]Từng diễn viên múa xoay tròn, uốn lượn để tạo hình thành những ‘bức tượng’ người, trông sống động dẫu không kém phần kỳ dị. Ấn tượng “vũ đạo điêu khắc” nói trên được phản ánh lý thú qua dự án vũ nhạc ‘Les Meduses’ (‘Bị mê hoặc’), do Jalet biên soạn, trình diễn tại bảo tàng Louvre năm 2013.
‘Dị biệt’ có thể là tính từ tương thích để mô tả phong cách vũ đạo của nghệ sĩ mang 2 dòng máu Pháp-Bỉ, Damien Jalet. Tuy nhiên, với ‘Vessel’ – show diễn mới anh cộng tác cùng họa sĩ thị giác người Nhật Kohei Nawa, tác phẩm vừa nhận đề cử giải thưởng sân khấu danh giá Olivier Awards cho hạng mục Biên đạo múa xuất sắc nhất – hứa hẹn mang đến cảm nhận còn lạ lẫm hơn.
‘Vessel’ (‘Chứa đựng’), mong muốn tìm kiếm ‘điểm giao thoa’ giữa nét vững chắc và mềm mại nơi cơ thể người.
Nhóm vũ công gần như khỏa thân nhảy múa uyển chuyển trên một ‘sàn diễn’ nhỏ nhô cao, bao phủ bởi nước và chất bột trắng bết dính có tên gọi ‘katakuriko’, một loại bột khoai tây được người Nhật dùng cho những món ăn truyền thống.
Thứ bột trắng chuyển đổi từ trạng thái rời rạc sang đặc dính, biểu trưng cho tính ‘tiếp biến’ không ngừng nghỉ ở những vật chất cấu thành cơ thể người.
Đặc biệt, trong ‘Vessel’ – dự án chính thức công diễn từ trung tuần tháng 3.2020 tại sân khấu vũ nhạc quốc gia Chaillot (Paris) – phần đầu những vũ công được liên tục che lại nhờ đôi cánh tay đan chặt sau gáy, đủ làm khuất tầm nhìn khán giả.
Quan sát những cơ thể người với ‘ảo giác’ không đầu di chuyển nhịp nhàng trước sân khấu, theo âm điệu nhạc nền du dương, gợi lên cảm giác lạ lẫm choáng ngợp, như thể bạn đang chiêm ngưỡng những sinh vật vô danh đến từ một ‘thế giới’ xa lạ.
Trước nạn dịch viêm phổi COVID-19, show diễn mới vẫn được phép mở cửa đón khách. Thế nhưng lượng khán giả sẽ buộc phải cắt giảm để phù hợp quy định phòng ngừa dịch bệnh đang ban hành tại Pháp.
Một cảnh cắt của ‘Vessel’ (Ảnh: Yoshikazu Inoue)
“Ngày nay, chúng ta luôn đánh giá cao gương mặt. Mọi người thường chụp ảnh selfie mọi lúc có thể, như một cách ‘định nghĩa’ hình ảnh của riêng họ. Bạn có thể nhận thấy rất nhiều điều chỉ từ việc quan sát gương mặt ai đó”, Jalet nói về dự án ‘Vessel’.
“Thế nên tôi nảy ra ý tưởng này, xoay quanh vấn đề nhân dạng. Tôi muốn khiến đặc điểm chúng ta thường dựa vào nhất để thấu hiểu người khác, biến mất”, anh lý giải về động tác múa cố tình che đi gương mặt vũ công.
“Thiếu khuôn mặt", nhiều phần khác trên cơ thể trông nổi bật hơn và ‘ranh giới’ giúp ta phân định đặc điểm con người với những thứ khác, bỗng mờ nhạt hơn. Tôi thích đặt câu hỏi rằng, việc chúng ta tự gọi bản thân ‘là người’ thật sự mang ý nghĩa gì, trong khi cùng lúc đó, vẫn còn những chi tiết dị thường nơi nhân dáng mỗi người”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
‘Boléro’ (2013) – biểu diễn trên sân khấu trường múa Paris Opera Ballet, dự án hợp tác giữa Jalet và biên đạo múa bậc thầy Sidi Larbi Cherkaoui (Ảnh: Laurent Philippe)
Jalet nổi tiếng thông qua những dự án nghệ thuật thành công, cộng tác cùng nhiều tên tuổi lớn như ban nhạc Florence and the Machine cho ca khác ‘No Light, No Light’, với đạo diễn gạo cội Luca Guadagnino cho dự án kinh dị ăn khách ‘Suspiria’, và với nhạc sĩ – giọng ca kỳ cựu của nhóm Radiohead, Thom Yorke, trong tác phẩm phim nhạc kịch ngắn ‘Anima’ do Netflix phát hành.
Jalet giúp làm nên thành công cho màn trình diễn múa ấn tượng trong tác phẩm điện ảnh kinh dị ‘Suspiria’ của Luca Guadagnino (Ảnh: Shutterstock)
Tuy nhiên, kỷ niệm công việc khó quên nhất với Jalet, chính là lần anh làm biên đạo múa cho Madonna.
Ở tour diễn quảng bá album ‘Madame X’, Jalet dàn dựng tiết mục đặc biệt, trong đó ‘nữ hoàng nhạc pop’ tái hiện ca khúc hit ‘Frozen’ (ra mắt năm 1998) đằng sau màn hình chiếu, với cô con gái lớn của Madonna, Lourdes, biểu diễn một tiết mục múa phụ họa đặc sắc.
“Madonna có ảnh hưởng rất lớn đến bản thân tôi. Bản hit ‘Frozen’ và màn song tấu cùng Lourdes biểu thị một Madonna mềm yếu hơn, từ một góc nhìn khác”, Jalet bày tỏ.
Jalet cạnh ‘nữ hoàng nhạc pop’ Madonna (Ảnh: Instagram nhân vật)
‘Góc nhìn’ chính là nét nhấn ấn tượng ở một nghệ sĩ trình diễn tài năng, người khởi nghiệp bằng công việc vũ công, và sau đó làm trợ lý cho biên đạo múa ‘huyền thoại’ người Bỉ, Sidi Larbi Cherkaoui.
“Không có công nghệ hình ảnh, không make-up, không phục trang hoa mỹ, chỉ từ những chuyển động uốn lượn của cơ thể người, ở những góc cạnh nhất định, chúng tôi lại tạo nên một thứ nghệ thuật biểu diễn khác biệt hoàn toàn”.
‘Ranh giới’ giới tính dường như biến mất ở ‘Vessel’, tác phẩm vốn chính Madonna từng đến xem trong buổi diễn tổng duyệt hôm 5.3 vừa qua.
Từ góc độ khán giả, quả thật khó phân định rõ giới tính những nghệ sĩ trên sân khấu, khi nhóm vũ công liên tục ‘xoay vần’ cùng bài múa.
“Những màn diễn đôi giữa nam và nữ thường không mấy hứng thú với tôi. Tôi thích ý tưởng về sự phân rã, khi ý niệm giới tính hóa thành một cảm nhận đơn thuần”, Jalet nói.
Damien Jalet (Ảnh: AFP)
Với nam nghệ sĩ, chặng đường trải qua cùng nghề múa không chỉ phụ thuộc ở sự đam mê nét mỹ cảm hình thể, mà còn mang giá trị tinh thần. Jalet cho biết, anh lấy cảm hứng biên đạo từ những hoạt động truyền thống và nghi lễ tôn giáo khắp thế giới.
Ví dụ tiêu biểu là ‘Skid’ (‘Trượt’), dự án vũ nhạc ra mắt tại Paris năm 2017. Những diễn viên trình diễn trên một sân khấu đặt nghiêng, mô phỏng lại ‘ombarisha’, một nghi lễ truyền thống của Nhật với nhóm nam giới quấn chặt người quanh một thân cây nghiêng.
Như Ý (theo: AFP)