nhưng quy luật đơn giản này là biểu tượng sâu sắc của sự công bằng

Thay vì cho nhân viên nghỉ việc trong những lúc dịch bệnh, thị trường đi xuống, họ giảm giờ làm và tiền lương toàn thể công ty để mọi người đều có thể giữ được việc làm cho tới khi nhu cầu sản xuất tăng trở lại.

          

Vào năm 1996, người sáng lập eBay Pierre Omidyar đã mời Jeff Skoll về làm cộng sự. Cả hai cần phải quyết định cách thức chia quyền sở hữu công ty mới. Và họ sử dụng cách thức đơn giản do Omidyar đề nghị. Anh ước lượng công việc mà anh hoàn thành trước khi Skoll đến trị giá 15% tài sản công ty. Số tài sản còn lại, họ chia đôi.

Người lớn chúng ta thường không nói thẳng, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng muốn rút lui nếu cảm thấy thiệt thòi hay bị lợi dụng. Trong mối quan hệ hợp tác, vấn đề không nằm ở sự khéo léo hay hợp lý, mà là sự công bằng. Phản ứng mang tính tình cảm của những người cộng sự sẽ tạo ra sự tương tác công bằng hoặc không có sự tương tác nào cả.

Vào tháng 8 năm 1937, hai chàng trai 24 tuổi đã cùng nhau phác thảo ý tưởng kinh doanh mà họ vẫn ấp ủ từ ngày gặp nhau ở trường đại học. Họ thảo luận về những thiết bị điện tử mà công ty có thể sản xuất, như máy thu cao tần chẳng hạn. Họ dự định đặt tên công ty là Công ty Dịch vụ Kỹ thuật.

Đến tận hai năm sau, cả hai mới thật sự thành lập công ty. Một người cùng vợ thuê một căn nhà rẻ tiền ở Palo Alto, California. Chàng trai độc thân còn lại chuyển đến cái kho nhỏ bỏ không ở phía sau nhà. Họ đã biến cái nhà để xe chỉ đủ chỗ cho một chiếc ô tô thành nơi sản xuất và lên kế hoạch cho những dự án còn bỏ ngỏ.

Một người tiết lộ: “Khả năng của chúng tôi bổ sung cho nhau. Anh ấy được đào tạo chuyên sâu về công nghệ vi mạch, còn tôi có nhiều kinh nghiệm về các quy trình sản xuất. Sự kết hợp giữa chúng tôi có lợi trong việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm điện tử”.

Khi nảy ra ý nghĩ thành lập doanh nghiệp, họ đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Một người vay tiền để mua thiết bị, người còn lại đóng góp dụng cụ. Họ cho rằng tên của công ty quá chung chung và quyết định đặt theo tên của mình. Nhưng vấn đề là họ xem cả hai đều bình đẳng, vậy tên ai sẽ được nêu trước? Họ tung đồng xu. Và công ty Hewlett-Packard – tiền thân của tập đoàn công nghệ thông tin HP ngày nay, đặt theo tên Bill Hewlett và Dave Packard – đã ra đời như thế.

Trò tung đồng xu được xem là phương pháp đơn giản, khách quan, tạo ra sự công bằng vì nó để cho số phận quyết định. Trong các mối quan hệ hợp tác, trò tung đồng xu này cũng thường xuất hiện trong những thời điểm quan trọng.

Vào năm 1903, Orville và Wilbur Wright đã tung đồng xu quyết định ai sẽ là người lái chiếc máy bay mới chế tạo. Wilbur đã thắng, nhưng máy bay bị chết máy trong lúc bay và đâm sầm xuống. Ba ngày sau đó, anh trai của ông đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trong lịch sử.

Giống như Hewlett-Packard, William Hanna và Joe Barbera đã tung đồng xu để đặt tên cho công ty sản xuất phim hoạt hình. Nếu là mặt ngửa, tên công ty sẽ là Barbera-Hanna, còn mặt sấp sẽ là Hanna-Barbera. Và nó là mặt sấp.

Việc giải quyết tranh cãi bằng cách tung đồng xu có vẻ thật ngớ ngẩn, nhưng về mặt tâm lý, quy luật đơn giản này là biểu tượng sâu sắc của sự công bằng cho một mối quan hệ hợp tác và mang lại hiệu quả.

Vào năm 1939, sau một năm thành lập, công ty Hewlett-Packard đã thu về doanh số 5.369 đô-la, lợi nhuận đạt 1.563 đô-la. Công việc kinh doanh tiếp tục phát đạt và công ty liên tục mở rộng quy mô.

Trong Thế chiến thứ II, Hewlett bị gọi trở lại quân ngũ dù đã là thành viên của Lục quân Dự bị Hoa Kỳ. Anh vắng mặt ở công ty suốt gần năm năm. Packard đã tự động giảm lương của mình cho tương xứng với mức lương quân đội của Hewlett. “Tôi nghĩ sẽ không công bằng khi mức lương của tôi cao hơn mức lương quân ngũ của Bill”, - Packard kết luận. Đó không chỉ là sự hy sinh về vật chất, mà còn là biểu tượng hoàn hảo của sự công bằng.

Sự công bằng mà Hewlett và Packard dành cho nhau được thể hiện rõ qua cách quản lý của họ, và phương thức quản lý đó đã trở thành “Tôn chỉ của HP”. Khi một nhân viên mắc bệnh lao, công ty giúp anh ta chi trả phí thuốc men, dưỡng bệnh. Sau đó, cả hai nhà sáng lập mua bảo hiểm y tế cho các nhân viên, một kiểu phúc lợi hiếm có lúc bấy giờ. Trong khi một số công ty khác chỉ dành chế độ thưởng theo năng suất cho các kỹ sư, thì Hewlett và Packard thực hiện cho toàn bộ nhân viên.

Cả hai thể hiện sự tín nhiệm đối với nhân viên bằng cách cho phép họ linh hoạt giờ làm việc. Packard viết: “Theo tôi, hệ thống giờ làm việc linh hoạt là yếu tố then chốt để bày tỏ sự tôn trọng và tin tưởng vào người khác. Chúng tôi tin tưởng nhân viên cùng với đội ngũ làm việc và các quản lý của họ có thể đặt ra một lịch làm việc thuận tiện cho từng cá nhân đồng thời công bằng với tất cả”. Họ cùng mở các thùng hàng đã khóa chặt để đề phòng trộm cắp. “Việc mở các thùng và kho chứa hàng thể hiện sự tín nhiệm; tín nhiệm là tôn chỉ quản lý kinh doanh của HP”, - Packard phát biểu.

Thay vì cho nhân viên nghỉ việc trong những lúc thị trường đi xuống, họ giảm giờ làm và tiền lương toàn thể công ty để mọi người đều có thể giữ được việc làm cho tới khi nhu cầu sản xuất tăng trở lại. Khi công việc kinh doanh phát triển, họ mở tiệc và các nhà sáng lập trực tiếp phục vụ thức ăn như một cách thể hiện rằng họ đã sẵn sàng chào đón tất cả nhân viên.

“Tôn chỉ của HP” đã khai sáng và dẫn đầu thời đại. Một điều ít được biết đến là triết lý quản lý trên bắt nguồn từ chính mối quan hệ hợp tác lấy sự công bằng làm nền tảng giữa Packard và Hewlett.

Hình thức cơ bản nhất của tính công bằng là sự phân chia đồng đều giữa công việc và phần thưởng. Trong thực tế, hiếm khi có sự phân chia hoàn hảo như vậy. Trong bất kỳ dự án nào, việc ước lượng công việc hoặc phần thưởng cho một nhóm hai người có thể ít nhiều thiếu cân bằng. Tuy nhiên, một mối quan hệ hợp tác bền chặt không nhất thiết phải có sự phân chia ngang bằng tuyệt đối mới là công bằng.

Đôi khi, một thành viên của cặp đôi đảm đương phần việc nhiều hơn, sở hữu tài năng hiếm có, nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ được chia phần lớn hơn. Một đứa trẻ buồn bã vì bị trả thù lao ít hơn cho công việc vặt trong nhà thường dịu dần khi nhớ ra rằng chị của bé đã làm nhiều việc hơn.

Việc dành phúc lợi như nhau cho những người có lượng công việc khác nhau cũng giống như dành phần thưởng khác nhau cho cùng một công việc, về thực chất, là không công bằng.

Trong những mối quan hệ hợp tác thành công, dù trách nhiệm phân chia không đồng đều, nhưng phần thưởng được hưởng phải tương xứng với công sức đã bỏ ra. Bạn và cộng sự không cần chia việc bằng nhau, song bạn phải đảm bảo phần thưởng tương xứng với lượng công việc. Nếu mối quan hệ cộng tác được xây dựng theo tỉ lệ công việc 70-30 thì phần thưởng cũng nên là 70-30.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Gallup, sự cân bằng trên cũng có giới hạn. Nếu bạn làm ít hơn 20% lượng công việc, bạn sẽ trở thành người hỗ trợ cho người khác, chứ không phải là cộng sự của họ. Khi chỉ có một phía chịu gánh nặng, mối quan hệ sẽ bị phá hủy.

Thiết lập mối quan hệ cộng tác mang tính công bằng khá phức tạp, bởi thực tế, chúng ta không giỏi ước lượng phần đóng góp của mình trong một dự án chung. Hẳn bạn tin rằng mình đảm trách phần việc nhiều hơn, và cộng sự của bạn cũng sẽ có xu hướng đề cao bản thân giống như vậy.

Để mối quan hệ hợp tác công bằng, bạn cần nhớ rằng có nhiều việc cộng sự của bạn làm nhưng bạn lại không nhận thấy. Tính ích kỷ và thiên hướng tin tưởng bản thân đóng góp nhiều hơn người bạn đồng hành sẽ gây trở ngại cho quá trình hợp tác của cả hai. Tuy nhiên, nếu bạn đánh giá sự đóng góp của mình ở mức phù hợp, bạn sẽ tạo ra mối quan hệ tuyệt vời.

Theo Người thông minh không làm việc một mình


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025