Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 1: Cuộc tình Michelle - Obama

23/08/2019 08:00
Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 1: Cuộc tình Michelle - Obama

Qua Becoming – Chất Michelle (hồi ký của Đệ nhất phu nhân Tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ, bà Michelle Obama), bà Michelle kể về gia đình mình và một ít về gia đình chồng, ông Barack Obama...

Bà cũng kể về những năm học đại học Princeton, trải nghiệm cảm giác là nữ sinh da đen duy nhất trong lớp, trở thành luật sư luật doanh nghiệp sau khi vượt qua cửa ải trường đại học Harvard lừng danh và làm việc tại một hãng luật trong tòa thị chính Chicago.

Bà dành hầu hết cuốn sách kể lại một cách khách quan, trung thực về tình cảm và lý trí của mình trong 8 năm làm Đệ nhất phu nhân trong Nhà Trắng, những mâu thuẫn giữa bản lĩnh “mình muốn là chính mình” và vai trò mới Đệ nhất phu nhân trong “cái bong bóng” (bà ví Nhà Trắng như vậy); trong việc chăm sóc và nuôi dạy 2 cô con gái còn học tiểu học với việc bị cuốn vào hoặc chủ động tham gia các chiến dịch tranh cử của chồng vào cương vị đứng đầu Nhà nước Hoa Kỳ trước sự soi mói, thù địch của những người da trắng của đảng Cộng hòa bởi bà là người da đen gốc Phi và cả ông chồng tài giỏi mà có một lý lịch rất đặc biệt nữa.

Becoming cung cấp cho ta nhiều tư liệu mới mà ta chưa có điều kiện tiếp cận, giúp ta thêm căn cứ để nhận định đánh giá về nước Mỹ với những vấn đề có tầm toàn cầu cần giải quyết bằng mối tương quan nhiều bên, nhiều nước, hình thành những bộ luật chung được suy nghĩ dài lâu, được nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học. Như nạn phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu toàn cầu, vai trò của phụ nữ, các vấn đề về y tế, giáo dục, chuyện đồng tính, chưa kể các vấn đề về khoa học chính trị như dân chủ và độc tài, sự phân hóa giàu-nghèo, chủ nghĩa khủng bố hậu Osama bin Laden v.v...

Cô bé Michelle sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Phi. Cha mẹ cô là ông Frazer Robinson III và bà Marian Robinson sống tại vùng South Side Chicago đã lâu. Họ là những người lao động trung thực và lạc quan nhưng mạnh mẽ. Ông làm tại nhà máy lọc nước với tính kỷ luật cao và là một con người tự trọng và cả quyết, ở nhà cũng như nơi làm việc … Ông tự hào là một trong số ít công nhân có đủ kinh nghiệm ngăn chặn mọi thảm họa xảy ra ở nhà máy nhanh chóng và hiệu quả nếu nó xảy ra.

Ông mất sau một cơn trụy tim đột ngột ở tuổi 55. Còn bà Marian cũng rất mạnh mẽ, có học thức nhưng hi sinh tất cả vì chồng và hai con là anh Craig và Michelle. Bà cũng là người có tính độc lập cao. Thậm chí bà không muốn bị “trói buộc” tại Nhà Trắng sau khi con rể là Obama trúng cử tổng thống Hoa Kỳ, mà muốn ở lại căn hộ không rộng rãi gì tại South Side Chicago để được tự do. Chính từ gương bản thân ông bà đã dạy cô bé Michelle và con trai Craig sự tự tin khi bày tỏ suy nghĩ và ý muốn của mình, không được sợ hãi bất cứ hoàn cảnh nào.

...

Trong lúc Michelle loay hoay đi tìm lời giải về hướng đi cho cuộc đời khi đang làm luật sư luật doanh nghiệp tại tòa nhà thị chính Chicago vào mùa hè với tư cách nhà tuyển dụng nhân sự cho công ty, thì chàng sinh viên luật có tên là Barack Obama xuất hiện.

Ta hãy nghe Michelle kể về cuộc gặp đó giữa hai người. “Anh đến trễ mà tôi là người hướng dẫn thực tập của anh. Biết Barack gây xôn xao ở hãng luật từ trước dù anh chàng mới học xong năm thứ nhất trường luật mà hãng chúng tôi thường thuê sinh viên năm thứ hai cho vị trí thực tập hè. Người ta đồn rằng anh chàng này xuất sắc lắm. Tôi vẫn rất hoài nghi về chuyện này. Tôi không chắc anh ta được như lời đồn thổi.

Rồi anh chàng có mặt ở chỗ tiếp tân trong bộ com lê xám màu và hơi ướt vì dính nước mưa. Anh bắt tay tôi và xin lỗi vì đến trễ. Anh có vẻ không biết gì về điều mình nổi danh là một người trẻ tuổi tài ba, mà lẳng lặng và nghiêm túc chú ý nghe tôi hướng dẫn khi gặp được người luật sư cấp trên thực sự của anh. Tôi nhận ra Barack cần rất ít lời khuyên. Anh sắp 28 tuổi, hơn tôi 3 tuổi. Không giống tôi, anh đã đi làm nhiều năm sau khi lấy bằng cử nhân tại đại học Columbia rồi mới vào trường luật.

Điều làm tôi ngạc nhiên là sự chắc chắn của anh về định hướng cuộc đời. So với chặng đường thăng tiến đến thành công của tôi thẳng như mũi tên bắn từ Princeton đến Harvard rồi hạ cánh làm việc trên tầng 47 của hãng luật tòa nhà thị chính Chicago, con đường của Barack là một đường zig zag ngẫu hứng băng qua nhiều thế giới khác nhau.

Qua các lần ăn trưa cùng nhau tôi biết anh ấy là một người con lai đúng nghĩa. Anh là con trai một người Kenya da đen và người mẹ da trắng ở Kansas, kết quả của một cuộc hôn nhân ngắn ngủi vì bố anh đã có vợ trước đó. Anh được sinh ra và nuôi nấng ở Honolulu nhưng trải qua 4 năm tuổi thơ ở Indonesia với người bố dượng.

Sau khi tốt nghiệp trung học anh có 2 năm làm sinh viên đại học Occidental ở Los Angeles trước khi chuyển qua đại học Columbia nơi anh tự nhận mình sống như một ẩn sĩ thế kỷ 16, thường đọc những tác phẩm văn chương và triết học khó nhằn trong căn hộ tồi tàn cũng như làm những bài thơ dở ẹc và nhịn ăn vào các ngày chủ nhật.

Ngạc nhiên là anh hiểu rất rõ về Chicago, từng đến tiệm hớt tóc bình dân, những điểm bán thịt nướng và những giáo xứ ngoan đạo người da đen ở khu Far South Side. Anh từng có 3 năm làm việc với vai trò người tổ chức sự kiện cộng đồng, kiếm được 12.000 đô la một năm từ một tổ chức phi chính phủ đứng ra liên kết những nhà thờ với nhau. Công việc của anh là hỗ trợ việc xây dựng lại các khu phố và tái tạo công ăn việc làm…

Barack giải thích anh học luật vì việc tổ chức phong trào cộng đồng đã cho anh thấy sự thay đổi tích cực trong xã hội không chỉ đòi hỏi nỗ lực của con người ở địa phương mà còn cần những chính sách hiệu quả hơn, cùng với hành động của chính phủ”.

Michelle thú nhận Barack thú vị khác thường và lịch thiệp một cách kỳ lạ, nhưng chưa nghĩ anh ấy là đối tượng mà mình muốn hẹn hò. Barack từng làm chủ nhiệm tập san Harvard Law Review và là người Mỹ da đen đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử 103 năm tồn tại của nó

(còn tiếp)

Nhà báo Nguyễn Kiến Phước


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025