Điều này, một lần nữa xác định những nghệ sĩ đeo đuổi chủ đề lịch sử là tự đặt mình vào thế khó, tự gây áp lực cho chính mình.
Nhiều người không dám làm sử Việt vì sợ… bị chửi
Phượng Khấu là thể loại phim cung đấu tức là cuộc nội chiến hậu cung của những bà hoàng và bà phi. Đây là dạng phim rất ăn khách xuất phát từ Trung Quốc. Trong Phượng Khấu tác giả và đạo diễn kể lại câu chuyện gay cấn giữa hoàng hậu Từ Dụ (Từ Dũ) và các bà phi ở hậu cung vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn.
Ngay trước khi bấm máy, nhà sản xuất đã lần lượt giới thiệu những lát cắt về bộ phim thông qua hình ảnh các nhân vật. Để tạo sự chú ý, nhà sản xuất tổ chức cuộc thi viết về cảm nhận nhân vật thông qua các bức hình. Trước khi họp báo giới thiệu bộ phim nhà sản xuất tung trailer của phim.
Sau khi xem trailer, nhiều khán giả khen ngợi và chờ đón ngày phim công chiếu vì cho đến nay mảng phim lịch sử, phim cổ trang của Việt Nam còn quá ít ỏi. Lịch sử Việt Nam quá bi hùng, nhưng đến nay phim ảnh và cải lương lẫn kịch nghệ vẫn chưa khai thác đúng mức cái hay cái đẹp rất đáng tự hào của dân tộc.
Tuy nhiên, ở một chiều ý kiến khác, nhà sản xuất vấp phải tranh cãi quyết liệt. Có khán giả cho rằng ngay từ tựa phim đã thiếu chính xác. Khán giả ấy lý giải người Huế nói riêng và người miền Trung nói chung không gọi chữ Phượng mà là chữ Phụng. Thế nên đặt tên Phượng Khấu là sai mà phải là Phụng Khấu.
NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Hồng Đào trong phim Phượng Khấu
Hay là khán giả bình phẩm về kiểu dáng trang phục, màu sắc trang phục của các nhân vật. Những ý kiến trái chiều này khơi lên sự tranh luận nảy lửa giữa đạo diễn cùng ekip và ý kiến phản biện. Biên kịch và đạo diễn là những người bắt tay làm bộ phim nên có nghiên cứu tài liệu và nhận được sự tư vấn từ các nhà sử học nên có lý lẽ để tranh luận. Thế nhưng quan sát thực tế cho thấy, cuộc khẩu chiến vẫn chưa có kết cục ngã ngũ và có sự thống nhất, đồng tình. Ngược lại hình như đang tạo áp lực lên đoàn phim.
Những ai trong giới nghệ sĩ từng gắn bó với mảng đề tài lịch sử đều thấm thía với việc bị soi đến tận xương. Nghệ sĩ Tiến Phước, thành viên của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ chia sẻ: “Nhiều khán giả hỏi chúng tôi vì sao hay diễn tuồng có tích Tàu mà ít diễn tuồng sử Việt. Sự thật là viết tuồng sử Việt không chỉ bị khán giả soi, mà còn cả cơ quan văn hóa quan tâm rất kỹ. Chỉ cần sai xót một chút là nhận gạch đá ngay. Còn diễn tuồng Tàu thì tha hồ sáng tạo, muốn thêm thắt ra sao tùy thích không bị ai chửi”.
Khó... nhưng vẫn làm
Nghệ sĩ Huỳnh Kiến An cũng là người cảm nhận rất sâu sắc nỗi khó của những người theo đuổi mảng lịch sử Việt Nam. Anh cho biết: “Làm phim lịch sử tốn tiền rất nhiều. Trước nhất là phục trang phải được thiết kế cho toàn bộ các nhân vật. Nhưng những tư liệu, hình ảnh trang phục xưa của Việt Nam sau hàng ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ đã tản mác, thất lạc và thậm chí bị tiêu hủy.
Đoàn phim phải mất nhiều thời gian tìm kiếm phục chế. Cảnh trí cũng là một khoản tốn kém lớn vì phải dựng lại. Rồi các sự kiện lịch sử phải được tìm hiểu, kiểm tra và đối chiếu kỳ công. Rồi lời thoại, điệu bộ cũng phải học rất kỹ. Tốn công, tốn của rất nhiều nhưng nếu công chúng phát hiện ra sai xót là phải nhận chỉ trích”.
NSƯT Thành Lộc trên phim trường phim Phượng khấu
Đây chính là những lý do khiến cho những ai làm nghệ thuật, tâm đắc với đề tài sử Việt e ngại. Tạo ra một tác phẩm quá kỳ công nhưng quá mạo hiểm về khả năng thành công tài chính lẫn đánh giá chất lượng tác phẩm, thì thà là chọn thể tài khác vừa nhẹ đầu mà dễ thu hút khán giả. Thế nhưng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nghĩ khác. Sau khi nhận ý kiến phản biện, anh vẫn xác định sẽ dốc sức hoàn thành phim Phượng Khấu, một tác phẩm lịch sử cổ trang đầu tay của mình.
Lý do để Huỳnh Tuấn Anh không chùn bước là vì anh vốn dĩ là một biên kịch cải lương chuyên đề tài sử Việt. Anh mê sử Việt. Bên cạnh đó, anh rất tâm đắc với một ekip trẻ yêu sử Việt. Đó là những con người muốn biến những trang sử khô khan thành tác phẩm nghệ thuật sống động dưới dạng điện ảnh.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh của phim Phượng khấu
Phim Phượng Khấu thành công hay không còn phải đợi đến ngày chính thức công chiếu. Trước tiên là ghi nhận những tấm lòng muốn tôn vinh sử Việt và chấp nhận đặt mình vào vị thế bị tranh cãi. Thực ra thì ngày nay những sản phẩm nghệ thuật dễ dãi, ăn xổi ở thì quá nhiều hơn so với các tác phẩm đầu tư nghiêm túc.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy