Mọi thứ đều có thể thay đổi - Trẻ chửi thề, phá phách có phải biểu hiện của chống đối?

21/05/2020 09:00
Mọi thứ đều có thể thay đổi - Trẻ chửi thề, phá phách có phải biểu hiện của chống đối?

Tiến sĩ J. Stuart Ablon, Mỹ, cho rằng con cãi lời, phản ứng tiêu cực, phá bĩnh, chưa hẳn là đứa trẻ hư, mà đơn giản có thể do trẻ thiếu kỹ năng hành xử.

Nếu cụm từ "hành vi chống đối" nghe hơi xa lạ, bạn hãy nhớ về những đứa trẻ phá phách, học trò hay nói tục, chửi thề, thanh thiếu niên phá làng xóm mà mình từng gặp.

Bạn ứng xử thế nào với những hành vi đó? Sôi máu, tức giận, tìm cách trừng phạt khiến những đứa trẻ kia "lãnh đủ"?

Tương tự, bạn đối diện ra sao với người yêu thường xuyên đi trễ, đồng nghiệp chậm chạp, luôn nộp báo cáo muộn, người thân dễ nổi đoá?

Thay vì bực mình và "dán nhãn" họ là thiếu tôn trọng, lười biếng, kém cỏi và... không thể nào thay đổi được, ta có cách nào tốt hơn không?

Tre chui the, pha phach co phai bieu hien cua chong doi? hinh anh 1 moi_thu_deu_co_the_thay_doi_10_Zing.JPG

Sách Mọi thứ đều có thể thay đổi.

Không phải xấu tính, do thiếu kỹ năng

J. Stuart Ablon, nhà tâm lý học lâm sàng, phó giáo sư và chủ tịch của tổ chức về tâm thần học trẻ em, thanh thiếu niên tại Đại học Harvard, Mỹ, có thể cho bạn một cái nhìn khác.

Dành 25 năm nghiên cứu về những hành vi chống đối, đặc biệt là ở trẻ em, trẻ vị thành niên, Ablon từng đối diện người chống đối, nhất là ở khu vực phức tạp nước Mỹ.

Những trải nghiệm đó cùng các nghiên cứu khoa học dần khiến ông tin một điều: "Người có hành vi sai lệch không cố ý làm vậy".

"Nếu con người không hành xử sai vì muốn vậy, mà do thiếu kỹ năng để cư xử khác đi thì sao?", Ablon đặt câu hỏi trong cuốn Mọi thứ đều có thể thay đổi.

"Con người không muốn hành xử tệ. Nếu họ không hành xử tốt, chẳng qua vào lúc đó, họ không thể hành xử tốt", ông nhấn mạnh.

"Kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi" là triết lý trung tâm trong cuốn sách Mọi thứ đều có thể thay đổi của tiến sĩ J. Stuart Ablon.

"Những đứa con tức giận với cha mẹ hầu như không bao giờ làm những điều này từ ý định hiểm ác", Ablon nói.

Trong cuốn sách, ông mời bạn đọc nghĩ về những hành vi chống đối của mọi người xung quanh dưới góc nhìn khác. Đó có thể là khuynh hướng muốn giám sát mọi chuyện của mẹ, thói quen tới muộn của em trai, xu hướng nổi đóa của bạn thân nhất, hoặc thói đôi khi chỉ biết nghĩ cho bản thân của con.

Nếu họ làm tổn thương, làm bạn tức giận, đau đớn, bạn hãy ngẫm nghĩ xem có kỹ năng nào mà họ từng (hay vẫn còn) chật vật với chúng và khiến họ hành xử sai lệch không?

Những kỹ năng thiếu hụt

Trong Mọi thứ đều có thể thay đổi, J. Stuart Ablon dẫn nhiều nghiên cứu về tâm lý học khẳng định rằng kỹ năng quyết định hành vi tốt.

Đồng thời, ông xác định hàng chục kỹ năng mà nếu chúng bị thiếu hụt, sẽ gây ra các hành vi thách đố hay tồi tệ.

Tre chui the, pha phach co phai bieu hien cua chong doi? hinh anh 2 IMG_6492_copy.jpg

Tác giả J. Stuart Ablon.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cụ thể, hàng trăm nghiên cứu về đủ kiểu người được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới, đã chứng minh những người có vấn đề hành vi bị thiếu ít nhất một trong năm nhóm kỹ năng chính.

Đó là kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, kỹ năng chú ý và ghi nhớ ngắn hạn, kỹ năng làm chủ cảm xúc và tự tiết chế, kỹ năng nhận thức linh hoạt và kỹ năng tư duy xã hội.

Ví dụ, về kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, trong quá trình làm việc, Ablon nhận ra đôi khi đằng sau câu nói cộc cằn "Chuyện này thật vớ vẩn" của những đứa trẻ (thậm chí người trưởng thành), đều là sự thiếu hụt kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp. Họ nói vậy vì chưa kịp tìm ra cách diễn đạt khác bớt thô lỗ hơn trong hoàn cảnh đó.

Nhận thức "kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi" giúp xoa dịu sự tức giận và bất mãn. Nó cũng khiến ta có cái nhìn cảm thông, nhân văn hơn về hành vi của những đứa trẻ không vâng lời, của người thân khác - như người bạn đời, đồng nghiệp - và cả khi là chính bản thân ta nữa.

Ablon giới thiệu về "phương pháp giải quyết vấn đề thông qua hợp tác (Collaborative Problem Solving - CPS) - giúp người khác tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống bằng cách khắc phục kỹ năng họ đang thiếu hụt.

Ông trình bày quá trình giải quyết xung đột với người khác gồm 3 bước (gọi là kế hoạch B).

Bước 1: Cảm thông, làm rõ các mối bận tâm của họ.

Bước 2: Chia sẻ mối quan tâm lo lắng của mình.

Bước 3: Khuyến khích người kia cùng động não để đưa ra giải pháp vừa thực tế vừa thỏa mãn cả hai bên.

Điểm mấu chốt là cả hai bên tham gia quá trình cùng hợp tác để giải quyết vấn đề. Trong quá trình này, các kỹ năng cơ bản của hai bên cũng được hình thành, như kỹ năng đưa ra giải pháp cho vấn đề và dự đoán, các kỹ năng giao tiếp, điều hòa cảm xúc, giải quyết xung đột...

  • Thảo Thảo

Gửi bình luận
(0) Bình luận