Hiểu về trái tim: Tại sao ta không chấp nhận được lầm lỡ của kẻ khác?

Minh Niệm07/02/2019 11:50
Hiểu về trái tim: Tại sao ta không chấp nhận được lầm lỡ của kẻ khác?

Phần lớn lý do không chấp nhận của ta cũng chỉ vì ta thấy người kia không còn hay ho, hoặc ta không muốn sự xấu xa của họ làm ảnh hưởng đến danh dự của mình, chứ không phải vì ta muốn giúp họ cố gắng hơn như ta giải thích.

Nhẫn nhục không phải là thái độ hèn nhát, mà đó là sự thực tập mở rộng dung lượng trái tim để chứa đựng được những khó khăn lớn.

Chấp nhận để đi tới

Khi nghe bác sĩ báo tin ta đã bị ung thư thì có thể ta sẽ hốt hoảng và gào khóc: “Ồ không, không thể như thế được. Tôi có làm gì đâu mà phải bị ung thư. Tại sao không phải là ai khác mà lại là tôi?”. Ta còn tưởng mình không thể sống được khi nhận hung tin ấy. Nhưng rồi chừng vài tuần hay vài tháng sau ta cũng học được cách chấp nhận mình bị ung thư là một sự thật không thể chối cãi. Dù phải cần có những phương thuốc thích hợp để chữa trị lâu dài, nhưng tế bào ung thư đã chậm phát tán vì ta đã tạo được năng lượng hòa thuận với nó mà không ra sức kháng cự nữa. Theo y khoa, tiến trình trị liệu đã bắt đầu xảy ra.

Chấp nhận mình có bệnh là can đảm nhìn vào những khó khăn của cơ thể mình để kịp thời giúp đỡ, chứ không phải là bỏ cuộc. Đôi khi vì tham vọng, vì chủ quan, mà ta đã để cho cơ thể mình xuống cấp trầm trọng, đến khi nó không còn đủ sức phục vụ cho ta nữa thì ta lại bực tức, trách móc và căm ghét nó. Đó là thái độ thiếu hiểu biết và thiếu tình thương với chính mình.

Có nhiều người tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố “Tôi không bao giờ chấp nhận thất bại”. Đó là lời tuyên bố rất ngây thơ, vì không ai mà không thất bại dù họ có đang rất thành công. Bởi vì những điều kiện đưa tới sự thành công có khi nằm ngoài tầm tay, ta không thể cưỡng ép nó đến với ta khi ta chưa tìm ra sự liên kết đúng đắn.

Tất nhiên cảm giác thất bại rất khó chịu, vừa mất mát những gì mình đã hết lòng đầu tư, vừa suy giảm niềm tin vào bản thân, và vừa phải cố gắng tỏ ra bình thản trước mọi người. Nhưng tất cả sức ép đó đều do ta tạo ra. Nếu ta biết nhìn đúng đắn và thoáng đạt hơn về vị trí của mình và bản chất của đời sống, ta sẽ bớt ép uổng mình phải như thế này hay như thế kia. Cũng như khi ta phạm lỗi lầm, dù đã được người ấy tha thứ, nhưng ta lại không chấp nhận bản thân mình. Ta không thể nào tin nổi một người có hiểu biết và vững chãi như ta mà lại vướng vào lỗi lầm không đáng ấy. Ta căm ghét bản thân và thậm chí còn trừng phạt mình.

Đó là bởi vì trong quá khứ ta chỉ cố gắng áp đặt mình phải luôn hoàn hảo, trong khi nó còn rất nhiều chỗ yếu kém cần được ta nhìn nhận và chăm sóc. Chấp nhận yếu kém là trung thực với chính mình, là vượt qua được những thói quen đặt để hay sự đối phó không cần thiết của xã hội.

Một khi ta đã luyện tập được thói quen chấp nhận những yếu kém của chính mình, chấp nhận được những điều không như ý xảy ra theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh của cuộc sống, thì ta cũng sẽ dễ dàng chấp nhận những vụng về và lầm lỡ của kẻ khác.

Nhìn lại, ta thấy phần lớn lý do không chấp nhận của ta cũng chỉ vì ta thấy người kia không còn hay ho để cho ta hưởng thụ, hoặc ta không muốn sự xấu xa của họ làm ảnh hưởng đến danh dự của mình, chứ không phải vì ta muốn giúp họ cố gắng hơn như ta giải thích. Nếu ta thật lòng vì cuộc đời họ thì sự chấp nhận kia không phải là thái độ dung dưỡng cho thói hư tật xấu, trái lại nó còn giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực để vượt qua bản thân. Vì họ thấy mình vẫn còn giá trị trong mắt người thương; họ còn tin tình thương chân thật luôn vượt ra khỏi sự sòng phẳng.

Nên dù ta chấp nhận hay không chấp nhận thì sự thật vẫn cứ diễn ra theo tiến trình của nó. Nếu chọn lựa thái độ chấp nhận, không tiếp tục tránh né hay chống đối nữa, tức là ta đã bắt tay vào tiến trình tìm hiểu sự thật và tháo gỡ. Vấn đề dù vẫn còn đó, nhưng ta không còn thấy nặng nề và khó chịu, ta đủ kiên nhẫn tìm thêm điều kiện để giúp nó chuyển hóa.

Khả năng chịu đựng

Tùy vào nhận thức của mỗi người và thói quen luyện tập mà khả năng chấp nhận rất khác nhau. Có những điều người khác chấp nhận được nhưng ta lại phản kháng kịch liệt, và ngược lại. Ngay cả chính ta đây cũng liên tục thay đổi sự chấp nhận. Có những điều tưởng chừng ta không bao giờ chấp nhận nhưng bây giờ thấy cũng được, và có những điều ta đã từng chấp nhận một cách dễ dàng nhưng sau này lại than chịu hết nổi. Khi chấp nhận được, ta thường cho rằng tại đối tượng kia dễ thương; còn khi không chấp nhận được, ta đổ thừa tại họ tăng thêm mức khó chịu chứ ta không hề nghĩ rằng chính cơ chế tâm thức của ta đã không còn giữ nguyên trạng thái cũ.

Có thể nhận thức của ta đúng đắn hay lệch lạc hơn, trí tưởng tượng dừng hoạt động hay phóng đại hơn, cảm xúc suy yếu hay mãnh liệt hơn, và những phiền não trong ta đã tan biến hay phát triển hơn. Vì vậy, ta đừng quá tin vào sự chấp nhận hay không chấp nhận hôm nay của mình. Dù ta đang rất ổn khi có quyết định ấy, nhưng với thời gian thì chính ta và đối phương sẽ có những chuyển biến tâm thức rất bất ngờ.

Ta nên biết rằng trái tim ta luôn có khả năng chứa đựng. Nếu một người lấy một vốc muối bỏ vào trong tô nước thì tô nước ấy rất mặn, đến mức không thể uống được. Nhưng nếu họ cho vốc muối ấy xuống dòng sông, thì dù cho cả chục ký muối, nước của dòng sông vẫn uống được như thường. Nước của dòng sông uống được không phải vì nó không có chứa muối, mà vì lượng nước quá mênh mông nên với số muối ấy thì chẳng có nghĩa lý gì.

Ai mà không có những nỗi khổ niềm đau hay khó khăn, nhưng vấn đề là trái tim ta có đủ lớn để chứa đựng nó hay không. Nếu trái tim ta nhỏ mà khó khăn bên ngoài quá lớn thì tất nhiên ta sẽ không chứa đựng nổi. Một người cha quyết định từ bỏ đứa con hư hỏng vì sợ nó làm ảnh hưởng những đứa con còn lại thì đó không hẳn là một quyết định sai, nhưng ông đã thất bại. Tình thương của người cha như dòng sông thì tại sao không chịu nổi nắm muối của con? Một trái tim thật sự rộng lớn thì đâu cần đòi hỏi gì thêm nơi đối tượng đang yếu ớt.

Ta thường hiểu lầm chữ nhẫn nhục có nghĩa là đè nén hay cắn răng chấp nhận, trong khi ý nghĩa của nó thật hay và gần gũi: chịu đựng. Chịu có nghĩa là đồng ý chấp nhận; đựng có nghĩa là cái khả năng có thể dung chứa. Chấp nhận mà không có khả năng dung chứa thì cũng như không. Dòng sông vì có dung lượng lớn hơn cái tô gấp chục ngàn lần nên mới chứa đựng được nhiều muối.

Thi hào Nguyễn Du cũng đã từng nói “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Người có khả năng dung chứa được kẻ khác, dù kẻ ấy có như thế nào cũng không ghét bỏ hay loại trừ thì đó mới thực là người trên. Cho nên, nhẫn nhục không phải là thái độ hèn nhát, mà đó là sự thực tập mở rộng dung lượng trái tim để chứa đựng được những khó khăn lớn.

Ta không thể nói tội tình gì mình phải nhẫn nhục. Bởi cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận theo ý mình, nếu ta không chuẩn bị sẵn một dung lượng trái tim khá lớn thì có lúc ta sẽ gục ngã trước hoàn cảnh hay đánh mất người thương.

Điều tuyệt diệu là trái tim ta có thể mở rộng tới mức vô cùng, không có biên giới, vô lượng tâm. Người xưa cũng hay nói tâm ta có thể ôm trọn cả trời đất này. Nhưng chẳng cần phải đi hết cả thế gian này để trải lòng ra như biển như đất thì ta mới có thể ôm hết muôn loài. Chỉ cần chấp nhận một đối tượng, dù đối tượng ấy là ai hay như thế nào. Nếu ta thấy được họ chính là một phần trong bản thể vô ngã của mình, thì ta sẽ không thấy mình đang chấp nhận gì cả. Chấp nhận mà như không chấp nhận.

Có khả năng chấp nhận được như vậy là ta đã tìm thấy con người chân thật của mình. Mọi vô thường biến hoại trên thế gian này không còn đủ sức để uy hiếp ta được nữa.

Nắm muối không hề mặn

Với lượng cả dòng sông

Lỗi lầm kia bé nhỏ

Với cõi lòng mênh mông.

Trích sách Hiểu về trái tim


Gửi bình luận
(0) Bình luận