Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà...

21/03/2021 13:30
Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà...

Đã sống trong cuộc đời này, ai cũng sẽ có lúc cảm thấy áp lực, mệt mỏi vì phải học cách thích nghi với hoàn cảnh mới.

Một bộ phim khắc nghiệt và dịu dàng

Tên phim "Minari" lấy từ tên gọi trong tiếng Hàn của rau cần, một loài rau được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Hàn Quốc. Trong bộ phim bán tự truyện của đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Lee Isaac Chung, loại rau cần này đã được nhân vật bà ngoại Soonja trồng thành công bên một con lạch ở bang Arkansas, Mỹ.

"Minari", rau cần, vừa là tên phim, vừa là một chi tiết trong phim, vừa là một ẩn dụ. Rau cần, loại rau chỉ cần có nước là sống, dễ mọc, dễ sinh sôi, nảy nở, gần như trồng ở đâu cũng sống được, một loại rau dân dã, ngon miệng, mát lành... 

Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà... - 1

Cặp vợ chồng gốc Hàn trong phim - Jacob và Monica Yi cùng hai con nhỏ của họ - bé gái Anne và bé trai David - cũng giống như những cây rau cần của bà Soonja. Những hạt giống rau cần được bà ngoại Soonja mang từ Hàn Quốc sang Mỹ để trồng, còn các thành viên trong gia đình nhà Yi cũng đang cố gắng thích nghi với cuộc sống trên đất Mỹ. 

Từ Hàn Quốc sang Mỹ, ban đầu cả gia đình sống ở bang California, nhưng rồi lại chuyển tới sống ở bang Arkansas. Không hài lòng với những công việc lao động thu nhập thấp, không có triển vọng tương lai, Jacob ước mơ sẽ trở thành chủ của một trang trại kinh doanh thành công.

Anh nhìn ra rằng lượng người Hàn di cư tới Mỹ không ít, anh muốn sản xuất ra những loại nông sản để phục vụ cộng đồng người Hàn ở Mỹ, để họ có cảm giác thân thuộc nơi đất khách. 

"Minari" là câu chuyện của sự vật lộn trong khởi nghiệp. Diễn tiến và những xúc cảm trong phim nhẹ nhàng, nếu có căng thẳng thì cũng vừa đủ. Chuyện phim xoay quanh những con người lao động chăm chỉ, cần mẫn, nhưng phải chấp nhận vòng xoay của tự nhiên đối với công việc trồng trọt của họ.

Bộ phim đưa lại cảm nhận khắc nghiệt về thực tế cuộc sống nhưng cũng đồng thời đem lại những góc nhìn, cảnh quay đẹp đẽ xung quanh cuộc sống miền quê, công việc trồng trọt, ruộng đất... 

Cuộc sống điền viên... không yên ả

Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà... - 2

Cuộc sống nơi thôn quê của gia đình nhà Yi không chỉ biết đến những yên ả, vợ chồng Jacob và Monica cũng cãi nhau luôn. Ngôi nhà của họ là một nhà xe di động nằm giữa cánh đồng rộng lớn, hẻo lánh, xung quanh chẳng có hàng xóm nào gần gũi, muốn tới bệnh viện gần nhất phải mất cả tiếng lái xe, con trai họ lại bị bệnh tim.

Mỗi lần có bão là cả nhà lo lắng vì mưa dột, vì sợ nhà xe bị bão lật tung. Sự khó khăn khiến người vợ, người mẹ trong gia đình - cô Monica vô cùng lo lắng, cô không phản đối mong ước của chồng trong việc gây dựng trang trại, nhưng cô cũng chẳng tin vào kế hoạch ấy. 

Con trai bé của cô - David bị bệnh tim khiến cô càng lo lắng. "Đừng chạy, con!", đó là điều Monica không ngừng nhắc đi nhắc lại đầy bất lực. "Đừng chạy" là một điều thật khó thực hiện đối với một cậu bé 7 tuổi thông minh và hiếu động, lại đang sống trong không gian rộng lớn, khoáng đạt.

Khi gia đình nhà Yi có thêm thành viên, đó là khi bộ phim có thêm một tầng nội dung nữa, xoay quanh sự giao thoa giữa các thế hệ, dẫn tới những bi hài trong đời sống gia đình. Nhà Yi đón thêm bà ngoại (mẹ của Monica) - bà cụ Soonja từ Hàn Quốc tới sống cùng gia đình con gái, để giúp các con chăm sóc lũ trẻ. Nhưng lũ trẻ lại không thích bà ngoại bởi bà quá lạ lẫm với chúng.

Cách bà ăn uống cùng những thói quen sinh hoạt đều lạ lùng trong mắt bọn trẻ và chúng kết luận rằng không yêu bà, bởi bà "không giống một người bà đích thực" mà chúng vẫn thấy - những người bà "biết nướng bánh ngọt". Nhưng không khó đoán, dần dần, hai thế hệ, hai nền tảng văn hóa đã xích lại gần nhau, thấu hiểu, chấp nhận và yêu thương nhau. 

Trong phim, có cả những điều dễ đoán và khó đoán, nhưng luôn luôn tồn tại một cảm giác ấm áp, gần gũi trong cách khắc họa đời sống gia đình, đó là một trong những nét hấp dẫn lớn nhất của bộ phim "Minari".

Một bộ phim bán tiểu sử chân thực

Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà... - 3

"Minari" được thực hiện dựa trên những trải nghiệm của chính đạo diễn Lee Isaac Chung, một nhà làm phim người Mỹ gốc Hàn. Anh cũng từng có một tuổi thơ lớn lên trên nông trại ở bang Arkansas (Mỹ).

Những chuyện phim xoay quanh đề tài gia đình vốn rất dễ bị sa vào sự cường điệu, thống thiết, ủy mị. "Minari" tránh được những điều ấy, dù phim chứa đựng rất nhiều xúc cảm.

Những chi tiết trong phim được đạo diễn kiêm biên kịch Lee Isaac Chung khắc họa rất cẩn thận và chính xác. Từng chi tiết đều chân thực, có sức nặng, không có chi tiết nào thừa thãi

Những khác biệt văn hóa được khắc họa trong phim ở mức độ vừa phải, với góc nhìn rộng lượng và cảm thông, thông điệp đưa ra là mỗi người đều khác biệt, hãy tôn trọng nhau.

Các thành viên trong gia đình nhà Yi được khắc họa rất chân thực. Nhân vật người bà và hai người cháu khá thoải mái, vui tươi, thú vị, nhưng hai vợ chồng Jacob và Monica thì không, họ luôn có vẻ bức bối, ngột ngạt, bởi họ gánh trên vai những trách nhiệm, những nỗi lo, những ước vọng khiến thực tế cuộc sống càng trở nên khó khăn. 

Jacob là hình mẫu người chồng, người cha truyền thống, giàu tình yêu thương và luôn có tinh thần trách nhiệm, nhưng Jacob cũng chỉ là một người đàn ông trẻ tuổi đang gắng sức mạo hiểm.

Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà... - 4

Trên hành trình theo đuổi ước mơ, anh phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách đến mức phải đối diện nguy cơ hôn nhân đổ vỡ. Jacob muốn có một cuộc sống lý tưởng hơn cho chính mình, cho gia đình, và những nỗ lực của anh chính là tâm điểm của phim, làm nảy sinh những tình tiết khác.

Nam diễn viên Steven Yeun đã đảm nhận vai diễn rất trọn vẹn, ở anh có sức hấp dẫn tự nhiên, Steven Yeun đã khắc họa được một Jacob có bề ngoài cứng rắn, nhưng luôn chất chứa những xúc cảm bất ổn trong nội tâm. 

Mọi thứ trong "Minari" khá đơn giản và dễ hiểu. Một bộ phim giản dị, mạch lạc và chân thực, như chính cuộc sống. 

Sự đồng cảm chung trong một câu chuyện riêng

Minari: Dù vật vã cũng vẫn phải sống mà... - 5

"Minari" là một bộ phim dịu dàng, giàu xúc cảm. Nội dung phim không thực sự đặt điểm nhấn vào trải nghiệm của những người di cư, mà khái quát về trải nghiệm chung của con người.

Đã sống trong cuộc đời này, ai cũng sẽ có lúc cảm thấy áp lực, mệt mỏi vì phải học cách thích nghi với hoàn cảnh. Bạn có thể bắt gặp áp lực ấy khi có một công việc mới, đến một vùng đất mới, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời... 

"Minari" cũng nói về sự đơn độc trên chặng hành trình thích ứng với hoàn cảnh sống mới; về sự cô đơn của cảm giác không thể chia sẻ với ai; về lòng tự trọng, cái Tôi, về trách nhiệm, nghĩa vụ...

Đó là những vấn đề muôn thuở mà mỗi người đều sẽ gặp phải trong đời. Trải nghiệm của các thành viên trong gia đình nhà Yi vì thế mà rất riêng, nhưng cũng rất chung, rất phổ biến và dễ đồng cảm.

Bích Ngọc
Theo New York Times/Time

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận