Trong chiến dịch vận động tranh cử Mỹ, mỗi một ngày là một cuộc đua khác nhau. Tôi vẫn đang tìm cách thu xếp để có được chút gì đó bình thường và ổn định trong cuộc sống, không phải chỉ cho hai đứa con mà còn cho tôi nữa.
Tôi mang theo hai chiếc điện thoại BlackBerry - một cho công việc, một cho đời sống cá nhân và các bổn phận chính trị, mà giờ đây, theo cách này hay cách khác, đã gắn chặt vào nhau.
Những cuộc gọi hàng ngày của Barack dường như ngắn lại và chỉ cập nhật tin tức: Em đang ở đâu? Mọi chuyện thế nào? Hai đứa nhỏ sao rồi?
Chúng tôi giờ đây có vẻ đã quen với việc không nói về sự mệt mỏi hay về những nhu cầu cá nhân.
Chuyện đó không cần thiết, vì dù sao chúng tôi cũng không thể quan tâm đến chúng được. Cuộc sống giờ đây chỉ xoay quanh kim đồng hồ.
Trong công việc, tôi nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định, đôi khi tôi sẽ liên hệ với nhân viên của mình ở bệnh viện để kiểm tra tình hình khi đang ngồi trên băng ghế sau của chiếc Toyota Corolla thuộc về một sinh viên khoa nhân học kiêm tình nguyện viên của cuộc vận động tranh cử ở Iowa, hay từ một góc yên tĩnh của nhà hàng Burger King ở Plymouth, New Hampshire.
Được sự ủng hộ của đồng nghiệp, nhiều tháng sau khi Barack công bố tranh cử ở Springfield, tôi quyết định quay trở lại làm việc bán thời gian vì biết đó là cách duy nhất có thể duy trì mọi thứ.
Vì thường xuyên đồng hành với nhau khoảng hai hoặc ba ngày một tuần, Melissa, Katie và tôi đã trở thành một gia đình làm việc hiệu quả, gặp nhau ở sân bay vào buổi sáng và tất bật đi qua cổng an ninh, nơi mọi nhân viên bảo vệ đều đã biết tên tôi.
Giờ đây, tôi thường được nhận ra hơn, chủ yếu bởi những phụ nữ người Mỹ gốc Phi - họ sẽ lên tiếng gọi “Michelle! Michelle!”, khi tôi đi ngang qua họ để ra cổng.
Vợ chồng ông Obama. Nguồn: Spotify. |
Có điều gì đó đang thay đổi, nhưng nó diễn ra chậm đến mức rất khó nhận ra. Đôi khi, tôi cảm thấy mình đang trôi trong một vũ trụ lạ kỳ khi vẫy tay với những người hoàn toàn xa lạ nhưng lại tỏ ra như thể quen biết tôi hoặc khi bước lên những chiếc máy bay mang tôi ra khỏi cuộc sống bình thường của mình.
Tôi bắt đầu được mọi người biết tới, với tư cách là vợ của một người có tiếng và với tư cách là một người tham gia vào chính trị, một chuyện khiến mọi sự càng thêm kỳ lạ.
Tôi nhận ra việc chào hỏi những dòng người ủng hộ trong các sự kiện đã trở nên giống với việc cố gắng đứng thẳng giữa cơn bão, khi những người lạ mặt đầy thiện ý và nhiệt tình với tay ra để bắt lấy tay tôi và vuốt tóc tôi, rồi những người tìm cách chìa bút ghi âm, máy quay và đẩy cả con cái của họ vào tôi để chụp hình mà không hề báo trước.
Tôi cười, bắt tay và lắng nghe các câu chuyện, trong lúc vẫn cố bước tiếp. Cuối cùng, tôi, với son môi người khác trên má và dấu tay trên áo choàng, vẫn đi tiếp, xộc xệch như thể vừa băng qua một đường hầm lộng gió.
Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về chuyện này, nhưng tôi thầm lo rằng khi người ta càng lúc càng biết đến tôi trong vai trò vợ của Barack thì những phần khác trong tôi đang dần biến mất.
Khi tôi nói chuyện với phóng viên, họ ít khi hỏi về công việc của tôi. Họ chèn dòng “tốt nghiệp Harvard” vào mô tả dành cho tôi, nhưng thường chỉ dừng ở đó.
Một vài tờ báo đã cho đăng các câu chuyện xoay quanh nghi vấn rằng tôi được thăng chức ở bệnh viện chẳng phải do năng lực mà do vị thế chính trị ngày càng lên cao của chồng tôi - một điều đã khiến tôi đau lòng biết bao khi đọc được.
Vào một ngày tháng tư, Melissa gọi cho tôi để nói về một bài xã luận cạnh khóe do Maureen Dowd của tờ New York Times viết. Trong bài báo, cô gọi tôi là “Công chúa vùng Nam Chicago”, cho rằng tôi đang khiến hình ảnh Barack xấu đi khi nói trước công chúng rằng anh ấy không chịu cất lọ bơ vào tủ lạnh sau khi đã ăn xong hoặc không tự nhặt vớ của mình.
Với tôi, việc người khác nhìn nhận Barack như một con người bình thường chứ chẳng phải đấng cứu thế là cực kỳ quan trọng. Maureen Dowd hẳn đã hài lòng hơn nếu tôi trưng ra nụ cười như tạc và cái nhìn ngưỡng mộ đối với chồng mình.
Tôi thấy thật kỳ lạ và buồn bã khi một bài phê bình nặng nề như thế lại đến từ một phụ nữ khác, người cũng đang đi làm, người thậm chí chẳng buồn tìm hiểu tôi nhưng lại cố nhào nặn câu chuyện của tôi một cách cay độc.
Tôi cố gắng không để những thứ ấy làm phiền lòng, nhưng đôi khi chuyện đó rất khó.