‘In The Dream House’: Hồi ký ám ảnh về sex và bạo lực gia đình

20/06/2020 13:00
‘In The Dream House’: Hồi ký ám ảnh về sex và bạo lực gia đình

Tác phẩm mới của nữ văn sĩ đồng tính người Mỹ Carmen Maria Machado, xoay quanh một mối quan hệ ngược đãi phức tạp, mang nét gợi cảm, khác lạ và rúng động khó quên.

           

Cuốn hồi ký LGBT theo phong cách rùng rợn ‘In The Dream House’ đã phá bỏ cảm nhận nhẹ nhàng thường thấy về những mối tình đồng tính nữ. Lấy cảm hứng từ chính mối quan hệ bạo hành Machado từng trải qua trong quá khứ, giữa bối cảnh một ngôi nhà ma mị - tăm tối, nữ văn sĩ tường thuật một câu chuyện sáng tạo, ghê rợn nhưng không kém phần xúc động và gợi cảm.

Khác hẳn tựa sách đầu tay, tuyển tập truyện ngắn ngụ ngôn ‘Her Body and Other Parties’, vốn đậm chất hư cấu, kỳ bí đi cùng những nhân vật ma quái lẫn chi tiết khêu gợi, ‘In The Dream House’ được xây dựng hoàn toàn từ hiện thực. Machado phản ánh góc nhìn riêng trước vấn đề bạo lực gia đình, ở đây, thông qua mối quan hệ sóng gió với một người tình cũ.

Cô ‘tháo gỡ’ từng khía cạnh rối rắm của tình yêu bằng ‘ngòi bút’ đa chiều, tái hiện chuỗi hồi ức gây ám ảnh, đồng thời phản ánh tiếng nói cá nhân sắc bén đối với dòng sách LGBT đương đại, khi nhiều tác gia dường như vẫn chưa mạnh dạn tiếp cận chủ đề bạo hành.

Sau vài tháng ‘In The Dream House’ ra mắt thành công ở Anh, nữ văn sĩ người Mỹ đã có buổi trò chuyện thú vị cùng tạp chí HuckMag. Cô chia sẻ về nghề cầm bút, khó khăn khi lột tả dấu ấn sex và LGBT, lẫn những suy ngẫm xoay quanh ‘thực tại hoàn mỹ’ và đại dịch COVID-19.

‘In The Dream House’ được ví như ‘chiếc kính vạn hoa’ khi mô tả một cốt truyện đa sắc thái. Cô đã bắt đầu quyển sách từ đâu, và ban đầu, cô có định sẵn sẽ viết theo hướng này?

Tôi thử viết một số bản nháp cho nó suốt một thời gian. Tôi từng tham gia giảng dạy khóa đào tạo những cây bút trẻ ở Iowa. Một buổi, tôi trò chuyện hăng say với học trò về vấn đề thể loại, và ý tưởng cho cuốn sách bất chợt xuất hiện. Khi ấy là mùa hè, thời tiết nóng bức. Tôi dành cả chiều đi dạo sau ngày làm việc, rồi cứ thế nghĩ ngợi tiếp về tác phẩm. Đến cuối cùng, tôi lập hẳn danh sách dài gồm đủ kiểu ý tưởng, thể loại. Có nhiều thứ tôi không thể phát huy và quyết định loại đi – nếu không cuốn sách hẳn đã dài 800 trang.

Văn sĩ Carmen Maria Machado (trái) cạnh người bạn đời hiện tại. (Ảnh: Twitter nhân vật)

Dù trọng tâm xoay quanh bạo lực gia đình, vì sao ‘In The Dream House’ vẫn tạo ấn tượng gợi cảm kỳ lạ?

Viết về bạo hành đã là rất khó, do trải nghiệm đó kéo theo rất nhiều tổn thương. Nhưng tôi nghĩ, trong trường hợp của tác phẩm này, phần khó nhất chính là khi tôi viết về những trải nghiệm hạnh phúc. Những trải nghiệm khi quan hệ thể xác, khi hạnh phúc từ tình yêu mang đến ký ức đẹp cho tôi. Vì không như sự tổn thương dồn nén, viết về hạnh phúc buộc bạn nhớ đến trạng thái vui tươi bạn từng trải trong quá khứ.

Tôi phải làm người đọc hiểu trong khoảnh khắc ấy, nhân vật của tôi đã cảm nhận như thế. Những chi tiết nóng bỏng ở đây đóng vai trò ‘mắt xích’ nối liền cốt truyện.

Cô có bao giờ muốn ngưng viết về trải nghiệm khó khăn trong quá khứ?

Thường xuyên. Chân thành mà nói, nếu tôi được phép quay ngược thời gian, tôi sẽ không viết cuốn sách này. Nó rất khó viết.

Mọi người thường tự hỏi, liệu viết có thể trở thành một liệu pháp xoa dịu nỗi đau tinh thần. Tôi nghĩ về lý thuyết thì có. Nhưng viết cuốn sách này quá nhọc nhằn, đến mức tôi nhận ra mình bị ảnh hưởng từ trải nghiệm quá khứ sâu sắc hơn tôi từng nghĩ. Tôi nhận ra tôi vẫn đang đau khổ ra sao, những xúc cảm trước đây tôi chưa thật nắm bắt được. Và cả tiến trình viết quyển sách thật sự dày vò tôi. Khi bắt đầu, tôi không chắc nó ảnh hưởng đến bản thân tôi như thế nào. Như thể có những điều trong tôi đã tan nát vĩnh viễn.

Cô đã lần giở cấu trúc câu chuyện ra sao, và cô nghĩ gì khi bắt đầu dựng nên cốt truyện tác phẩm?

Viết hồi ký có thể là trải nghiệm rất lạ, vì bạn đang ‘hoài niệm’ lần nữa một bản thân ở quá khứ. Nó như bạn tự ‘hồi sinh’ hoặc ám ảnh chính bạn. Có lần giữa lúc đang hoàn tất bản thảo tác phẩm, bạn đời của tôi đọc nó và cô ấy chỉ ra một số sự kiện tôi thậm chí khi ấy không nhớ mình từng trải qua. Thật kỳ lạ, cách bộ não tôi chủ động muốn ‘vứt đi’ mảnh hồi ức ấy.

Vấn đề tương tự xảy ra khi những nhà văn viết hồi ký hồi tưởng về đoạn đối thoại nào đó của họ trong quá khứ. Viết về tất cả chúng không dễ chút nào. Không giống một tác phẩm hư cấu khi bạn ở thế chủ động, tự do hơn.

Machado tại nhà riêng ở thành phố Philadelphia. (Ảnh: Buzzfeed)

Cô đề cao ý tưởng một mối quan hệ đồng tính được nhìn nhận như ‘bến bờ’ an toàn cho xúc cảm, một ‘thực tại hoàn mỹ’ không có sự kỳ thị độc hại nào về phương diện giới tính. Ý niệm này bắt nguồn từ đâu?

Tôi không nghĩ ‘thực tại hoàn mỹ’ là khái niệm có thật. Không có mối quan hệ tốt đẹp nào không đi kèm những góc khuất riêng. Không có thứ gì trên đời này ‘hoàn mỹ’. Tình yêu càng không như vậy. Những mối tình đồng tính càng không. Yêu ai đó đòi hỏi bạn nỗ lực rất nhiều, xây dựng quan hệ không bao giờ là mục tiêu dễ dàng. Bạn không thể luôn nghĩ mọi thứ sẽ tự nó khá hơn.

Ngay lúc này, tôi thấy mình đã có trong tay ‘thực tại hoàn mỹ’ ưng ý nhất của tôi. Nhưng tôi không lấy đặc quyền một văn sĩ thuộc cộng đồng LGBT để nói thế. Tôi chỉ cảm thấy mình rất may mắn. Đến giờ tôi đã tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp, phù hợp với tôi và đó là điều quan trọng nhất. Sau cùng chúng ta nên nhận ra, tình yêu không được duy trì bởi những đặc tính cố hữu sẵn có, nó tồn tại lâu dài nhờ nỗ lực vun đắp không ngừng.

Cô trải qua những ngày tự cách ly chống dịch COVID-19 ra sao? Cô có lời khuyên nào cho những văn sĩ khác cũng đang chống chọi giữa thời kỳ dịch bệnh?

Cũng như mọi người, tôi đang cố gắng vượt qua mùa dịch. Tôi ở nhà, cùng người bạn đời và chú chó chúng tôi nuôi. Lời khuyên tôi dành cho những ai cũng đang khốn đốn với nghề viết giữa thời điểm khó khăn này: bạn không cần phải luôn ép mình hăng say làm việc trong một cơn đại dịch toàn cầu. Với nghề này, đôi khi rất khó để sáng tác nếu chúng ta còn quá nhiều mối lo, về sức khỏe, gia đình, tiền bạc, về thế giới phức tạp ngoài kia. Nếu bạn có thể tiếp tục viết, rất tuyệt. Nếu không, cũng không sao. Học cách sống sót khi đối diện khó khăn, bản thân điều đó đã là cả một môn nghệ thuật.

Như Ý (nguồn: HuckMag)


Gửi bình luận
(0) Bình luận