Cứ bận mãi, vội suốt, bạn sẽ đánh mất chính mình
Có một câu chuyện triết lý như thế này:Một nhóm người phương Tây đến những khu rừng nguyên sinh ở Châu Phi để khảo sát và họ mời những người bản địa làm hướng dẫn viên cho mình. Họ cứ vừa mở đường vừa đi. Vào ngày thứ ba, những người thổ dân cho biết họ sẽ nghỉ một ngày.
Người phương Tây cảm thấy khó hiểu: "Tại sao phải dừng lại?"
Người thổ dân nói: "Bởi vì chúng ta đã đi qua một chặng đường dài, vì vậy phải dừng lại chờ đợi một chút, để linh hồn có thể bắt kịp."
Nhịp sống ngày nay đang ngày càng một nhanh hơn. Bận trưởng thành, bận thi đại học, bận làm việc, bận kết hôn... Vừa bận vừa vội tới mức khi chợt ngoảnh đầu quay lại, phát hiện bản thân đã già đi, nhưng mọi thứ thì vẫn còn dang dở.
Một tác gia từng nói: "Tôi tin rằng, mỗi một người khi đến với thế giới này, đều đã có một vị trí phù hợp nhất với mình."
Người thực sự tài giỏi, không bao giờ bận rộn, cũng chưa từng vội vàng. Họ tin rằng luôn có một vị trí cho họ, cái gì cần đến ắt sẽ đến, cái gì không nên có thì thôi sớm quên nó đi. Đời người, khó nhất không phải là chạy thật nhanh, mà là bước đi thật điềm tĩnh.
Lập nghiệp, không vội vàng, có lẽ chỉ đang thành đạt muộn mà thôi
Người xưa nói: Dục tốc thì bất đạt, không vội vàng sẽ không màng cái lợi nhỏ, còn đã màng cái lợi nhỏ thì khó mà nên được việc lớn. Thành tích của một người là thứ được tích lũy theo năm tháng. Nước lặng chảy sâu, những người "bùm" một cái, bỗng nhiên thăng hoa ở một lĩnh vực nào đó, nó thực chất chỉ là kết quả của nhiều năm tích lũy của họ, sau cùng nó bùng phát lên mà thôi.
Thời kì Tam Quốc tại Trung Quốc, trong số các thuộc hạ của Tào Tháo, có một người tên Thôi Lâm, gia cảnh của Thôi Lâm nghèo nàn, khó có cơ hội để thể hiện tài năng của mình. Vào năm Kiến An thứ 10, Thôi Lâm được bổ nhiệm làm huyện trưởng của một huyện nhỏ. Nhưng vì quá nghèo, Thôi Lâm thậm chí không đủ tiền thuê được xe ngựa, vì vậy chỉ có thể tự mình đi bộ đến nơi nhậm chức.
Sau khi Ngụy Văn đế đăng cơ, Thôi Lâm lần lượt được thăng chức làm Thượng thư, Thứ sử… Mỗi lần nhậm chức là một lần tạo phúc cho dân, nhưng vì không khéo léo trong ngoại giao với cấp trên nên bị giáng chức xuống làm Quận thú. Sau đó nữa, Ngụy Minh Đế phong Thôi Lâm làm Tư không. Không lâu sau lại được thăng tước Hầu tại An Dương.
Người có tài hay thành đạt muộn. Đời người có thăng có trầm, đây là chuyện rất bình thường, nếu cứ nhất định muốn thành danh trong một sớm một chiều, vậy thì sẽ rất mệt mỏi. Chi bằng "trôi theo dòng nước", tận hưởng quá trình phát triển và trưởng thành.
Tự cổ chí kim, 40, 50, thậm chí 60 tuổi mới tìm được hướng đi đúng đắn nhất với mình cũng không phải chuyện hiếm. Phàm là người sống ở nông thôn thì đều biết, hầu hết các quả dại trên núi thì đều không được hái cho tới cuối thu, sau khi sương rơi, nếu không chắc chắn sẽ còn vị đắng. Dù có nhiều người nghĩ nhiều cách để khiến quả chín nhanh hơn, thì hương vị cho ra vẫn không thể được như ý.
Chậm lại, chỉ cần phương hướng không sai, nhất định sẽ đi được xa, cuộc đời dù không rực rỡ, nhưng chắc chắn cũng sẽ không ảm đạm.
Buông bỏ phiền não, không vội, tất cả hãy giao cho thời gian
Thực ra, một người càng cố ép bản thân làm điều gì, hay quên đi điều gì một cách nhanh chóng, họ sẽ càng không thu lại được kết quả như ý muốn. Hơn nữa, mỗi một lần ép bản thân sẽ khiến chúng ta nhớ lại ký ức nào đó không vui từng xảy ra để rồi lại đắm mình trong vòng luẩn quẩn đó. Người thông minh sẽ không cố ý quên cái gì, thay vào đó, họ giao lại mọi thứ cho thời gian. Cần phải tin rằng, thời gian là "phương thuốc" tốt nhất, nó có thể chữa lành mọi vết thương.
Một thiền sư từng nói: "Con người ngoài kia lúc ăn cơm không tập trung ăn, lúc đi ngủ thì suy nghĩ linh tinh; còn ta, khi ăn ta ăn, khi ngủ ta ngủ, đúng hai việc đó thôi."
Đời người 10 chuyện thì tới 8,9 chuyện không như ý, nhưng suy cho cùng thì chuyện tốt đẹp vẫn còn 1,2 phần. Phần lớn những phiền não đều chỉ có thể tự chúng ta đi lĩnh ngộ, hóa giải, có nói với ai thì cũng đều không có ích gì. Đừng vội vã muốn thoát khỏi phiền não ngay lập tức, có lẽ phiền não nhiều chỉ là một hình thức thử thách bản thân, để chúng ta có được trí tuệ của sự "điềm tĩnh giữa những bộn bề lo toan".
Sinh lão bệnh tử, đừng vội, hãy cứ sống theo cách của mình
Một người từng nói như này: "Đời người sớm muộn gì cũng tới điểm cuối cùng, không ai có thể thoát được khỏi nó, nếu đi nhanh quá, có nghĩa là bạn đang chạy tới hồi kết của chính mình."
Ngay từ ngày sinh ra, nếu cứ chỉ cắm đầu vào chạy, vậy thì chẳng mấy mà chạy hết cuộc đời. Sống trên đời, có người theo đuổi tiền bạc, có người mưu cầu công danh, có người thảnh thơi điềm tĩnh, mỗi người có một cách sống khác nhau. Nếu lúc nào bạn cũng ghen tỵ với người khác, vậy thì hôm này bạn trở thành "Phạm Ba", ngày mai bạn là "Nguyễn Tư", ngày kia bạn lại là "Trần Năm" … cứ như vậy, bạn sẽ không có thời gian để là chính mình.
Bạn muốn một ngôi nhà như nào, rất to hay rất đẹp hay phải thật hoành tráng? Có những người cả đời đều rất nghèo, sống trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ nhưng vẫn luôn rất vui vẻ; có người lại ở thành phố, náo náo nhiệt nhiệt sống hết một đời.
Ngời có đầu óc sẽ không bao giờ mù quáng bắt chước ai, họ sống cuộc đời của mình theo cách sống mà họ thích nhất. Người khác có thể sống chết theo đuổi thành phố náo nhiệt, nhưng họ lại có thể bán nhà thành phố rồi về quê sống cuộc đời bình yên.
Sống ở đời, chúng ta có thể chọn cuộc sống thảnh thơi, cũng có thể chọn cuộc sống phú quý, nhưng nhất định phải sống chậm lại một chút, tận hưởng từng giây từng phút của cuộc sống. Hãy thử cho mình những khoảng lặng nhất định trong cuộc sống, những khoảng lặng để có thể quên hết thời gian, quên hết mọi phiền não, quên đi cả tuổi tác.
Bạn không cần phải đi tìm cảm giác tồn tại, bởi bạn chính là bạn, không phải ai khác, lão bệnh tử, ta không quyết được, nhưng bạn hoàn toàn có thể biến "sinh" thành cái phúc của mình và sống nó theo ý mà mình muốn.
Kể từ ngày hôm nay, làm một người không vội vàng không bận rộn, rảnh rỗi thì đi lại vài bước, ngắm phong cảnh xung quanh, đọc sách, nói chuyện với người thân… Khi còn trẻ, âm thầm nỗ lực, từ từ kiếm tiền, ấm áp yêu thương và chầm chậm tiến về phía trước.