LẠC BƯỚC QUA NHỮNG "KIỆT TÁC CỔNG LÀNG TỪ RỄ CÂY" ĐỘC ĐÁO TẠI BẮC BỘ
Những cổng làng mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống miền quê dân dã càng trở nên độc đáo khi được che phủ trong bộ rễ của những cây cổ thụ.
Cổng làng Yên Cốc (xã Hồng Phong, Chương Mỹ, TP. Hà Nội) nằm hoàn toàn trong bộ rễ của cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Toát lên vẻ đẹp cổ kính, chiếc cổng này cũng đem lại vẻ độc đáo cho miền quê thanh bình.
Người dân Yên Cốc cho biết, trước kia làng có 2 cây đa được trồng cùng 2 cổng, một cây đã chết chỉ còn cổng đứng độc lập ở đầu làng. Cây đa còn lại cũng mới được cứu chữa nay đang dần xanh tốt và vẫn là bệ đỡ vững chắc cho cổng làng.
Bộ rễ của cây đa gần như che kín hoàn toàn hai bên cổng. Trong ảnh là mảng rễ cây bám chắc tạo thành bức tường cây độc đáo.
Một kết cấu được xây dựng bằng tôn, gạch dưới gốc cây đa bên cạnh cổng làng cổ, đây là nơi dùng để hương khói cúng thần linh.
Nguyên bản cổng làng Yên Cốc chỉ rộng khoảng hai mét, do nhu cầu qua lại ngày càng cao, một con đường đã được mở vòng bên ngoài cổng để chia sẻ lưu lượng qua lại.
Tại đình làng Phú Hậu (xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc), một cây bồ đề cổ thụ đã phát triển bộ rễ bám chặt lấy bức tường gạch, che phủ gần hết cổng đình.
Tháng 10/2016 cây bồ đề đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản.
Bộ rễ kỳ vĩ của cây bồ đề bám chặt gần hết cổng đình. Bên bộ rễ chắc khỏe, cổng đình đã xuất hiện nhiều vết nứt do năm tháng.
Ở mặt ngoài, bộ rễ lớn quấn quanh vòm cổng tạo thành hình vòng cung có chiều cao trên hai mét.
Qua năm tháng, cây bồ đề đã trở thành một phần không thể tách rời của kiến trúc ngôi đình này.
Một phần của cổng đình làng Phú Hậu, ngôi đình thờ Cao Minh Đại Vương. Đây là vùng đất cổ nằm giữa nơi giao lưu của dòng sông Lô và sông Phó Đáy.
Mặt trước đình làng Phú Hậu hướng ra sông Lô, gần với vị trí nước sông Lô đổ vào sông Hồng.
Cổng làng nằm trong thôn Văn Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai, TP. Hà Nội). Cổng làng này đã bị nghiêng đổ, nằm gọn trong bộ rễ của một cây si cổ thụ.
Vòm cổng khá thấp, chiều ngang hẹp song người dân vẫn giữ cây và coi như một phần lịch sử của làng.
Vòm cổng này chỉ còn một bên tường đã nghiêng vẹo, phía còn lại chính là bộ rễ của cây si.
Chiếc cổng "tò vò" dưới gốc cây si cổ thụ làng Văn Khê.
Hữu Nghị