Cởi trói linh hồn - Sức mạnh của sự tách rời: Làm sao để có một bản ngã sáng suốt

15/06/2020 14:15
Cởi trói linh hồn - Sức mạnh của sự tách rời: Làm sao để có một bản ngã sáng suốt

Trích dẫn chương 4, cuốn sách Cởi trói linh hồn

Có một loại giấc mơ được gọi là mơ tỉnh, tức là bạn biết bạn đang mơ. Nếu bạn mơ thấy mình đang bay, bạn biết bạn đang bay. Bạn nghĩ: “Í, xem này! Mình đang mơ thấy mình đang bay. Mình sẽ bay qua đó.” Bạn thực sự đủ tỉnh táo để biết bạn đang bay trong giấc mơ và bạn đang mơ giấc mơ đó. Giấc mơ đó khác xa với những giấc mơ thông thường khi bạn hoàn toàn chìm vào giấc mơ. Bạn phân biệt được sự khác nhau này cũng giống y như khi bạn thấy được sự khác nhau giữa việc biết mình đang nhận biết trong cuộc sống hàng ngày, và không biết mình đang nhận biết.

Khi bạn là một người có nhận thức, bạn không còn trở nên đắm chìm hoàn toàn vào các sự kiện xung quanh bạn. Thay vào đó, bên trong bạn luôn nhận biết rằng bạn chính là người đang trải nghiệm các sự việc xảy ra và cả những suy nghĩ, cảm xúc đối với những sự việc đó. Khi một ý nghĩ được tạo ra trong trạng thái có nhận thức thì thay vì lạc lối trong đó, bạn sẽ vẫn biết rằng bạn là người đang có ý nghĩ đó. Bạn sáng suốt, minh mẫn.

Điều này khơi lên một số câu hỏi thú vị. Nếu bạn là cái chủ thể ở bên trong bạn đang trải nghiệm tất cả những điều này thì tại sao lại có sự tồn tại của nhiều cấp độ nhận thức khác nhau? Khi bạn ở tại vị trí nhận thức của Bản thân, bạn sẽ tỉnh táo và sáng suốt. Vậy bạn ở đâu khi bạn không ở vị trí đủ sâu trong Bản thân để trở thành người tiếp nhận có ý thức tất cả những gì mà bạn đang trải qua?

Trước hết, tâm thức sở hữu cái gọi là “khả năng tập trung”. Đó là một phần tự nhiên của tâm thức. Bản chất của tâm thức là sự nhận biết, và sự nhận biết có khả năng điều chỉnh để trở nên nhận biết nhiều hơn về một sự việc và nhận biết ít hơn về một sự việc khác. Nói cách khác, nó có khả năng tự điều khiển sự tập trung vào những khách thể nhất định. Giáo viên nói: “Tập trung nghe thầy nói này!” Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là bạn phải tập trung ý thức vào một nơi. Giáo viên nghĩ là bạn tự biết cách để làm điều đó. Ai dạy bạn cách làm điều đó? Từ lớp mấy ở trường trung học bạn đã được dạy cách nắm bắt ý thức và chuyển dịch nó đến một chỗ nào đó để tập trung vào một điều gì đó? Không ai dạy bạn cả. Đó là trực giác và tự nhiên. Bạn luôn tự biết cách làm điều đó.

Vì vậy, chúng ta đều biết rằng tâm thức có tồn tại; chỉ là chúng ta không thường bàn về nó mà thôi. Có lẽ bạn đã đi qua các bậc tiểu học, trung học, và đại học mà không nghe bất kỳ ai thảo luận về bản chất của tâm thức. May mắn thay, bản chất của tâm thức được nghiên cứu rất kỹ trong các pháp môn sâu sắc, như yoga chẳng hạn. Thật vậy, những bài giảng yoga cổ xưa đều bàn nhiều về tâm thức.

Cách tốt nhất để tìm hiểu về tâm thức là thông qua trải nghiệm trực tiếp của riêng bạn. Ví dụ, bạn biết rất rõ rằng tâm thức của bạn có thể nhận biết cùng lúc nhiều đối tượng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, hoặc có thể chỉ tập trung vào một đối tượng đến mức không nhận biết được bất kỳ đối tượng nào khác. Đó là hiện tượng xảy ra khi bạn bị lạc trong suy nghĩ. Bạn có thể đang đọc, và sau đó đột nhiên không đọc nữa. Việc này xảy ra như cơm bữa. Bạn bất chợt chuyển sang suy nghĩ miên man về một điều gì khác. Những đối tượng bên ngoài hoặc những ý nghĩ bên trong chỉ thu hút được sự chú ý của bạn vào một thời điểm nào đó thôi. Nhưng dù tập trung vào thế giới bên ngoài hay những suy nghĩ bên trong thì đó đều cùng là nhận thức.

Điều mấu chốt là tâm thức có khả năng tập trung vào những thứ khác nhau. Chủ thể tâm thức có khả năng tập trung nhận thức lên những đối tượng cụ thể một cách chọn lọc. Nếu lùi lại quan sát, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng rằng các khách thể liên tục lướt qua trước mắt bạn ở cả ba cấp độ: suy nghĩ, cảm xúc, và thể xác. Khi bạn không ở vị trí trung tâm của tâm thức, tâm thức của bạn sẽ luôn bị hút về một hoặc nhiều khách thể đang diễn ra trước mắt bạn và tập trung đến chúng. Nếu bạn tập trung nhiều đến mức nào đó, ý thức nhận biết của bạn sẽ đắm mình vào khách thể. Tập trung đến mức nó không còn biết rằng nó đang nhận thức về khách thể; nó chỉ trở nên ý thức về một khách thể. Bạn có bao giờ để ý rằng khi bạn đang tập trung quá sâu vào một chương trình ti vi, đến mức bạn sẽ để ý là bạn đang ngồi ở đâu hoặc những gì khác đang diễn ra trong phòng?

Những khách thể chẳng hạn như ti vi là ví dụ hoàn hảo nhất để chúng ta quan sát cách mà trung tâm tâm thức của chúng ta chuyển từ trạng thái nhận thức về Bản thân sang tình trạng chìm đắm vào khách thể mà chúng ta đang tập trung vào. Điểm khác biệt là thay vì ngồi trong phòng khách say sưa xem ti vi, bạn ngồi ở vị trí trung tâm của tâm thức và chìm đắm vào màn hình của tâm trí, theo dõi những cảm xúc và những hình ảnh trước mắt. Khi bạn tập trung vào thế giới của các giác quan, thế giới này sẽ kéo bạn vào. Và rồi, những phản ứng về mặt cảm xúc và tri giác sẽ kéo bạn vào sâu hơn. Lúc đó, bạn sẽ không còn an vị tại trung tâm nhận thức về Bản thân nữa; bạn đã bị nhấn chìm vào những thứ tương tự như chương trình TV mà bạn đang xem bên trong tâm trí của bạn.

Hãy quan sát “những chương trình TV” bên trong tâm trí đó. Bạn có một kiểu suy nghĩ cơ bản luôn diễn ra xung quanh bạn. Kiểu suy nghĩ này không thay đổi tại mọi thời điểm. Bạn cảm thấy quen thuộc và thoải mái với kiểu suy nghĩ thông thường này giống như đang ở trong không gian sống thân thuộc của gia đình bạn. Những cảm xúc bên trong bạn cũng theo một quy chuẩn riêng: một mức độ sợ hãi nhất định, một cấp độ yêu thương nhất định, và một ngưỡng bất an nhất định.

Bạn biết rằng nếu những sự việc nào đó xảy ra, một hoặc nhiều những cảm xúc kiểu như trên sẽ bùng lên và chi phối phần lớn nhận thức của bạn. Rồi, cuối cùng chúng sẽ ổn định lại ở mức chuẩn ban đầu. Bạn biết rõ điều này nên tâm trí bạn luôn bận rộn để đảm bảo không có điều gì xảy ra bất ngờ tạo nên những rối loạn. Thật vậy, bạn quá bận tâm đến việc kiểm soát thế giới ý nghĩ, cảm xúc và cảm giác vật lý của bạn đến nỗi bạn hầu như không biết chính mình đang ở trong đó. Đây là trạng thái bình thường đối với hầu hết mọi người.

Khi bạn đang ở trong trạng thái “lạc trôi” này, bạn sẽ hoàn toàn bị chìm đắm trong các khách thể như suy nghĩ, cảm xúc và các giác quan, đến nỗi bạn quên bẵng chủ thể. Ngay bây giờ, bạn đang ngồi ở vị trí trung tâm của tâm thức để xem chương trình truyền hình trong tâm trí bạn. Nhưng có quá nhiều đối tượng hấp dẫn khiến tâm thức của bạn sao lãng, đến độ bạn không thể giữ mình để không bị chúng cuốn hút. Sự lôi cuốn của chúng quá áp đảo! Đó là những hình ảnh sống động ba chiều. Chúng ở mọi nơi xung quanh bạn. Tất cả các giác quan của bạn đều hút bạn vào – thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, và xúc giác – và cả những cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Nhưng thực ra bạn vẫn đang còn an vị ở bên trong nhìn ra quan sát tất cả những khách thể này.

Tương tự như mặt trời không rời bỏ vị trí của nó trên bầu trời để chiếu sáng các vật thể bằng ánh sáng chói chang của mình, tâm thức cũng luôn ở vị trí trung tâm của nó để chiếu nhận thức lên các khách thể như hình thể, suy nghĩ và cảm xúc. Nếu bạn muốn ở lại vị trí trung tâm của tâm trí bạn, chỉ cần lặp đi lặp lại câu nói “xin chào” bên trong bạn. Và rồi bạn nhận ra rằng bạn đang nhận biết suy nghĩ đó. Đừng nghĩ nhiều về việc nhận thức nó; chỉ xem đó đơn thuần là một suy nghĩ như mọi suy nghĩ khác mà thôi. Đơn giản chỉ cần thư giãn và nhận biết rằng bạn đang nghe thấy tiếng “xin chào” vang lên trong tâm trí. Đó là vị trí tâm thức trung tâm của bạn.

Trò chuyện bằng âm nhạc: Vượt qua ranh giới Đông và Tây - ảnh 4

Bạn có thể nhập mã FNSFHST6 để giảm thêm 5% khi mua sách Cởi Trói Linh Hồn tại Fahasha: https://bit.ly/coi-troi-linh-hon-2020-fhs (Thời hạn sử dụng đến hết ngày 30/06/2020).


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025