Đừng để hạnh phúc cũng là áp lực
Thời gian qua, sự ra đi của một thần tượng âm nhạc người Hàn Quốc đã khiến cho từ khóa trầm cảm xuất hiện dày đặc.
Trong số các bài báo đọc được, tôi chú ý nhất khi có câu viết rằng, họ chỉ đang cố gắng sống một cuộc sống bình thường và mưu cầu một hạnh phúc cũng bình thường nhưng sao khó quá.
Khán giả đặt lên vai thần tượng những khuôn mẫu và cả giấc mơ của họ. Chúng ta đôi khi quên mất rằng, thần tượng cũng là con người. Họ cũng có những cảm xúc và nhu cầu hạnh phúc riêng.
Và khi thần tượng muốn “bứt” khỏi khuôn mẫu đó thì nhận về rất nhiều sự quay lưng của fan hâm mộ. Giấc mơ của fan sụp đổ cũng là lúc ước mơ của thần tượng tan đi.
Mỗi người đều có những mục tiêu phấn đấu để hạnh phúc. Khi 20, bạn chuẩn bị cho một bước tiến dài để bắt đầu sự nghiệp, hạnh phúc lúc đó có thể là đạt được thành tựu gì đó.
Sang tuổi 30, bạn nghĩ đến một gia đình trọn vẹn.
Hơn 40, bạn nghĩ về sự bình yên sau những năm tháng lăn lộn với cuộc sống.
Dù ở độ tuổi nào, bạn chỉ cần có lý do để thức dậy mỗi buổi sáng đã là hạnh phúc.
Dưới các bài viết, chia sẻ về sự việc của nữ thần tượng Hàn Quốc có rất nhiều chia sẻ hay bình luận rằng, phải sống vui lên, nghĩ tích cực lên, cuộc sống hạnh phúc mà.
Nhưng rồi có mấy ai nhận ra, hạnh phúc là gì. Với mỗi người định nghĩa hạnh phúc lại khác nhau. Tựu trung lại, chúng ta đừng để hạnh phúc trở thành một từ khóa đầy áp lực.
Ai cũng biết, bên trong thân mỗi cái cây là rất nhiều vân tròn, thể hiện sự sinh trưởng của cây. Trong điều kiện thời tiết khác nhau, cây cũng phát triển khác nhau.
Trong một vườn cây, có những cây phát triển tốt với vị trí thuận lợi. Có cây phải oằn mình để vươn lên, len lỏi hướng về phía ánh sáng. Có cây ra hoa và tỏa hương thơm ngát. Có cây chỉ xanh màu lá, chẳng có hoa. Cây nào cũng phải sống.
Khi cưa ngang thân gỗ, bạn sẽ thấy chất gỗ và màu sắc mỗi vòng khác nhau. Một vòng tròn gồm màu nhạt và thẫm chính là một vòng tuổi, do cây tạo ra trong một năm. Vì vậy, dựa vào số vòng này, người ta có thể đoán ra tuổi cây. Và cả những gì đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây đó.
Chúng ta cũng vậy, cũng phải sống, bằng cách này hay cách khác. Nhưng rủi thay, cách duy nhất để biết cái cây đó sinh trưởng thế nào lại phải cắt ngang thân của nó.
Còn chúng ta thì sao? Chẳng thể biết được một người đã trải qua những gì để sống, nếu như họ chẳng nói ra. Vì vậy, ý nghĩa hạnh phúc của chúng ta cũng sẽ khác nhau.
Đi tìm Ikigai của bạn
Trong tiếng Nhật, từ “Ikigai” được dùng như một từ ngữ diễn tả hạnh phúc trong cuộc sống. Về cơ bản, Ikigai là lý do tại sao bạn thức dậy vào buổi sáng.
Thuật ngữ này được ghép từ “iki” (cuộc sống) và “gai” (thấy được hy vọng và kỳ vọng).
Theo Ikigai, cuộc sống hạnh phúc là khi có một mục đích để theo đuổi và Ikigai là điều giúp bạn trông chờ, tin tưởng vào tương lai ngay cả khi bạn đang đau khổ.
Cuốn sách “Ikigai – Chất Nhật trong từng khoảnh khắc”. |
Chúng ta đọc quá nhiều những bài viết phải nghĩ lớn làm lớn để đạt đến mục tiêu cuối cùng là sống hạnh phúc, dư dả ở thì tương lai. Nhưng điều đó có hẳn là tất cả?
Trên Netflix có series “Street Food” từng gây tiếng vang, không chỉ giới thiệu đến khán giả những nền ẩm thực từ các quốc gia khác nhau mà còn mang đến những câu chuyện của chính người dân ở đó.
Trong đó, tập phim về Chef Izakaya Toyo in Osaka để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Không phải về các món ăn do ông nấu mà ở cách ông tìm thấy “Ikigai” trong công việc của mình.
“Biến sự vất vả thành niềm vui. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, tôi tin rằng làm người khác hạnh phúc còn quan trọng hơn kiếm tiền”, Chef Toyo chia sẻ trong phim.
Mỗi vị khách đến với xe tải bán đồ ăn của ông luôn mang về niềm vui, sự tích cực từ ông đầu bếp lúc nào cũng pha trò cho thực khách.
Bạn thấy đấy, trong bất cứ công việc nào, ở vị trí nào chỉ cần chúng ta tìm được những niềm vui trong đó thì sẽ có thêm động lực để sống với nó hơn là phải chịu đựng nó.
Buổi sáng, bạn muốn đi chợ sớm để nấu một bữa ra trò cho cả nhà. Hay bạn muốn trồng thêm một giống hoa lan mới trong vườn để mang bất ngờ cho ba của bạn.
Hoặc một buổi tối cùng người yêu lên kế hoạch cùng nhau xem một bộ phim kinh điển. Tất cả những khoảnh khắc ấy đều là Ikigai mà đôi khi chúng ta không để tâm đến.
Vậy “Ikigai” có dễ tìm hay nhận biết không? Trong cuốn sách “Ikigai – Chất Nhật trong từng khoảnh khắc”, tác giả - nhà báo tự do người Nhật Yukari Mitsuhashi đã phỏng vấn rất nhiều nhân vật ở mọi lứa tuổi và thành phần khác nhau, để đưa ra loạt câu hỏi để mỗi người có thể ngẫm nghĩ về Ikigai của mình.
Điều khơi gợi cảm giác hân hoan trong sâu thằm trái tim bạn có thể chính là Ikigai của bạn. |
Bạn hãy tự hỏi bản thân:
- Hồi nhỏ, tôi thích nhất điều gì? Sự kiện hay biến cố nào khiến tôi nhớ rõ nhất? Hiện giờ, điều đó có còn ảnh hưởng đến tôi?
- Trong cuộc sống, những khoảnh khắc đáng nhớ nào có thể khuấy động cảm xúc của tôi?
- Điều gì đem lại hạnh phúc cho cuộc sống thường nhật của tôi?
- Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào?
- Tôi hài lòng nhất khi dành thời gian cho công việc nào?
- Điều gì làm tôi mỉm cười khi tôi nghĩ đến?
- Trải nghiệm nào khơi dậy cảm xúc mãnh liệt trong tôi? Tôi thấy xúc động vào lúc nào và bởi điều gì?
- Tôi tò mò về điều gì?
- Điều gì giúp tôi không buồn chán?
- Tôi muốn thay đổi khía cạnh nào trong cuộc sống?
- Điều gì tôi vẫn làm dù không ai yêu cầu?
- Tôi vẫn theo đuổi điều gì dù không ai hiểu được ý nghĩa của nó?
- Tôi sẽ làm việc gì dù đã có đủ tiền để sống hạnh phúc suốt đời?
- Tôi trông đợi sự kiện gì ở tương lai?
- Tôi mong muốn có sự thay đổi gì ở tương lai? Tôi có thể làm gì với sự thay đổi đó?
- Điều gì khiến tôi muốn được sống để đón ngày mai?
Hãy dành thời gian để trả lời những câu hỏi này. Sau đó, hãy nhìn lại những đáp án mà bạn đưa ra. Bạn có thể sẽ nhận thấy một đáp án như nhau hay khuôn mẫu nhưng đó là điểm chung nhất mà gợi lên ý nghĩa Ikigai trong bạn.
Điều quan trọng cần nhớ, Ikigai không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải được hạnh phúc. Nó là kim chỉ nam để bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn, đưa bạn đến nơi bạn muốn. Và hơn cả, hãy lắng nghe bản năng của chính mình.
Paul H.Dunn từng nói: “Hạnh phúc là một hành trình, không phải đích đến”. Khái niệm Ikigai có giá trị bởi vì nó đem đến cho ta ý nghĩa trong cuộc sống, nhưng có lẽ quan trọng hơn chính là nó đã cho ta một cách riêng để đo lường mức độ hạnh phúc của mình.
Yukari Mitsuhashi là ký giả và nhà văn tự do ở Los Angeles. Cô lớn lên ở Tokyo và trải qua phần lớn tuổi thơ ở Nhật trước khi chuyển đến New York cùng gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học Keio năm 2012, cô bắt đầu làm việc với vai trò dịch giả và nhà văn tự do, đồng thời dành thời gian xây dựng trang blog cá nhân TechDoll.jp. Nhiều bài viết của cô đã được đăng tải trên trang tin BBC World. |