“Bạn thấy đó, khi bạn còn trẻ, bạn dư thừa năng lượng đến mức muốn nhảy vọt qua đồi núi, lên đến tận trăng sao. Rồi xã hội bước vào và bảo bạn hãy kìm hãm năng lượng đó bên trong bốn bức vách của nhà tù mà nó gọi đó là sự kính trọng. Thông qua giáo dục, thông qua mọi hình thái thưởng phạt và kiểm soát, năng lượng đó dần dần bị nghiền nát.”
Krishnamurti một lần nữa mang đến cho độc giả một cuốn sách bàn về giáo dục, văn hóa, tham vọng, sự đố kỵ và nhiều khía cạnh khác của xã hội. “Đôi điều cần suy ngẫm” là tập hợp các bài nói chuyện giữa Krishnamurti với học sinh, giáo viên và phụ huynh ở Ấn Độ, nhưng sự thấu suốt mà nó mang lại có thể chạm đến tất cả những ai có một tâm thức ham học hỏi và tìm tòi. Krishnamurti sẽ dẫn dắt bạn xem xét những khái niệm mà chúng ta gọi là văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị và truyền thống; đồng thời làm rõ những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham, tính đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ mà ông cho là những yếu tố khiến xã hội loài người trở nên sa đọa.
Những đoạn hỏi - đáp trong cuốn sách được chia theo từng đề tài: từ giáo dục, tự do, tình yêu, sự bình đẳng, cho đến cách lắng nghe, sự sáng tạo, tham vọng, cách tư duy, tinh thần cởi mở và tính toàn vẹn của cuộc sống. Mỗi phần đều chứa đựng những lập luận sâu sắc và thường bắt đầu bằng những câu hỏi dẫn dắt người đọc tự suy ngẫm, chứ không định hình lối tư duy của độc giả hay cố đưa ra một kết luận rập khuôn, bởi theo Krishnamurti, “một trí não thông minh là một trí não luôn luôn học hỏi, chứ không bao giờ kết luận”.
Thêm vào đó, mỗi vấn đề sẽ được lồng ghép và liên hệ với nhiều vấn đề khác, từ đó người đọc sẽ có được một cái nhìn bao quát và được khơi gợi để tìm hiểu nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi tại sao đa số chúng ta thích cuộc sống xa hoa, Krishnamurti sẽ hỏi lại “Ý bạn là gì khi nói đến xa hoa? Mặc quần áo sạch sẽ, giữ thân thể sạch sẽ, ăn uống thực phẩm thích hợp - bạn có gọi đó là sống xa hoa không?”; và rồi sẽ cho bạn biết “khái niệm xa hoa thay đổi tùy theo khao khát của mỗi người; đó là vấn đề cấp độ”.
Theo một cách nào đó, 27 phần trong cuốn sách này giống như 27 chiếc gương - nơi bạn có thể tự soi chiếu lại chính mình trong đó. Nó khiến bạn phải quan sát rồi buộc bạn tự vấn bằng những câu hỏi xoay quanh những điều mà bạn nghĩ mình đã hiểu, về cách bạn nhìn nhận cuộc sống, các mối quan hệ và quan trọng hơn cả, là về chính mình.
“Khi bạn vào rạp xem phim, bạn không tham dự vào bộ phim; các diễn viên mới là người đang thủ vai của họ, còn bạn chỉ quan sát. Tương tự, hãy quan sát trí não bạn hoạt động. Điều này thực sự rất thú vị, thú vị hơn xem bất cứ bộ phim nào, bởi vì trí não bạn là tàn dư của toàn bộ thế giới và nó chứa tất cả những gì mà con người đã trải nghiệm. Bạn hiểu chứ? Trí não bạn là nhân loại, và khi bạn nhận ra điều này, trong lòng bạn sẽ có một tình yêu mênh mông không bờ bến. Từ hành động thấu hiểu này sinh ra một tình yêu lớn lao; và rồi bạn sẽ biết, khi bạn thấy mọi vật đều đáng yêu, rằng cái đẹp là gì”, Krishnamurti chia sẻ.
Với những nét đặc trưng ấy, “Đôi điều cần suy ngẫm” không chỉ phù hợp với những độc giả trung thành, mà còn là một cuốn sách thích hợp cho những ai lần đầu tiên tìm hiểu về Krishnamurti cùng những triết lý của ông.
“Đôi điều cần suy ngẫm” khiến bạn nhận ra mình chưa bao giờ thật sự hiểu và sử dụng triệt để trí não của mình để nhìn nhận cuộc sống. Bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạc lối, bối rối hay trống rỗng như trước kia nữa, bởi giờ đây, bạn đã biết cách lèo lái cuộc đời để tìm được hạnh phúc đích thực của riêng mình: “Hạnh phúc không xuất hiện khi bạn tìm kiếm nó; hạnh phúc là một sản phẩm phụ, nó xuất hiện khi có cái thiện, khi có tình yêu, khi không còn tham vọng, khi trí não khám phá một cách lặng lẽ cái chân thực”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả phương Đông lẫn phương Tây đều chào đón ông như một bậc đạo sư uyên bác nhất. Nhưng chính Krishnamurti tuyên bố mình là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ.
Trong gần 60 năm, Krishnamurti đã có vô vàn buổi nói chuyện về mọi chủ đề, với thính giả từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người, ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe.
Ông thường bàn về các chủ đề: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”, “Thế giới trong bạn”...