Trong một thế giới mà thành công về tài chính hoặc vật chất thường là nền tảng cho sự thành đạt, một người như Ken Idehara có vẻ bất thường.
Cửa hàng sửa giày nhỏ König der Meister của anh nằm ở quận Shibuya sầm uất, đầy màu sắc của Tokyo.
Ở những thành phố lớn như Tokyo, các cửa hàng sửa giày có thể được tìm thấy ở nhiều ga đường sắt lớn, nhưng đối với công việc sửa chữa đòi hỏi nhiều kỹ năng và thời gian hơn, khách hàng thường tìm đến những người lành nghề tại các cửa hàng như König der Meister.
Idehara thành lập cửa hàng 10 năm trước sau khi nhận ra rằng anh muốn làm việc với những đôi giày, đặc biệt là đưa chúng trở lại với đời sống. Khách hàng mang đến đây những đôi giày mà họ thường có một sự gắn kết đặc biệt.
Dù sửa giày không phải là công việc sinh lợi nhất, Idehara đã chọn con đường của anh và cam kết với nó.
Đối với Idehara, được sử dụng đôi tay của mình và tiếp xúc trực tiếp với mọi người là điều khiến anh cảm thấy thỏa mãn trong công việc. “Khi nhìn thấy một khách hàng nở nụ cười tươi sau khi đôi giày được sửa chữa hoàn tất, tôi cảm thấy rất vui và hài lòng”, anh nói.
Có một từ trong tiếng Nhật thể hiện cho ý tưởng “tìm thấy những gì khiến bạn mãn nguyện”: đó là “ikigai”. Ikigai được tạo thành từ iki nghĩa là cuộc sống, và gai, có nghĩa là giá trị. Vì vậy, ikigai có thể được hiểu là những giá trị khiến cuộc sống đáng sống.
Ikigai có thể được miêu tả là lý do mà chúng ta thức dậy vào mỗi buổi sáng. “Có thể tiếng chuông báo thức là thứ buộc chúng ta tỉnh giấc vào mỗi buổi sáng, nhưng chính niềm vui mà chúng ta kỳ vọng sẽ diễn ra trong ngày mới là điều thôi thúc ta rời khỏi giường”, tác giả Yukari Mitsuhashi viết trong phần đầu quyển sách “Ikigai – Chất Nhật trong từng khoảnh khắc”.
Ikigai và hạnh phúc nghe có vẻ giống nhau, nhưng một điểm khác biệt chính là ikigai nhấn mạnh vào tương lai.
Vào năm 2011, Michiko Kumano, giáo sư tại Đại học Osaka Ohtani, đã nghiên cứu về hạnh phúc của người Nhật và so sánh kết quả này với một nghiên cứu về sự hài lòng trong cuộc sống ở Hoa Kỳ.
Michiko Kumano thấy rằng không giống như nước Mỹ, nơi mà “cảm xúc tích cực” được coi là một chỉ báo về hạnh phúc, người Nhật coi hạnh phúc cũng bao gồm khả năng đối mặt với thời điểm khó khăn bằng thái độ đầy hy vọng.
Trong một nghiên cứu khác vào năm 2017, Kumano đã khảo sát những người Nhật ở độ tuổi 30 và thấy rằng ikigai có liên quan đến cảm giác thành đạt và thỏa mãn, và cũng bao gồm ý thức về mục đích trong cuộc sống theo cách hướng tới tương lai và tìm kiếm mục tiêu.
Cách tiếp cận cuộc sống này cũng có thể mang lại những lợi ích sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa tuổi thọ và mục đích sống hay ikigai và Nhật Bản là nước có tuổi thọ cao nhất thế giới – 83,7 năm – dài hơn năm năm so với Hoa Kỳ (78,7 năm).
Nhưng ikigai không chỉ là tìm kiếm một đời sống lâu dài hơn. Nó thiên về nỗ lực để có một cuộc sống tốt hơn, mãn nguyện hơn.
Tác giả Yukari Mitsuhashi đã phỏng vấn và đưa vào “Ikigai – Chất Nhật trong từng khoảnh khắc” những ví dụ cụ thể miêu tả ikigai của từng cá nhân, những gì mà ikigai mang lại cho họ và cuộc sống của họ, ikigai đã giúp gì cho họ trong lúc khó khăn và cách mà họ đã khám phá ra ikigai của bản thân.
“Ikigai của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai. Nhưng chúng ta có một điểm chung là tất cả đều tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.”
Cho dù ikigai của họ là gì, một điểm chung là ikigai của những nhân vật này đều dựa trên cảm xúc chứ không phải logic. Ikigai là thứ bạn cảm nhận bằng trái tim chứ không phải suy nghĩ bằng bộ não.
“Cảm xúc không biết nói dối, và hãy thành thật với cảm xúc của mình vì điều này sẽ giúp cho quá trình tìm kiếm ikigai. Điều khơi gợi cảm giác hân hoan trong sâu thẳm trái tim bạn có thể chính là ikigai của bạn”, tác giả Yukari Mitsuhashi viết.
Khi nói về cách phát hiện ra ikigai của bản thân, những người được phỏng vấn đã liệt kê các sự kiện mà họ cảm thấy được tiếp thêm sinh lực hoặc phấn khích, đóng vai trò là “đầu mối” giúp xác định ikigai của họ.
Trong một bài viết trên trang HuffPost, Yukari Mitsuhashi cho rằng khái niệm về ikigai rất có giá trị vì nó mang lại cho chúng ta ý nghĩa trong cuộc sống, nhưng có lẽ quan trọng hơn, nó cho chúng ta một cách riêng để đo lường hạnh phúc của bản thân.
Midi Kotani, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-ichi, người đã nghiên cứu về hạnh phúc, cho rằng “việc ai đó có hạnh phúc hay không là một vấn đề chủ quan”.
Một nghiên cứu của Kotani về 800 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 89 cho thấy mọi người có xu hướng không hạnh phúc khi họ đo lường hạnh phúc của mình bằng cách so sánh với người khác.
Thay vì dựa vào các chỉ số thành công mang tính khách quan, chẳng hạn như năng lực kinh tế hoặc địa vị xã hội, cô nhận thấy, việc tập trung vào giá trị chủ quan như ikigai chính là chìa khóa cho sự hài lòng.
Một khía cạnh quan trọng khác của ikigai: nó thường là một điều gì đó bên ngoài hơn là bên trong – đó là cảm giác sống động, đòi hỏi phản ứng và phản hồi từ thế giới bên ngoài.
Nếu những sở thích như chụp ảnh hoặc đi bộ đường dài mang đến cho bạn ikigai, bạn có khả năng muốn chia sẻ hoặc trải nghiệm nó với người khác.
Một người mẹ có ba đứa con mà tác giả trò chuyện đã liệt kê rằng gia đình là ikigai của cô ấy, và việc làm bất cứ điều gì cho họ, được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt họ mang lại cho cô ấy niềm vui to lớn.
Còn nếu công việc là ikigai của bạn, bạn cần được đánh giá cao bởi những người bạn đang cùng làm việc để thấy rằng công việc thực sự có ý nghĩa.
Một nghiên cứu năm 2015 được thực hiện bởi cơ quan tuyển dụng En-Japan về những gì thúc đẩy người dân Nhật Bản tại nơi làm việc cho thấy rằng được cảm ơn chính là động lực hàng đầu đối với họ.
Ikigai có thể là một vòng phản hồi giữa nội tâm và thế giới bên ngoài, theo Akihiro Hasegawa, nhà tâm lý học và phó giáo sư tại Đại học Toyo Eiwa .
“Một người nào đó cảm nhận ikigai bằng sự hữu ích mà họ mang đến cho người khác sẽ đón nhận những phản hồi tích cực như lời cảm ơn và điều này thúc đẩy họ cải thiện cũng như cảm nhận ikigai một cách mạnh mẽ hơn nữa”, ông nói.