Cách thể hiện của bạn không khiến cho bạn trở nên thú vị, những điều bạn khiến nó xảy ra trong tâm trí người nghe mới khiến bạn trở nên thú vị.
Tâm trí con người không chỉ thụ động ghi chép những điều diễn ra trước mắt. Nó khơi gợi trải nghiệm trong quá khứ, chạm đến tình cảm, cảm xúc và các giá trị; nó mở ra các khả năng và suy đoán. Sự phong phú này chính là nền tảng của nguồn gốc tạo ra sự thú vị.
Lấy một ví dụ, hãy nghĩ đến những con hươu cao cổ và suy nghĩ câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao lạc đà lại có chiếc cổ rất dài?”. Những suy luận thông thường sẽ là: Cũng giống như hươu cao cổ, lạc đà có cổ dài để có thể dễ dàng ăn lá trên ngọn cây; nếu đã có chân dài thì hẳn lạc đà cũng sẽ cần cổ dài để có thể gặm cỏ thoải mái, nếu không lạc đà phải khuỵu xuống để gặm cỏ…
Những suy tưởng này có thể không phải là câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi trên, nhưng nó mô tả một phần cách con người tư duy và liên tưởng các khả năng. Đó là một trong những yếu tố trong quá trình bộ não con người cảm thấy sự thú vị.
Trong cuốn sách “Làm người thú vị”, TS về tư duy Edward De Bono tiết lộ các bước khác trong quá trình hoạt động cơ bản của sự thú vị gồm: Chú tâm tạo ra các phương án thay thế; quá trình rút ra khái niệm; sự hình dung, tưởng tượng, phóng chiều; sự kết nối và liên kết những vấn đề khác nhau; quá trình điều hướng sự chú ý, các chủ đề thú vị và việc trình bày mọi thứ đơn giản, sáng tỏ...
Việc tạo ra sự thú vị cũng không “lý thuyết” và khó hiểu đến vậy. Tác giả - TS. Edward De Bono chia sẻ những chủ đề khiến con người luôn tò mò (và được các biên tập viên thường khai thác) như sự thật về hành vi con người, mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ, tiền bạc, quyền lực, người nổi tiếng… Theo ông, động lực tạo nên sự thú vị bao gồm: Cảm giác, tính liên quan, những mối quan tâm cơ bản của con người, cảm xúc, hài hước, sự lôi cuốn, kiến thức và những câu chuyện.
Sự thú vị cũng giống như khám phá một thị trấn cổ hơn là lái xe trên xa lộ. Đó không phải là vấn đề bạn đi từ điểm A đến điểm B một cách nhanh nhất mà là khám phá từng thứ thú vị một trên đường. Khi bạn đặt chân lên đại lộ, sẽ có điểm khởi đầu, hướng đi hoặc chỉ dẫn hứa hẹn những điều bất ngờ phía trước.
Bây giờ, hãy nghĩ đến việc điều gì làm cho bạn “dán mắt” vào màn hình điện thoại hàng giờ? Hay, tại sao bạn dừng lại trước một bức tranh nghệ thuật?... Sự thú vị liên tục là câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này.
Không chỉ mang lại những ví dụ hài hước và kiến thức khoa học uyên thâm, ở mỗi phần cuốn sách “Làm người thú vị” cung cấp rất nhiều bài tập mà người đọc nên thực hành. Những bài tập này là “khoảng nghỉ” để bạn có thể tương tác với chính những liên tưởng, suy ngẫm của mình.
Hãy tìm hiểu cuốn sách ngay hôm nay và bước chân vào thế giới tràn ngập thú vị đó.
Edward de Bono là chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực tư duy sáng tạo và đào tạo kỹ năng tư duy trực tiếp. Ông được tỷ phú sáng tạo Richard Brandson nhận xét là bậc thầy “luôn gây bất ngờ và truyền cảm hứng bởi những ý tưởng xuất chúng về tư duy”.
Các mô hình tư duy của ông hiện nay đang được áp dụng rộng rãi ở các trường học cũng như các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ông đã viết hơn 70 cuốn sách với trên 40 ngôn ngữ được vinh danh là một trong 250 người có đóng góp nhiều nhất cho nhân loại.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: Tự luyện cách tư duy, Để có một tâm hồn đẹp, Làm người thú vị…
Trí Việt