Định nghĩa của ông về sự sợ hãi, về cách nỗi sợ xâm chiếm con người như thế nào đã cuốn lấy tâm trí tôi, một con người cũng từng bị nỗi sợ bao phủ suy nghĩ. Đọc và ngẫm nghĩ từng câu từ trong Cởi trói linh hồn, tôi có cảm giác như ông thật sự thấu hiểm về tâm lý và suy nghĩ của con người, một giống loài phức tạp. Bạn sẽ sống trong khi bị nỗi sợ chi phối tâm trí hay sống tự do?
Quá trình khám phá Bản thân liên quan mật thiết đến sự khai mở của cuộc sống với mỗi người. Những thăng trầm luôn xảy ra trong cuộc sống mỗi người hoặc là có thể giúp cá nhân đó trưởng thành hoặc tạo ra những nỗi sợ hãi trong họ. Cái nào chiếm ưu thế thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của cá nhân đó về sự thay đổi.
Thay đổi có thể được xem là nguồn khởi hứng với người này nhưng lại là nỗi lo đối với người khác, nhưng bất kể chúng ta nghĩ về nó như thế nào thì tất cả chúng ta vẫn phải đối mặt với thực tế rằng thay đổi là bản chất của cuộc sống. Nếu là người hay lo sợ, bạn sẽ không thích sự thay đổi. Bạn sẽ cố gắng tìm cách tạo ra xung quanh bạn một thế giới có thể đoán trước, có thể kiểm soát được và đúng như bạn đã định sẵn. Bạn sẽ cố gắng tạo ra một thế giới không gây ra nỗi sợ nào cho bạn. Nỗi sợ hãi đôi khi không chỉ là cảm giác sợ hãi; nỗi sợ hãi thực sự là nỗi sợ về chính nó.
Vì vậy, bạn hãy vận dụng tối ưu tâm trí của bạn để hướng đến mục đích là sống một cuộc đời không sợ hãi.
Con người không hiểu rằng nỗi sợ chỉ đơn thuần là một vật thể. Nó chỉ là một trong vô số những khách thể trong vũ trụ mà bạn có khả năng trải nghiệm. Bạn có thể làm một trong hai điều sau đây với nỗi sợ: Bạn có thể nhận ra rằng nó có trong bạn và phóng thích nó, hoặc bạn giữ nó bên trong và cố gắng che dấu nó. Do mọi người không đối diện với nỗi sợ một cách khách quan nên không hiểu nó. Thường thì họ cứ khư khư giữ lấy nỗi sợ hãi và cố ngăn chặn những gì sẽ xảy ra mà có nguy cơ gây ra cho họ nỗi sợ. Họ sống qua từng ngày, luôn cố tạo ra một đời sống an toàn nhất có thể và trong tầm kiểm soát bằng cách định sẵn trong tâm trí rằng họ cần một cuộc sống như thế nào để luôn cảm thấy ổn. Tuy nhiên, đây mới chính là điều khiến thế giới đáng sợ hơn.
Quan điểm này nghe có vẻ không đáng sợ. Nhưng không phải vậy. Nếu bạn làm thế, thế giới thực sự trở nên đáng lo ngại. Cuộc sống sẽ rơi vào tình cảnh tôi đối kháng với nó. Khi trong bạn tồn tại nỗi sợ hãi, sự bất an hoặc yếu đuối, và bạn cố gắng giữ cho nó khỏi bị kích thích, sẽ không tránh khỏi có những sự kiện hoặc những thay đổi trong cuộc sống thách thức những cố gắng của bạn. Bởi vì bạn chống lại những thay đổi nên bạn có cảm giác đang phải vật lộn với cuộc sống.
Bạn cảm thấy một ai đó không hành xử theo cách họ nên làm, hay một sự kiện nào đó không diễn ra theo cách bạn muốn. Bạn nhận thấy nhiều tình huống đã xảy ra trong quá khứ gây nhiều trở ngại cho bạn, và bạn cũng xem những sự việc xảy đến trong tương lai đều là những vấn đề tiềm tàng. Những điều mong muốn và không mong muốn, những điều tốt và xấu, tất cả đều xảy đến với bạn bởi vì bạn đã định sẵn những điều cần phải như thế nào để an lòng bạn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang làm theo cách nói trên, nhưng không ai tự đặt nghi vấn về điều đó. Chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta phải định hình cuộc sống của chúng ta nên như thế nào, và sau đó làm mọi cách để nó xảy ra theo hướng đó. Chỉ những ai có cái nhìn sâu hơn, và thắc mắc tại sao chúng ta lại cần những sự kiện phải xảy ra theo một cách nào đó theo ý của chúng ta, mới nghi ngờ điều này. Do đâu chúng ta lại có quan niệm rằng cuộc sống không ổn chút nào nếu cứ mặc nó như vậy hoặc tương lai cũng chẳng ra đâu nếu cứ để mọi thứ diễn ra theo cách của nó? Ai nói rằng cuộc sống mở ra theo cách tự nhiên là không ổn?
Câu trả lời là, chỉ có nỗi sợ hãi mới nói như vậy. Chính cái phần đang cảm thấy không ổn với chính nó bên trong bạn mới không thể đối mặt với sự khai mở tự nhiên của cuộc sống vì nó không nằm dưới sự kiểm soát của bạn. Nếu cuộc sống mở ra theo cách kích hoạt những vấn đề nội tại của bạn theo như cách bạn định nghĩa, thì quả là không ổn. Bạn quan niệm thật đơn giản: Cái gì không gây phiền toái cho bạn thì ổn và cái gì khiến bạn phiền lòng thì không ổn. Chúng ta thường định nghĩa toàn bộ phạm vi kinh nghiệm về thế giới bên ngoài của chúng ta dựa vào các vấn đề nội tại của chính chúng ta. Nếu bạn muốn phát triển về tâm linh, bạn phải thay đổi cách định nghĩa này. Nếu bạn cho rằng sự hình thành cuộc sống dựa trên phần rối ren nhất trong con người bạn, vậy thì bạn mong đợi thế giới sẽ trông như thế nào? Ắt hẳn nó sẽ trông giống như một mớ hỗn độn kinh khủng.
Khi phát triển tâm linh, bạn sẽ nhận ra rằng những nỗ lực bảo vệ bản thân tránh khỏi những rắc rối thực sự lại càng tạo ra nhiều rắc rối hơn. Nếu bạn càng ra sức sắp xếp con người, nơi bạn sống, và mọi việc để chúng không gây rắc rối cho bạn, thì bạn lại càng cảm thấy như thể cuộc sống đang chống lại bạn. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống là một cuộc tranh đấu và mỗi ngày đều nặng nề vì bạn phải giành quyền kiểm soát và đấu tranh với mọi thứ. Sẽ có sự cạnh tranh, ganh ghét đố kỵ và nỗi sợ hãi. Bạn sẽ cảm thấy rằng bất cứ ai cũng có thể gây phiền toái cho bạn vào bất cứ lúc nào.
Chỉ cần một lời nói hoặc một hành xử nào đó của họ thôi cũng khiến bạn nghĩ ngay rằng điều này sẽ gây xáo trộn bên trong bạn. Điều đó biến cuộc sống thành mối đe doạ. Đó là lý do bạn phải lo lắng quá nhiều. Đó là lý do những cuộc đối thoại kiểu này cứ diễn ra hoài trong tâm trí bạn. Dẫn đến việc hoặc là bạn cố gắng để tìm cách ngăn sự việc đó không xảy ra, hoặc bạn cố gắng suy tính phải làm gì bởi vì chúng đã xảy ra rồi. Bạn đang phải chiến đấu với vạn vật, và chính điều này đã biến thế giới trở nên đáng sợ trong cuộc sống của bạn.
Theo Cởi trói linh hồn
Chau Anh Bui - Bookademy