Chuyện thi sĩ Bùi Giáng 'khóc người một con'

Tiểu Vũ03/12/2021 10:30
Chuyện thi sĩ Bùi Giáng 'khóc người một con'

Bùi Giáng là một hiện tượng thơ ca đặc biệt của Việt Nam. Trong di sản văn chương ông để lại cho hậu thế có những bài thơ, câu thơ lạ lùng, gợi lên nhiều suy nghĩ.

"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"

Đọc câu thơ trên, rất nhiều người nghĩ rằng đây là một "hiện tượng lạ", đôi mắt của ai đó đang làm hai việc khác nhau. Một con mắt thì khóc và con mắt còn lại không biết đang làm gì? Thật ra ý thơ của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng không phải vậy. Câu thơ này ông đã khóc cho người phụ nữ đã có một đứa con mà ông gọi là "người một con".

"Người một con" trong câu thơ của cụ Bùi Giáng cụ thể là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa năm (1955-1956) - bà Công Thị Nghĩa, tức hoa hậu Thu Trang. Bà Nghĩa yêu một ông đạo diễn có tên là T.N.H và có con với ông. Thế nhưng sau đó bà biết này ông này đã có vợ con nhưng giấu và lừa dối bà. Buồn chán, bà Thu Trang mang con sang Pháp sinh sống.

Khi bà Nghĩa rời Sài Gòn, thi sĩ Bùi Giáng nhớ bà đến điên dại và vẫn âm thầm với mối tình vô vọng. Thương cảm cho thân phận long đong của bà, ông đã khóc cho người phụ nữ có một đứa con mà ông gọi là "người một con" và khóc cho cuộc tình này bằng đầy đủ hai con mắt, bằng cảm xúc đong đầy trong tâm hồn đa cảm của người thi sĩ. Chất xúc tác tình cảm đó đã kết tinh thành những câu thơ đẹp lộng lẫy nhưng cũng buồn đến ứa lệ.

bui-giang-trong.jpg
Thi sĩ Bùi Giáng qua nét vẽ của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Thơ Bùi Giáng được xem là hiện tượng dị thường khác biệt của nền thi ca Việt Nam. Ông viết thơ bằng một phong cách độc đáo. Chữ nghĩa được ông "đùa giỡn" như kiểu cầm lên đặt xuống vung vẩy một cách huyền ảo và cùng ông sắp đặt chúng lại xiêu lệch chênh nhau nhưng hay đến không ngờ.

Đặc biệt là những câu lục bát đầy ngẫu hứng phá cách về chữ nghĩa vần điệu như: "Dã man là cái giai nhân/Thuyền quyên mọi rợ tưởng gần tưởng xa", "Người điên cái bóng cũng điên/Người khùng cái mộng an khiên cũng khùng"...

bui-giang-duong-2.jpg
Đường Bùi Giáng tại TP. Đà Nẵng - Ảnh: Bảo Ngọc

Tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2016 đã có một con đường mang tên Bùi Giáng. Đường thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Mỗi khi đi qua con đường này, những người yêu thơ Bùi Giáng có thể sẽ chợt nhớ đến những câu thơ trong bài Tình thứ nhất của ông:

Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
Hồn tan vỡ song đôi trong hơi thở
Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu...

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lớn lên, ông lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng ngụ cư tại Sài Gòn và mất tại đây vào năm 1988, hưởng thọ 71 tuổi. Đọc thơ của Bùi Giáng ta thấy luôn thấp thoáng hình bóng quê nhà cố quận trong đó:

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.

Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh.

Anh đi về đô hội,
Ngắm phố thị mơ màng.
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang...

Điều ngạc nhiên là Quảng Nam chính là nơi sinh ra thi sĩ họ Bùi, tác phẩm của ông cũng vang danh trên văn đàn Việt Nam... Thế nhưng ở xứ Quảng hiện nay chưa có tên đường hoặc bất cứ công trình văn hóa nào để ghi nhớ tưởng niệm ông.

Vào khoảng năm 2015 nhiều tổ chức cá nhân đã xin chính quyền đặt tên đường Bùi Giáng cho một con đường nội tỉnh nào đó nhưng bất thành vì không được chính quyền địa phương đồng ý.

Năm 2017, Làng nghệ thuật Gia Hòa (quận 9, TP.HCM), dự kiến lấy đường số 9 đặt tên là Bùi Giáng nhưng sau đó không được thông qua và cuối cùng được thay bằng Nguyễn Đình Thi.

Mắt buồn
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)


Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
(Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội Nhà văn, 1993

Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024