“Loạt phim truyền hình nổi tiếng nhất thế giới” Game of Thrones sẽ kết thúc vào năm 2019 ở mùa 8. Tất nhiên, HBO không dễ dàng gì buông bỏ con gà đẻ trứng vàng của mình. Theo dự kiến, it nhất 5 phần ăn theo của Game of Thrones đang được kênh này phát triển và chuẩn bị đưa vào sản xuất.
Thế giới giả tưởng của George R. R Martin chính là chìa khóa đã đưa HBO trở lại thời kỳ hoàng kim của mình trong bối cảnh internet thống trị mọi mặt đời sống khiến cho màn ảnh nhỏ dần thất thế trước các website và ứng dụng xem phim trực tuyến. Điều quan trọng nhất là nó vẫn còn nhiều chất liệu để khai thác và hàng triệu người hâm mộ của loạt tiểu thuyết Game of Thrones trên thế giới sẵn lòng theo dõi những câu chuyện ưa thích của họ được kể lại bằng ngôn ngữ phim ảnh.
Tạp chí Time đã gọi Game of Thrones là loạt phim truyền hình nổi tiếng nhất thế giới
Netflix và Amazon – hai ông trùm trong lĩnh vực xem phim trực tuyến - có được lợi thế từ dòng chảy thời đại đã phát triển chóng mặt trong vài năm ngắn ngủi với hàng loạt chương trình tự sản xuất được giới chuyên môn đánh giá cao. Mặc dù vậy, thành công quá lớn của Game of Thrones đã khiến cho họ buộc phải nghĩ lại.
Các chương trình do Netflix và Amazon làm ra tuy được khán giả yêu thích nhưng hoàn toàn bị lép vế nếu so sánh với Game of Thrones. Những nhà đầu tư của hai công ty này thèm khát một sản phẩm có sức hút tương tự như thế. Do đó, họ đã tìm đến những thương hiệu văn học lâu đời hơn ở cùng thể loại thay vì một cái tên mới để tránh rủi ro về mặt nội dung. Như lẽ hiển nhiên, The Lord of The Rings chính là lựa chọn đầu tiên.
Loạt tiểu thuyết The Lord of the Rings (1954-1955) cùng nhiều tác phẩm ăn theo khác của nhà văn người Anh J.R.R Tolkien được đánh giá là tuyệt tác trong thể loại văn học giả tưởng. Kể cả Harry Potter của J.K Rowling cũng ảnh hưởng không ít. Nó nhiều lần được làm thành phim điện ảnh, truyền hình và hoạt họa.
Nổi tiếng nhất trong số đó là loạt phim điện ảnh The Lord of The Rings (2001-2003) và The Hobbit (2012-2014) của đạo diễn Peter Jackson do New Line Cinema sản xuất. Tổng doanh thu tiền vé từ 6 phần phim này đã cán mốc 6 tỉ USD trên toàn cầu và kèm theo đó là 18 tượng vàng Oscar, bao gồm hạng mục “Phim xuất sắc nhất” cho The Lord of the Rings: The Return of the King.
Nhằm khắc họa một cách chân thật nhất trí tưởng tượng của Tolkien, Peter Jackson đã sử dụng nhiều công nghệ làm phim hiện đại và đẩy kinh phí sản xuất lên cao kỷ lục. Cho tới hiện tại, The Lord of the Rings vẫn là dự án tham vọng nhất trong lịch sử Hollywood khi vận động kinh phí 280 triệu USD – một con số khổng lồ vào thời điểm đó - và cùng lúc ghi hình cho cả 3 phần phim bất chấp việc thành công của phần đầu vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Trên thực tế, nếu thất bại thì phá sản sẽ là cái kết cuối cùng cho New Line Cinema. May mắn thay là điều đó đã không xảy ra.
Thành công của loạt phim điện ảnh cũng đã ngầm đặt ra một tiêu chuẩn cho những tác phẩm khác dựa trên các tiểu thuyết của Tolkien ra mắt sau này. Chất lượng phải ngang bằng hoặc không được thua kém quá nhiều. Chính vì thế, giá trị cho bản hợp đồng chuyển thể chúng sang phim dài tập là cực kỳ lớn.
Cuối năm 2017, Warner Bros Television thông báo đang phát triển phiên bản phim truyền hình của The Lord of the Rings. Thế nhưng Amazon với tiềm lực kinh tế dồi dào đã vượt mặt mọi đối thủ - bao gồm Netflix – để giành lấy dự án này.
Theo Deadline, Amazon đã chi 250 triệu USD – một con số không tưởng cho lĩnh vực phim dài tập. Và đó là chưa bao gồm chi phí sản xuất dự kiến sẽ ngốn thêm vài trăm triệu USD nữa.
Cay cú, Netflix liền nghĩ ra phương pháp thay thế và lựa chọn đến sau đó không ai khác chính là người bạn thân của Tolkien tại đại học Oxford – nhà văn người Ireland C.S Lewis.
J.R.R Tolkien (trái) và C.S Lewis là bạn thân từ khi làm việc chung tại đại học Oxford
Cuối tuần trước, Netflix đã tự hào công bố việc chuyển thể loạt tiểu thuyết về vùng đất thần thoại Narnia thành nhiều loạt phim dài tập và phim điện ảnh sau thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD từ C.S Lewis Co – đơn vị nắm giữ mọi bản quyền liên quan đến Narnia.
Trước đây, Narnia từng nhiều lần được chuyển thể sang màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ bất chấp việc C.S Lewis phản đối ý tưởng này vì cho rằng nó sẽ phá hoại tính thần thoại trong tác phẩm của ông.
Loạt phim điện ảnh The Chronicles of Narnia gồm 3 phần của Walt Disney công chiếu từ năm 2005 đến 2010 đã kiếm được 1,5 tỉ USD tiền vé. Điều này chứng tỏ sức hút của Narnia là không hề thua kém The Lord of the Rings.
The Chronicles of Narnia: The Lion, the Witch and the Wardrobe là bộ phim có doanh thu cao thứ 3 trong năm 2005
Mark Gondon – nhà sản xuất nổi tiếng với những loạt phim truyền hình như Criminal Minds và Grey’s Anatomy – là người đứng đầu bộ phận giám chế. “Chúng tôi nôn nóng bắt tay vào thực hiện nhiều dự án xoay quanh Narnia”, ông nói trong thông cáo gửi cho báo chí.
“Biên niên sử về vùng đất Narnia của C.S Lewis đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả trên thế giới. Hàng triệu gia đình chìm đắm vào thế giới ấy và yêu mến những nhân vật như Aslan. Chúng tôi tự hào là đơn vị tiếp tục đưa Narnia đến với họ trong nhiều năm sắp tới”, Ted Sarandos - giám đốc nội dung của Netflix – nói với tờ Entertainment Weekly.
Douglas Gresham – con trai kế của C.S Lewis và là chủ tịch C.S Lewis Co – tự tin vào khả năng Netflix. “Thật tuyệt khi biết rằng mọi người từ khắp nơi trên thế giới đều mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn từ Narnia. Những tiến bộ trong công nghệ làm phim đã giúp chúng ta có thể làm cho cuộc phiêu lưu của Narnia trở nên sống động hơn bao giờ hết. Và Netflix có vẻ là đơn vị tốt nhất để đạt được mục tiêu này”, ông viết trong một thông cáo.
Vậy là 3 ông lớn – HBO, Amazon và Netflix – đều đã sở hữu những quân át chủ bài của mình cho cuộc chiến câu rating sắp tới: Game of Thrones, The Lord of the Rings và The Chronicles of Narnia.
Chưa hết, Amazon còn củng cố thêm thực lực bằng cách đưa The Wheel of Time vào sản xuất. Đây là loạt tiểu thuyết cùng tên thuộc thể loại thần thoại gồm 14 phần của nhà văn người Mỹ James Oliver Rigney, Jr.
Từ trước đến nay, điện ảnh không phải là phương tiện hiệu quả nhất để cụ thể hóa các thế giới giả tưởng từ trang sách bởi vì thời lượng là không bao giờ đủ. Loạt phim Harry Potter mặc dù thành công về mặt thương mại nhưng không được cộng đồng fan trung thành đánh giá cao do giản lược quá nhiều chi tiết nhằm bảo đảm thời lượng khi ra rạp. Trong khi đó, các kênh truyền hình thì không đủ kinh phí để đảm đương yếu tố kỹ xão. Sản phẩm làm ra dễ bị nửa vời và bị fan tẩy chay.
May mắn thay, thời thế đã thay đổi. Đòi hỏi ngày càng cao của khán giả đã kéo theo nỗ lực gấp mấy chục lần từ các kênh truyền hình lẫn website xem phim trực tiếp. Họ buộc phải làm ra những sản phẩm cực kỳ chất lượng nếu mong muốn sống sót và phát triển.
Có thể nói, chưa bao giờ mà những câu chuyện thần thoại và giả tưởng nổi tiếng nhất trong văn học lại đồng loạt xuất hiện trên màn ảnh nhỏ (và màn hình vi tính) như thế này. Và dù ai thắng hay thua thì bên có lợi vẫn sẽ là khán giả.
Hãy cùng chờ đợi kết quả, nhưng ít nhất cũng là sau vài năm nữa.
Mai Thảo