Cách chúng ta nói chuyện với con cái về việc sử dụng thiết bị công nghệ có thể có tác động rất lớn đến khả năng trở thành một người lớn thông minh và toàn diện của chúng. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay sẽ nhận thấy mình hay lặp lại những câu lệnh tương tự với con trẻ, với hầu hết các tuyên bố chỉ tập trung vào thời gian sử dụng thiết bị. Nhưng, những tuyên bố đó không phải lúc nào cũng giải thích đúng thông điệp mà chúng ta muốn.
Dưới đây là bốn câu lệnh về thời gian sử dụng thiết bị phổ biến mà chúng ta không nên sử dụng, cùng với các ví dụ về những gì cần nói để thay thế.
"Con đang nghiện điện thoại rồi đấy"
Câu nói này có thể là phổ biến nhất, nhưng đó là một thông điệp khó hiểu đối với một đứa trẻ.
Trong hầu hết các trường hợp, bản thân thiết bị không gây nghiện mà là một ứng dụng hoặc trang web cụ thể, khi được sử dụng liên tục, có thể tạo ra sự mất cân bằng hoặc thậm chí gây nghiện.
Để điều chỉnh lại tuyên bố này, các bậc phụ huynh hãy nêu rõ mối quan tâm thực sự là gì. Có phải vấn đề là con bạn không tham gia các hoạt động thể chất mà bạn cho là quan trọng không?Nếu vậy, thay vì thông báo rằng bạn không thích thú với lượng thời gian mà chúng dành cho thiết bị, hãy kiềm chế và đưa ra một lý do thuyết phục để chúng làm việc khác.
Ví dụ: "Có vẻ như hôm nay con chưa tập thể dục gì nhỉ?", hay "Bố/mẹ nhận thấy rằng con đã không dành bất kỳ thời gian nào cho gia đình kể từ khi con đi học về". Hãy làm điều đó từng chút một để con cái có thể cân bằng thời gian sử dụng các thiết bị điện tử trong ngày.
"Con đã chơi trò chơi đó quá lâu"
Tuyên bố này cũng tập trung vào lượng thời gian con bạn dành cho một hoạt động kỹ thuật số duy nhất. Và nó có vấn đề, bởi vì nó không giải quyết những gì đang sai với hoạt động này.
Trẻ con thậm chí có thể nhận thấy rằng nếu chúng đang xem một bộ phim - cũng trên màn hình - trong cùng thời lượng là 2 giờ, có thể bạn sẽ không nói gì cả. Vậy, quy tắc cân bằng ở đây yêu cầu cha mẹ phải đánh giá chất lượng của trò chơi. Nếu bạn cảm thấy trò chơi có ít giá trị hơn các hoạt động kỹ thuật số khác, hãy loại bỏ điều đó.
Ví dụ: "Có vẻ như trò chơi này đang thu hút sự chú ý của con nhiều hơn mức đáng có, với thực tế là nó chủ yếu dựa trên sự lặp lại và may mắn".
Tuyên bố như trên có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện với con cái về giá trị của các ứng dụng khác nhau đang được cài đặt trên thiết bị, và liệu các ứng dụng này có mang lại lợi ích tốt hơn cho thời gian mà lũ trẻ đã đầu tư hay không. Cha mẹ cũng có thể hỏi những điều như: "Con muốn làm những hoạt động nào khác với thời gian sử dụng điện thoại ngày hôm nay không?"
"Đừng ngồi trên máy tính cả ngày nữa"
Đây là một thông báo đặc biệt khó hiểu, nếu bạn gợi ý cho chúng một hoạt động thay thế là đọc sách.
Bởi việc ngồi cả ngày đọc sách thậm chí còn ít vận động hơn so với sử dụng thiết bị. Tất nhiên, đọc sách có vẻ rõ ràng tốt hơn là ngồi cắm mặt vào smartphone hay máy tính cả ngày. Nhưng vấn đề là lý do được đưa ra, "đừng ngồi một chỗ nữa", không có ý nghĩa gì đối với một đứa trẻ được yêu cầu một hoạt động thay thế khác cũng liên quan đến việc ngồi nhiều như vậy.
Ngoài ra, hoàn toàn có khả năng con bạn đang đọc sách hoặc tài liệu nào đó trên thiết bị của chúng ngay từ đầu. Mục tiêu ở đây là bạn phải làm rõ, và càng cụ thể càng tốt, về lý do bạn cho rằng các hoạt động trong ngày của con cái đang mất cân bằng.
Ví dụ, nếu bạn muốn chúng đọc sách, bạn hãy thảo luận với con cái về tầm quan trọng của việc đảm bảo có thời gian đọc và thời gian chơi một cách cân đối. Còn nếu mối quan tâm là nhu cầu hoạt động thể chất, thì hãy cùng con tìm thời điểm thích hợp để đi xe đạp hoặc chạy bộ.
"Con cần phải tương tác với người thực"
Nói với một đứa trẻ "hãy bỏ điện thoại xuống để dành thời gian cho mọi người" là một câu nói không có ý nghĩa gì đối với những đứa trẻ đang tương tác với nhiều người qua điện thoại hơn là khi họ không cầm điện thoại.
Một trong những lợi thế chính khi tham gia vào thế giới ảo là nó cho phép chúng ta tương tác với nhiều người hơn chúng ta có thể trong thế giới thực. Một lần nữa, các bậc cha mẹ trước tiên phải tự hỏi mình điều gì gây ra sự mất cân bằng.
Ví dụ: "Gia đình/ bố mẹ cũng muốn có cơ hội được con dành thời gian cho mình", hay "Thật tốt khi con có một vài tương tác trực tiếp với bạn bè của mình."
Cả hai ví dụ trên đều có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện với con cái về sự cân bằng giữa việc tương tác với bạn bè và gia đình trực tiếp, so với các tương tác ảo trên mạng. Và điều này rất quan trọng để phát triển các kỹ năng tương tác xã hội lành mạnh cho con cái.
Những chia sẻ trên là của Richard Culatta, tác giả cuốn sách "Kỹ thuật số vì điều tốt đẹp: Nuôi dạy trẻ phát triển mạnh mẽ trong thế giới trực tuyến". Ông cũng là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quốc tế về Công nghệ trong Giáo dục (ISTE), một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ các nhà lãnh đạo giáo dục ở 127 quốc gia. Trước khi gia nhập ISTE, Richard đã được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm lãnh đạo Văn phòng Công nghệ Giáo dục của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Tham khảo CNBC
Nhịp sống Việt