Chạy đến vạch đích mà không thấy hạnh phúc, có lẽ bạn đã bỏ lỡ nó trên đường rồi

04/04/2021 08:00
Chạy đến vạch đích mà không thấy hạnh phúc, có lẽ bạn đã bỏ lỡ nó trên đường rồi

Hóa ra những giá trị tốt đẹp nhất cuộc đời này lại không nằm ở phía cuối con đường.

Hồi mới 20, 30 tuổi, tôi thường nghĩ hạnh phúc là giải thưởng ở cuối vạch đích. Chúng ta chẳng bao giờ quan tâm tới hành trình trừ khi có thứ gì đặc biệt đang đợi mình phía cuối con đường. Một khi đã đạt được, niềm vui sẽ chỉ còn là thoáng qua.

Nghề đầu tiên tôi làm sau khi tốt nghiệp chính là một ví dụ. Tôi làm việc 12 tiếng/ngày với mức lương 26.000 USD (khá thấp trong thập niên 90). Đổi lại, họ hứa sẽ thường xuyên thăng chức cho tôi.

Lần đầu tiên là vào 5 tháng sau đó, với mức lương tăng thêm 1.000 USD. Tôi đã hoan hỉ suốt 3 ngày. Thế rồi cảm giác rầu rĩ lại quay trở về, tạo thành một vòng lặp tiếp diễn.

Hạnh phúc không phải giải thưởng ở vạch đích. Nó hiện diện ngay trong chính cuộc hành trình, dù điều gì đang chờ bạn phía cuối con đường. Hiểu ra được điều này, tôi đã thay đổi tư duy của mình theo 7 chiều hướng tích cực hơn.

1. Vứt bỏ ý nghĩ về "hạnh phúc có điều kiện"

Khi được thăng chức, được thưởng một món quà vật chất, hay hoàn thành một phần mơ ước, bạn sẽ trải qua cảm giác hưng phấn tột độ. Tôi từng nghĩ mọi thứ nằm giữa những khoảnh khắc ấy là bước đệm, là cái giá chúng ta phải trả để đổi lấy một khoảnh khắc hạnh phúc.

Đó là tư duy "hạnh phúc có điều kiện". Bạn chỉ cho phép bản thân hài lòng khi đạt được một kết quả cụ thể nào đó. Dường như bạn chẳng còn lạ gì với những suy nghĩ dưới đây:

"Nếu được thăng chức, tôi sẽ hạnh phúc."

"Nếu mua được chiếc BMW ấy, tôi sẽ hài lòng."

"Nếu có bạn gái, tôi sẽ vui vẻ."

Nếu không thể tìm thấy hạnh phúc trên hành trình mình chọn, bạn cũng sẽ chẳng thể có nó ở phía cuối con đường. Vì thế, hãy tìm niềm vui ngay trong chính cuộc hành trình của mình; còn nếu nó vẫn cố tình lẩn tránh, có lẽ bạn đã đi sai đường rồi.

 Mệt nhoài gần nửa đời người, tôi mới biết mình hiểu sai về cuộc sống: Chạy đến vạch đích mà không thấy hạnh phúc, có lẽ bạn đã bỏ lỡ nó trên đường rồi  - Ảnh 1.

2. Cưỡng lại sự ám ảnh về địa vị

Một đồng nghiệp trẻ từng bảo tôi rằng anh ta đã bỏ qua lời đề nghị từ một công ty có mức lương cao hơn để làm cho công ty chúng tôi bởi chức vụ ở đây cao hơn.

Tôi nghĩ anh ta thật ngốc, nhưng nếu là 10 năm trước, có lẽ tôi cũng sẽ đưa ra lựa chọn như vậy. Tham vọng về địa vị có thể ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của chúng ta, từ vật chất cho đến tình bạn, tình yêu và sự nghiệp.

Dù trưởng thành hay tự trọng đến đâu, bạn cũng không thể hoàn toàn miễn nhiễm trước tham vọng ấy. Nhận thức là lớp phòng thủ tốt nhất mà bạn có trước những cám dỗ về địa vị. Vì thế, hãy cẩn thận mỗi khi phải đưa ra quyết định quan trọng.

3. Đừng cố gắng tô vẽ hình ảnh cho bản thân

Thời còn trẻ, tôi bị ám ảnh với việc phải tỏ ra ngầu. Tôi ăn mặc và hành động như đám trẻ nổi loạn, rồi bắt chước những người lớn sành điệu, cố gắng để gia nhập các hội nhóm nổi tiếng.

Tuy nhiên, hình ảnh mà tôi tạo ra lại khác với cách người ta nhìn nhận về tôi. Tôi chẳng bao giờ tin vào những điều họ nói hay chia sẻ cùng mối quan tâm với họ.

Phải đến năm 40 tuổi, tôi mới nhận ra sự thật. Hình ảnh không phải thứ ảo tưởng bạn tạo ra để đem khoe với cả thế giới. Nó là câu chuyện mà người khác tạo ra cho bạn.

Họ sẽ tạo ra câu chuyện đó dựa trên cách bạn sống cuộc đời mình, cách bạn đối xử với người khác, thứ mà bạn tin tưởng, đam mê mà bạn theo đuổi, lòng tốt mà bạn cho đi, hành động mà bạn thực hiện.

Chỉ khi là chính mình, bạn mới thật sự thoải mái, thay vì cố gồng mình trong vai diễn mà bạn nghĩ sẽ làm người khác ngưỡng mộ.

 Mệt nhoài gần nửa đời người, tôi mới biết mình hiểu sai về cuộc sống: Chạy đến vạch đích mà không thấy hạnh phúc, có lẽ bạn đã bỏ lỡ nó trên đường rồi  - Ảnh 2.

4. Đừng ám ảnh với những gì người khác nghĩ về bạn

Tôi vẫn để ý cách người khác nhìn nhận mình, nhưng không còn để nỗi sợ bị phán xét ngăn cản mình làm những điều khiến mình vui. Đó là thử thách lớn nhất trong cuộc đời mà tôi đã vượt qua sau rất nhiều năm cố gắng từng bước một.

Bản năng sẽ mách bảo bạn tránh xa những người không thích hay bất đồng ý kiến với mình, nhưng thật ra họ chính là những người thầy tuyệt vời nhất. Mỗi quả bóng độc hại họ ném sẽ giúp tấm khiên của bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

Hãy học cách đối thoại với những người gây khó dễ cho mình và cảm ơn những người ghét bỏ mình. Một lời cảm ơn đơn giản đi kèm với thái độ khinh thường hoàn toàn sẽ khiến cho những kẻ phán xét phải câm lặng mà không khiến bạn đánh mất tính chính trực của mình. Đó là lời đáp trả quyền năng nhất đối với những lời phán xét từ người khác.

Đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ chế ngự được con quái vật mang tên "chối bỏ, đánh giá và chỉ trích" trong lòng mình. Quá trình đó không dễ dàng, nhưng buộc bạn phải vượt qua, bởi một khi đã vượt qua, bạn sẽ tự do hơn bao giờ hết.

5. Đừng đợi sự chấp thuận từ người khác, vì nó sẽ không bao giờ đến

Khao khát được chấp nhận luôn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cuối thập niên 90, tôi quay trở lại trường để lấy một chiếc bằng mình không cần tới.

Tôi muốn cầm trên tay tờ giấy A4 đó để trấn an bản thân rằng công việc mình chọn là đúng đắn. Nó sẽ chứng minh tôi không phải kẻ lừa đảo. Cuối cùng, tôi bỏ ngang chương trình MBA đó, bởi nó đã ngăn cản tôi đi tìm những cơ hội việc làm tốt hơn.

Tôi đã ngừng chờ đợi sự chấp thuận từ người khác khi bắt đầu nghiệp viết sau 20 năm tạm nghỉ.

Còn bao nhiêu cây bút, doanh nhân, hay nghệ sĩ ngoài kia đang ngồi chờ người khác nói với mình rằng "Không sao đâu, cứ làm đi"?

Đừng chờ đợi sự chấp thuận của người khác, mà hãy cho phép bản thân làm điều mình muốn làm. Chỉ khi biến điều đó thành hiện thực, bạn mới được giải phóng hoàn toàn.

 Mệt nhoài gần nửa đời người, tôi mới biết mình hiểu sai về cuộc sống: Chạy đến vạch đích mà không thấy hạnh phúc, có lẽ bạn đã bỏ lỡ nó trên đường rồi  - Ảnh 3.

6. Coi thành quả công việc như một di sản

Vài năm trước, tôi từng nghe diễn giả kiêm doanh nhân nổi tiếng Seth Godin trả lời phỏng vấn. Khi đang bàn về sự sáng tạo, ông có hỏi một câu: "Liệu khách hàng hay lãnh đạo có nhớ bạn khi bạn đi không?".

Vào thời điểm đó, sẽ chẳng ai nhớ tôi cả. Ngày nay thì tôi không rõ. Tuy nhiên, câu hỏi đó đã thay đổi cách tôi nhìn nhận về công việc. Thay vì tạo ra một thứ gì đó chỉ vì tiền, tôi bắt đầu tiếp sản phẩm của mình từ một góc độ khác.

Liệu tôi có thể sáng tạo nên một thứ gì đó còn mãi với thời gian?

Không ai trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó, nhưng ghi nhớ điều đó trong đầu mỗi ngày sẽ giúp bạn sống và lao động có mục đích. Chỉ khi tìm thấy mục đích cho cuộc đời, bạn mới có thể hạnh phúc được.

7. Các mối quan hệ giống như khoai tây chiên

Khi khoai ngon, chúng ta ăn ngấu nghiến. Khi khoai dở, chúng ta vẫn cứ ăn, bởi vì đã là khoai tây chiên thì chúng ta không thể nào cưỡng lại.

Tôi từng bỏ bê các mối quan hệ trong nhiều năm liền, khiến chúng ngày một phai nhạt. Tôi nghĩ chỉ cần vợ con ở bên là đủ, còn những người khác chỉ tạo thêm phiền toái. Sự cô độc dường như đã biến thành một lối sống cao cấp.

Thế rồi vài tháng trước đây, tôi bước sang tuổi 48. Món quà duy nhất tôi mong mỏi lại là những mối quan hệ đã mất ấy, kể cả những mối quan hệ bất ổn. Giống như khoai tây chiên, tôi không thể nào kháng cự được cảm giác thèm muốn có bạn bè để sẻ chia.

Kể từ đó, tôi luôn trân trọng các mối quan hệ, nhưng cố gắng tập trung hơn vào những mối quan hệ lành mạnh và vui vẻ.

Bài chia sẻ của Barry Davret - cây bút chuyên viết cho Medium và Business Insider về chủ đề lối sống, hiệu suất và sáng tạo. thường xuyên

(Theo Medium)

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 12/11/2024