Nỗi bất an thời trung học của Michelle Obama: 'Mình có đủ giỏi chưa?'

22/08/2019 08:00
Nỗi bất an thời trung học của Michelle Obama: 'Mình có đủ giỏi chưa?'

Nếu phân loại những nỗi lo của tôi thời trung học thì phần lớn chúng đều được xếp vào một nhóm: Mình có đủ giỏi chưa?", Michelle Obama viết trong hồi ký.

Chất Michelle là hồi ký của bà Michelle Obama, không chỉ ghi lại cuộc sống một đệ nhất phu nhân nước Mỹ, mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ về hành trình tự khẳng định mình, độc lập, mạnh mẽ, đi tới thành công. Được sự đồng ý của First News - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Có khoảng 1.900 học sinh theo học tại Whitney Young, và nhìn chung, tôi thấy họ đều có vẻ lớn hơn và tự tin hơn tôi - họ kiểm soát được từng tế bào não của mình và được tiếp thêm sức mạnh qua từng câu trắc nghiệm mà họ đã làm đúng trong bài kiểm tra năng khiếu toàn thành phố. [...]

Nếu phân loại những nỗi lo của tôi thời trung học thì phần lớn chúng đều được xếp vào một nhóm: Mình có đủ giỏi chưa? Đó là câu hỏi đã đeo bám tôi suốt tháng đầu tiên, ngay cả khi tôi bắt đầu ổn định, ngay cả khi tôi đã quen với những lần thức dậy khi mặt trời còn chưa ló dạng và di chuyển qua các tòa nhà để đến lớp.

Chiến thuật ban đầu của tôi là giữ yên lặng và cố gắng quan sát các bạn học mới. Rốt cuộc thì những đứa trẻ này là ai? Tôi chỉ biết là họ thông minh. Một sự thông minh đã được chứng thực. Một sự thông minh đã qua tuyển chọn. Chắc hẳn đó là những đứa trẻ giỏi nhất Chicago. Nhưng có phải tôi cũng giống họ không? Có phải tất cả chúng tôi - tôi, Terri và Chiaka - có mặt ở đây vì chúng tôi cũng là những đứa trẻ thông minh như họ không?

Sự thật là tôi không biết. Tôi không biết chúng tôi có thông minh như họ hay không. Tôi chỉ biết chúng tôi là những học sinh giỏi nhất đến từ nơi vốn được cho là ngôi trường thường thường bậc trung chủ yếu chỉ có học sinh da đen theo học trong khu vực cũng thường thường bậc trung chủ yếu chỉ có người da đen sinh sống. Nhưng nếu như vậy vẫn chưa đủ thì sao? Nếu thật ra chúng tôi chỉ là những thằng chột trong xứ mù thì sao?

Noi bat an thoi trung hoc cua Michelle Obama: 'Minh co du gioi chua?' hinh anh 1
Michelle hồi học phổ thông.

Đây chính là nỗi ngờ vực cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi suốt tuần lễ hướng dẫn học viên mới, suốt những giờ học đầu tiên của môn sinh học và tiếng Anh, suốt các cuộc trò chuyện làm quen có phần lóng ngóng của tôi ở căng-tin trường với những người bạn mới. Chưa đủ. Chưa đủ. Đó là nỗi ngờ vực về xuất thân của bản thân và những gì tôi tin về bản thân mình tính tới thời điểm này. Nó giống một tế bào ác tính cứ hăm he phân bào cho đến khi tôi có thể tìm được cách áp chế nó.

"Tôi không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng tôi luôn cố gắng"

Qua hai năm học đầu tiên, tôi đã bắt đầu tạo dựng được sự tự tin mà tôi từng có ở Bryn Mawr. Sau mỗi thành tích nho nhỏ mà tôi đạt được, sau mỗi rắc rối mà tôi khéo léo tránh được, những mối ngờ vực trong tôi từ từ được xóa bỏ.

Tôi thích hầu hết giáo viên của mình. Tôi không ngại giơ tay phát biểu trong lớp. Tại Whitney Young, bạn có thể thoải mái thể hiện sự thông minh. Dù bạn làm gì đi nữa thì người ta cũng tự hiểu là bạn đang nỗ lực để vào đại học, đồng nghĩa với việc bạn không bao giờ cần phải che giấu chuyện bạn thông minh chỉ vì sợ ai đó nhận xét rằng bạn nói năng như một nữ sinh da trắng.

Tôi thích mọi môn học liên quan đến viết lách và vất vả vượt qua môn toán giải tích sơ cấp. Tôi là một học sinh tương đối khá môn tiếng Pháp.

Luôn có những người bạn dẫn trước tôi một hoặc vài bước, những người có vẻ không khó nhọc gì để đạt được thành tích cao, nhưng tôi cố gắng không để điều đó khiến mình chùn chân. Tôi bắt đầu hiểu ra là nếu dành thêm thời gian để học, tôi thường có thể rút ngắn khoảng cách giữa tôi với họ. Tôi không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng tôi luôn cố gắng, và có những học kỳ tôi đã suýt có được danh hiệu đó.

"Tôi sẽ chứng minh cho cô xem"

Noi bat an thoi trung hoc cua Michelle Obama: 'Minh co du gioi chua?' hinh anh 2
Sách Chất Michelle.

Đầu năm cuối cấp ở trường Whitney Young, tôi có buổi gặp gỡ bắt buộc đầu tiên với chuyên viên tư vấn tuyển sinh đại học của mình.

Tôi không nhớ bà khoảng bao nhiêu tuổi, có màu da gì hay bà đã nhìn tôi như thế nào khi tôi xuất hiện trước cửa văn phòng của bà. Khi đó lòng tôi đang khấp khởi tự hào vì sắp được tốt nghiệp với thành tích thuộc nhóm 10% học sinh xuất sắc của lớp, từng được bầu làm thủ quỹ của lớp, được gia nhập Hội Học sinh Ưu tú Quốc gia; và tôi đã xóa bỏ nhận định rằng tôi sẽ xuất hiện với dáng vẻ một cô nữ sinh lớp chín e dè. Tôi không nhớ bà xem xét bảng điểm của tôi trước hay sau khi tôi thông báo là mình muốn nối gót anh trai vào trường Princeton mùa thu năm sau.

Thật ra, có thể trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, giáo viên tư vấn đã nói với tôi vài điều tích cực và hữu ích, nhưng tôi không nhớ gì hết. Vì dù đúng hay sai thì tôi chỉ nhớ mãi một câu mà bà ấy thốt ra. “Cô không chắc là em đủ khả năng học ở trường Princeton”, bà ấy vừa nói vừa trao cho tôi một nụ cười chiếu lệ và vẻ khinh thường.

Bà ấy đã phán xét chóng vánh và tùy tiện, hẳn là dựa trên một phép tính sơ sài nào đó về điểm số và kết quả thi của tôi. Tôi nghĩ đó là cách bà ấy vẫn làm mỗi ngày. Với dáng vẻ chuyên gia giàu kinh nghiệm, bà ấy nói với học sinh cuối cấp về việc nơi nào thích hợp và không thích hợp với họ. Tôi chắc là bà ấy nghĩ mình chỉ đang tỏ ra thực tế. Tôi không nghĩ bà ấy có chút đắn đo nào về cuộc trò chuyện giữa chúng tôi.

Khi người ta liên tục bị gieo vào đầu cảm giác thất bại thì họ sẽ thất bại thật. Tôi cảm thấy đó chính xác là điều mà bà ấy muốn làm - nói về thất bại trước khi tôi thử nỗ lực để thành công. Bà ấy nói tôi nên hạ mục tiêu xuống, một điều hoàn toàn trái ngược với những gì cha mẹ tôi dạy. Nếu tôi tin lời bà ấy thì tuyên bố kia của bà hẳn đã bóp chẹt sự tự tin của tôi một lần nữa và khơi dậy điệp khúc xưa cũ, chưa đủ giỏi, chưa đủ giỏi.

Nhưng ba năm nỗ lực cùng những đứa trẻ giàu tham vọng ở Whitney Young đã dạy tôi rằng tôi có khả năng nhiều hơn thế. Tôi sẽ không để ý kiến của ai đó đánh bật mọi điều mà tôi cho rằng tôi hiểu về bản thân mình. Thay vào đó, tôi thay đổi phương pháp thực hiện mục tiêu của mình. Tôi nộp hồ sơ vào Princeton và chọn thêm vài trường khác, nhưng hoàn toàn không cần thêm bất kỳ nhận định nào từ vị chuyên viên tư vấn tuyển sinh đó nữa. Tôi tìm sự giúp đỡ của một người thật sự hiểu tôi: thầy Smith, trợ lý hiệu trưởng và cũng là hàng xóm của tôi. Thầy đã nhìn thấy thế mạnh trong học tập của tôi và đồng ý viết cho tôi một lá thư giới thiệu.

Tôi chưa bao giờ nghĩ vào đại học là chuyện dễ dàng, nhưng tôi đang học cách tập trung và đặt niềm tin vào câu chuyện của riêng mình. Tôi tìm cách trình bày tất cả những điều ấy vào bài luận tuyển sinh của mình. Thay vì giả vờ là một đứa cực kỳ trí tuệ và sẽ vô cùng phù hợp với môi trường bên trong những bức tường phủ đầy dây thường xuân của Princeton, tôi viết về chứng đa xơ của cha và việc cả nhà tôi không có ai được học lên cao. Tôi thừa nhận và làm chủ một thực tế là tôi đang vươn đến một điều nằm ngoài tầm với. Trong hoàn cảnh của mình, vươn lên chính là tất cả những gì tôi có thể làm.

Và cuối cùng, tôi nghĩ tôi đã chứng tỏ được cho vị giáo viên tư vấn tuyển sinh kia thấy năng lực của mình, vì sáu hay bảy tháng sau đó, một lá thư đã được gửi đến hộp thư nhà chúng tôi trên Đại lộ Euclid. Đó là thư mời tôi nhập học trường Princeton. Đêm đó, cha mẹ và tôi đã ăn mừng bằng một chiếc pizza do cửa hàng Italian Fiesta giao tận nhà. Tôi gọi cho anh Craig và khoe tin mừng. Hôm sau tôi gõ cửa nhà thầy Smith và báo về việc tôi trúng tuyển, cảm ơn thầy đã hết lòng giúp đỡ tôi. Tôi chưa bao giờ ghé qua chỗ cô chuyên viên tư vấn tuyển sinh kia để nói với bà là bà đã sai, rằng thực tế thì tôi hoàn toàn có khả năng vào Princeton. Làm như thế không đem lại lợi ích gì cho tôi hay bà ấy. Mà xét cho cùng thì tôi đâu cần phải chứng minh điều gì với bà ấy. Tôi chỉ cần chứng tỏ bản thân mà thôi.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025