Trần Thị NgH tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng, bà là một nhà giáo, nhà văn. Chạm ngõ văn chương từ năm 18 tuổi, bà được công chúng yêu văn chương ở miền Nam biết đến qua hàng loạt truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn nghệ nổi tiếng trước năm 1975 ở Sài Gòn như Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn... Truyện của Trần Thị NgH không những gây chú ý cho giới văn nghệ đương thời mà còn thu hút sự quan tâm của công chúng. Những truyện ngắn của bà được tập hợp lại thành một tuyển tập tên Những ngày rất thong thả, do Trí Đăng in năm 1975, nhưng sách của bà chưa kịp đến tay bạn đọc do thời cuộc có nhiều thay đổi.
Chân dung nhà văn Trần Thị NgH
Sau 20 năm vắng bóng trên văn đàn, Trần Thị NgH “tái xuất giang hồ” với Tập truyện ngắn Trần Thị NgH do NXB Văn Nghệ, California, Mỹ ấn hành năm 1999. Và sau đó, những tác phẩm văn chương của bà xuất hiện trên văn đàn hải ngoại như Lạc đạn và 10 truyện ngắn, NXB Thời Mới, Canada, 2000; Nhăn rúm, NXB La Frémillerie, Paris, Pháp, 2012…
Vào năm 2012, sau 50 năm gắn bó với văn chương, lần đầu Trần Thị NgH mới có cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình với độc giả trên cả nước qua tập truyện ngắn Nhà có cửa khóa trái (NXB Hội Nhà Văn liên kết Phương Nam Books xuất bản và phát hành).
Ngoài viết văn, Trần Thị NgH còn dạy ngoại ngữ và thỉnh thoảng làm thông dịch viên
7 năm trôi qua, lần thứ hai Trần Thị NgH trở lại với công chúng trong nước qua tập truyện ngắn Ác tính (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Domino Books phát hành quý 2 năm 2019).
Đọc Ác tính, chúng ta dễ dàng chạm vào một Sài Gòn, một miền Nam thời hậu chiến với những chuyến bay hồi hương, ly biệt, đoàn tụ. “Thời cuộc làm cho nhiều gia đình chẳng những ly tán mà còn tán gia bại sản, từ phú nông miệt vườn nháy mắt đã biến thành bần dân đô thị. Trí giả đến mấy cũng nằm trong số đó. Người hùng của tôi bây giờ chỉ còn là một kẻ bất đắc chí, ngồi chờ chết. Trong tư thế đó ông có thể vòng tay quanh gối, ngủ hàng giờ, vững bàn thạch không thua gì cư sĩ ngồi kiết già”.
Trần Thị NgH không rên la, kêu gào thống thiết trên vết thương hậu chiến đó, bà rất bình tĩnh, đôi khi còn thể hiện thái độ lạnh lùng đến dửng dưng. “Trần Thị NgH dùng lối viết trung tính (écriture neutre) của thời đại mình đang sống. Tức là bút pháp lạnh lùng, không cho tình cảm nhuộm hồng, nhuộm xanh bầu trời, mà tác giả trải qua tình huống lõa thể trong tư thế nguyên khai để phơi bày sự thật”, nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê nhận xét.
Yếu tố hiện sinh mà Trần Thị NgH đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào những năm của thập niên 1960 ở miền Nam trước đây, và bây giờ dường như nó vẫn tiếp tục ngồn ngộn trên những trang viết của bà. Mỗi một nhân vật văn học của bà bước ra luôn thể hiện sự ngang tàng, sự tự do của “con người cá nhân”, chẳng cần điển hình, chẳng giáo điều, chính trị hay tôn giáo, mà cứ say mê theo cách riêng của họ.
Tập truyện ngắn Ác tính do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Domino Books phát hành quý 2 năm 2019
Nổi bật ở những nhân vật nữ là tính chất nữ quyền, tự do, tính dục. Nhân vật của Trần Thị NgH dù ở nông thôn hay thành thị, cho dù họ là giáo viên, nghệ sĩ, nội trợ,… đều có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, hiện đại, đô thị. Từ những sự quan sát tinh tế, trực cảm từ những điều nhỏ nhặt đã làm nên một Trần Thị NgH hấp dẫn bạn đọc không phải ở cốt truyện hấp dẫn, những chuyện tình cảm ly kỳ, mà có khi là tiếng cười giễu cợt, cay đắng.
“Là một trong những nhà văn có tư chất độc đáo, những vấn đề chị đưa ra thường trầm trọng, nhưng luôn luôn được viết bằng giọng văn gần như vô cảm. Làm cho cái tàn nhẫn càng tàn nhẫn thêm, cái thương tâm càng thương tâm hơn, cái cô đơn càng cô đơn hơn. Những nhân vật của Trần Thị Ngh như những xác người đang cố sống nốt một đoạn thời gian chờ giờ khâm liệm”, đó là những nhận xét về văn của Trần Thị NgH của nhà bình Thụy Khuê.
Hiện nhà văn Trần Thị NgH đang sống tại Paris nhưng bà vẫn đi lại thường xuyên về Sài Gòn để tìm cảm hứng sáng tác. Trong dịp Ác tính được xuất bản tại Việt Nam, Trần Thị NgH cũng có cuộc giao lưu nhỏ với báo giới và văn hữu Sài Gòn vào sáng ngày 27.4 tại TP.HCM.
Tiểu Vũ