Cuối năm 2020, thông tin về một hacker Việt "khét tiếng" từng khiến giới an ninh mạng Mỹ "rúng động" trở thành chuyên gia giám sát của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam đã xôn xao CĐM. Đó là Ngô Minh Hiếu, hay còn biết tới với cái tên Hiếu PC, quê Gia Lai.
Trong quá khứ, Hiếu từng xây dựng trang web hack và lấy trộm thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, tên, thông tin cá nhân của hàng triệu công dân Mỹ, sau đó bán lại thông tin đó cho các nhóm tội phạm trực tuyến. Năm 2013, Hiếu bị đặc vụ Mỹ bắt giữ tại đảo Guam và sau đó anh phải lãnh án 13 năm tù giam.
Mới đây, trong chia sẻ với Dân Việt, Hiếu PC cho biết anh tiếp xúc với máy tính lần đầu tiên từ năm lớp 5, lớp 6. Tuy nhiên, đó là máy tính mà bố mẹ anh mua cho chị gái. Được chạm vào máy tính, anh rất thích thú và tò mò; vì thế, anh mải mê khám phá đến nỗi chiếc máy tính bị hư hỏng, sửa tới sửa lui nhiều lần.
Anh chia sẻ: "Nhưng cũng nhờ cái máy ấy mà tôi đã tự mày mò, tìm hiểu, học hỏi đủ thứ, rồi tự sửa chữa từ phần mềm Window, đến sửa luôn cả Ram… Mua linh kiện về ráp, sửa lung tung. Mãi về sau, ba mới dành dụm mua riêng cho tôi một máy vi tính khác. Có máy tính, tôi gắn Internet. Khi đó, xài Internet rất tốn tiền. Thế là tôi mày mò lên mạng tìm hiểu tài khoản, rồi… hack, chỉ để xài Internet không phải tốn tiền thôi."
Đây chính là dấu mốc đầu tiên mà Hiếu PC thể hiện "cái tật" hack của mình. Để sử dụng Internet không tốn tiền, anh đã vào được tài khoản của một số công ty. Sau đó, khi VNPT phát hiện ra, họ đã gửi giấy phạt tới địa chỉ nhà anh. Bố mẹ sợ quá nên đã liền nộp số tiền khoảng 20 triệu đồng vì sự tò mò của con trai.
Tới năm 15 tuổi, Hiếu vào Sài Gòn học thêm 3 tháng và đã xin bố mẹ theo nghề của ông chú vì quá thích máy tính. Sau đó, anh vào trường học an ninh mạng và học thêm thiết kế Website. Trang web đầu tiên Hiếu PC thiết kế là trang web "hieupc.com" để chia sẻ phần mềm. So với các bạn cùng trang lứa, anh không hề thích chơi game mà chỉ thích nghiên cứu phần mềm.
Khi lên cấp 3, vì không thích học ở Cam Ranh - nơi mà anh chỉ được học đơn giản về Microsoft Office, anh đã xin bố mẹ cho vào Sài Gòn học. Ban đầu, bố mẹ không cho, anh một mực bỏ nhà đi. Vậy là, sau đó, bố anh cũng theo con lên Sài Gòn. Cũng chính trong khoảng thời gian này, anh tiến sâu vào thế giới mạng, học hỏi mọi thứ trong thế giới ngầm và bỏ bê việc học. Từ đó, anh "nhúng chàm" lúc nào không hay.
2-3 năm đầu ở trong tù, Hiếu PC cảm thấy vô cùng khó khăn, tiếng Anh kém, 2 tháng đầu gần như mất liên lạc với gia đình, bị chuyển nhà tù liên tục. Ăn uống không hợp khẩu vị, ngủ nghê không yên giấc, tinh thần khủng hoảng...
"Bởi, đang trên đỉnh sung sướng, tôi rớt xuống địa ngục. Vô cùng hụt hẫng và xấu hổ. Thậm chí, có giai đoạn, tôi nghĩ tới chuyện thắt cổ tự tử luôn. Khoảng 3 năm sau, tôi mới lấy lại cân bằng trong cuộc sống, dù đang ở trong tù. Bình tâm lại, tôi nhìn nhận lại những sai lầm của mình từ lúc còn bé cho tới lúc lớn. Rồi những lần bất hiếu, nói dối ba mẹ… Sang năm thứ 3 ở trong tù, phía Mỹ mới bắt đầu cho tôi đi làm", Hiếu PC nhớ lại.
Trong thời gian phạt tù, anh được giao công việc điều tra tội phạm công nghệ. Đồng thời, anh được phép đi học thêm những khóa học trong nhà tù như cải tạo bản thân, kỹ năng mềm trong sinh tồn, cách làm cha - làm mẹ, học nâng cao kỹ năng vi tính...
Cũng trong thời gian đó, anh còn được phân công cho cái việc chà rửa nhà vệ sinh. Anh nói: "Cái việc khó khăn nhất, nhiều người ngán ngẩm nhất, thì tôi lại thích nhất. Bởi công việc chà rửa toilet, những bạn tù người Mỹ không ai chịu làm. Nhưng với tôi, chính việc chà rửa toilet – công việc vất vả nhất - lại là một thử thách cho bản thân. Tôi không thích làm những công việc dễ dàng. Chà rửa toilet, người ta chê, mình cũng chê thì ai làm?".
Nhờ có những cố gắng đó mà Hiếu PC được giảm từ 40 năm tù giam xuống còn 13 năm. Được thả tự do sớm, trở về Việt Nam vào tháng 8/2020, anh quyết định trở thành nhân viên của Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia Việt Nam vào tháng 12/2020. Song song với đó, anh tích cực đóng góp một phần mình vào việc xây dựng cộng đồng mạng an toàn lành mạnh tới người dùng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị