Một thế giới đầy bất an (mà ta phải chung sống)

10/03/2020 16:08
Một thế giới đầy bất an (mà ta phải chung sống)

Tiến bộ có giá của nó, thế giới chưa bao giờ tốt đẹp hơn hôm nay và một phần các bất an là giá phải chấp nhận. Tương lai không được xây dựng bởi những kẻ chắn đường, mà bởi người mở đường.

Tôi mải sắp đồ vào vali nên tuy có nghe mà cố lờ đi tiếng chuông di động. Tôi vội. Còn chính xác 27 tiếng nữa là cất cánh, trực chỉ Paris - từng mang tên Kinh thành ánh sáng nhưng hôm nay tăm tối vì mái nhà Notre-Dame cháy thành than và cũng là ổ corona số 2 châu Âu với lệnh cấm mọi hoạt động với số người quá 5.000, rồi sau đó tới Đức với Hội chợ sách Leipzig - niềm vui lung linh nhất của lũ mọt sách trong năm.

Nhưng khi hồi chuông thứ tư nhẫn nại réo lên thì tôi phải bắt máy, để rồi nhận tin: Chuyến đi bị cắt vô thời hạn vì coronavirus. Thế giới vốn đã đầy bất an, nay bắt tôi chịu thêm một bất an nữa.

Greta Thunberg (sao các người dám ?)

Vì đích đến là nước Đức - đất tổ của ôtô, nên xin bắt đầu với chuyện ôtô. Chắc ai nấy còn nhớ vụ bê bối liên quan tới khí thải độc hại của động cơ chạy dầu diesel mà một số kẻ ma mãnh như Volkswagen, Audi, BMW, Mercedes, Porsche... dùng phần mềm thao túng để qua mắt kiểm định kỹ thuật. Nhân thể, người ta quyết định sẽ cấm toàn bộ động cơ diesel theo lộ trình nhất định. Nó bị coi là thủ phạm chính thải ra nhiều carbon dioxide, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Con người ngày nào cũng hít thở thán khí đó, không ít thì nhiều, sau khi phát hiện vụ bê bối trên thì nhao nhao đòi đưa lũ lừa đảo ra vành móng ngựa. Nhưng người ta quên rằng núi lửa, vi sinh vật lên men hoặc tệ nhất là xăng pha chì (hay không pha chì) cũng đồng lõa.

Một sát thủ vô hình mà gần đây mới được chú ý, đó là bụi mịn và siêu mịn (từ pm 2.5 đến 1.0). Nó có mặt ở xứ ta và toàn thế giới, nguy hiểm hơn cả khí thải từ ôtô, nhà máy hay bếp than tổ ong. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy: bụi mịn từ má phanh và lốp xe bào mòn trên đường, kể cả xe máy và xe đạp, còn nhiều hơn từ ống xả và ống khói!

Liệu có cấm hết được khoảng một tỉ ôtô và vài tỉ xe hai bánh trên thế giới? Liệu có trám được miệng 1.900 núi lửa còn âm ỉ? Liệu có đập bỏ ngay được hàng vạn bếp than ở mỗi khu dân cư? Những người đòi bỏ xe cơ giới có biết khí thải từ ống khói của 17 chiếc tàu viễn du lớn nhất thế giới cũng nhiều như từ 750 triệu ôtô?

Con người thường vội vã với những lời trách cứ, bất kể vì nợ công, vì nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, vì hàng xóm hát karaoke thâu đêm hay vì không mua được khẩu trang. Nhưng dường như không hoặc chưa ai muốn biết thấu đáo mọi nguyên nhân sâu xa.

Cô bé Thụy Điển 16 tuổi Greta Thunberg tại một diễn đàn UNO với thuyết trình đẫm nước mắt “How dare you?” (Con người trên thế giới đang phải chịu đau thương, họ đang chết dần. Hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta sắp diệt vong. Vậy mà các người chỉ nói về tiền, về tăng trưởng kinh tế. Sao các người dám làm vậy?) là một tia sáng trong khung cảnh bi quan hôm nay, cho dù vẫn nên giảm nhẹ khía cạnh hùng biện và tu từ của bản “cáo trạng”. Vì ở mức độ toàn cầu, sự bất an thực tế luôn hiện hữu.

Cái chết đen (và những bóng ma khác của nhân loại)

Châu Âu ở thời kỳ từ năm 1346-1353 dâng cho Thần chết chừng 25 triệu mạng người, hơn gấp đôi toàn bộ số người ở Vũ Hán hôm nay hay một phần ba dân số toàn thế giới ngày ấy, nguyên nhân là một dịch hạch đi vào lịch sử với danh hiệu Cái Chết Đen.

Cho đến nay không bao giờ thế giới chứng kiến thêm một đại dịch khác ở quy mô tương tự nữa, nhưng âm thầm và đều đặn mỗi năm lại có một vài thảm họa dịch tễ xuất hiện ở mọi châu lục: Ebola, bệnh bò điên, H5N1, SARS, sốt Chikungunya, và hiện tại là COVID-19.

Khác với hôm nay, khi nguyên nhân của bệnh tật được khám phá trong vòng vài ngày, thời xưa con người cho rằng các thảm họa là sự trừng phạt của thánh thần và đổ xô đến những nơi thờ cúng, khiến bệnh tật càng lan tỏa dễ dàng hơn.

Do không có y học phát triển, ngày trước người ta tìm cách thoát khỏi các vùng có dịch như biện pháp cứu rỗi duy nhất. Nhìn từ góc độ hôm nay, Cái Chết Đen do các thương thuyền từ Trung Á đem tới và phát tán.

Trong bụng tàu chứa vô số chuột bọ mang mầm bệnh và đi tìm vật chủ mới chưa phát triển cơ chế đề kháng. Cho đến tận bây giờ, bệnh dịch hạch vẫn chưa được trừ khử hoàn toàn ở một phần châu Á và châu Phi, đặc biệt ở Madagascar.

Với giao thông và thương mại thuận tiện như chưa bao giờ có, ổ dịch nào cũng phát tán nhanh hơn tốc độ mà ngành y tế có thể phản ứng. Dĩ nhiên dịch nào cũng đáng sợ, nhưng cũng nên biết một mùa cúm “bình thường” đến hẹn lại lên, ví dụ ở Hoa Kỳ, cũng cướp đi vài vạn sinh mạng mỗi năm, nghe chừng còn nguy hiểm gấp mấy corona hôm nay.

Bên cạnh các thảm họa nhân tạo ấy, thiên nhiên không phải lúc nào cũng ưu đãi con người. Lụt lội, hạn hán, cháy rừng, nạn châu chấu triệt hạ mùa màng... không năm nào không có. Sẽ nhẫn tâm khi nói thảm họa tự nhiên là hiện tượng thường ngày, nhưng đó là sự thật hiển nhiên.

Thậm chí xét về luật nhân quả thì con người ngạo mạn đôi khi cưa cái cành mình đang ngồi như đốt rẫy cưa rừng, nắn lại dòng chảy của sông, tàn phá chính môi trường sống của mình.

Hồn nhiên tàn phá (và cái giá phải trả)

Tôi còn nhớ những ngày đầu đi du học ở châu Âu, vài đứa sáng nào dậy cũng chảy máu cam. Thoạt tiên, ai cũng nghĩ do không quen không khí lạnh và hanh khô. Cho đến khi chúng tôi đủ chữ để nghe các thầy cô giải thích và chính mình cũng lờ mờ nhận ra: cứ sáng sớm là hàng vạn ống khói lò sưởi đốt than nâu (than non) nhả khói ngạt thở, mấy lạch nước nho nhỏ chảy qua thành phố đục ngầu và tanh mùi hóa chất, mặt nước đầy những tảng bọt và rều rác từ các nhà máy gần đó thải ra.

Nói chuyện với các bạn địa phương, chúng tôi thường có thái độ “tự an ủi” một cách dốt nát: Nước chúng tao không có công nghiệp phát triển đến mức đủ làm hại môi trường. Giờ thì chúng tôi biết thực tế đã trừng phạt thói ếch ngồi đáy giếng đó ra sao.

Nhưng không chỉ các nước đang phát triển mới có quan điểm hi sinh môi sinh cho phát triển kinh tế. Các vết thương mà Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil gây ra cho thiên nhiên đã thành ví dụ điển hình cho phát triển nóng đầy hệ lụy. Song ngay một quốc gia được xem là kiểu mẫu về lối sống thường nhật và phát triển kinh tế như Nhật Bản cũng có những tử huyệt không đáng có.

Sau thập niên 1970 với những thảm họa nhiễm độc thủy ngân và kim loại nặng trong nước biển, Nhật Bản có cố gắng vượt bậc và ngày nay được coi là có môi trường đáng sống. Tokyo đã từng tuyên bố sẽ bỏ rơi châu Âu trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu.

Du khách đến đây và định vứt chai nước rỗng hay que kem sẽ học được một kinh nghiệm lạ lẫm: rất khó tìm được thùng rác công cộng. Người Nhật sạch sẽ không xả rác bậy bạ, do đó họ cho vào túi đem về nhà. Ở đó, rác được phân loại như giấy, nilông, đồ ăn thừa. Một ngày ở Nhật bắt đầu bằng việc đem rác tới chỗ thu gom gần nhà trước 8 giờ.

Ban ngày có những xe tải nhỏ chạy khắp phố, phát loa thu gom miễn phí đồ điện cũ hỏng. Người dân gấp và buộc thành chồng báo ngăn nắp, phân chai lọ theo màu, thậm chí tã giấy của con nít cũng phải làm sạch “nội dung”.

Nhưng sau đó thì sao? Do thiếu đất nên người Nhật tái chế rác khá triệt để, chỗ còn lại đem đốt, thậm chí một số trường học lớn có lò đốt rác riêng. Hệ thống phin lọc ngăn khí độc thải vào khí quyển, tuy nhiên không ngăn được CO2, và thế là kỳ vọng giảm trừ thán khí của Nhật thành công cốc.

Bất an không làm ta bi quan (thế giới vẫn tươi đẹp mà!)

Truyền thông góp phần quan trọng định hình quan điểm người đọc, về lý thuyết thì ta biết rồi. Nhưng người đọc thông minh, nhất là trong thế giới ngập ngụa đủ thứ thông tin như trong thời Internet hiện tại, nên biết báo chí chỉ ưa giật tít, tức nêu lên những gì lệch khỏi quỹ đạo bình thường, đại khái là những vụ chó cán xe. Không thì sẽ thấy mọi bất an của thế giới là bình thường.

Cô bé Greta hỏi: Sao các người dám? Và tôi quý cô bé, tôi vui mừng vì giải Hòa bình cho trẻ em được trao cho cô bé can trường ấy. Còn chúng ta dĩ nhiên phạm nhiều lỗi, quan trọng là cái thế giới mà chúng ta chung sống đang tự hoàn thiện mình.

Không ai tạo ra thế giới này như nó đang hiện diện hôm nay, mà nó trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm phát triển, với sự chuyển biến bởi hàng tỉ người đủ mọi sắc tộc và thế hệ trong một quá trình phức hợp, phức hợp hơn một cô bé 16 tuổi dũng cảm có thể hình dung ra.

Quá trình đó tên là lịch sử. Từ cái máy hơi nước hữu dụng đầu tiên của Thomas Newcomen lắp hồi 1712, băng qua Cách mạng công nghiệp, cái thời mà không ai đoán được kỹ thuật rồi sẽ phát triển tới đâu, hôm nay chúng ta có một nền kinh tế thế giới nối mạng chặt chẽ đến mức khó tin.

Một giáo sư kinh tế học nổi tiếng nửa đùa nửa thật trên mạng: toàn cầu hóa là sự bảo đảm hòa bình vững chắc nhất. Một tỉ phú Saudi Arabia có mấy nhà chọc trời tại New York và cảng London nằm trong tay chủ sở hữu Trung Quốc - đó là lý do không ai ném bom New York và London cả, vì cổ phiếu sẽ sụt giá ngay!

Châu Âu đang sống trong chu kỳ hòa bình hơn 70 năm, dài nhất lịch sử, và đủ sức để thuận ứng một Brexit. Nền kinh tế thế giới ấy cũng gây ra đủ vấn đề, nhưng nó đạt được những thành tựu lịch sử không thể không thừa nhận: khoa học y tế tiên tiến, tuổi thọ gấp đôi hồi trước Cách mạng công nghiệp, đời sống vật chất thịnh vượng cho hàng tỉ người.

Câu hỏi của Greta, một cô bé lớn lên ở xứ Bắc Âu giàu có, sẽ xuôi tai hơn nếu được nêu lên bởi một đứa nhỏ 10 tuổi đang đào quặng ở mỏ Volfram Nam Mỹ, nhưng ta không nên khắt khe quá. Tương lai nhân loại đang và sẽ phức tạp vì hình dung về hạnh phúc của người Tây Tạng khác người Eskimo và người Việt Nam, nhưng việc xóa bàn cờ để chơi ván khác chỉ xảy ra trên chõng tre hay màn hình computer, và giả sử làm được thì cũng đồng nghĩa với chấp nhận một nửa nhân loại bị xóa sổ bởi Ebola, HIV, SARS...

Tiến bộ có giá của nó, thế giới chưa bao giờ tốt đẹp hơn hôm nay và một phần các bất an là giá phải chấp nhận. Tương lai không được xây dựng bởi những kẻ chắn đường, mà bởi người mở đường.

Tôi ngồi xuống trước màn hình máy tính. Bạn bè bên Đức kể chuyện những kệ bán thuốc sát khuẩn trống trơn. Seoul cân nhắc bắt giáo chủ Tân Thiên Địa. Vatican đóng cửa nhà thờ, làm lễ lưu động. Công nghiệp Trung Quốc đe dọa tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Amazon Mỹ báo đến tháng 4 mới có đợt bán khẩu trang tiếp. Nhưng tôi quyết định chỉ lùi vé vài hôm để bay đi hội chợ sách, vẫn kịp lễ khai trương. Và vào phút cuối trước khi bài viết này lên khuôn in, tôi nhận tin Hội chợ sách Leipzig bị đóng cửa !

LÊ QUANG


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025