01
Một vài năm đổ lại đây, có một xu hướng đang lan rộng ra tại nhiều nước Á Đông. Đó chính là "tang ping" - lối sống được hiểu là thay vì làm việc suốt đời để mua nhà như trước, con người ta chỉ theo đuổi cuộc sống bình thường. Nói cách khác là... nằm thẳng cẳng và mặc kệ đời.
Dẫu mỗi người có một lựa chọn cho cuộc đời mình nhưng "tang ping" suy cho cùng vẫn là một lối sống có phần tiêu cực và dễ dàng xuất hiện ở nhiều lứa tuổi. Nhẹ hơn "tang ping" và tập trung chủ yếu vào giới trẻ thì ta đang nhắc đến ở đây chính là hiện tượng "thế hệ ngồi xổm".
"Thế hệ ngồi xổm" nghĩa là gì?
Hiểu nôm na, có một bộ phận người trẻ như vậy, học thức cao, không công việc cụ thể, không đam mê, không ham muốn cạnh tranh. Họ thuê nhà ở những thành phố hạng nhất, không thích về quê nhưng cũng không có tham vọng lập nghiệp. Nói tóm lại một câu, họ thích ở nhà, không thích đi làm.
Có một topic tôi từng đọc và còn nhớ mãi. Topic có tiêu đề: "Mặc áo ngắn tay ra ngoài, bỗng phát hiện trời đã sang đông".
Topic kể về một chàng trai sau khi tốt nghiệp quyết định về quê viết sách toàn thời gian vì không tìm được công việc ưng ý ở thành phố. Nhưng ngày qua ngày lại, nhiệt huyết sáng tác của anh ta dần nguội lạnh. Vậy là mỗi ngày, ngoài chơi game anh ta chỉ biết order đồ ship và chờ đợi.
Một đêm Giáng sinh nọ, anh ta xuống nhà đón bạn gái đi ăn tối. Bước ra khỏi hành lang, anh ta mới phát hiện ngoài trời đang đổ mưa phùn, gió thì rít từng cơn. Hóa ra, trời đã qua mùa đông từ bao giờ mà anh ta vẫn đang mặc chiếc áo ngắn tay.
Những câu chuyện như vậy thực tế chẳng hề hiếm trong giới trẻ ngày nay.
Quả thực, chẳng biết từ bao giờ, càng ngày càng có nhiều người trẻ chán ngấy kiểu làm việc sáng 8 giờ đi, chiều 4 giờ về, dẫu họ chỉ là công nhân bình thường hay nhân viên công sở "ăn trắng mặc trơn".
Trong mắt họ, những công việc lặp đi lặp lại này quá sức nhàm chán. Việc sáng đến check-in, chiều về check-out cũng quá sức nhàm chán. Ngay cả khi cha mẹ họ nghĩ rằng cuộc sống như vậy là vô cùng đáng mơ ước, họ vẫn không muốn đi làm. Nếu bắt buộc phải đi, họ sẽ trong tình trạng người thì ngồi văn phòng còn hồn đã bay tận đẩu tận đâu.
MXH luôn tràn ngập những bình luận kiểu: "Luôn có 5-6 ngày trong tuần bạn chẳng muốn đi làm"/ "Chỉ những người không có tài năng gì mới phải bán thời gian để đổi lấy tiền"/ "Đi làm là lãng phí thời gian và tuổi trẻ"...
Thậm chí, ngay cả "đi làm" cũng trở thành một từ nghe thôi đã thấy khó chịu và bức bối trong người.
Theo một báo cáo của Talentnet - Mercer vào tháng 6/2020, tỷ lệ nghỉ việc tại các doanh nghiệp nội là 9,5%, các công ty nước ngoài (MNC) là 7,5%. Talentnet dự báo tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên ở các doanh nghiệp nội sẽ tiếp tục tăng cao. Và sự thật chứng minh, trong khi kinh tế đang chuyển từ giai đoạn "cấp cứu" sang phục hồi, tình hình nhân sự lại có chiều hướng chuyển từ phục hồi sang "báo động" với những tình huống nghỉ việc khó ngờ đến.
"Không công việc, không xã giao" - Tại sao người trẻ hiện tại lại ghét đi làm tới vậy?
02
Thực tế cho thấy, trong số những người trẻ không muốn đi làm , dù thích ở nhà thật nhưng không phải họ không có tài năng và năng lực. Thay vì nhàng nhàng, không gì quá mức nổi trội một cách bị động, họ chủ động chọn cho mình lối sống như thế.
Họ tự cho bản thân một kỳ nghỉ dài hơi, có lẽ vì tạm thời chưa tìm được điều mình thích hoặc đã tìm được nhưng lại khổ não vì thực tế quá xa vời, không dám theo đuổi điều mình mong muốn. Cứ thế, họ không dám đối mặt với thực tế, chỉ biết quanh quẩn ở nhà.
Một vài ngày trước, tôi lượn lờ Facebook và tìm thấy một bài đăng. Chủ post tâm sự anh ta đã ở nhà không đi làm suốt 3 năm qua, người yêu chính là... chiếc giường, có ra cửa cũng đi xa không quá 500m, chỉ ghé duy nhất tiệm cơm và cửa hàng tiện lợi ngay tầng dưới để bổ sung lương thực thực phẩm.
Trong 3 năm này, anh ta không có công việc ổn định nào, không giao tiếp xã hội, thuê một căn phòng vỏn vẹn 10m2, ăn cả núi đồ ăn nhanh và mỳ ăn liền, uống 3-4 tấn nước ngọt. Người bạn đồng hành duy nhất của anh ta là chiếc điện thoại di động và anh ta đã xem hết hơn 100 bộ phim truyền hình dài tập.
Những thứ hỗ trợ cuộc sống "ngồi xổm" này của anh ta là: tiết kiệm, vay thấu chi tiêu dùng, vay trực tuyến, sử dụng thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng khác nhau...
Bên dưới bài đăng của chủ post, kỳ lạ là có rất nhiều người trẻ khác vào đồng cảm. Ví dụ:
- "Cũng vì ở nhà 2 năm trời và chỉ ăn 1 bữa/ ngày, tôi đã giảm từ 140kg xuống còn 90kg, nhưng tôi dường như cũng mất hết các ham muốn trên đời, cũng chẳng còn cảm nhận được những cảm xúc buồn vui giận hờn".
- "Tôi thì khá hơn một chút, tuy chỉ ở nhà nhưng mỗi ngày tôi vẫn kiếm được 600k, trích ra 200k trả tiền phòng, 200k ăn uống và 200k rượu thuốc, nạp game, lên mạng...".
Và cũng có những người sau một thời gian nằm nhà và mang trên mình cả đống nợ thì đã bắt đầu rục rịch kế hoạch tìm việc...
Cuộc đua "ngồi xổm" này đã hoàn toàn kiểm chứng cho câu nói: "Cố gắng chưa chắc đã thành công, nhưng không cố gắng chắc chắn sẽ rất thoải mái".
"Thế hệ ngồi xổm" là sản phẩm của thời đại này, nhưng trên thực tế, các thành viên của "thế hệ ngồi xổm" không muốn đi làm song không đồng nghĩa với việc họ không muốn làm việc. Bởi vì "đi làm" và "làm việc" là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, nên khi hầu hết mọi người nói rằng họ "không muốn đi làm", thực chất là họ chưa tìm được công việc ưng ý.
"Đi làm" là một loại "giao dịch thương mại" giữa cá nhân và công ty. Nếu công ty trả tiền để mua thời gian làm việc của bạn, bạn phải tuân theo nội quy công ty quy định, đến một địa điểm được quy định để làm những việc quy định trong khoảng thời gian quy định.
Trong khi đó, "công việc" hay "làm việc" đơn thuần lại là một trong những phương tiện để một người ổn định cuộc sống hoặc nhận ra giá trị bản thân.
Tóm lại: đi làm là làm việc cho người khác, và làm việc là làm cho chính mình.
Thật vậy, hầu hết mọi người không được sinh ra để ghét đi làm. Ngược lại, người trẻ bây giờ tuy được coi là "thế hệ ngồi xổm" song thực tế, họ lại luôn mong muốn tìm được việc làm và khẳng định giá trị bản thân ngay khi vừa tốt nghiệp, rời ghế nhà trường, bước chân vào xã hội. Bởi khi ấy, họ cảm thấy mọi thứ trong xã hội đều quá mới mẻ và muốn thử sức. Nhưng tư duy đó có trước khi họ hình thành khái niệm và sở hữu cho mình những kinh nghiệm đi làm thực sự.
Nói cách khác, họ nhầm lẫn 2 khái niệm "đi làm" và "làm việc" thành một, và họ mong mỏi có được niềm vui thì mới chịu đi làm. Tuy nhiên, càng làm việc lâu, họ sẽ thấy rằng bản chất của việc đi làm thực chất là để kiếm sống. Điều này trái ngược với những ảo tưởng đẹp đẽ họ vốn có trong đầu.
Một lần vỡ mộng thành ám ảnh, họ không còn động lực đi làm nữa. Đó là lý do tại sao một số người phàn nàn rằng "đi làm là lãng phí tuổi trẻ".
03
Sống hết mình vì những điều bạn yêu thích
Cách đây rất lâu, tôi có xem một bộ phim tên là Adam. Nhân vật chính Adam là một chàng trai tự kỷ mắc chứng Asperger - hay còn gọi là hội chứng thiên tài. Anh sống một mình trong một căn hộ nhỏ.
Anh ấy mang đến cảm giác khiến người ta muốn bảo vệ, luôn ngây thơ, chân thành, có tài hoa, nhiều hiểu biết giống như một cuốn bách khoa toàn thư nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể phân biệt được dao động cảm xúc từ những thay đổi trong biểu tình khuôn mặt của người đối diện.
Anh ấy thường đến xem gấu mèo ở Công viên Trung tâm. Anh ấy nói: Chúng không thuộc về nơi đây, nhưng chúng vẫn ở đây, giống như anh ấy vậy.
Có thể nói, Adam là hình chiếu cực đoan của một vài cá nhân trong thế giới thực. Anh ta ấy ít nói, trầm tính, dùng sự im lặng để tạo ra một vỏ bọc và thu mình vào đó. Nhưng rồi sự xuất hiện của cô gái hàng xóm Beth như ánh nắng xua đi màn đêm. Beth sưởi ấm cho chú gấu mèo nhỏ, đồng thời cũng mang đến tình yêu và lòng dũng cảm cho Adam.
Cái kết của bộ phim gửi đến mọi người một thông điệp ấm áp: Ánh nắng do người khác mang đến chỉ là tạm thời, gấu mèo nhỏ nên tự mình ra khỏi hang để cảm nhận được những tia nắng trải đều trên bộ lông của mình.
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy hoang mang và phiền não vì không tìm được mục tiêu trong cuộc sống, tuy nhiên điều này chỉ là tạm thời. Sự hoang mang của bạn bắt nguồn từ việc bạn chưa nắm bắt được thời điểm thích hợp.
Nhưng cuộc sống mà, có những thứ bạn buộc phải đối mặt. Bởi vì tất cả chúng ta đều sống trong một xã hội vật chất, người ta phải hy sinh thứ gì đó để đổi lấy tiền nếu muốn tồn tại. Và hy sinh thời gian - thứ mà tất cả chúng ta đều sở hữu với vốn liếng ngang bằng sẽ là thứ giao dịch với chi phí thấp nhất.
Vì vậy, đi làm để kiếm tiền đã trở thành một quy ước trong xã hội này. Ý nghĩa đằng sau nó là: nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải đi làm.
Về phần tại sao có hiện tượng "ngồi xổm", là do nhiều người không tin vào cái gọi là "ổn định", không tin rằng chỉ dựa vào nỗ lực siêng năng lâu dài là mình có thể đạt được thành công cũng như bước nhảy vọt về đẳng cấp. Về bản chất, không phải công việc giờ khó kiếm hơn mà là ngày càng có nhiều người nghĩ rằng mình có thể tìm được việc tốt. Điều này cũng dẫn đến tình trạng "thế hệ ngồi xổm" ngày càng đông đúc.
Điều tôi muốn nói với bạn ở đây là có thể bạn vẫn đang "ngồi xổm" ở nhà, có thể bạn vẫn chưa tìm được công việc ưng ý nhưng chỉ cần bạn sẵn sàng thay đổi thì tất cả sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, một điều chúng ta phải hiểu là: Đi làm là làm cho người khác, và làm việc là làm cho chính mình. Bạn có thể không cần bán mạng làm việc nhưng bạn phải sống cho những điều mà bạn yêu thích. Bởi được làm công việc mà mình yêu thích là niềm hạnh phúc và thỏa mãn tuyệt vời nhất trên đời này.
Pháp luật và bạn đọc